Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


PHỤ THÊM
Bài Vương Quốc theo Phúc Âm

1. Bài Vương Quốc theo Phúc Âm

Tước hiệu và chức vị của Chúa Giêsu

Bài tự ngôn của Phúc âm theo thánh Gioan viết: Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Ðấng tạo thành mọi loài mọi vật, là Ánh sáng, là Con Một của Ðức Chúa Cha (Ga 1,1tt). Trong dịp đến truyền tin cho Ðức Maria, thiên thần Gabriel cho biết Chúa Giêsu là Con của Ðấng Tối Cao, là người thừa kế ngai vàng vua Ðavít để cai trị nhà Giacóp, là Ðấng Thánh và là Con của Thiên Chúa (Lc 1,32-33.35). Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, mà thiên thần bảo thánh Giuse hãy đặt cho tên gọi là Giêsu, vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội (Mt 1,21). Trong đêm Ngài giáng sinh, thiên thần báo tin cho các mục tử rằng Ngài là Ðấng Cứu độ, là Ðức Kitô (Lc 2,11). Khi chịu phép rửa ở sông Giođan, Ngài được Ðức Chúa Cha xác nhận là người Con yêu dấu (Mt 3,17); Ngài cũng được xác nhận như thế trong dịp Ngài đổi dạng trên núi trước mặt ba môn đệ (17,5). Về phần Ngài, chính Ngài đã khẳng định Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 10,36) hoặc tự xưng là Con loài người (Mt 11,19). Thánh Gioan Tẩy giả gọi Ngài là Con chiên của Thiên Chúa (Ga 1,36). Các môn đệ của Ngài, sau khi chứng kiến Ngài đi trên mặt nước, đã thưa: "Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa" (Mt 14,33). Thánh Phêrô thay mặt các môn đệ để tuyên xưng: "Thầy là Ðức Kitô, Con của Thiên Chúa hằng sống" (16.16). Dân chúng xưng tụng Ngài là Vua Israel (Ga 12,13) hoặc là Con vua Ðavít (Mt 9,27; 15,22; 20,30-31; 21, 9.15; xem Lc 3,23).

Chúa Giêsu quảng đại và nhân hậu

Chúa đã làm nhiều phép lạ để giúp đỡ người ta, ví dụ phép lạ khiến cho nước lã hóa thành rượu ngon để duy trì sự hoan lạc trong tiệc cưới ở Cana (Ga 2,1 tt), phép lạ tăng bánh khiến cho đám dân chúng đông đảo đi theo Chúa được ăn no và còn dư mười hai thúng (Mt 14,20-21). Phúc âm theo thánh Mátthêu viết: Chúa thương xót dân chúng đi theo Ngài, và Ngài chữa lành những người bệnh tật (14,14). Ngài thương họ vì họ bị bơ phờ vất vả như chiên không người chăn dắt (9,36). Ngài không kết án người đàn bà phạm tội ngoại tình (Ga 8,11), v.v. Ở đây chúng ta chưa nói đến cái chết cứu chuộc của Ngài trên thập giá.

Chúa Giêsu kêu gọi

Với chức vị nói trên và với tấm lòng quảng đại, nhân hậu, Chúa kêu gọi người ta hãy đi theo Chúa: "Hãy theo tôi" (Mt 4,19); Chúa nói: "Ai muốn phụng sự Thầy thì hãy đi theo Thầy" (Ga 12,26). Cũng nên ghi thêm lời Ðức Chúa Cha phán trong dịp Chúa đổi dạng trên núi: "Hãy nghe lời Ngài" (Mt 17,5).

Ðiều kiện để đi theo Chúa Giêsu

Ðể đi theo Chúa, phải vác thập giá: "Kẻ nào muốn đến theo Thầy, thì từ bỏ mình và vác thập giá mình, và hãy đi theo Thầy" (Mt 16,24); "Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng đáng với Thầy" (10,38); "Hãy đi theo Tôi và để kẻ chết chôn kẻ chết" (8,22).

Về việc giữ sự thanh bần, Chúa nói với một luật sĩ muốn đi theo Chúa: "Con chồn có hang và chim trời có tổ; Con loài người thì không có chỗ tựa đầu" (Mt 8,20). Chúa trả lời cho một thanh niên giàu có nọ: "Anh hãy đi, bán cái anh có, đem cho người nghèo, và anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi anh hãy đến theo Tôi" (19,21).

Về sự chịu lăng mạ và chịu ô nhục, Chúa đã báo trước cho các môn đệ về cuộc Tuẫn nạn của Chúa: "Con loài người sẽ bị nộp cho dân ngoại đạo, bị xỉ vả, nhạo cười, khạc nhổ, bị đánh đòn, rồi đem đi giết" (Lc 18,32). Chúa cũng cho biết điều sẽ xảy đến cho các môn đệ: "họ sẽ nộp anh em cho những tòa công nghị và đánh đòn anh em giữa hội đường" (Mt 10,17); chịu đòn ở đây không chỉ là chịu sự đau đớn thể xác mà còn là chịu sự sỉ nhục, như sách Công vụ các Tông đồ kể rằng, sau khi bị tòa công nghị phạt như thế, các Tông đồ "vui mừng hớn hở thấy mình đáng chịu nhục vì danh Chúa" (Cv 5,41).

Thành quả thu lượm được của kẻ đi theo Chúa

Chúa trả lời cho Phêrô: "Khi Con loài người ngự trên tòa vinh hiển thì anh em, những kẻ đi theo Thầy, cũng sẽ ngự trên mười hai tòa để xét xử mười hai chi tộc Israel. Hễ ai bỏ cửa nhà, anh chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được lãnh nhiều gấp bội và hưởng sự sống muôn đời" (Mt 19,28-29). Ở chỗ khác Chúa nói: "Ai muốn phụng sự Thầy thì hãy đi theo Thầy, và Thầy ở đâu thì kẻ phụng sự Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Thầy thì Cha Thầy sẽ quí trọng họ" (Ga 12,26).

2. Vấn đề thích nghi bài Vương quốc

Có lẽ có những người không thích dụ ngôn về ông vua thế tục ở bài Vương quốc. Vậy thích hay không thích, điều đó tùy ở mỗi người. Nhưng không nên quên rằng đây là một hình thức diễn đạt mang tính cách gợi ý; có những dụ ngôn hay hư cấu mang nội dung phong phú không kém, và có khi còn phong phú hơn, những bài diễn văn hay bài tường thuật lịch sử. Ðó là chưa nói rằng chúng có hương vị riêng của chúng.

Có những người khác vì sợ rằng hình thức dụ ngôn hoặc hư cấu về ông vua thế tục không phù hợp với tâm tính thời nay, nên họ nghĩ đến việc chuyển đổi nó sang một hình thức diễn đạt khác. Vậy ít là trên bình diện lý thuyết, điều này có thể được. Tuy nhiên, cũng trên bình diện lý thuyết, thiết tưởng phải công nhận sự kiện này là, cũng như việc dịch một bản gốc sang một tiếng nước khác, cho dù là dịch hết sức trung thành, vẫn khó có thể diễn được đầy đủ các ý, các hình ảnh gợi ý, các sắc thái của các từ trong bản gốc; cũng thế, việc chuyển phần dụ ngôn của bài Vương quốc sang hình thức diễn đạt khác, khó tránh khỏi được những khuyết điểm tương tự. Cũng không nên quên sự kiện là: những truyện cổ tích và những huyền thoại của các dân tộc, và cả những dụ ngôn trong Phúc âm, vẫn được trình bày y nguyên cho những người thời nay, mà không gặp phải trở ngại gì đáng kể về mặt tiếp thu của người đọc hoặc nghe. Vì thế điều này cũng có thể đúng cho phần dụ ngôn của bài Vương quốc, cho dù, một cách chặt chẽ, nó không thể được xếp vào cùng loại với các cổ tích, và, nhất là về mặt thế giá, nó không thể ví với các dụ ngôn trong Phúc âm.

Những điều nói trên đây cũng áp dụng cho Bài hai lá cờ hiệu.

Nói rộng hơn, sách Linh thao, cũng giống như một cuốn sách nào khác, nó mang dấu ấn của một thời đại và của một nền văn hóa nhất định. Nhưng sách Linh thao không phải là một cuốn dạy giáo lý hay một giáo trình tu đức mà người ta thấy cần thích nghi - ở đây chỉ nói về thích nghi hình thức diễn đạt - cho hợp với ngày hôm nay, và còn phải thích nghi mãi cho hợp với đà biến chuyển mỗi ngày mỗi thêm mau lẹ của xã hội và của văn hóa. Sách Linh thao có bản sắc của nó, vì nó là một tác phẩm, một sáng tác hay một khám phá của một tác giả mà người ta biết rõ thân thế. Ðối với người làm Linh thao là người có đủ khả năng trí tuệ tiếp nhận nó xét như nó là một tín điệp, chắc để giải mã nó họ không cần hoặc không đòi nó phải được khoác một y phục diễn đạt mới!

3. Mấy từ gần gũi nhau về nội dung

Dưới đây là mấy từ Tây-ban-nha trong bản Thủ bút dịch sang tiếng Việt; cũng ghi thêm từ la-tinh trong bản dịch của Roothaan và từ Pháp trong bản dịch của Giuliani.

Bài Vương quốc nói đến chịu sỉ nhục và chê trách. Vậy từ chê trách chỉ xuất hiện ở đây, trong khi từ sỉ nhục còn được gặp lại trong bài Giáng sinh và bài Hai lá cờ hiệu. Trong bài Giáng sinh, từ sỉ nhục đi đôi với từ lăng mạ (s. 116,2). Trong bài Hai lá cờ hiệu, từ sỉ nhục đi đôi với từ nhục nhã (s. 147,3), cũng riêng ở bài này có từ khinh bỉ (s. 146,4). Bài Ba kiểu khiêm nhường không dùng từ sỉ nhục nhưng dùng từ nhục nhã của bài Hai là cờ hiệu (s. 167,3).

Nghĩa của mấy từ trên đây rất gần gũi nhau; chắc mỗi nghĩa có sắc thái riêng, nhưng không phải tất cả các từ đều có đường viền rõ nét. Thiết tưởng có thể nói một cách tổng quát rằng các từ đó cùng diễn đạt một ý tưởng chính là sự đánh giá quá thấp có hại đến danh dự hay uy tín của một người.

4. Bài Vương quốc nhìn dưới góc độ truyền đạt

Sự truyền đạt gồm có nguồn phát tín điệp, nội dung tín điệp, người nhận tín điệp, người này sẽ giải mã tín điệp và có phản ứng đối với tín điệp đã được họ giải mã. Ở đây chúng ta nhìn phần suy gẫm của bài Vương quốc dưới góc độ truyền đạt này.

Phần nhỏ một

Người phát tín điệp: ông vua

Ông vua được mô tả bằng vài nét sơ lược nhưng thiết yếu liên quan đến địa vị và tư cách của ông.

Hai nét này sẽ cho thấy sức nặng hoặc tầm quan trọng và giá trị của tín điệp ông phát đi.

Nội dung tín điệp

Nội dung tín điệp gồm có:

Người nhận tín điệp

Người nhận tín điệp là tất cả những kẻ "thuộc về ông".

Phản ứng đối với tín điệp

Bản văn không nói đến phản ứng của người nhận tín điệp. Nhưng tất cả những điều đã trình bày trở thành tín điệp gởi cho người tĩnh tâm. Vậy đây là phản ứng của họ.

Phần nhỏ hai

Phần nhỏ một dẫn nhập vào phần nhỏ hai; ở đây hình ảnh ông vua trên kia được áp dụng theo kiểu loại suy cho Ðức Kitô là Vua vĩnh cửu.

Người phát tín điệp: Ðức Kitô

Ðức Kitô là Chúa chúng ta, là Vua vĩnh cửu. Những danh xưng và tước hiệu này chỉ địa vị cao cả của vị phát tín điệp.

Nội dung tín điệp

Nội dung tín điệp gồm thông báo ý muốn, thông báo điều phải làm, thông báo thành quả sẽ gặt hái được.

Người nhận tín điệp

Người nhận tín điệp là hết mọi người nói chung và mỗi người nói riêng. Nên chú ý đến sự cách biệt khôn tả giữa Ðấng trao tín điệp và những kẻ nhận tín điệp, vì đây không phải khoảng cách giữa ông vua thế tục và các thần dân - vua và thần dân đều là người - mà là sự cách biệt giữa một bên là Ðấng là Chúa và Vua vĩnh cửu, và một bên là những con người.

Phản ứng đối với tín điệp

Cũng như ở phần nhỏ một, tất cả những điều vừa trình bày trở thành tín điệp gởi cho người tĩnh tâm. Vậy đây là phản ứng của họ đối với tín điệp đó.

5. Chú thích về từ hơn

Sách Linh thao nhiều lần dùng từ hơn (từ Tây-ban-nha: mas) và từ lớn hơn (mayor). Riêng từ lớn hơn này được dùng để định tính cho những danh từ như vinh quang (Thiên Chúa), sự tán dương, sự phụng sự, sự toàn thiện (của con người), ví dụ trong cụm từ: "Vì vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa". Dưới đây là những trường hợp có từ hơn (và lớn hơn) trong sách Linh thao.

- Về sự dửng dưng (bài Nguyên lý và Nền tảng):

Số 23,7: chúng ta chỉ ước ao và lựa chọn cái gì dẫn chúng ta hơn tới cứu cánh. Như đã có dịp nói khi tìm hiểu bài Nguyên lý và Nền tảng, đây không phải là sự lựa chọn giữa một bên là những cái ngăn cản việc theo đuổi cứu cánh, và một bên là những cái giúp việc theo đuổi cứu cánh, nhưng là, giữa những cái giúp chúng ta, chúng ta chọn cái nào giúp chúng ta hơn.

- Về việc đi theo Chúa:

S. 104 (bài Nhập thể): xin có được cái biết bên trong về Chúa để do có cái biết này mà yêu mến và đi theo Chúa hơn.

S. 130,2: ước ao biết hơn về Ngôi Lời Nhập thể để phụng sự và đi theo Ngài hơn.

- Về vinh quang Chúa và sự tán dương Ngài:

S. 98,3 (bài Vương quốc): chịu sỉ nhục và sự nghèo khó để phụng sự và tán dương Chúa hơn (sát chữ: sự phụng sự và tán dương Chúa lớn lao hơn).

S. 152 (bài Ba hạng người): chọn cái giúp hơn vào vinh quang Thiên Chúa và vào sự rỗi linh hồn.

S. 179,3 (về sự lựa chọn): tôi giữ mình thăng bằng không nghiêng về bên nào để có thể lựa chọn cái mà tôi cảm thấy giúp hơn cho vinh quang Thiên Chúa và cho sự tán dương Ngài.

S. 180,1 (cũng về sự lựa chọn): xin Thiên Chúa thúc đẩy lòng muốn của tôi và đặt vào trong linh hồn tôi cái tôi phải làm là cái giúp hơn cho sự tán dương Thiên Chúa và cho vinh quang của Ngài.

S. 185,1 (cũng về sự lựa chọn): Họ làm cái này cái nọ là để Thiên Chúa được vinh quang hơn và để linh hồn họ nên hoàn thiện hơn (sát chữ: vì vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa và vì sự toàn thiện lớn hơn của linh hồn).

S. 189,9 (về chỉnh đốn đời sống): chỉ muốn và tìm tán dương Thiên Chúa hơn và làm cho Ngài vinh quang hơn (sát chữ: sự tán dương và vinh quang của Thiên Chúa lớn hơn).

S. 240,2 (về ba cách cầu nguyện): xin được hiểu biết hoàn toàn các giới luật của Thiên Chúa để tuân thủ và để Thiên Chúa được vinh quang hơn và tán dương hơn (sát chữ: để vinh quang và sự tán dương Thiên Chúa lớn lao hơn).

S. 339,2 (về phân phát của bố thí): giữ sự cân bằng như thế nào trong cách phân phát của bố thí để Thiên Chúa vinh quang hơn và để linh hồn được toàn thiện hơn (sát chữ: để vinh quang của Thiên Chúa lớn hơn và sự toàn thiện của linh hồn lớn hơn).

Cái mà hôm nay chúng ta chọn và chúng ta làm vì cho là hơn cái không được chọn và không được làm, có thể ngày mai nó không còn giữ được vị trí hơn đó nữa, lý do là vì con người là con người động chứ không phải con người tĩnh, những cái hiểu biết của họ hôm nay có thể khác và hoặc không bằng cái hiểu biết của họ ngày mai, kiến thức cũng có thể tăng thêm với ngày tháng, v.v.; về đời sống của xã hội cũng thế, nó không đứng im một chỗ, nhưng biến chuyển và thay đổi về rất nhiều mặt, như về văn hóa, tâm tính (não trạng), các nhu cầu vật chất và tinh thần, các thị hiếu, những mối quan tâm, những giá trị hoặc sự đề cao giá trị này nọ. Vì vậy không kể trường hợp điều chúng ta lựa chọn là thuộc sự lựa chọn dứt khoát một lần hoặc thuộc sự lựa chọn cho trọn cuộc đời (ví dụ việc một tu sĩ tuyên thệ tuân thủ vĩnh viễn các tu nguyện), phải sẵn sàng và cả can đảm điều chỉnh hoặc đặt lại thành vấn đề cái đã được lựa chọn, là điều phù hợp với đòi hỏi của lòng mến Chúa và với ước muốn không ngừng vươn lên cao hoặc tiến đi xa. Thuộc về ước muốn này là sự quyết tâm và nỗ lực thực hiện điều tốt một cách tốt hơn, hoặc làm điều tốt hơn trong số những điều tốt. Chọn những cái giúp chúng ta hơn trong việc chúng ta theo đuổi cứu cánh cuộc đời hoặc trong việc chúng ta đi theo Ðức Kitô, phụng sự và tán dương Ngài, đó là chúng ta chọn điều tốt hơn trong những điều tốt; lo làm rạng danh Ngài hơn và tán dương Ngài hơn, đó là chúng ta thực hiện điều tốt một cách tốt hơn.

Như đã thấy trên kia, trong sách Linh thao, từ hơn được dùng khi nói đến sự lựa chọn giữa cái này cái nọ hoặc khi làm sự so sánh về cấp độ, và điều này phù hợp với nội dung ý nghĩa của từ hơn. Ðiều vừa nói được bổ chứng bằng sự kiện là lời nguyện chuẩn bị ở đầu các giờ suy ngắm xin cho "mọi ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi thuần túy qui hướng về phụng sự và tán dương Thiên Chúa uy linh", lời nguyện này không dùng từ hơn khi nói đến phụng sự và tán dương Thiên Chúa (tức không nói tán dương và phụng sự Thiên Chúa hơn): lời nguyện không đặt người tĩnh tâm đứng trước việc phải chọn cái này hơn cái kia, cũng không nêu ra sự so sánh nào cả.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page