Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


PHỤ THÊM:
Ðức Kitô khiêm nhường

1. Ðức Kitô khiêm nhường

Bài Hai lá cờ hiệu nói đến sự khiêm nhường, và riêng phần tâm sự nói đến chịu sỉ nhục để theo gương Ðức Kitô. Vậy xin ghi ra đây mấy nét sơ lược về hình ảnh Ngài xét như gương mẫu về phương diện này.

Về việc Chúa khước từ danh vọng, ngay sự kiện Ngài giáng sinh cũng đã là một gợi ý, như thánh Phaolô nói: "Ngài đã tự hư vô hóa, nhận lấy hình hài tôi đòi, trở nên giống người ta" (Pl 2,7). Khi bắt đầu đi vào cuộc đời hoạt động công khai, như Phúc âm cho biết, Ngài đã hòa mình vào như để tự đồng hóa với những kẻ tội lỗi để xuống sông Giođan nhận nghi thức thanh tẩy từ tay ông Gioan tẩy giả (Mt 3,13-17). Ngài làm nhiều phép lạ vì lợi ích của người ta, như chữa lành các bệnh tật, khiến bánh hóa nhiều, v.v., nhưng Ngài từ chối khoe khoang quyền thế khi Xatan cám dỗ Ngài làm cho đá trở thành bánh hoặc nhảy từ nóc đền thờ xuống đất (4,3-7). Ngài cũng bị Xatan lấy danh vọng làm mồi cám dỗ Ngài, nhưng Ngài nói: "Hỡi Xatan hãy cút đi!" (4,10). Trong phạm vi quan hệ với người ta, có lần Ngài bảo các môn đệ đừng đuổi trẻ nhỏ đi, nhưng hãy để chúng lại với Ngài (19,14) - những trẻ nhỏ là những kẻ không có địa vị gì trong xã hội ngoài địa vị thấp kém của một đứa trẻ nhỏ. Ngài là "bạn hữu của những người thu thuế và những kẻ tội lỗi" (11,19) mà xã hội khinh bỉ. Ngài lẩn tránh khi biết dân chúng muốn tôn Ngài làm vua (Ga 6,15). Khi vào thành Giêrusalem cách trọng thể được dân chúng đón rước, Ngài "khiêm tốn cỡi trên một con lừa" (Mt 21,5). Trong bữa ăn tối sau cùng với các môn đệ, Ngài quỳ xuống rửa chân họ (Ga 13,4-5).

Về sự chịu sỉ nhục, Chúa bị người ta chê là kẻ phàm ăn và nghiện ngập (Mt 11,19), là kẻ mê hoặc quần chúng (Ga 7,12), là kẻ bị quỷ nhập (10, 20). Thân nhân của Ngài cho Ngài là kẻ mất trí (Mc 3,21). Cách riêng trong cuộc Tuẫn nạn, Ngài bị lăng mạ, bị vu cáo, chịu nhạo báng, chịu đòn, và sau cùng chịu chết nhục nhã trên thập giá như một tên tử tội, bên cạnh hai tên trộm cướp. Thánh Phaolô đã viết về Ngài: "Ngài đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi chịu chết, chết trên thập giá" (Pl 2,8).

Hình ảnh một Ðức Kitô khiêm nhường! Ở đây chúng ta không bảo rằng Ngài chọn cảnh nghèo, tránh danh giá, vui chịu sỉ nhục để được khiêm nhường, nhưng là sự khiêm nhường của Ngài biểu lộ qua những ứng xử và lối sống đó.

2. Bài Vương quốc và bài hai lá cờ hiệu

Sống cảnh nghèo hiện thực và chịu sỉ nhục là chủ đề chung cho cả bài Vương quốc và bài Hai lá cờ hiệu, và cả hai bài đều coi đó là cách phụng sự và noi gương Ðức Kitô (s. 98; 139,2; 147,2-3). Nhưng không kể sự giống nhau này, mỗi bài có hướng đi riêng dưới đây.

Thứ nhất, điều khác nhau nổi bật giữa hai bài là hình ảnh ông vua công giáo trong bài Vương quốc và hình ảnh tướng quỷ Luxiphe trong bài Hai lá cờ hiệu. Bài Vương quốc dùng hình ảnh ông vua tốt lành đạo hạnh để gợi ý về Vua vĩnh cửu là Ðức Kitô, còn ở bài Hai lá cờ hiệu thì Luxiphe được nêu ra như là tên đối đầu với Ðức Kitô, nó lập mưu bày kế chụp bắt người ta và tìm cách không để người ta đi theo Ngài.

Thứ hai, ở bài Vương quốc, Ðức Kitô là vị Vua, vị Vua đang kêu gọi mọi người cộng tác vào sứ mệnh của mình là chinh phục toàn thể thế giới. Ở bài Hai lá cờ hiệu, Ðức Kitô là vị thủ lĩnh tối cao, chỉ huy cuộc chiến đấu chống lại tướng quỷ Luxiphe và bộ hạ của nó nhằm giúp người ta quy tụ dưới cờ của Ngài thay vì bị sa vào tay Luxiphe.

Thứ ba, ở bài Vương quốc, chính người tĩnh tâm bày tỏ nguyện vọng và quyết tâm chọn không chỉ sự nghèo khó tinh thần mà thôi, mà cả sự nghèo khó hiện thực và sự chịu sỉ nhục. Ðộng cơ chính của nguyện vọng và quyết tâm này là sự "muốn nhiệt tình và nổi bật hơn trong mọi việc phụng sự Vua vĩnh cửu của mình và Chúa muôn vật" (s. 97,1); việc họ muốn noi gương Chúa để sống nghèo và chịu sỉ nhục (s. 98,3) mang rõ tính cách tông đồ. Ở bài Hai lá cờ hiệu, chính Ðức Kitô kêu gọi người ta quy tụ dưới ngọn cờ của Ngài, và chính Ngài cho biết sự nghèo khó tinh thần, sự nghèo khó hiện thực và sự chịu sỉ nhục là những điều kiện hoặc cần thiết hoặc tốt hơn để được đón nhận dưới cờ của Ngài; mào đầu ba coi sự giữ những điều kiện đó mang ý nghĩa noi gương Ðức Kitô (s. 139,2) để nên giống Ngài.

Thứ bốn, ở bài Vương quốc, người tĩnh tâm chỉ mới bày tỏ cùng Ðức Kitô nguyện vọng và quyết tâm sống nghèo khó và chịu sỉ nhục. Ở bài Hai lá cờ hiệu, họ xin cùng Ðức Chúa Cha ban cho nguyện vọng và quyết tâm này được trở thành hiện thực, sau khi họ đã lần lượt xin qua các trung gian là Ðức Maria và Ðức Kitô. Sự cầu xin ở đây là một bước tiến xa hơn trong sự dấn thân. Hơn nữa, trong khi ở bài Vương quốc họ chỉ mới bày tỏ cùng Ðức Kitô nguyện vọng và quyết tâm của mình, thì ở bài Hai lá cờ hiệu họ còn kéo Ðức Maria, Ðức Kitô và chính Thiên Chúa Cha vào trong liên hệ với nguyện vọng và quyết tâm đó khi họ xin cho nguyện vọng và quyết tâm đó được trở thành hiện thực. Thứ năm, bài Vương quốc nói ước ao và quyết tâm noi gương Ðức Kitô chịu sỉ nhục (và sống nghèo khó) để phụng sự (và tán dương) Ngài hơn; bài Hai lá cờ hiệu (ở phần tâm sự) nói noi gương Chúa hơn bằng việc chịu sỉ nhục. Như vậy có sự khác nhau về điểm nhấn mạnh: một đàng nhấn mạnh vào phụng sự (để phụng sự hơn), một đàng nhấn mạnh vào noi gương (và bỏ qua ý niệm phụng sự). Ðể thấy rõ, chúng ta hãy đọc hai câu đối chiếu nhau:

Thứ sáu và sau cùng, bài Vương quốc nói đến sự nghèo khó và chịu sỉ nhục, nhưng không xét đến mối liên hệ của chúng với sự khiêm nhường, và cũng không nói gì đến sự khiêm nhường. Ðợi đến bài Hai lá cờ hiệu sự khiêm nhường mới được nêu ra và được đề cao như là gốc rễ của các đức, mà sự nghèo khó và chịu sỉ nhục là hai bậc thang dẫn tới nó; và việc chọn sống nghèo khó và chịu sỉ nhục để đạt tới sự khiêm nhường được coi là điều thuộc giáo lý thánh của Ðức Kitô.

Tóm lại, sự chọn cảnh nghèo khó hiện thực và chịu sỉ nhục, không được trình bày đầy đủ trong một bài suy ngắm nào, nhưng được trải ra dưới những góc độ khác nhau hoặc dưới những nét nhấn mạnh khác nhau trong hai bài Vương quốc và Hai lá cờ hiệu, và không chỉ ở hai bài này, mà, như sẽ thấy, còn ở trong bài Ba hạng người (s. 149-157) và bài suy tư về Ba kiểu khiêm nhường (s. 165-168) là hai bài tiếp theo sau bài Hai lá cờ hiệu. Rõ ràng điều này thuộc về sư phạm của sách Linh thao.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page