Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


VIII. MỤC ÐÍCH
CỦA TUẦN HAI

Qua việc tìm hiểu mấy bài tập trên kia, chúng ta đã nhận ra mục đích riêng của Tuần Hai này.

Bài Vương quốc (s. 91-98) được coi như cánh cửa mở ra cho người tĩnh tâm đi vào Tuần Hai. Vậy ở bài này, việc đáp lại tiếng gọi của Ðức Kitô và cộng tác với Ngài trong sứ mệnh cứu độ của Ngài, đó chính là hành vi thi hành ý muốn của Ngài - cũng là ý muốn của Cha Ngài. Trong sự đáp lại tiếng gọi của Ngài, người tĩnh tâm còn muốn nhiệt tình và nổi bật hơn trong việc phụng sự Ngài, vì thế họ tỏ bày ước vọng và cả quyết tâm theo gương Ngài chịu mọi sỉ nhục, và sống nghèo khó không những trong tinh thần mà cả trong đời sống vật chất cụ thể. Ước ao theo gương Ngài như vậy vì mục đích phụng sự và tán dương Ngài hơn, với tư cách Ngài là Vua vĩnh cửu của vạn vật.

Tiếp đến là bài Nhập thể (s. 101-109), bài chiêm niệm đầu tiên của Tuần Hai. Ở đây người tĩnh tâm muốn yêu mến và phụng sự Chúa hơn, và, để được như vậy, họ xin có được cái biết bên trong (hoặc sâu xa) về Chúa: "Xin được cái biết bên trong về Chúa là Ðấng đã vì tôi mà làm người, để tôi yêu mến và đi theo Ngài hơn" (s. 104). Có được cái hơn (yêu mến và phụng sự Chúa hơn) là nhờ có được cái biết bên trong. Cần nhắc lại rằng ơn này còn tiếp tục được xin trong các bài chiêm niệm về cuộc đời của Chúa ở trong Tuần Hai. Một chú thích trong sách Linh thao về việc sửa lại điều bổ di hai cũng nói rằng vừa khi thức dậy, hãy nhớ đến bài chiêm niệm sắp làm, "ước ao biết hơn về Ngôi Lời vĩnh cửu đã nhập thể, để phụng sự và đi theo Ngài hơn" (s. 130,2). Ðồng thời với sự đi theo là sự noi gương Chúa, điều này được nói tới ở phần tâm sự: "Ðể được đi theo và noi gương Chúa chúng ta hơn, Ðấng vừa mới nhập thể" (s. 109,2). Phần tâm sự sẽ còn được dùng lại trong các bài chiêm niệm của ngày thứ nhất (s. 117; 126); và cũng sẽ được dùng cho hai ngày tiếp theo, như chúng ta có lý để nghĩ như thế, vì sách Linh thao không nói gì về phần tâm sự của hai ngày tiếp theo này.

Bước sang ngày thứ bốn của Tuần, người tĩnh tâm có bài Hai lá cờ hiệu (s. 136-147). Ở đây sự nghèo khó hiện thực và sự chịu sỉ nhục mà bài Vương quốc đã nói đến, được coi là thuộc "giáo lý thánh" mà Chúa muốn truyền bá cho mọi người. Cũng ở đây, người tĩnh tâm đi xa hơn việc chỉ tỏ bày với Chúa nguyện vọng và quyết tâm sống nghèo khó và chịu sỉ nhục, đó là họ xin Chúa cho mình được thực sự sống như thế. Thực ra việc xin ơn này đã có ngay ở bài chiêm niệm đầu tiên, vì ở phần tâm sự của bài này người tĩnh tâm xin được noi gương Chúa hơn (s. 109,2), mà noi gương ở đây là học ở Chúa bài học chịu sỉ nhục và sống nghèo khó, như bài Vương quốc đã nói rõ (s. 98,3). Nhưng bài Hai lá cờ hiệu mới minh nhiên nói đến việc xin ơn đó. Cũng ở bài này, sự nghèo khó được nhìn trong viễn tượng phụng sự Chúa, và sự chịu sỉ nhục được nhìn trong viễn tượng noi gương Chúa, như chúng ta đọc thấy ở phần tâm sự (s. 147,1-4). Ðây là nét nhấn mạnh dành cho mỗi thứ. Phần tâm sự này đáng được để ý, vì nó được dùng cho tới hết Tuần (s. 159,2-3).

Ở bài Ba hạng người (s. 149-156) đặt vào cuối ngày thứ bốn và tiếp nối bài Hai lá cờ hiệu, người tĩnh tâm nhìn sự nghèo khó trong cái hướng tìm vinh quang Thiên Chúa, phụng sự Ngài, tán dương Ngài, và tìm sự rỗi linh hồn mình. Sau cùng, ở bài suy tư Ba kiểu khiêm nhường (s. 165-168), họ muốn noi gương Chúa sống nghèo khó và chịu sỉ nhục, và muốn noi gương tới độ trở nên "giống Chúa cách hiện thực hơn".

Trong những bài tập nhắc đến trên đây, chúng ta thấy những ý tưởng then chốt được diễn đạt bằng những từ theo thứ tự xuất hiện trước sau:

Những ý tưởng này đan vào nhau, bổ túc cho nhau, gắn bó hữu cơ với nhau.

Vậy, nói vắn lại, mục đích của Tuần Hai là giúp người tĩnh tâm, qua việc cầu nguyện và việc chiêm ngưỡng cuộc đời trần thế của Chúa, họ ước ao và quyết tâm dấn thân trên con đường Chúa đã đi để phụng sự Chúa, Ðấng mà họ nhận là khuôn mẫu duy nhất, là vị Thủ lãnh tối cao, là Vua vĩnh cửu, là Thầy chí thánh chí ái. Con đường Chúa đã chọn là con đường nghèo khó và chịu sỉ nhục vì, như người tĩnh tâm khám phá dần trong những bài chiêm niệm của Tuần Hai và Tuần Ba, sống nghèo khó và chịu sỉ nhục vừa là phương cách mà Ngài đã dùng để thực hiện sứ mệnh cứu thế, vừa là những đặc điểm nổi bật trong cách sống hoặc lối sống của cuộc đời trần thế xưa của Ngài. Nói cách khác, trọn cuộc đời xưa của Ngài là một hành động cứu độ; mà hành động này có đặc điểm là sự nghèo khó và chịu sỉ nhục; và nó được hoàn tất bằng cái chết trên Thánh giá, như Chúa đã nói về mình rằng "Con loài người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị hàng kỳ lão, thượng tế và luật sĩ khai trừ, bị giết đi" (Mc 8,31; x. 9,31; 10,33). Ðể giải thích thêm, chúng ta sẽ bảo rằng sự nghèo khó và sỉ nhục mà Chúa đã chịu, cùng với cái chết của Chúa trên Thánh giá, vừa là biểu hiện thật đặc biệt của tình yêu cúng hiến của Chúa đối với Ðức Chúa Cha, vừa là nét đặc trưng của sự phục vụ đầy tình thương mà Chúa dành cho nhân loại. Vậy, bằng việc chọn cảnh nghèo khó và chịu sỉ nhục, người tĩnh tâm, trong sự hiệp nhất với Chúa, chứng tỏ lòng yêu mến đối với Thiên Chúa là Cha của Ngài, đồng thời họ biểu thị sự ước ao trở nên môn đệ thân mật và cộng tác viên gần gũi của Ngài trong công cuộc tông đồ là công cuộc đòi hỏi nhiều hy sinh, kể cả sự hy sinh mạng sống, tức sẵn sàng uống chén đắng mà Chúa đã uống (Mc 10,38).

Theo sách Linh thao, con đường giác ngộ hoặc minh đạo - sách Linh thao gọi là đời sống thay vì con đường - tương ứng với những bài tập của Tuần Hai này (s. 10,2).

Phụ thêm: tóm lược Tuần Hai.

Ít dòng dưới đây lặp lại những điều đã nói nhưng sắp xếp lại để làm thành một tóm lược khác về Tuần Hai.

Ðức Kitô. - Ðức Kitô, ngay từ khởi sự Tuần Hai, được giới thiệu là "Vua vĩnh cửu và Chúa muôn vật" (bài Vương quốc). Ngài đi rao giảng Nước trời, như Phúc âm ghi lời kêu gọi của Ngài: "Anh em hãy tự hoán cải: Nước trời đã tới gần" (Mt 4,17). Ngài kêu gọi người ta theo Ngài và cộng tác vào công cuộc tông đồ của Ngài, Ngài nói rõ điều kiện phải giữ trong sự cộng tác này và thành quả mà sự cộng tác này đem lại: "Ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình và vác thập giá mình mà đi theo /.../ Con loài người sẽ đến với các thiên thần trong vinh quang của Cha Ngài; và lúc đó Ngài sẽ trả cho mỗi người tùy theo cách ăn ở của họ" (16, 24. 27).

Người tĩnh tâm. - Người tĩnh tâm là người tìm thấy ý muốn của Thiên Chúa trong sự đáp lại tích cực lời kêu gọi của Vua vĩnh cửu và Chúa muôn vật: họ quyết tâm đi theo Ngài để phụng sự Ngài với tất cả sự dấn thân của mình là vác thập giá theo chân Ngài. Sự vác thập giá đối với họ vừa là điều kiện phải làm trong việc phụng sự Ngài, vừa là sự noi gương Ngài trong cố gắng nên giống Ngài, dĩ nhiên với động cơ là lòng yêu mến Ngài. Vậy để biết Ngài sâu xa để do đó yêu mến và đi theo Ngài hơn (bài Nhập thể, s. 104), trong suốt Tuần Hai, qua các bài chiêm niệm, họ chiêm ngưỡng Ngài trong cuộc đời trần thế xưa của Ngài, vì chính Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6), vì chính con người Ngài và cuộc đời Ngài là bài giảng dạy sống động, cụ thể - trong các bài chiêm niệm của Tuần Hai, chỉ có một bài về những lời giảng dạy của Chúa, đó là bài giảng trên núi về Tám phúc (s. 278).

Sự chiêm niệm cuộc đời Chúa giúp người tĩnh tâm xác tín về một Ðức Kitô sống nghèo khó và chịu lăng mạ, sỉ nhục mà họ nhận là vị "Thủ lĩnh tối cao và chân thật" (bài Hai lá cờ hiệu) của họ, đồng thời là gương mẫu cho họ noi theo và cả tự động hóa với trong cuộc đời vác thập giá đi theo Ngài. Như vậy cuộc đời họ là sự nối dài và tiếp tục cuộc đời trần thế của Ðức Kitô trong sự tham dự sứ mệnh cứu độ của Ngài.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page