Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


VI. SUY NIỆM
VỀ BA HẠNG NGƯỜI
(s. 149-156)

Trước tất cả là chú thích về cụm từ "ba hạng người". Bản thủ bút dùng từ binario(s) do từ la-tinh binarius (có gốc là binus: đôi, kép, gấp đôi), có nghĩa là gồm hai thành phần hoặc hai đơn vị. Hồi thế kỷ 15 và 16, cách riêng ở Paris thời thánh I-nhã theo học Ðại học, những nhà luân lý khi giải quyết những ca lương tâm (cas de conscience) thuộc luân lý học, quen dùng tên gọi chỉ những con người tưởng tượng đặc trưng và gọi họ là binarius (số nhiều: binarii), ví dụ anh Tixiô và chị Becta trong ca lương tâm về hôn phối, anh Tixiô và anh Caiô trong ca lương tâm về đức công bình (Tixiô, Becta, Caiô là tên gọi những con người tưởng tượng, không chỉ đích danh ai): Tixiô và Becta là một cặp hay một đôi, Tixiô và Caiô cũng thế; Tixiô là một binarius, Becta là một binarius, cả hai thuộc cặp Tixiô-Becta. Do vậy cũng có dịch giả dịch là Ba người thay vì Ba hạng người.

Theo nội dung, bài tập này đề cập ba hạng hay loại người với hàm ý rằng mỗi hạng hay loại người có những đặc điểm khiến những người thuộc hạng này không giống với những người thuộc hạng khác. Vì thế ở đây tôi dùng từ hạng (ba hạng người) được thông dụng từ trước tới nay như thấy trong một số bản dịch ngoại ngữ và trong những sách nói về việc Linh thao.

Bài Ba hạng người là bài suy niệm sau cùng trong ngày - ngày thứ bốn của Tuần Hai - tiếp vào bài Hai lá cờ hiệu, và dùng thay cho bài áp dụng ngũ quan là bài vẫn đặt vào cuối ngày. Mục đích tổng quát của bài đã được nêu ra ngay ở nhan đề: "Ðể chọn lấy cái tốt hơn", và cái tốt hơn này, như mào đầu ba nói rõ, là cái giúp hơn cho vinh quang Thiên Chúa và cho sự rỗi linh hồn bản thân. Phần suy gẫm sẽ xác định rằng cái tốt hơn này liên quan đến sự nghèo khó hiện thực.

1. Phần nhập đề

Mào đầu một: sử tích.

Ở đây là câu chuyện về ba hạng người, mỗi hạng người đều có một món tiền lớn như nhau (10.000 đồng đu-ca-đô, tiền Tây-ban-nha thời xưa), nhưng là món tiền họ thủ đắc không thuần túy vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Cả ba đều giống nhau ở điểm này, là "muốn cứu rỗi mình và tìm thấy Thiên Chúa Chúa chúng ta trong sự bình an" bằng cách giũ bỏ đi "cái gánh nặng và sự cản trở" mà họ gặp phải là sự ưa thích món tiền đó.

Mào đầu hai: cấu tạo nơi chốn.

Mào đầu này không bảo người tĩnh tâm hãy hình dung ra một không gian cụ thể nào, ví dụ căn nhà của Ðức Maria (bài Nhập thể), nơi Chúa sinh ra (bài Giáng sinh), v.v., nhưng bảo họ hãy trông thấy mình đang ở trước mặt Thiên Chúa và tất cả các thánh của Ngài để, ở trong vị trí này, họ "ước ao và biết cái gì làm cho Thiên Chúa tốt lành đẹp lòng hơn". Mào đầu này có liên hệ với mào đầu một về sử tích ở chỗ là người tĩnh tâm tự đặt mình trong tình huống tương tự với tình huống của ba hạng người: trong khi ba hạng người muốn cứu rỗi mình và tìm thấy Thiên Chúa, thì người tĩnh tâm ước ao và biết cái đẹp lòng Thiên Chúa hơn.

Việc hình dung sự hiện diện của Thiên Chúa và của các thánh, hẳn phải giúp người tĩnh tâm ý thức rằng hành vi ước ao và tìm biết của mình là hành vi rất nghiêm túc và mang tính cách thật siêu nhiên; không những thế, đây còn là hành vi hết sức quan trọng, vì nó liên hệ trực tiếp đến việc thể hiện trong đời sống cái mối quan hệ của họ với Thiên Chúa tốt lành. Riêng sự hiện diện của tất cả các thánh ở bên cạnh Thiên Chúa, trong khung cảnh của bài suy niệm này, còn có khả năng gợi ý rằng các ngài là gương sáng và là sự khích lệ cho người tĩnh tâm: các ngài hiện đang được sum vầy trên thiên quốc là vì khi xưa còn ở thế gian, các ngài đã cởi bỏ sự ham thích thế gian để sống trọn cho Thiên Chúa. Sự gợi ý này cũng giúp giải thích tại sao ở đây không nhắc đến sự hiện diện của các thiên thần như ở mào đầu một của bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu.

Mào đầu ba: ơn xin.

Người tĩnh tâm xin ơn chọn cái giúp hơn cho vinh quang của Thiên Chúa và cho sự rỗi linh hồn của mình. Nói chọn là hàm có tự do: có tự do để chọn cái này và bỏ cái kia, dựa vào sự soi sáng của trí khôn. Nhưng con người là con người hữu hạn (hữu hạn về khả năng lý trí, thiếu làm chủ đầy đủ lấy mình, v.v.), và do đấy sự chọn lựa của họ có thể sai lạc hoặc không thật đúng hướng, không tốt nhất, vì thế cần có sự giúp đỡ của Thiên Chúa trong sự chọn lựa. Nên để ý: bản văn nói là xin ơn chọn cái giúp hơn cho vinh quang Thiên Chúa (và cho sự rỗi linh hồn) chứ không nói là chọn cái giúp cho Thiên Chúa được vinh quang hơn, và điều này phù hợp với câu đầu tiên của bài suy niệm nói là "chọn lấy cái tốt hơn"; điểm suy gẫm về trường hợp hạng người thứ ba cũng nói đến hạng người này muốn "cái xem ra tốt hơn cho họ để phụng sự và tán dương Thiên Chúa uy linh" (s. 155,2).

2. Phần suy gẫm

Phần suy gẫm không chia thành các điểm như thấy trong các bài suy gẫm khác; nhưng mỗi hạng người có thể được coi như một điểm suy gẫm.

Hạng người thứ nhất

Hạng người thứ nhất là hạng người xem chừng muốn hoặc cũng có muốn loại trừ sự ham thích tiền của đã kiếm được; nhưng cho tới giờ chết họ không hành động gì cả, nghĩa là họ không dùng các phương thế để loại trừ sự ham thích kia. Vậy cái muốn của họ, nếu có, thì chỉ là cái muốn nhất thời hoặc hời hợt. Chúng ta nhớ đến câu Chúa nói: "Không phải thưa với Thầy: "Lạy Chúa, Lạy Chúa!" là đủ để được vào Nước trời" (Mt 7,21). Câu trong bản văn: "Cho tới giờ chết" có thể hiểu theo hai cách: hoặc cho tới khi nhắm mắt vĩnh viễn họ vẫn không hành động gì cả, hoặc đợi cho tới lúc này họ mới hành động. Dù sao thì chúng ta cũng hiểu là trong suốt cả cuộc đời, họ không tìm cách cắt đứt sự ham thích của cải.

Hạng người thứ hai

Hạng người thứ hai là hạng người thực sự muốn gạt bỏ sự ham thích tiền của đã kiếm được, và họ cũng sẵn sàng hành động theo hướng này nhưng chỉ phần nào thôi, như bản văn ghi: "Cho nên Thiên Chúa đi tới đâu là tùy như họ muốn." Vậy chúng ta thấy họ giống như những người mà mục nói về vấn đề lựa chọn nêu ra làm ví dụ. Ðó là trường hợp những người chọn việc hôn nhân trước rồi mới chọn phụng sự Thiên Chúa trong cuộc sống vợ chồng, hoặc những người muốn thủ đắc bổng lộc đã rồi mới phụng sự Thiên Chúa trong bổng lộc đó: "Như vậy những ngườiợ này không đi thẳng đến Thiên Chúa, nhưng họ muốn Thiên Chúa đến thẳng những ưa thích lệch lạc của họ, và do đó họ dùng cứu cánh làm phương tiện và phương tiện làm cứu cánh" (s. 169,5).

Xét về một phương diện, hạng người thứ hai sẵn sàng làm cái gì đó để thể hiện cái muốn của mình, nhưng câu: "Thiên Chúa đi tới đâu là tùy như họ muốn" làm lộ một cái xấu lớn nơi họ, là họ đặt Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu do ở chỗ họ coi Ngài như một Ðấng mà họ cho cái gì đó, và chỉ cho ít thôi, cho có mức độ. Xem ra bản văn không có ý nói đến điểm xấu này, mà chỉ có ý nói rằng hạng người thứ nhất đã không sẵn sàng làm gì cả, còn hạng người thứ hai thì sẵn sàng làm ít nhiều cho Thiên Chúa. Tuy nhiên cũng nên thêm rằng sự làm ít nhiều ở đây hàm ý sự không chọn cái tốt hơn, như bản văn ghi: "Họ không quyết tâm bỏ của ấy để đi tới Thiên Chúa, mặc dù đó lẽ ra phải là bậc sống tốt hơn cho họ" (s. 154,2).

Chúng ta tạm dừng lại để so sánh hạng người thứ nhất với hạng người thứ hai.

- Về muốn: hạng người thứ nhất chỉ có lẽ muốn hoặc chỉ mới thoáng có ý muốn; hạng người thứ hai có cái muốn ở mức độ nào đó, chứ không phải cái muốn mãnh liệt. Ðối tượng của muốn là dứt bỏ sự ham chuộng tiền của đang có.

- Về hành động: hạng người thứ nhất không tìm cách cắt đứt sự ham chuộng tiền của. Hạng người thứ hai là hạng người hành động nửa vời trong việc cắt đứt sự ham chuộng đó.

- Về cái mà họ liều mất: đối với hạng người thứ nhất, việc không từ bỏ của cải (để diệt trừ sự ham chuộng của cải) liên hệ đến chính việc "tìm thấy Thiên Chúa Chúa chúng ta trong bình an" và việc "cứu rỗi mình". Ðối với hạng người thứ hai, sự không từ bỏ này liên hệ đến việc bỏ mất bậc sống tốt hơn. Vì bản văn không nhắc đến sự tìm thấy Thiên Chúa và sự rỗi linh hồn, nên chúng ta có quyền hiểu rằng đối với hạng người thứ hai, vấn đề không còn phải là ở chỗ đó, nghĩa là họ đã sẵn sàng cắt đứt sự ham chuộng kia để tìm thấy Thiên Chúa và để cứu rỗi mình, và vấn đề chỉ là ở sự chọn bậc sống tốt hơn. Nếu hiểu như vậy, chúng ta sẽ bảo rằng sự khác nhau này giữa hai hạng người về hành động là rất quan trọng, đến nỗi có thể coi là sự khác nhau về bản chất, vì một đàng là vấn đề có hay không có (được hay mất), và một đàng là vấn đề chọn cái tốt hơn trong những cái được phép chọn. Hẳn hạng người thứ nhất cần suy gẫm kỹ câu này của Chúa: "Nếu người ta được cả thế gian mà phải thiệt mất m sống thì nào có lợi gì?" (Mt 16,26) hoặc câu: "Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi" (5,30). Ðối với hạng người thứ hai, câu chuyện về người thanh niên giầu có nọ trong Phúc âm là một nhắc nhở: anh ta buồn bã bỏ đi sau khi anh ta hỏi Chúa là phải làm gì để trở nên toàn thiện, và được Chúa bảo hãy bán của cải lấy tiền phân phát cho người nghèo rồi hãy đến đi theo Chúa (19, 21 tt).

Hạng người thứ ba Cũng như hạng người thứ nhất và thứ hai, hạng người thứ ba muốn loại bỏ sự ham chuộng tiền của. Nhưng khác với hai hạng người trước, cái muốn của hạng người thứ ba là cái muốn dứt khoát, cái muốn triệt để, như bản văn ghi: "Họ không ưa thích giữ hay không giữ sự vật đã kiếm được, mà họ chỉ muốn [một điều là] muốn hay không muốn giữ nó tùy theo điều gì Thiên Chúa Chúa chúng ta đặt vào trong lòng muốn của họ, và tùy theo điều gì xem ra tốt hơn đối với họ cho việc phụng sự và tán dương Thiên Chúa uy linh; và, trong khi chờ đợi, họ muốn coi như mình từ bỏ tất cả, không còn ham chuộng nữa, bằng cách cố gắng không muốn cái này hay bất cứ cái gì khác, nếu họ không được sự phụng sự Thiên Chúa Chúa chúng ta là điều duy nhất thúc đẩy họ; như thế cái ước vọng có thể hơn phụng sự Thiên Chúa Chúa chúng ta, thúc đẩy họ lấy hay bỏ của ấy" (s. 155,1-4). Câu trích dẫn này quảng diễn ý niệm về sự dửng dưng của bài Nguyên lý và Nền tảng. Như vậy hạng người thứ ba là hạng người biết dửng dưng đối với các vật thụ tạo. Nhờ có sự dửng dưng này họ mới đủ tự do trong công việc lựa chọn mà họ sắp làm trong những ngày này của khóa Linh thao. Cũng nhờ có sự dửng dưng này họ mới có thể, một khi biết là Thiên Chúa chọn mình, sẽ dứt khoát đáp lại như hai anh em Anrê và Phêrô, khi được Chúa Giêsu gọi, "lập tức bỏ lại lưới, các ông đi theo Chúa" (Mt 4,20); hai anh em Giacôbê và Gioan cũng thế: "Lập tức bỏ lại thuyền và cha, các ông đi theo Chúa" (4,22).

Trên kia khi bàn về hạng người thứ nhất và thứ hai, bản văn chỉ nói trống rằng họ không dùng các phương thế để diệt trừ lòng ham chuộng tiền của (hạng người thứ nhất) hoặc họ chỉ cho Thiên Chúa phần nào thôi tùy ý họ (hạng người thứ hai), vậy câu trích dẫn về hạng người thứ ba: "Trong khi chờ đợi, họ muốn coi như mình từ bỏ tất cả" cho phép chúng ta hiểu rằng hạng người thứ nhất không sẵn lòng từ bỏ một chút tiền của nào, hạng người thứ hai chỉ sẵn lòng từ bỏ ít nhiều.

Câu: "Sự phụng sự Thiên Chúa Chúa chúng ta là điều duy nhất thúc đẩy họ" xác định thật rõ rằng nếu người tĩnh tâm có chọn sự nghèo khó hiện thực, thì không phải họ chọn nó vì nó, mà chọn nó vì mục đích phụng sự Thiên Chúa. Chính sự lựa chọn này giúp họ có thể hơn phụng sự Thiên Chúa.

Việc phải loại trừ sự ham chuộng tiền của - sự từ bỏ của cải vừa là phương thế hữu hiệu để loại trừ sự ham chuộng vừa là hành vi triệt để diễn đạt sự loại trừ này - đã được nêu ra ở trường hợp của cả ba hạng người; rồi phần tâm sự của bài suy niệm này là phần tâm sự của bài Hai lá cờ hiệu, ở đó người tĩnh tâm xin ơn sống cảnh nghèo khó hiện thực và chịu sỉ nhục; lại chính chú thích của bài suy niệm nói đến sự nghèo khó hiện thực, nói đến sự dửng dưng đối với sự nghèo khó hay sự giàu có, khuyên hãy xin Thiên Chúa chọn cho mình sự nghèo khó hiện thực (s. 157). Vì thế thiết nghĩ có đủ lý do để khẳng định rằng bài Ba hạng người là bài chủ yếu đề cập sự nghèo khó, sự nghèo khó tinh thần và sự nghèo khó hiện thực, nó nhằm chuẩn bị cho người tĩnh tâm "chọn lấy cái tốt hơn" như đầu bài suy niệm đã nói, tức cụ thể là chọn sự nghèo khó hiện thực một khi họ nhận ra rằng sự chọn này phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

Việc người tĩnh tâm chọn cái tốt hơn như hạng người thứ ba đã sẵn sàng làm, không phải là điều dễ dàng, vì có thể nó đòi họ phải chiến đấu với bản thân để vượt lên trên hạng người thứ nhất và hạng người thứ hai. Trong trường hợp này hạng người thứ nhất hoặc hạng người thứ hai là hình ảnh về chính thực trạng mà họ đang gặp phải nơi họ, như sự ngần ngại, sự lưỡng lự, v.v, mà họ phải, nhờ ơn phù trợ của Thiên Chúa, cố gắng khắc phục. Chính bài suy niệm dùng từ "binario" là từ, như đã nói trên kia, được các nhà luân lý dùng để chỉ người này người nọ trong việc giải quyết những ca lương tâm, cũng gợi ý rằng người tĩnh tâm tìm giải quyết ca lương tâm của mình. Nhưng nên nói thêm: không phải họ khép kín lại để tự mình giải quyết, mà là họ giải quyết trước mặt Thiên Chúa, trước sự chứng kiến của các thánh của Ngài, nhờ vào ơn soi sáng mà họ đã xin ngay ở mào đầu ba.

3. Phần tâm sự

Bài Ba hạng người là bài suy gẫm về sự nghèo khó, nhưng phần tâm sự của nó, như đã nói, là phần mượn lại của bài Hai lá cờ hiệu, ở đó người tĩnh tâm xin ơn không những sống nghèo khó mà cả chịu sỉ nhục để phụng sự Ðức Kitô và noi gương Ngài. Sự kết thúc bằng việc xin cả hai điều này cũng gợi ý có sự gắn bó giữa cả hai; và bài Ba hạng người là sự nối dài của bài Hai lá cờ hiệu bằng việc bổ sung hoặc khai triển riêng vấn đề nghèo khó. Phần tâm sự làm sáng rõ ý nghĩa của ơn xin được nêu ra ở mào đầu ba, ở đó người tĩnh tâm xin ơn chọn cái quy hướng hơn vào (hoặc giúp hơn cho) vinh quang Thiên Chúa và sự rỗi linh hồn mình. Nói cách khác, phụng sự và noi gương Ðức Kitô (phần tâm sự) chính là thực hiện điều quy hướng hơn vào vinh quang Thiên Chúa và sự rỗi linh hồn mình.

Cũng nên nhắc đến một chi tiết: phần tâm sự của bài Hai lá cờ hiệu nói đến việc phụng sự Ðức Kitô (s. 147,2), còn bài Ba hạng người, ở điểm suy gẫm về hạng người thứ ba, nói đến việc phụng sự Thiên Chúa bằng cách sống nghèo khó (s. 155,3). Vậy đây là một dịp để nhớ lại điều đã có dịp bàn tới, là, vì Ðức Kitô cũng là Thiên Chúa, nên trong sách Linh thao có những chỗ nói đến tán dương hoặc phụng sự Thiên Chúa, có những chỗ nói đến tán dương hoặc phụng sự Ðức Kitô, tức là tùy chỗ mà sách Linh thao phân biệt các Ngôi hay nhấn mạnh đến Thiên Chúa duy nhất.

Bổ sung bài Hai lá cờ hiệu

Trên kia đã nói rằng bài Ba hạng người là sự nối dài của bài Hai lá cờ hiệu bằng cách bổ sung vấn đề nghèo khó hiện thực. Vậy có thể ghi lại dưới đây ít là hai nét bổ sung.

Nét bổ sung thứ nhất. - Trong bài Hai lá cờ hiệu, người tĩnh tâm xin ơn được sống cảnh nghèo khó hiện thực; trong bài Ba hạng người, người tĩnh tâm cũng xin như thế ở phần tâm sự - vì là dùng lại phần tâm sự của bài Hai lá cờ hiệu - nhưng điều riêng biệt liên quan đến sự nghèo khó trong bài Ba hạng người, là thái độ dửng dưng mà người tĩnh tâm cần phải có đối với của cải thế gian, vì nhờ có thái độ này họ mới có thể, về phía họ, tiến tới chọn sự nghèo khó trong trường hợp thực sự Thiên Chúa muốn ban cho họ ơn sống nghèo khó này. Nói cách trống hơn, nhờ có sự dửng dưng, họ sẽ ở trong tư thế sẵn sàng đón nhận ơn Thiên Chúa là chọn cái hợp với ý muốn của Thiên Chúa, cũng nghĩa là chọn đúng cái mà Thiên Chúa muốn ban cho họ hoặc cái mà Thiên Chúa chờ đợi nơi họ; và cái đó có thể là sự nghèo khó hiện thực. Nếu họ có ở trong tư thế sẵn sàng này thì họ mới là người thực sự muốn và ước ao điều họ xin; hơn nữa, nếu họ thiếu tư thế này thì là họ tự mâu thuẫn với việc xin. Cũng không nên quên rằng bài Ba hạng người, xét về thứ tự thời gian, và so sánh với bài Hai lá cờ hiệu, nó gần kề hơn với công việc lựa chọn bậc sống hay lối sống.

Nét bổ sung thứ hai. - Ở bài Hai lá cờ hiệu, sự nghèo khó được nhìn ở góc độ là một lối sống rập theo lối sống của Ðức Kitô (s. 139,2) và phụng sự Ngài (s. 146,3; 147,2); ở bài Ba hạng người nó chỉ được nhìn ở góc độ thứ hai là phụng sự, và là phụng sự Thiên Chúa (s. 155,2-4). Vậy điều này còn gián tiếp khẳng định rằng phụng sự Ðức Kitô cũng là phụng sự Thiên Chúa. Bài Ba hạng người lại đưa thêm lý do hoặc mục đích của việc sống nghèo là tán dương Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn bản thân (s. 152; 155,2). Thực ra hai ý tưởng này cũng đã tiềm ẩn trong bài Hai lá cờ hiệu, chỉ chưa được diễn đạt minh nhiên qua ngôn từ, bởi lẽ noi gương Ðức Kitô và phụng sự Ngài chính là làm rạng danh Thiên Chúa đồng thời là cách con người đi tìm sự rỗi linh hồn mình; lại nữa, vẫn theo bài Hai lá cờ hiệu, giữ sự nghèo khó là tránh cạm bẫy của Xatan để được ở dưới cờ của Ðức Kitô, mà ở dưới cờ Ðức Kitô là điều bảo đảm sự rỗi linh hồn.

Bài Ba hạng người thêm một chú thích (s. 157) dành cho trường hợp người tĩnh tâm cảm thấy mình không ưa thích chút nào sự nghèo khó hiện thực và cả ghê sợ nó, và không dửng dưng đối với cái nghèo hay cái giàu. Vậy đối với họ, chú thích khuyên họ hãy hành động ngược lại xu hướng đó là, trong khi tâm sự, xin Thiên Chúa chọn cho mình sự nghèo khó hiện thực, là hãy nói rằng mình muốn và cầu xin điều đó miễn là để "phụng sự và tán dương Thiên Chúa tốt lành". Nếu đọc nhanh người ta dễ có cảm tưởng rằng có sự mâu thuẫn trong câu chú thích, vì câu chú thích bảo phải có sự dửng dưng cả đối với cái nghèo, rồi lại khuyên người tĩnh tâm xin Thiên Chúa cho mình sống nghèo. Vậy nên nhớ rằng chú thích này dành cho người tĩnh tâm nào đang sẵn gớm ghét sự nghèo khó, và việc họ xin được sống nghèo khó ở đây là một cách chống lại cái xu hướng gớm ghét đó, để họ có thể có sự dửng dưng cần thiết cho công việc lựa chọn mà họ sắp thực hiện.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page