Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


TUẦN BA

Tuần Ba là Tuần dành riêng cho việc chiêm ngưỡng Ðức Kitô trong cuộc Tuẫn nạn của Ngài. Ở Tuần này không có nhiều điều phải nói như ở Tuần Hai: Sách Linh thao chỉ giới thiệu hai bài chiêm niệm đầu tiên với ít nhiều chi tiết, tiếp đến là đề tài các bài chiêm niệm khác, và sau cùng là những quy tắc liên quan đến vấn đề ăn uống.

I. CÁC BÀI CHIÊM NIỆM

1. Bài chiêm niệm thứ nhất (s. 190-199)

Trong Tuần Ba, bài chiêm niệm thứ nhất được trình bày kỹ hơn cả, bởi lẽ nó là bài mẫu cho các bài chiêm niệm khác trong Tuần.

Phần nhập đề

Mào đầu một: Sử tích. - Sử tích ở đây gồm ba biến cố hoặc ba cảnh, ba "mầu nhiệm":

Như vậy nội dung của bài chiêm niệm này rất rộng lớn. Nhưng ở cuối bài tập của ngày thứ bảy, có chú thích rằng, trong mỗi bài tập, người tĩnh tâm có thể chiêm niệm một phần và dành phần còn lại cho lần chiêm niệm khác, chẳng hạn bài tập thứ nhất có thể chia thành ba bài chiêm niệm tương ứng với ba biến cố nói trên (s. 209,1-2).

Mào đầu hai: cấu tạo nơi chốn. - Hình dung con đường từ Bêthania đến Giêrusalem ; hình dung nơi diễn ra bữa tiệc biệt ly.

Mào đầu ba: ơn xin. - "Xin điều tôi muốn. Ở đây sẽ là sự đau đớn, hối tiếc và hổ thẹn, bởi lẽ chính vì những tội của tôi mà Chúa đi vào cuộc Tuẫn nạn." Lời xin này bao gồm sự nhận thức của người tĩnh tâm về mối liên hệ giữa các tội của mình và việc Chúa đi chịu chết, như thánh Phaolô cũng đã viết: "Ngài đã bị trao nộp vì các lỗi lầm của chúng ta" (Rm 4,23), và ở chỗ khác ông nêu thêm tình yêu là động cơ khiến Chúa chịu chết: "Ngài đã yêu tôi và nộp mình vì tôi" (Gl 2,20). Sự nhận ra mối liên hệ trên, xét theo luận lý, phải dĩ nhiên đưa tới tâm tình đạo đức là đau đớn, hối tiếc, hổ thẹn. Nhưng đó là xét theo luận lý, còn trong thực tế và trên bình diện siêu nhiên, tâm tình đạo đức này phải là do Chúa ban cho. Vì thế người tĩnh tâm cầu xin. Hối tiếc nói ở đây là buồn phiền vì hành vi tội của mình và vì hậu quả nó gây ra (Chúa phải đi chịu chết), vì thế sự hối tiếc này xác định thêm nội dung của sự đau đớn; hổ thẹn vì thấy mình, do các tội đã phạm, như là kẻ đẩy Chúa vào cuộc Tuẫn nạn hoặc như là kẻ chịu trách nhiệm về cuộc Tuẫn nạn. Cũng nên nhắc đến câu của thánh Phaolô về tính cách hiện tại của cái chết của Chúa khi ông nói đến những kẻ tái sa ngã: "Họ tự tay đóng đanh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài" (Dt 6,6).

Phần chiêm niệm

Trong Tuần Hai, như đã thấy, mỗi bài chiêm niệm Phúc âm gồm ba điểm tương ứng với ba việc xem, nghe, nhìn. Ở Tuần Ba này, mỗi bài chiêm niệm Phúc âm, ngoài ba điểm đó, còn có thêm ba điểm khác, tổng cộng là sáu điểm. Ba điểm đầu gồm việc xem các nhân vật, nghe các nhân vật nói, nhìn các nhân vật hành động; các nhân vật đây là Ðức Kitô và cả những người khác, ví dụ Phêrô, Gioan, Giuđa, v.v, và tất cả những người này được nhìn trong quan hệ với Ðức Kitô. Nhưng ở ba điểm sau, người tĩnh tâm như gạt hết các nhân vật khác sang một bên để, trong khi vẫn chiêm ngưỡng Ðức Kitô, họ suy gẫm về Ngài theo thứ tự dưới đây.

Ðiểm một (tức điểm bốn trong bài tập): suy xét - bản văn dùng từ suy xét, considerar - về điều Ðức Kitô chịu hay muốn chịu nơi nhân tính của Ngài, và "ở đây bắt đầu với nhiều sức lực và tôi cố gắng đau đớn, buồn sầu và khóc lóc; cũng làm như vậy trong các điểm khác tiếp theo". Vậy trong khi ở ba điểm chiêm niệm đầu, bài chiêm niệm chỉ khuyên hãy suy nghĩ để rút lấy ích lợi thiêng liêng nào đó, thì từ điểm chiêm niệm bốn trở đi, (tức điểm một đang nói ở đây) bài chiêm niệm nói rõ điều có ý tìm là tâm tình đạo đức như vừa được xác định; và tâm tình này có cùng một chiều hướng với ơn xin đã được nêu ra ở mào đầu ba. Nói rằng, "bắt đầu với nhiều sức lực và tôi cố gắng đau đớn, buồn sầu...", điều này hiểu là người tĩnh tâm, về phía mình, hãy hết sức dùng các phương thế thuộc quyền hạn của mình để đặt mình trong tư thế có thể đau đớn, buồn sầu, v.v, bởi vì sự đau đớn hay buồn sầu chính là điều họ xin ở mào đầu ba, tức chúng tùy thuộc ở Thiên Chúa chứ không tùy thuộc ở họ. Lại nữa, có được sự đau đớn, buồn sầu và nước mắt khi suy ngắm cuộc Tuẫn nạn của Chúa, đó là được sự yên ủi thiêng liêng, như sách Linh thao viết ở một chỗ khác về sự yên ủi rằng "cũng thế, khi linh hồn chảy nước mắt kích thích lòng mến Chúa của mình, hoặc do đau đớn vì những tội của mình hay vì sự Tuẫn nạn của Ðức Kitô Chúa chúng ta, hoặc do tất cả những sự khác hướng thẳng đến việc phụng sự và tán dương Ngài" (s. 316,3). Sự yên ủi là ơn ban không của Thiên Chúa, nên người tĩnh tâm cầu xin chứ không thể nặn ép ra nó được (xem s.193; 203; 48).

Bản văn chỉ nói trống là "đau đớn, buồn sầu và khóc lóc". Vậy có thể hiểu là người tĩnh tâm, đúng với ý của mào đầu ba về ơn xin, đau buồn về việc Chúa chịu cuộc Tuẫn nạn vì các tội của mình. Cũng nên nhắc lại câu trích dẫn: sự cố gắng để có được tâm tình này còn kéo dài sang những điểm suy ngắm tiếp theo.

Ðiểm hai: Suy xét về việc thần tính của Ðức Kitô tự ẩn đi và Ngài phải chịu đau khổ cực điểm nơi nhân tính của Ngài. Như chúng ta đều biết, từ khi nhập thể, Chúa che giấu bản tính thần linh của Chúa đi, tuy trong một số trường hợp Chúa cũng biểu lộ nó ví dụ qua các phép lạ, cách riêng qua việc Chúa đổi dạng trên núi (Mt 17,1-8). Nhưng riêng ở Tuần Ba, các bài chiêm niệm thêm hẳn một điểm suy ngắm về sự kiện Chúa tự ý che giấu thần tính của Chúa đi, và điều này tương phản với điểm chiêm niệm của Tuần Bốn là sự kiện Chúa biểu lộ thần tính trong cuộc Phục sinh. Bản văn giải thích: "Suy xét xem thần tính tự ẩn đi như thế nào, nghĩa là thần tính có thể tiêu diệt các kẻ thù như thế nào mà không làm, và thần tính để cho nhân tính rất thánh phải rất đau khổ như thế nào." Câu này khiến chúng ta nhớ lại lời Chúa nói: "Không ai lấy mạng sống của tôi đi được, nhưng chính tôi tự ý bỏ nó; tôi có quyền bỏ nó" (Ga 10,18), và Chúa đã giải thích cho môn đệ Phêrô khi ông này chém đứt tai người đầy tớ của thầy thượng tế ở trong vườn Ghétsemani: "Anh tưởng rằng Thầy không thể xin Cha Thầy gửi ngay đến cho Thầy trên mười hai đạo binh thiên quốc sao?" (Mt 26,53). Nói thần tính của Chúa tự ẩn đi, là có ý nói Chúa, với tư cách là Chúa, vẫn có mặt, Ngài chỉ không biểu lộ quyền năng của Ngài ra thôi. Nhưng câu "thần tính Chúa tự ẩn đi" cũng nhắc chúng ta đừng quên rằng về mặt nhân tính, Chúa là người như mọi người chúng ta, tức là, cũng như mọi người chúng ta, Chúa biết vui, biết buồn, Chúa cũng cảm thấy đói khát, đau khổ, v.v. Vì thế trong cuộc Tuẫn nạn Chúa thật sự buồn bã lo âu khi ở trong vườn Ghétsemani, Chúa thực sự cảm thấy nhục nhã vì bị sỉ vả lăng mạ, Chúa thực sự quằn quại dưới những ngọn roi tàn nhẫn của lý hình, Chúa thực sự đau đớn vì bị đóng đanh treo trên thập giá, v.v. Ðây là lúc chúng ta nên nhấn mạnh cách riêng đến chân lý và sự kiện Chúa là người cách trọn vẹn, về sinh lý cũng như về tâm lý.

Ðiểm ba: suy xét về việc Chúa chịu các nỗi đau khổ vì những tội của tôi, v.v, và về điều tôi phải làm và chịu cho Ngài. Như vậy, trong việc chiêm niệm về cuộc Tuẫn nạn của Chúa, người tĩnh tâm không chỉ có ý đi tìm những tình cảm đạo đức như đã nêu ra ở điểm một trên kia; họ không lấy làm đủ nếu chỉ dừng lại ở chúng; họ muốn đi xa hơn nữa là tiến tới hành động mà chúng có thể là động lực thúc đẩy. Ở đây họ nhìn vào mối quan hệ trực tiếp của cuộc Tuẫn nạn của Chúa với những tội của họ, điều đã được nêu ra ở mào đầu ba; và từ chỗ nhìn vào mối quan hệ ấy, họ suy nghĩ về mối quan hệ mà họ phải có đối với Chúa để đáp lại. Mối quan hệ phải có này được thể hiện bằng những việc hay những điều mà họ làm hay chịu cho Chúa. Có thể dễ dàng hiểu rằng làm và chịu cho Chúa, cốt ở đi con đường thập giá của Chúa; và, dựa vào những bài suy ngắm ở Tuần Hai, đi con đường thập giá của Chúa không phải chỉ vì lý do đền đáp, mà còn vì lý do phụng sự Chúa, noi gương Chúa, nên giống Chúa là Ðấng mà người tĩnh tâm ước ao được hiệp nhất với vì lòng yêu mến (xem Kiểu khiêm nhường thứ ba, s. 167). Nói cách tổng quát hơn, cuộc đời của kẻ đi theo Chúa, phụng sự Chúa và lấy Chúa làm gương mẫu, phải là cuộc đời tham dự cuộc Tuẫn nạn của Chúa.

Phần tâm sự

Về phần tâm sự, bản văn chỉ nói một cách tổng quát rằng "kết thúc bằng một cuộc tâm sự với Ðức Kitô Chúa chúng ta, và sau cùng bằng một kinh Lạy Cha". Tiếp theo là một chú thích về việc tâm sự, nhưng chú thích này chủ yếu là nhắc lại điều nên làm trong phần tâm sự nói chung của các Tuần về việc xin ơn, tức người tĩnh tâm tùy theo tình trạng tâm hồn của mình mà xin những điều mình muốn, và họ có thể chỉ tâm sự với Ðức Kitô hoặc lần lượt với Ðức Mẹ, Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Cha.

2. Bài chiêm niệm hai (s. 200-203)

Về bài chiêm niệm hai, sách Linh thao chỉ ghi nhan đề là "Từ bữa tiệc biệt ly cho đến hết lúc ở trong vườn" và giới thiệu phần nhập đề. Nói là từ bữa tiệc biệt ly, nhưng thực ra là từ liền sau bữa tiệc này, như thấy rõ ở mào đầu một về sử tích. Ở phần nhập đề, mào đầu một về sử tích và mào đầu hai về cấu tạo nơi chốn không có gì cần xét tới; ở đây chỉ nói đến mào đầu ba về ơn xin.

Ở bài tập hai này, mào đầu ba thay vì nói là Chúa đi vào cuộc Tuẫn nạn như ở bài tập một, nói là Chúa chịu đau khổ bên trong và bên ngoài. Ðúng vậy, khi Chúa ở trong vườn Ghetsêmani, Chúa đã phải phiền muộn đến chết đi được. Ơn xin ở đây: "Ðau đớn với Ðức Kitô đau đớn, phiền muộn với Ðức Kitô phiền muộn, chảy nước mắt, đau khổ bên trong vì Chúa chịu đau khổ dường ấy cho tôi." Ơn xin này gồm hai phần. Phần một là "đau đớn với Ðức Kitô đau đớn, phiền muộn với Ðức Kitô phiền muộn, chảy nước mắt". Ðây là xin sự hiệp thông với Ðức Kitô bằng niềm thông cảm, bằng sự chia sẻ nỗi đau khổ phiền não của Ngài. Nhân dịp nói đến cuộc Tuẫn nạn, bài tập một về tội thuộc Tuần Nhất cũng đã viết tương tự "Xin được buồn phiền, chảy nước mắt và đau khổ với Ðức Kitô đau khổ." (s. 48,3). Phần hai của ơn xin là "sự đau khổ bên trong vì Chúa chịu đau khổ dường ấy cho tôi".

Nếu so sánh, chúng ta thấy có sự khác nhau giữa mào đầu này và mào đầu ba của bài tập một. Thứ nhất, bài tập một xin sự đau đớn, hối tiếc và hổ thẹn; bài tập hai không nói đến xin hối tiếc và hổ thẹn. Thứ hai, bài tập một xin đau đớn bởi vì do tội của mình mà Ðức Kitô đi vào cuộc Tuẫn nạn; bài tập hai xin đau đớn với Ðức Kitô đau đớn, tức ở đây người tĩnh tâm nhìn thẳng vào Ðức Kitô và lấy sự nghĩ đến nỗi đau khổ của Ngài làm chính, trong khi ở bài tập một họ lấy bản thân làm trọng tâm của suy nghĩ. Thứ ba, thay vì nói như ở bài tập một rằng Chúa chịu khổ "vì tội của tôi", ở mào đầu ba của bài tập hai này họ nói trống rằng Chúa chịu đau khổ "cho tôi" (hoặc "vì tôi"). Cụm từ "vì những tội của tôi" chỉ nghĩa rằng tội vừa là cái khiến Chúa phải chịu cuộc Tuẫn nạn vừa là cái được tẩy xóa do cuộc Tuẫn nạn này của Chúa; còn hai từ cho tôi, mở tầm nhìn rộng ra để bao gồm toàn thể hiệu quả mà cái chết của Chúa đem lại cho con người. Ðó là ơn công chính hóa mà nhờ đó con người không những được tha tội, mà còn được tái tạo thành con người mới, và do đó con người có được tương quan mới với Thiên Chúa: được làm con cái Ngài, được sống thân mật với Ngài, được đón nhận Thần khí của Ðức Kitô, được trở nên em Ðức Kitô, làm kẻ thừa tự của Thiên Chúa và kẻ đồng thừa tự với Ðức Kitô, v.v. (xem Gl 4,5-7 ; Rm 8,15-17). Vậy sự kiện tội được tha, xét riêng một mình nó, không nhất thiết bao hàm sự kiện được nhận lại tình thân ái với Thiên Chúa. Trong dụ ngôn trong Phúc âm về tình phụ tử (hoặc về đứa con được tìm thấy lại), đứa con hoang đàng khi hối lỗi, chỉ cầu mong lúc trở về nhà được cha xếp vào hạng người làm công. Nhưng cách xử sự của người cha đã vượt xa ước nguyện của nó là không những người cha tha thứ cho nó, mà còn phục hồi địa vị con cho nó để nó được sống trong tình thân ái cha con (Lc 15,11 tt).

Vậy từ bài chiêm niệm thứ hai trở đi, tâm tình sầu khổ của người tĩnh tâm mở rộng để bao gồm cả hai khía cạnh: một đàng họ nhìn thẳng vào sự kiện Chúa chịu đau khổ để đau khổ với Chúa, đàng khác họ hướng vào bản thân và nhìn mình trong tương quan với Chúa để suy gẫm về việc Chúa chịu đau khổ vì tội của mình, và, nói cách chung hơn, cho mình. Ơn xin ở mào đầu này mới là ơn xin chính của Tuần, sánh với ơn xin ở mào đầu ba của bài tập một, vì bản văn ghi rõ rằng đó là "điều thuộc riêng về những lời xin trong cuộc Tuẫn nạn" (s. 203).

Nếu so sánh những ơn xin ở hai mào đầu của hai bài tập một và hai này với những ơn xin ở hai mào đầu của hai bài tập một và hai về tội thuộc Tuần Nhất (s. 48,4 ; 55,4), chúng ta nhận thấy có sự khá giống nhau trong việc tuần tự đưa ra các ơn xin, và điều này cho phép chúng ta có cảm tưởng rằng ơn xin ở mào đầu của bài tập một của cả hai Tuần là bước đầu để từ đó tiến sang bước hai ở mào đầu của bài tập tiếp theo, chúng ta hãy so sánh:

Bài tập một

Bài tập hai

Cả hai bài tập một của hai Tuần đều xin sự hổ thẹn, và cả hai bài tập hai của hai Tuần bỏ qua sự hổ thẹn để xin sự đau đớn.

Tuần hai xin được cái biết bên trong về Chúa để yêu mến Chúa, đi theo Chúa hơn, noi gương Chúa hơn (s. 104; 109,2). Tuần Ba đổi sang ơn xin mới: xin đau đớn, hối tiếc, hổ thẹn; xin đau đớn với Ðức Kitô đau đớn, phiền muộn với Ðức Kitô phiền muộn, v.v. Vậy không nói tới việc đi theo Chúa và noi gương Chúa như ở Tuần Hai, điều đó không có nghĩa là hai việc này bị chấm dứt. Vì thế đây cũng là dịp nhớ lại rằng bài Vương quốc mở ra hướng đi không phải chỉ cho riêng Tuần Hai mà thôi. Nhìn thấy Chúa chịu đau khổ trong cuộc Tuẫn nạn, người tĩnh tâm hiểu rõ hơn nữa, để dùng lại những từ trong bài Vương quốc, thế nào là "phải bằng lòng ăn như ta, và uống và mặc cũng thế" (s. 93,2) để đi theo và noi gương Vua vĩnh cửu. Nhưng khác với Tuần Hai ở đó người tĩnh tâm, qua việc chiêm ngưỡng Chúa, quyết tâm đi theo và noi gương Chúa trong bậc sống hay lối sống mà họ lựa chọn, ở Tuần Ba này họ không chỉ chiêm ngưỡng Chúa như một Ðấng đang ở trước mặt hay ở bên cạnh, mà họ còn chiêm ngưỡng trong sự hiệp thông với Chúa bằng sự thông cảm với Chúa đang chịu đau khổ phiền muộn. Ở đây người tĩnh tâm nhận mình là kẻ có tội: "Ðức Kitô chịu chết vì tội tôi", nhưng, bằng sự hiệp thông với Chúa đau khổ, họ trở nên giống như người "trộm lành" thống hối, và nhất là họ đặt mình vào trong nhóm những người thân yêu của Chúa đang đứng cạnh Thánh giá, là Ðức Maria, thánh Gioan tông đồ và mấy người phụ nữ khác, tương phản với những khách bàng quan và nhất là những kẻ thù địch đang vây quanh Chúa và lấy làm thỏa mãn về cái chết của Chúa. Ngoài ra, người tĩnh tâm còn nghĩ đến điều họ phải "làm và chịu cho Ngài" (s. 197). Sự làm và chịu này, ngoài ý nghĩa đi theo và noi gương Chúa như ở Tuần Hai, còn mang ý nghĩa đền đáp vì biết ơn.

3. Các đề tài chiêm niệm

Không như Tuần Hai chỉ chọn trong Phúc âm một số "mầu nhiệm", Tuần Ba lấy toàn thể cuộc Tuẫn nạn trong Phúc âm làm đề tài chiêm niệm.

Mỗi ngày có hai đề tài dành cho hai lần chiêm niệm kế tiếp nhau, rồi đến hai bài lặp lại và một bài áp dụng ngũ quan. Tổng cộng là năm bài tập. Nhưng sách Linh thao nói rõ rằng đó là nếu tuổi, sức khoẻ và tính khí cho phép; nếu không, có thể bớt (s. 205).

Có một điều thuộc riêng Tuần này, là việc chiêm niệm tổng quát vào ngày cuối Tuần, ở đây là tổng quát về cuộc Tuẫn nạn của Chúa. Sách Linh thao còn nói rõ: trong ngày cuối này không có bài lặp lại và bài áp dụng ngũ quan và, thay vào đó, suốt ngày, bao nhiêu lần có thể, suy xét xem "xác rất thánh của Ðức Kitô Chúa chúng ta phải tách lìa linh hồn như thế nào, được mai táng ở đâu và như thế nào" và, không những thế, còn "suy xét về nỗi cô đơn của Ðức Bà đang ở trong cảnh đau đớn mệt mỏi biết bao; rồi đàng khác, về nỗi cô đơn của các môn đệ" (s. 208,9-11).

Sau cùng là một chú thích liên quan đến sự kéo dài hay rút vắn Tuần này. Trong trường hợp kéo dài, một đề tài chiêm niệm được giới thiệu trong sách Linh thao có thể chia ra thành nhiều đề tài dành cho những bài tập khác nhau; rồi, sau khi đã chiêm niệm hết cuộc Tuần nạn, dành trọn một ngày cho một nửa cuộc Tuẫn nạn, trọn một ngày cho nửa sau, và sau cùng trọn một ngày cho toàn thể cuộc Tuẫn nạn. Trong trường hợp muốn rút vắn Tuần này, người tĩnh tâm sẽ, trong một ngày, lần lượt chiêm niệm về Bữa tiệc biệt ly, Chúa ở trong vườn Cây dầu, Chúa ở nhà Anna, Chúa ở nhà Caipha, Chúa ở nhà Philatô, tất cả là năm bài, không có bài lặp lại và bài áp dụng ngũ quan. Những ngày tiếp theo cũng thế, tức mỗi ngày với năm bài khác nhau; sau cùng, để kết thúc, họ có thể chiêm niệm tổng quát về toàn thể cuộc Tuẫn nạn trong một hay nhiều bài tập (s. 209,3-6).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page