Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


VII. BA KIỂU KHIÊM NHƯỜNG
(s. 165-168)

Bài Ba kiểu khiêm nhường là một bài suy tư (s. 164,1). Sách Linh thao chỉ nói trống rằng dùng bài này để suy tư trước khi khởi sự công việc lựa chọn, và khuyên thỉnh thoảng trở lại nó trong ngày (s. 164,1). Tuy là suy tư, nhưng không phải chỉ suy tư suông, mà là suy tư trong cầu nguyện, vì sách Linh thao bảo hãy kết thúc bằng việc dùng lại những lời tâm sự của bài Ba hạng người, cũng là dùng lại những lời tâm sự của bài Hai lá cờ hiệu (s. 156 ; 147)1. Có thể đặt bài này vào ngày thứ bốn của Tuần là ngày dẫn nhập trực tiếp vào công việc lựa chọn với hai bài Hai lá cờ hiệu và Ba hạng người, hoặc vào ngày tiếp theo.

Bài Ba kiểu khiêm nhường chia sự khiêm nhường thành ba cách thức sống khiêm nhường mà, theo nội dung, chúng ta có thể gọi là ba cấp độ của khiêm nhường, vì ở ba kiểu khiêm nhường chúng ta thấy có các cấp bậc từ dưới đi lên, như bản văn nói rõ là kiểu khiêm nhường thứ hai toàn hảo hơn kiểu khiêm nhường thứ nhất, và sự khiêm nhường thứ ba là toàn hảo nhất. Tuy nhiên bản văn không nói ba bậc khiêm nhường, mà nói ba kiểu1 khiêm nhường.

Kiểu khiêm nhường thứ nhất, tức sự khiêm nhường cấp hay bậc một, cũng là cấp hay bậc thấp nhất, cốt ở hết sức hạ mình vâng phục lề luật Thiên Chúa, và vì thế quyết định không phạm tội trọng nào cho dù để có được mọi vật thụ tạo, hoặc để khỏi phải chết (s. 165). Như vậy, tuy là cấp độ thấp nhất, thứ khiêm nhường này không phải là luôn luôn dễ giữ vì có khi nó đòi phải có sự anh hùng, điển hình là trường hợp các vị tuẫn giáo: các ngài đã thà chết chứ chẳng thà phạm tội trọng chối bỏ Thiên Chúa.

Kiểu khiêm nhường thứ hai ở cấp độ cao hơn; nó là của hạng người có được thái độ dửng dưng đối với các vật thụ tạo, như chúng ta đọc trong bản văn: "Tôi tới được mức độ không muốn và cũng chẳng ham cái giàu hơn cái nghèo, không thích danh giá hơn ô danh, không ước ao đời sống lâu dài hơn đời sống ngắn ngủi, khi việc phụng sự Thiên Chúa và sự rỗi linh hồn của tôi vẫn như thế" (s. 166,1-2). Theo bản văn, người ở cấp độ khiêm nhường này thà chịu mất mọi vật thụ tạo hay cả sự sống chứ chẳng thà phạm tội nhẹ.

Kiểu khiêm nhường thứ ba là sự khiêm nhường ở bậc cao nhất. Ðề cập kiểu khiêm nhường này, bản văn không nói đến tránh tội, mà nói đến theo gương và "nên giống Ðức Kitô cách hiện thực hơn" (s. 167,2) bằng cách giữ sự nghèo khó hiện thực và chịu sỉ nhục, khinh bỉ, chê cười. Bài Nguyên lý và Nền tảng, khi đề cập vấn đề dửng dưng, đã viết: "Chỉ ước ao và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta hơn tới cứu cánh mà vì nó chúng ta được dựng nên" (s. 23,7). Vậy, tuy bài Ba kiểu khiêm nhường không nói, nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng sống theo kiểu khiêm nhường thứ ba chính là áp dụng tối đa sự dửng dưng của bài Nguyên lý và Nền tảng, vì nó đòi phải chọn sự nghèo khó và chịu sỉ nhục thay vì chọn sự giàu có và danh vọng ngay cả trong giả định rằng tất cả những cái đó đều góp phần ngang nhau vào việc giúp con người làm rạng danh Thiên Chúa. Nói là áp dụng tối đa sự dửng dưng, bởi vì chọn cảnh nghèo khó và chịu sỉ nhục là điều tốt hơn do ở chỗ, do sự lựa chọn này, chúng ta nên giống Ðức Kitô hơn, Ðấng đã chọn chúng làm đặc điểm cho cuộc sống tại thế của Ngài. Vậy, cũng như bài Hai lá cờ hiệu, bài Ba kiểu khiêm nhường nói đến noi theo Ðức Kitô hơn; nhưng, khác với bài Hai lá cờ hiệu, bài Ba kiểu khiêm nhường đưa thêm sự xác định về cái hơn (noi theo hơn) bằng cách nêu ra trường hợp nên chọn trên đây.

Về sự hạ mình phục tùng Thiên Chúa, ở kiểu khiêm nhường thứ hai, bản văn không nói đến, nhưng cũng gợi ý đủ khi bảo rằng thà không có được mọi vật thụ tạo hay thà mất sự sống hơn là làm hành vi xúc phạm nhẹ đến Thiên Chúa. Nhưng ở kiểu khiêm nhường thứ ba, bài suy tư không gợi ý gì về sự hạ mình kia. Vậy nên nhớ rằng chính bài suy tư này đã nói rõ rằng kiểu khiêm nhường này bao gồm hai kiểu khiêm nhường trước; đàng khác thiết nghĩ chính việc noi gương Ðức Kitô bao hàm sự hạ mình phục tùng Thiên Chúa, bởi lẽ Ðức Kitô đã chọn kiểu khiêm nhường thứ ba để qua cách khiêm nhường này Ngài tỏ lòng tuân phục Ðức Chúa Cha, như thánh Phaolô đã viết về Ngài: "Ngài đã hủy mình đi để nhận lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống trần nhân, và, về hình dạng, Ngài được nhìn nhận là một người. Ngài đã hạ mình trở nên vâng lời cho đến nỗi chịu chết, chết trên thập giá" (Pl 2,7-8). Cũng có thể lý giải cách khác rằng bằng việc chọn kiểu khiêm nhường thứ ba, người tĩnh tâm tỏ lòng ước ao hơn được thi hành ý muốn của Thiên Chúa, bởi lẽ họ là kẻ ước ao noi gương Ðức Kitô hơn, mà Ðức Kitô thì đã lấy ý của Ðức Chúa Cha làm trên hết, đồng thời đã làm thỏa lòng Ðức Chúa Cha bằng việc chọn bậc khiêm nhường này để biểu lộ tình yêu và niềm tôn kính đối với Ðức Chúa Cha. Vậy bài Ba kiểu khiêm nhường lấy sự gắn bó với Thiên Chúa làm tiêu chuẩn để phân biệt ba kiểu khiêm nhường. Như thế nó đem thêm một cái nhìn khác về sự khiêm nhường.

Ở bài Hai lá cờ hiệu, người tĩnh tâm đã suy gẫm về sự nghèo khó và sự chịu sỉ nhục, và coi cả hai sự như là hai nấc thang dẫn tới sự khiêm nhường, tức coi chúng như là những điều phải thực hiện hoặc phải giữ để có được sự khiêm nhường. Ở bài Ba kiểu khiêm nhường, sự nghèo khó và sự chịu sỉ nhục được coi là những thành phần của sự khiêm nhường, hoặc là chính sự khiêm nhường đang được thể hiện. Như vậy sự nghèo khó và sự chịu sỉ nhục được nhìn ở hai góc độ khác nhau. Có lẽ cũng vì thế mà bài Ba kiểu khiêm nhường khuyên người tĩnh tâm hãy xin Thiên Chúa chọn cho mình kiểu khiêm nhường thứ ba này thay vì xin cho mình ơn sống nghèo khó và chịu sỉ nhục. Về sự nghèo khó là thành phần hay biểu lộ của sự khiêm nhường, điều này đã có dịp được giải thích qua khi tìm hiểu bài Hai lá cờ hiệu. Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra như thế khi nhìn vào Chúa Giêsu chịu treo trên Thánh giá không một mảnh vải che thân, trước sự nhạo báng khinh bỉ của những người chung quanh. Sự nghèo khó thuộc kiểu khiêm nhường thứ ba được giới thiệu cho người tĩnh tâm, cốt ở chỗ họ "hủy mình đi", không còn dành lại một chút gì cho riêng mình, không giữ lại ngay cả chính bản thân để bản thân được trọn vẹn thuộc về Chúa và được đồng hóa với Chúa.

Sau cùng, trong khi những bài tập khác nói đến noi gương Ðức Kitô và noi gương Ngài hơn, thì ở bài Ba kiểu khiêm nhường, và chỉ ở bài này, xuất hiện cụm từ nên giống Chúa và, không những thế, nên giống Chúa cách hiện thực hơn. Với sự nên giống Chúa bằng việc thực hiện kiểu khiêm nhường thứ ba, người tĩnh tâm rõ ràng muốn được tự đồng hóa với Ðấng mình yêu mến.

Về việc muốn noi gương Ðức Kitô đến nỗi trở nên giống như Ngài qua việc thực hiện kiểu khiêm nhường thứ ba, phải chăng chúng ta không có quyền nghĩ rằng đây là một cách người tĩnh tâm, vì họ, cũng như mọi người, là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng hình ảnh đã bị hoen ố hoặc phai mờ do tội tổ tông và tội bản thân, nên bây giờ họ cố gắng trở nên giống Thiên Chúa là mô hình của mình - Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài (St 1,26-27) - mà mô hình này, vào thời kỳ cánh chung, được giới thiệu cho loài người nơi người - Chúa là Ðức Giêsu Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15)! Phải chăng cũng được thêm ý tưởng này: vì mọi của lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa đều qua trung gian Ðức Kitô là đầu của thân thể và đều hiệp nhất với Ngài là của lễ toàn hảo, nên chúng ta càng hiệp nhất với Ngài bằng sự nên giống Ngài thì của lễ của chúng ta càng làm đẹp lòng Thiên Chúa và càng đáng được Thiên Chúa tiếp nhận! Lại nữa, nếu chúng ta càng hiệp nhất với Ngài hơn, thì chúng ta càng tham dự nhiều hơn vào chính cuộc sống sâu kín của Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi lẽ Ngài là Con Ðức Chúa Cha - Ngài là Thiên Chúa Ngôi Con. Thực vậy, nếu Ðức Chúa Cha yêu Ngôi Con là Ðức Kitô thì, cũng qua Ðức Kitô, do việc chúng ta hiệp nhất với Ðức Kitô và được Chúa Thánh Thần làm cho trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa (Rm 8,15), Ðức Chúa Cha yêu chúng ta bằng tình yêu mà nhờ đó Chúa Thánh Thần nối kết Ngài (là Ngôi Nhất) với Ngôi Hai. Rồi, do sự hiệp nhất với Ðức Kitô, chúng ta, cùng với Ngài là Ngôi con, yêu mến Ðức Chúa Cha ở trong Chúa Thánh Thần.

Theo sách Linh thao, việc suy tư về ba kiểu khiêm nhường rất nên được kết thúc bằng cuộc tâm sự lấy ở bài Ba hạng người (s. 156), cũng là lấy ở bài Hai lá cờ hiệu.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page