Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


V. HAI LÁ CỜ HIỆU
(s. 136-148)

Trong ngày thứ bốn của Tuần Hai, người tĩnh tâm tạm ngưng các bài chiêm niệm Phúc âm và, thay vào đó, họ có bài Hai lá cờ hiệu và bài Ba Hạng người. Bài Hai lá cờ hiệu trực tiếp chuẩn bị một công việc quan trọng trong Tuần là việc lựa chọn (sẽ nói sau), như chúng ta đọc thấy câu này ở mục "Mào đầu để suy xét về các bậc sống" đặt trước bài Hai lá cờ hiệu: "Bởi vậy, như một nhập đề nào đó, ở bài tập một sau đây, chúng ta sẽ xem ý định của Ðức Kitô Chúa chúng ta và, ngược lại, ý định của kẻ thù của bản tính nhân loại..." (s. 135,5).

Nếu trong sách Linh thao có những bài tập được coi là rất quan trọng hoặc là những bài then chốt, thì chắc chắn trong số đó phải kể tới bài Hai lá cờ hiệu bởi lẽ, như vừa nói trên, nó chuẩn bị trực tiếp công việc lựa chọn và, không những thế, nó còn, cùng với bài Vương quốc, định hướng cho việc chiêm ngưỡng cuộc đời trần thế của Ðức Kitô trong tuần Hai và tuần Ba. Một vài sự kiện khác cũng gợi ý về tầm quan trọng to lớn của nó: nó được dùng để suy gẫm hai lần và được lặp lại cũng hai lần, tất cả trong một ngày; nó được nối dài ở bài Ba hạng người và bài Ba kiểu khiêm nhường; phần tâm sự của nó, sau khi đổi những cái phải đổi, được dùng làm phần tâm sự cho các bài suy ngắm tiếp theo cho tới hết Tuần Hai (s. 156; 159,3; 161;168,1).

Nhan đề đầy đủ của bài tập này là "Ngày thứ bốn, suy niệm về hai lá cờ hiệu, một của Ðức Kitô, vị thủ lĩnh tối cao và Chúa chúng ta, một của Luxiphe, kẻ tử thù của bản tính nhân loại chúng ta." Chính nhan đề cho biết ngay từ đầu rằng không phải bài suy niệm có ý đặt cho người tĩnh tâm vấn đề chọn Ðức Kitô hay chọn Luxiphe, vì nhan đề đã gọi Ðức Kitô là "vị thủ lĩnh tối cao và Chúa chúng ta", và gọi Luxiphe là "kẻ tử thù của bản tính nhân loại chúng ta". Ở ngay Tuần Nhất, người tĩnh tâm đã quyết định đoạn tuyệt vời quá khứ tội lỗi của mình; ở Tuần Hai, với bài khai mạc là bài Vương quốc, người tĩnh tâm đã quyết định đến với Ðức Kitô để đi theo Ngài, phụng sự và noi gương Ngài.

Bài Hai lá cờ hiệu nhằm giúp người tĩnh tâm cảnh giác trước mưu mô và sự lường gạt của Luxiphe, đồng thời giới thiệu cái họ phải hoặc nên làm xét như là những điều kiện để họ được sống dưới cờ của Ðức Kitô là Ðấng mà họ đã chọn.

Bài Hai lá cờ hiệu, như chính nhan đề của nó đã ghi rõ, là một bài suy niệm. Tuy nhiên, ở bài tập tiếp theo, bài Ba hạng người, lại có một chỗ gọi đó là bài chiêm niệm (s. 156). Dĩ nhiên, nếu theo như điều đã giải thích thế nào là một bài chiêm niệm, thì chẳng ai chiêm ngưỡng Luxiphe và những hành động của nó qua trung gian các quỷ khác, nhưng chúng ta chiêm ngưỡng Ðức Kitô. Vậy nếu gọi bài Hai lá cờ hiệu là một bài chiêm niệm, thì sự chiêm niệm này áp dụng cho phần liên quan đến Ðức Kitô.

Bài Hai lá cờ hiệu gồm ba phần như thường lệ:

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu những phần đó dưới đây.

1. Phần nhập đề

Mào đầu một: sử tích.

Một bên là Ðức Kitô và một bên là Luxiphe, cả hai đều muốn thu phục mọi người. Luxiphe (xem Is 14,12) có nghĩa là thiên thần ánh sáng; hắn là tướng quỷ, và cũng chính là Xatan trong sách Khải huyền, "tên quyến dụ toàn thể thế giới" (Kh 12,9). Sách Linh thao chỉ ở đây mới dùng danh xưng Luxiphe này, và là dùng cách thích hợp, vì Luxiphe là tên lừa gạt, như ở mục nói về những quy tắc liên quan đến sự phân biệt các thần, có câu nói rằng "ác thần biến đổi mình thành thần ánh sáng" (s. 332,1) để cám dỗ người ta. Thánh Phêrô viết về quỷ rằng nó như sư tử gầm rống, lượn rình bắt người ta như con mồi (1 P 5,8).

Về Chúa Giêsu, Phúc âm theo thánh Gioan nói Ngài là "sự sáng đích thực đến thế gian để soi sáng mọi người" (Ga 1,9), Ngài là "Con chiên của Thiên Chúa gánh lấy tội thế gian" (1,29). Phúc âm theo thánh Maccô viết về Ngài rằng Ngài đến "không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến sự sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45). Hình ảnh về sự đối địch giữa Chúa Giêsu và quỷ được Phúc âm mô tả sống động trong những tường thuật về việc Chúa chữa lành các bệnh tật - bệnh tật là dấu chỉ quyền lực của Xatan đối với con người (Lc 13,11-16) - và nhất là về việc Chúa trừ quỷ, tức xua đuổi các quỷ khỏi những người bị chúng nhập. Theo Phúc âm, có lần một người bị quỷ nhập đã phải thốt lên câu này với Chúa: "Ngài đến để tiêu diệt chúng tôi. Tôi biết Ngài là ai: Ngài là Ðấng thánh của Thiên Chúa" (Mc 1,24). Lần khác, khi những người Pharixêu bảo rằng Chúa lấy danh tướng quỷ Bengiêbun để trừ quỷ, Chúa trả lời: "Nếu Xatan trừ Xatan thì là nó chia rẽ chống lại nó, làm sao lúc đó nước của nó tồn tại được?" (Mt 12,26) và Chúa nói cho họ biết Chúa là Ðấng chiến thắng Xatan bằng sức mạnh: "Làm sao người nào có thể vào nhà một người khỏe để chiếm của mà trước đó lại không trói người khoẻ ấy lại rồi sau mới cướp nhà?" (12,29). Khi bảy mươi hai môn đệ của Chúa đi giảng về, họ vui vẻ trình với Ngài rằng "Thưa Thầy, ngay cả các quỷ cũng đã tuân phục chúng con vì danh Thầy." Chúa đáp: "Thầy đã thấy Xatan từ trời ngã xuống như chớp. Này đây Thầy đã ban cho các con quyền năng đạp dưới chân rắn và bọ cạp, và mọi quyền lực của kẻ thù" (Lc 10,17-19).

Mào đầu hai: cấu tạo nơi chốn.

Những đối tượng mà mỗi bên đều muốn thu phục là tất cả mọi người. Những ai được thu phục về với Chúa, thì đó là những người tốt, vì Ngài là "vị tổng thủ lĩnh tối cao của những người tốt"; trái lại, những kẻ thuộc phe Luxiphe là những kẻ thù. Ðể gợi ý cách tổng quát về sự đối lập giữa Chúa và Luxiphe, bản văn nói đến lãnh thổ: vùng Giêrusalem là lãnh thổ của Ðức Kitô; vùng Babilon là thuộc chủ quyền Luxiphe. Sự đối lập giữa Giêrusalem và Babilon là đề tài cổ truyền. Về Giêrusalem, chúng ta biết rằng, đối với người Thiên Chúa giáo, nó là thánh địa vì là nơi xưa Chúa đã được hiến dâng trong Ðền thờ và nhất là nơi xưa Ngài đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại (Mt 16,21; 20,17-19). Giáo hội đầu tiên cũng được thành lập ở Giêrusalem (Cv 1,4; 2). Ðịa danh Giêrusalem được tác giả sách Khải huyền mượn để chỉ Giêrusalem cánh chung mà tác giả gọi là Giêrusalem mới (x. Kh 21). Trong Cựu ước, Giêrusalem là thành trì của vua Ðavít, một vị vua mà từ dòng dõi của ông sẽ xuất hiện Ðấng Cứu thế, vua vĩnh cửu. Giêrusalem là thành thánh do sự hiện diện của Hòm bia; theo tiên tri Isaia, nó là nơi tỏa chiếu vinh quang Thiên Chúa và là nơi quy tụ của mọi quốc gia (x. Is 60 và 62); nó là "tòa của Giavê" (3,17). Tiên tri Êgiêkiel nói về Giêrusalem: "Từ nay tên thành sẽ là "Thiên Chúa ở đó" (Eg 48,35).

Về Babilon, trong Cựu ước, nó quen bị gọi là xứ ngoại đạo và thù nghịch; chính vua xứ Babilon đã đánh phá dân Do-thái, đã bắt dân Do-thái đi lưu đày và đã triệt hạ đền thờ Giêrusalem. Theo tiên tri Isaia, nếu Giêrusalem là thành thánh thì, ngược lại, Babilon là thành ô uế (Is 52,1.11). Babilon đã xấc láo với Giavê, với Ðấng thánh của Israel (Gr 50,29). Trong Tân ước, tác giả sách Khải huyền gọi Babilon (có ý chỉ Rôma) là "mẹ các gái điếm và những điều ghê tởm trên trái đất" (Kh 17,5), là "sào huyệt các quỷ, hang hốc của các thần ô uế" (18,2), và "các tội của nó chất cao lên đến trời" (8,5). Sau này thánh Âu-tinh (thế kỷ 6-7) gọi Giêrusalem là thành quốc của những kẻ mến Chúa, và Babilon là của những kẻ yêu thế gian và xác thịt. Ý tưởng này được nhắc đến trong sách truyện các thánh của tác giả Jacopo da Varazze (Voragine) mà thành I-nhã đã có dịp đọc trong thời gian dưỡng bệnh ở Loyola; cũng ở trong sách truyện đó có tư tưởng của thánh Âu-tinh về hai thành quốc: Giêrusalem có Ðức Kitô là vua, còn Babilon thì do quỷ cai trị.

Trong bài Hai lá cờ hiệu, Luxiphe được gọi là kẻ cầm đầu, và danh xưng thủ lĩnh dành cho Ðức Kitô. Sự khác biệt đến đối lập giữa Ðức Kitô và Luxiphe, rõ nhất là ở cách ứng xử trong quan hệ với những con người. Luxiphe tìm cách lừa gạt, vì thế mà mào đầu ba sẽ nói dưới đây mới nhắc bảo người tĩnh tâm hãy xin ơn biết những phỉnh gạt của hắn. Ngược lại, Ðức Kitô dạy cho biết đời sống chân thật.

Mào đầu ba: ơn xin

Mục đích của bài suy niệm được diễn tả qua những ơn xin:

Những ơn xin này chia thành hai cặp tương ứng với sự đối lập giữa Luxiphe được mệnh danh là "tên cầm đầu xấu xa", và Ðức Kitô được xưng tụng là "vị thủ lĩnh tối cao và chân thật". Mỗi cặp đều gồm một ơn xin liên quan đến biết hoặc tri, và một ơn xin liên quan đến làm hoặc hành: biết những lừa dối của Luxiphe và giữ mình khỏi những lừa dối đó; biết cuộc sống chân thật và noi gương Ðức Kitô. Biết thuộc tài năng gọi là trí hiểu, làm thuộc tài năng gọi là ý chí.

Theo ý bài suy niệm, như sẽ thấy sau, những lừa dối của quỷ là những cái đưa tới hoặc nhằm đưa tới cuộc sống giả, bởi lẽ chúng là của "tên cầm đầu xấu xa" chỉ tìm cách bắt người ta và đưa vào vòng nô lệ của nó; ngược lại, cái mà Ðức Kitô chỉ cho, chính là cuộc sống thật, bởi lẽ Ngài là "vị thủ lĩnh tối cao và chân thật". Chúng ta dễ dàng nhận thấy mạch lạc lý luận giữa ơn biết những lừa dối của quỷ và ơn giữ mình khỏi những lừa dối này. Nhưng về sự dính kết lý luận giữa ơn biết cuộc sống thật và ơn noi gương Ðức Kitô, thì cần được giải thích thêm như sau. Việc xin ơn noi gương Chúa ở đây hàm ý nhận Ngài là sự sống thật; chính Ngài chỉ cho chúng ta không những giáo lý thánh mà còn chính Ngài nữa, vì Ngài là bài học, là tấm gương cho mọi người, và cũng là hiện thân của giáo lý thánh. Vì thế, để được sự sống thật, chúng ta phải noi gương Ngài. Những điều vừa nói giúp thấy rõ hơn sự đối nhau giữa hai ơn xin của cặp một và hai ơn xin của cặp hai:

Nên nhắc lại rằng noi gương Ðức Kitô, cùng với đi theo và phụng sự Ngài, đó là những ý tưởng lớn của sách Linh thao. Riêng trong bài suy niệm này, phần tâm sự sẽ xác định noi gương Ngài ở những điểm nào.

2. Phần suy gẫm

Phần suy gẫm chia thành hai phần nhỏ tương phản rõ rệt: phần liên quan đến Luxiphe và phần liên quan đến Ðức Kitô.

2.1. Phần nhỏ một: Luxiphe

Phần nhỏ một gồm ba điểm dưới đây.

Ðiểm một: vài gợi ý về hình ảnh Luxiphe.

Luxiphe là "tên cầm đầu của mọi kẻ thù", tức hắn là tên cầm đầu của phe chống lại Ðức Kitô. Doanh trại của hắn rộng lớn, nằm trong lãnh địa Babilon của hắn, một vùng đầy rác rưởi tội lỗi như đã nói trên kia. Nhìn hẹp lại, chính cái chỗ hắn ngồi là một ngai tòa lớn đầy lửa và khói. Hình ảnh lửa và khói khiến chúng ta liên tưởng đến hỏa ngục mà Phúc âm gọi là nơi đầy lửa (x. Mt 5,22), là "lò lửa trong đó có những tiếng khóc lóc và nghiến răng" (13,42); tác giả sách Khải huyền nói đến "hố lửa và diêm sinh" (Kh 20,10) là nơi Xatan bị quẳng xuống. Vậy một tên bị án phạt trong lửa hẳn không có gì quyến rũ nơi bản thân hắn. Thông thường, lửa và khói đi chung với nhau là cái gì khiến người ta sợ hãi và tránh xa, chứ không thể có sức lôi cuốn ai. Ðiều vừa nói tương hợp với diện mạo của hắn mà bản văn mô tả là "ghê sợ và khủng khiếp". Từ cái vùng đất hắn chiếm cứ, từ cái tòa hắn ngồi, một biểu hiện nào đó về vai trò và chức vị của hắn, đến bộ mặt gớm ghiếc của hắn, tất cả hội lại để gợi ý về một cái gì xấu xa nơi con người hắn. Ðúng vậy, chúng ta sẽ thấy sự xấu xa của hắn qua việc hắn biểu lộ ý đồ, mưu mô và kế hoạch hành động của hắn.

Ðiểm hai: Luxiphe chuẩn bị hành động.

Luxiphe tập hợp các bộ hạ của hắn là "vô số quỷ". Ở đây nên nhớ đến một sự kiện trong Phúc âm cho phép hình dung sự đông đảo các quỷ. Thánh Maccô thuật lại rằng trong một dịp trừ quỷ khỏi một người mù bị nó nhập, Chúa Giêsu hỏi tên gọi của nó, nó đáp: "Tên tôi là cơ binh, bởi vì chúng tôi đông đảo", và chúng xin được phép Chúa để nhập đàn heo có tới hai nghìn con để lao mình xuống biển (Mc 5,9.13).

Luxiphe hay quỷ tướng gửi các bộ hạ đi đến khắp mọi nơi trên mặt đất, không bỏ sót nơi nào. Ðiều này khiến chúng ta nhớ đến câu trong sách Khải huyền: "Khi hết hạn ngàn năm thì Xatan sẽ ra khỏi tù, nó sẽ đi quyến dụ các nước trong khắp bốn phương thiên hạ" (Kh 20,7). Luxiphe sai các quỷ đến từng người, không trừ một ai. Ðiều này có nghĩa là mọi người đều có thể bị chúng cám dỗ. Ðúng vậy, sự cám dỗ của quỷ là phổ quát trong không gian và thời gian. Ngay từ thuở ban đầu, tổ tông nhân loại đã bị Xatan cám dỗ dưới hình con rắn (St 3,1-5). Chúa Giêsu, tân Ađam, cũng đã bị Xatan cám dỗ sau khi tịnh thực bốn mươi ngày trong hoang địa (Mt 4,1-11). Các môn đệ của Chúa bị cám dỗ, như Chúa đã nhắc bảo họ rằng "Hỡi Simon, hỡi Simon, Xatan đã đòi sàng anh em như người ta sàng lúa mì" (Lc 22,31). Sách Khải huyền gọi Xatan là "tên quyến dụ toàn thể thế giới" (Kh 12,9).

Ðiểm ba: phương thức hành động

Luxiphe truyền cho các quỷ "quăng lưới và xiềng xích". Ðiều này có nghĩa là những con người bị coi như những con mồi, đúng như câu thánh Phêrô đã viết: "Kẻ thù của anh em là quỷ, nó như con sư tử gầm rống, rảo quanh tìm mồi cắn xé" (1 P 5,8). Vì thế kẻ nào đi theo chúng thì chính là kẻ rơi vào tay chúng để trở thành nạn nhân.

Mục đích của chúng là bắt người ta. Nhưng bằng cách nào? Chúng không được phép dùng vũ lực. Ðiều này hàm ý con người có sự tự do của mình. Chúng dùng mưu mô, cách nào cho người ta tự ý rơi vào tay chúng, giống như con vật vì ham mồi mà sa bẫy. Vậy chúng cám dỗ người ta, và cám dỗ ham mê của cải. Của cải ở đây là của cải vật chất, vì chúng ta sẽ thấy phần nhỏ hai là phần đối lập với phần nhỏ một, nói đến sự nghèo khó, và không những nghèo khó tinh thần mà cả nghèo khó hiện thực. Nói ham mê của cải là nói dính bén nó đến nỗi coi nó như thần tượng, và như thế là đi ngược lại thái độ dửng dưng của bài Nguyên lý và Nền tảng.

Của cải hay tiền bạc đem lại cho con người nhiều khoái lạc, nhiều thỏa mãn, như người ta thường nói: có tiền mua tiên cũng được. Tự bản thân, của cải không phải là cái gì xấu. Thánh vịnh ca tụng Thiên Chúa: "Ngài đã thăm viếng địa cầu, Ngài đã ban mưa móc; Ngài làm cho nó đầy tràn của cải" (Tv 64,10). Cựu ước còn coi của cải là dấu chỉ của sự chúc phúc của Thiên Chúa, vì thế Abraham, Isaac, Giacóp là những tổ phụ giàu có (St 13,2; 26,12 tt; 30,43). Làm ra của cải để có đời sống vật chất dễ chịu là điều hữu lý, theo như lời Thiên Chúa đã phán với tổ tông Ađam là hãy làm chủ vạn vật (St 1,26). Có của cải rồi, cứ tiếp tục làm tăng thêm nữa, cũng là điều hữu lý, vì là tham dự công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa và là sử dụng những tài năng là những nén bạc chủ nhà trao cho để sinh lợi (Mt 25,14 tt). Tăng gia của cải không phải cho riêng bản thân mà cho mọi người cùng hưởng thụ, thì đúng là thực hiện tình bác ái huynh đệ. Nhưng đó không phải là vấn đề đề cập ở đây; ở đây bài suy niệm có ý nói đến sự ham mê của cải.

Về mặt xã hội, của cải được công nhận là một giá trị to lớn đến nỗi đã có nhận xét trong dân gian: "Giàu sơn lâm lắm kẻ tìm đến, khó giữa chợ chẳng ma nào nhìn" (phú tại sơn lâm hữu khách tầm, bần cư trung thị vô nhân vấn), hoặc: "Giàu sang nhiều kẻ tới nhà, Khó khăn nên nỗi ruột rà xa nhau" (phú quý đa nhân hội, bần cùng thân thích ly). Của cải là một thứ quyền lực hoặc là con đường dẫn tới quyền lực; nó đem lại cho con người sở hữu nó sự kính nể. Trọng phú khinh bần là cách đánh giá của thế gian. Một sự kiện thông thường phù hợp với cách đánh giá đó, là người giầu hãnh diện về sự giầu của mình, phô trương của cải của mình. Thánh Giacôbê, trong thư gửi các tín hữu gốc Do-thái, đã khuyên bảo họ tránh cách đánh giá nói trên của thế gian: "Giả như có một người đi vào cuộc họp của anh em, nhẫn vàng đeo tay, áo mặc lộng lẫy, và cũng có một người nghèo đi vào, áo mặc tồi tàn, mà anh em quan tâm đến người mặc áo lộng lẫy và nói: "Mời ông an tọa chỗ danh dự này", còn với người nghèo, anh em bảo: "Anh hãy đứng đó" hoặc: "Hãy ngồi ở chân ghế tôi", thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị ư?" (Gc 2,2-3).

Các quỷ cám dỗ người ta ham mê của cải là "để người ta dễ dàng đi tới hư danh thế gian". Hư danh của thế gian, hiểu là danh vọng hảo huyền, phù phiếm, là danh vọng căn cứ vào sự đánh giá của thế gian hoặc theo tinh thần thế gian. Theo ý của bản văn, không phải của cải mà người ta kiếm được do bị thúc đẩy bởi lòng ham mê, sẽ đưa tới sự ham thích hư danh, nhưng là nó đưa tới hư danh, và, như sẽ thấy sau, chính cái hư danh này sẽ là dịp khiến người ta bị hư hỏng là trở nên kiêu ngạo. Như vậy việc cám dỗ của các quỷ nằm ngay ở khởi điểm và tập trung vào khởi điểm: cám dỗ ham của. Chúng ta có thể suy đoán thêm rằng đối với một người có lòng ham của thì hư danh mà của cải mang lại cho họ, sẽ dễ dàng khiến họ trở nên ham danh, bởi lẽ khó có thể quan niệm nổi việc một người không "dửng dưng" đối với của cải mà lại dửng dưng được khi đứng trước hư danh.

Thực tế cho thấy rằng sự giầu sang đúng là con đường thông thường dẫn tới danh vọng, và có khi nó cũng được coi như là một thứ danh vọng. Danh vọng, cụ thể là sự chiếm địa vị cao trong thang cấp xã hội, là được người ta ca tụng hay thán phục. Như vậy, danh vọng làm thỏa mãn cái thèm khát tự nhiên của con người là "cái tôi xã hội" được đề cao. Nhưng cái thèm khát này bị nhiễm tinh thần thế gian, bởi lẽ cái cao quý đích thực của con người không cốt ở được trọng nể hay kính phục. Do đấy, khoe mình hay phô trương thanh thế cũng là biểu hiện của sự ham mê danh vọng, vì là có ý tìm được đề cao, được ca tụng; hãnh diện về những thành công hay về những tài năng của mình, tức là lấy làm thỏa mãn vì thấy mình được đề cao.

"Và sau đó đi tới sự kiêu ngạo lớn lao". Của cải dẫn đến danh vọng, và danh vọng dẫn đến sự kiêu ngạo, không phải sự kiêu ngạo ở mức bình thường, mà là, như bản văn ghi rõ, sự kiêu ngạo lớn lao. Trở nên kiêu ngạo như thế tức là lúc sa vào bẫy của các quỷ, và cũng là lúc Luxiphe thành công vì, theo bản văn, kiêu ngạo là đầu mối các nết xấu khác. Tới đây, chúng ta nhớ lại truyền thống Giáo hội nói đến bảy "đầu mối" các tội, trong đó kiêu ngạo được kể đến đầu tiên. Sách Huấn ca viết: "Không thuốc nào chữa được nỗi khốn khổ của kẻ kiêu ngạo, vì sự tà ác như cây đâm rễ nơi nó" (Hc 3,28). Theo sách Sáng thế, tội đầu tiên mà tổ tông Ađam đã phạm và do đó gây lụy cho toàn thể nhân loại qua các thế hệ, là tội kiêu ngạo không chịu tuân lệnh Thiên Chúa, nhưng đã nghe theo lời xúi bẩy của con rắn để không cần đến Thiên Chúa, mà tự mình đi tìm lấy sự biết họa phúc (hoặc biết lành biết dữ) với ý muốn trở thành thần như Thiên Chúa. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu dạy phải trở nên như trẻ nhỏ mới được vào Nước Trời (x. Mt 18,3); trở nên trẻ nhỏ có nghĩa là khiêm tốn, không kiêu căng, tự phụ, tự mãn.

Riêng về của cải, một mình nó thôi cũng đủ để khiến người ta trở nên kiêu ngạo do ở chỗ nó hàm chứa mối nguy hiểm có thực là làm sai lệch cái nhìn về bản thân, về tha nhân và về chính Thiên Chúa. Thực vậy, đối với bản thân, người giầu có, vì thấy mình nhờ của cải mà được nhiều thỏa mãn, hưởng nhiều khoái lạc và tiện nghi, nên họ dễ có cái cảm tưởng mình đủ cho mình, không cần đến ai khác. Ðối với xã hội, họ dễ cảm thấy hãnh diện về thành công của mình nếu của cải họ thủ đắc là do tài khéo hay nỗ lực của họ; họ dễ được kính nể trọng vọng, có khi được người ta nhờ vả; và sẽ không đáng ngạc nhiên nếu điều này dẫn họ tới chỗ, mặc nhiên hoặc minh nhiên, công nhận của cải làm tiêu chuẩn duy nhất hay ưu tiên để đánh giá bản thân và tha nhân; sự công nhận này lại dễ dàng đưa tới thái độ khinh thường rẻ rúng đối với những người nghèo khó là những kẻ thua kém họ về mặt vật chất. Ði xa hơn nữa, do tại của cải làm nảy sinh cái ảo tưởng về giá trị con người mình, họ trở nên hững hờ đối với Thiên Chúa, hoặc họ còn bỏ quên Ngài, vì không còn nhớ hoặc không muốn nhận rằng chính Ngài là Ðấng ban không cho họ mọi ơn lành tự nhiên cũng như siêu nhiên.

Tác giả sách Khải huyền đã viết: "Bởi vì ngươi nói: "Tôi giầu có, tôi đã làm giầu, tôi không thiếu thốn gì", và vì ngươi không biết rằng ngươi khốn nạn, đáng thương hại, nghèo khó, mù lòa và trần truồng, nên ta khuyên ngươi..." (Kh 3,17). Họ đi đặt tin tưởng vào của cải, giống như người giầu có rồ dại nọ trong Phúc âm đã tự nhủ: "Này ngươi có vô số của cải tích trữ dành cho nhiều năm, ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống thỏa thích" (Lc 12,19). Họ còn biến của cải thành ông chủ của họ, nếu không là ông chủ độc nhất thì ít ra cũng là ông chủ khác bên cạnh Thiên Chúa và, với ý định bắt cá hai tay, họ muốn phụng sự đồng thời cả hai, điều không thể được, như Chúa Giêsu đã dạy: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc quyến luyến chủ này và khinh rẻ chủ nọ. Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi thần tài" (Mt 6,24). Vì thế thánh Phaolô nói: sự tham của chính là sự thờ ngẫu tượng (Cl 3,5). Vậy thờ ơ với Thiên Chúa, bỏ quên Thiên Chúa, tôn thờ thần tài, tất cả đều là kiêu ngạo đối với Thiên Chúa, kiêu ngạo vì không còn nhận Ngài là Chủ tể tối cao và độc nhất của mình. Vì thế thánh Gioan nói đến "sự tin tưởng kiêu ngạo vào của cải" (1 Ga 2,16); trong Cựu ước, tiên tri Hôsê cũng đã nói: "Một khi được no nê, lòng chúng phồng lên, chính vì thế mà chúng đã quên Ta" (Hs 13,6). Thánh Phaolô khẳng định: "Gốc rễ của mọi điều ác, đó là lòng ham thích tiền bạc" (1 Tm 6,10).

Nếu của cải dễ đem lại hậu quả nói trên, thì danh vọng cũng thế, bởi lẽ cả hai đều đáp ứng sự quý chuộng bản thân hoặc tự quý. Xét trên bình diện tương quan xã hội, danh vọng đáp ứng sự tự quý cách đặc biệt về mặt tinh thần. Không nhất thiết sự giàu có khiến người ta tiến tới việc đi tìm danh vọng. Trong thực tế, có những người dừng lại ở của cải, có những người khác lại tha thiết với danh vọng hơn là với của cải. Tuy nhiên con đường từ có của cải đến có danh vọng là con đường thông thường. Lại nếu vừa có của cải vừa có danh vọng thì sự tự quý sẽ được thỏa mãn hơn nhiều, gấp đôi hoặc gấp bội! Riêng danh vọng, nó còn dễ đưa tới hơn những hậu quả không tốt nói trên, lý do là vì danh vọng là một giá trị được xã hội công nhận chính thức, và do vậy đối với người có danh vọng thì cái tôi xã hội của họ cũng là cái tôi được xã hội đề cao chính thức. Cũng như của cải, danh vọng dễ khiến người ta lóa mắt mà không còn nhận ra những khuyết điểm của mình. Bởi đấy họ nuôi ảo tưởng về giá trị đích thực của con người họ mà trở nên kiêu ngạo, kiêu ngạo trong quan hệ với tha nhân và nhất là với Thiên Chúa. Trong quan hệ với tha nhân, điều dễ xảy ra là vì họ thấy mình có danh vọng, nên họ tự cho mình hơn người, và do đó họ khó phục thiện, khó chấp nhận ý kiến hay quan điểm khác với của mình; ngược lại, họ ưa áp đặt ý kiến hay quan điểm của mình cho người khác, họ coi thường hoặc rẻ rúng những kẻ khác, nếu không bằng lời nói hay hành động bên ngoài thì cũng bằng thái độ bên trong. Ðối với Thiên Chúa, họ không còn muốn phục tùng và lệ thuộc vào Ngài, tức họ muốn chối bỏ quyền tối thượng của Ngài.

Bao lâu Luxiphe không đưa được người ta vào cạm bẫy của nó thì cạm bẫy vẫn còn đó, vì thế chúng ta hiểu tại sao Chúa nhắc nhở: "Anh em hãy thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ" (Mt 26,41). Trong kinh Lạy Cha, Ngài cũng dạy hãy xin Thiên Chúa đừng để chúng ta lâm vào chước cám dỗ (6,13). Thánh Phêrô ví quỷ như con sư tử lượn quanh để tìm bắt chúng ta như bắt con mồi (1 P 5,8); và thánh Phaolô khuyên các tín hữu Êphêxô: "Anh em hãy mang áo giáp của Thiên Chúa để có thể chống cự lại những mưu chước của quỷ" (Ep 6,11).

2.2. Phần nhỏ hai: Ðức Kitô

Phần nhỏ này bắt đầu bằng câu: "Cũng thế nhưng ngược lại, phải tưởng tượng vị thủ lĩnh tối cao và chân thật, Ðấng là Ðức Kitô Chúa chúng ta." Câu này khẳng định rằng chúng ta có Ðức Kitô làm vị thủ lĩnh, và vì thế, như đã nói, bài suy gẫm không có ý đặt cho người tĩnh tâm vấn đề là lúc này phải làm một công việc lựa chọn giữa Ðức Kitô và Luxiphe, nhưng nó đưa ra điểm suy gẫm gồm những điều mà người tĩnh tâm phải giữ hay phải làm để tránh sa vào bẫy của các quỷ, và do đó để khỏi bỏ mất Ðức Kitô mà họ đã chọn ngay từ đầu. Ðiều khẳng định khác trong câu trích dẫn trên: vị thủ lĩnh của chúng ta là "vị thủ lĩnh tối cao và chân thật", đối lập lại với tướng quỷ Luxiphe. Chúng ta có thể mượn lại ý tưởng của thánh Phaolô để bảo rằng đây là sự đối lập như giữa sự công chính và sự vô đạo, giữa ánh sáng và đêm tối (2 Cr 6,14). Sự đối lập sẽ được trình bày trong ba điểm suy gẫm, song song với ba điểm suy gẫm của phần nhỏ một. Sau khi đã xác định vị thủ lĩnh tối cao và chân thật là chính "Ðức Kitô Chúa chúng ta", từ đây trở đi bài suy niệm không dùng từ thủ lĩnh, mà dùng những danh xưng: Ðức Kitô Chúa chúng ta, Chúa của toàn thể thế giới, hoặc Chúa.

Ðiểm một: Vài gợi ý về hình ảnh Ðức Kitô.

Trong khi Luxiphe, tên đầu đảng thù địch, ở trong doanh trại của hắn thuộc vùng Babilon là nơi đầy rác rưởi tội lỗi, thì Ðức Kitô, vị thủ lãnh của chúng ta, Ngài ở trong doanh trại thuộc vùng Giêrusalem, nơi có thành thánh và đền thờ của Thiên Chúa. Trong khi Luxiphe chễm chệ trên ngai tòa ngùn ngụt khói lửa, thì Ðức kitô, không phô trương, không kiêu kỳ, Ngài ở một chỗ tầm thường chứ không ngự trên ngai tòa. Diện mạo của Luxiphe trông ghê sợ, diện mạo của Chúa thì đẹp và thanh nhã. Vậy, không như hình ảnh Luxiphe gợi sự đáng tránh xa, hình ảnh Ðức Kitô gợi sự đáng mến, sự thu hút. Mà sự thực là như thế, như Phúc âm cho biết: Ngài được quần chúng đông đảo tìm đến (Mt 4,25), được họ tung hô và tôn làm vua (Ga 12,12-13); những người cà nhắc, mù lòa, què quặt, câm cũng đến với Ngài (Mt 15,30). Chính Ngài gần gũi với mọi người: Ngài bảo các môn đệ đừng ngăn cản các trẻ nhỏ đến với Ngài, và Ngài tỏ lòng âu yếm với chúng (Mc 10,13-16); Ngài gợi chuyện với người đàn bà xứ Samaria đến kín nước ở giếng Giacóp (Ga 4,1-26); Ngài nhân từ với người phụ nữ phạm tội ngoại tình (8,1-11); Ngài không ngại sờ tay vào người phong hủi để chữa lành cho họ (Mt 8,1-4). Về chỗ ngồi, có lần Ngài ngồi trên thuyền để giảng dạy dân chúng (13,2); có lần Ngài ngồi ăn cùng bàn với những người thu thuế và những người tội lỗi (9,10); lần khác Ngài ngồi ngay ở bờ giếng để tiếp xúc với người đàn bà xứ Samaria nói trên (Ga 4,1-16). Quả là cử chỉ và ứng xử của Ðấng "có lòng hiền lành và khiêm nhường" (Mt 1,19)!

Vậy nếu hình ảnh về Luxiphe là hình ảnh tưởng tượng dùng để gợi ý về một hiện thân của sự ác thì, ngược lại, hình ảnh về "Ðức Kitô Chúa chúng ta" trong bài suy niệm này là hình ảnh dựa vào những sự kiện có thật của Ðấng đã nhập thể, đã sống ở thế gian với loài người, với hàng xóm láng giềng, trong một đất nước nhất định và ở vào một thời kỳ nhất định.

Ðiểm hai: Chuẩn bị hành động.

Luxiphe gọi các quỷ đông vô số, rồi rải chúng đi khắp nơi. Ðức Kitô thì tuyển chọn những người làm việc cho Ngài, và những kẻ được tuyển chọn cũng làm thành một con số lớn; đó là những tông đồ, những môn đệ, v.v. Ngài không rải, nhưng sai họ đi. Từ sai đi này hàm ý đối tượng được sai đi là hữu thể có lý trí, tức con người, họ có ý thức về trách nhiệm cũng như về sứ mệnh hay nhiệm vụ được trao phó cho để lên đường thi hành. Về việc Chúa xử sự với họ như những hữu thể có lý trí, chúng ta sẽ có dịp thấy rõ hơn.

Môi trường hoạt động của những sứ đồ của Chúa cũng là môi trường hoạt động của các bộ hạ của Luxiphe, vì đây là cuộc chiến đấu giữa hai bên trên cùng một chiến trường. Môi trường đó là toàn thể thế giới. Và nếu những đối tượng mà Luxiphe nhắm chụp bắt là mọi người và từng người, thì cũng chính mọi người và mỗi người thuộc đủ "mọi bậc và mọi hạng" là những đối tượng mà các sứ đồ được sai đến: mọi người và mỗi người đều được gọi để nhập đoàn dưới ngọn cờ của Chúa. Ðiều này khiến chúng ta nhớ lại lời Chúa truyền cho các môn đệ trước khi Ngài lên trời: "Anh em hãy đi thu nạp các môn đệ ở khắp mọi nơi, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy anh em" (Mt 28,19). Sách Công vụ các tông đồ cũng ghi tương tự: "Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong toàn thể xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,8).

Ðiểm hai trên đây nói đến nhiệm vụ tổng quát của các sứ đồ của Chúa: "Truyền bá giáo lý thánh của Ngài". Nói giáo lý thánh, bởi lẽ Ngài là "Ðấng Thánh của Thiên Chúa" (Ga 6,64), bởi lẽ giáo lý của Ngài chỉ lối cho người ta cách sống dưới cờ của Ngài; sống dưới cờ của Ngài tức là thuộc về Ngài, vì thế họ được Ngài thánh hóa (1 Cr 1,30). Thánh Phêrô viết: "Khi anh em tới gần Ngài là viên đá sống bị người ta loại bỏ nhưng được Thiên Chúa lựa chọn và quí chuộng, thì anh em cũng vậy, như những viên đá sống, anh em được xây thành ngôi nhà thiêng liêng để làm thành hàng tư tế thánh" (1 P 2,4-5). Nói giáo lý thánh để đối lại với những phỉnh gạt của Luxiphe là những cái nhằm đưa người ta vào vòng nô lệ của hắn.

Cũng nên nhắc đến một điểm dị biệt giữa những nhân vật trung gian của Luxiphe và của Ðức Kitô. Ðức Kitô và Luxiphe đều hành động qua các nhân vật trung gian, nhưng những nhân vật trung gian của Luxiphe là các quỷ, tức những tên cùng với Luxiphe làm thành một loài: loài quỷ, khác với loài người. Trái lại, các nhân vật trung gian của Chúa là những con người, tức họ thuộc cùng loài với những kẻ mà họ được sai đến, và họ, cùng với những ai nghe theo họ, đều có chung một Ðức Kitô làm "Chúa chúng ta". Bản văn không nói Chúa sai các thiên thần để đối lại việc Luxiphe sai các quỷ là những ác thần; điều này khiến chúng ta nghĩ đến Ðức Kitô hữu hình, tức Ngôi Lời nhập thể đã sống ở thế gian cách đây hai mươi thế kỷ, và, trong cuộc đời trần thế xưa của Ngài, Ngài đã chọn các môn đệ để sai họ đi rao giảng Nước Trời. Dĩ nhiên, vì là người, các sứ đồ của Chúa - và những người kế vị các sứ đồ - rao giảng giáo lý thánh cho người ta bằng các tiếp xúc cụ thể, trong những nơi chốn nhất định, còn các quỷ, vì là những hữu thể vô hình và vì chúng cũng không hiện hình người để đến với người ta, nên chúng cám dỗ người ta không phải bằng những lời xúi bẩy có thể tiếp nhận được khởi từ thính giác; sự cám dỗ của chúng là cái gì xảy ra thầm kín và lặng lẽ ngay ở bên trong con người - chúng ta không bàn đến trường hợp những người xấu trở thành tay sai của quỷ để cám dỗ những người khác - tuy nhiên, khác với những sứ đồ của Chúa, chúng lại có những mồi nhử cụ thể đầy sức quyến rũ là của cải và danh vọng. Vậy ở đây có sự đối lập giữa cám dỗ "trong lòng" và những lời khuyên giảng bên ngoài, giữa sự có và sự không có cái cụ thể có sức lôi cuốn tự nhiên.

Bài suy niệm không có ý nói những ai là những kẻ được Chúa chọn cho giữ vai trò tông đồ hay môn đệ của Chúa để đi làm công việc rao giảng, nhưng có ý nói đến việc mọi người được Chúa kêu gọi đến sống dưới ngọn cờ của Ngài, như mào đầu một đã nói rõ. Nhưng chúng ta có quyền hiểu thêm rằng những kẻ được Chúa chọn đi rao giảng giáo lý thánh của Chúa, phải được giả thiết là những kẻ đang thi hành giáo lý đó của Ngài, bởi lẽ họ là những kẻ thuộc về Ngài cách đặc biệt, họ là những kẻ được Ngài tuyển lựa.

Ðiểm ba: phương thức hành động.

Ðoạn trích trên đây nói đến cuộc viễn chinh để nhắc lại ý tưởng về cuộc chiến đấu dưới cờ của Chúa chống lại đoàn quân của Luxiphe. Về những người được Chúa chọn để sai vào cuộc viễn chinh này, trước đó họ được gọi là những tông đồ, những môn đệ, và bản văn thêm hai chữ "vân vân" (s. 145) để hàm ý rằng còn có những hạng người khác nữa không được xác định. Xét ra chúng ta cũng không cần tìm xác định những người này là ai, vì điều đáng lưu ý chúng ta nhất thì đã có ở trong đoạn trích: tất cả họ là "các đầy tớ và bạn hữu" của Ðức Kitô. Cũng nên nói đến bốn danh xưng được áp dụng minh nhiên cho những kẻ được Ngài chọn. Bốn danh xưng này mà chúng ta cũng gặp thấy trong Phúc âm, diễn đạt bốn vai trò và địa vị khác nhau trong quan hệ với Chúa. Họ là tông đồ, tức họ là những kẻ được Chúa sai đi để rao giảng Nước trời. Họ là môn đệ, tức họ là những người nhận sự huấn luyện của Chúa. Họ là đầy tớ, tức họ là những người có bổn phận phục vụ Chúa với tư cách Ngài là chủ của họ. Họ là bạn hữu, tức họ là những người có quan hệ mật thiết với Chúa trong tình thân ái như giữa anh em với nhau. Vậy bài suy niệm này cho thấy các sứ đồ đến với người ta ít là với bốn tư cách vừa kể trong quan hệ với Chúa là Ðấng sai họ đi: tông đồ, môn đệ, đầy tớ và bạn hữu.

"Ngài căn dặn họ hãy muốn giúp đỡ mọi người". Ðối với các sứ đồ, Chúa căn dặn họ (encomendar), chứ không như Luxiphe truyền lệnh cho các bộ hạ. Khác với truyền lệnh, căn dặn hàm ý sự gần gũi thân ái giữa Chúa và các sứ đồ, và cả sự tự nguyện nào đó về phía các sứ đồ, sự tự nguyện này được nêu rõ ở động từ tiếp theo: "Hãy muốn." Ðối với mọi người, Chúa căn dặn các sứ đồ giúp đỡ họ, chứ không phải đem lưới đến để chụp bắt và khi bắt được rồi thì dùng xiềng xích để xích lại và đưa đi. Nói giúp đỡ là nói đến ý tốt muốn đem cái gì hữu ích hay tốt lành đến cho người khác, đem đến chứ không bắt buộc nhận. Sự tự do của họ được tôn trọng. Vậy nếu người ta tiếp nhận cái mà các sứ đồ của Chúa muốn mang đến để giúp đỡ họ, thì là họ hành động theo sự tự do của họ. Nhân tiện cũng nên thêm rằng do hành động tự do này, họ sẽ tìm được sự tự do thật cao quý là khỏi bị lâm cảnh làm nô lệ cho Luxiphe. Rõ ràng ở đây tác phong của Chúa trong quan hệ với các kẻ được Chúa sai đi và với những kẻ Chúa muốn họ tiếp xúc, khác hẳn với tác phong của Luxiphe.

Những điều mà Chúa dặn bảo các sứ đồ thực hiện để giúp đỡ mọi người, là "Dẫn đưa họ, thứ nhất, đến sự nghèo khó tinh thần tột bậc, và đến cả sự nghèo khó hiện thực nếu do sự nghèo khó này mà Chúa uy linh được phụng sự và nếu Ngài muốn chọn họ; thứ hai, đến sự ao ước chịu những nhục nhã và khinh bỉ." Ðây là những điều đối lập hẳn với những điều cám dỗ của quỷ; chúng là cốt lõi, là trọng tâm của bài suy niệm; chúng vạch rõ cạm bẫy của Luxiphe lừa bịp mà con người cần biết để tránh, đồng thời chúng chỉ cho họ con đường phải chọn để được đi theo Ðức Kitô dưới bóng cờ của Ngài.

Việc thứ nhất phải làm để tránh cạm bẫy của quỷ và để đi theo Chúa, là bỏ sự ham mê của cải và, thay vào đó là chọn sự nghèo khó. Sự nghèo khó gồm hai thứ: nghèo khó tinh thần hoặc trong tâm hồn, và nghèo khó hiện thực hoặc vật chất. Sự nghèo khó tinh thần là sự nghèo khó ở trong nội tâm, nó gồm thái độ bên trong; nó cốt ở tâm hồn siêu thoát, không dính của cải trần gian, kể cả khi có nó cách dư dật, vì có của cải mà không ham mê nó thì đó là, như thánh Phaolô nói, hưởng dùng thế gian mà như không hưởng dùng (1 Cr 7,31).

Tuy nhiên, giải thích sự nghèo khó như vậy chưa đủ, vì chỉ mới là xét đến khía cạnh tương quan của tâm hồn với các vật thụ tạo; người ngoài Kitô-giáo hay vô tôn giáo cũng biết đến sự nghèo khó đó và coi như một lối sống khôn ngoan. Vậy sự nghèo khó được đề cập ở đây là sự nghèo khó có tính cách tôn giáo, nói rõ hơn, là sự nghèo khó của kẻ thuộc về Ðức Kitô. Nó không chỉ là sự phủ nhận suông, tức không phải chỉ có một chiều kích là sự quan hệ tiêu cực với của cải: không dính của cải; nhưng nó còn có chiều kích thiêng liêng là mối quan hệ tích cực với Thiên Chúa. Mối quan hệ này cốt ở đặt hết tin tưởng vào Ngài, chỉ biết nhờ cậy vào một mình Ngài vì xác tín trước mặt Ngài về tình trạng nghèo khó thiếu thốn của bản thân. Hiểu như vậy, sự nghèo khó không khác với sự khiêm tốn. Nó là điều cần thiết phải có để được vào Nước trời, như bài giảng Tám phúc đã nói: "Phúc cho những kẻ có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ" (Mt 5,3). Giữ sự nghèo khó này cũng chính là sống theo điều Chúa dạy: "Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được" (6,24). Ðây là sự chọn lựa dứt khoát và triệt để; cũng vì thế mà bài suy gẫm nói rõ là "sự nghèo khó tinh thần tột bậc". Ðây là sự lựa chọn cơ bản, vì là lựa chọn giữa Thiên Chúa và của cải, chứ không phải là lựa chọn giữa vật thụ tạo này và vật thụ tạo nọ - sự dửng dưng trong bài Nguyên lý và Nền tảng áp dụng cho việc lựa chọn giữa các vật thụ tạo.

Sự nghèo khó thứ hai là sự nghèo khó hiện thực hoặc nghèo khó vật chất. Nó cốt ở tự ý trút bỏ hoặc tránh những của cải vật chất và những tiện nghi nào không mấy cần thiết cho cuộc sống hay cho công việc của mình. Sự nghèo khó hiện thực là cái đi ngược lại sự xa hoa và sự sang trọng; nó vừa là dấu chỉ của sự nghèo khó tinh thần vừa là phương thế đặc ưu bảo vệ sự nghèo khó này, bởi vì, như Phúc âm đã dạy: "Kho tàng của bạn ở đâu thì lòng bạn ở đó" (Mt 6,21). Chúa đã khuyên những kẻ đi theo Ngài hãy giữ sự nghèo khó hiện thực, nhân dịp một người đến hỏi Chúa cho biết phải làm gì để được sự sống vĩnh cửu. Chúa nói: "Nếu bạn muốn nên toàn thiện, bạn hãy đi bán cái bạn có, cho người nghèo, và bạn sẽ có một kho tàng trên trời. Rồi bạn hãy đến theo tôi." (19,21). Khi Chúa sai mười hai môn đệ đi rao giảng, Ngài bảo họ đừng sắm sửa vàng, bạc, tiền, bị, cũng đừng sắm hai áo, đừng sắm dép sắm gậy (10,9). Theo sách Công vụ các tông đồ, một lần nọ một người tàn tật khất thực ở gần Ðền thờ, anh ta gặp hai tông đồ Phêrô và Gioan, và xin hai ông của bố thí. Thánh Phêrô trả lời: "Tiền và bạc thì tôi không có" (Cv 3,6).

Chính Chúa Giêsu đã sống cảnh nghèo khó hiện thực, như người tĩnh tâm đã và còn có dịp nhận thấy khi chiêm ngưỡng cuộc đời Ngài trong Tuần Hai và Tuần Ba. Ngài là Ðấng được Ðức Chúa Cha sai đến với những người nghèo: "Thần khí của Thiên Chúa ngự trên tôi bởi vì Thần khí đã xức dầu cho tôi để tôi loan báo Tin mừng cho những người nghèo khó" (Lc 4,18).

Trong bài Hai lá cờ hiệu này, sự nghèo khó hiện thực được coi là thuộc về một trong những lối sống hay bậc sống, nhưng người tĩnh tâm được giả thiết là chỉ mới bắt đầu đặt vấn đề lựa chọn lối sống hay bậc sống. Vì thế bài suy niệm viết: "Và đến cả sự nghèo khó hiện thực nếu do sự nghèo khó này mà Chúa uy linh được phụng sự và nếu Ngài muốn chọn họ." Câu này gồm hai ý. Ý thứ nhất là không phải rằng giữ sự nghèo khó hiện thực nhất thiết là phụng sự Chúa; việc chọn hay không chọn nó còn phải tùy theo trường hợp cụ thể của mỗi người; lại nếu có chọn nó, thì là chọn vì mục đích phụng sự Chúa. Ý thứ hai là việc chọn này tùy thuộc ở chính việc Chúa có muốn cho người nào đó chọn nó không; điều này hàm ý rằng đây là một ơn đặc biệt Ngài ban, không phải cho mọi người, nhưng cho một số người được Ngài tuyển lựa. Sự phân biệt cấp bậc là điều rõ ràng: hết mọi người được kêu gọi giữ sự nghèo khó tinh thần, nhưng không phải hết mọi người mà chỉ một số người mới được Chúa chọn cho giữ sự nghèo khó hiện thực.

Tiếp theo việc chọn nghèo khó là sự ước ao chịu nhục nhã và khinh bỉ. Nếu danh vọng thế gian là cái dốc đổ xuống vực thẳm kiêu ngạo thì, ngược lại, chịu sỉ nhục và khinh bỉ là con đường dẫn thẳng tới sự khiêm tốn. Trước thánh I-nhã mấy thế kỷ, thánh Bênađô (1091-1153) cũng đã nói: "Sự khiêm tốn mà sự chịu sỉ nhục đưa tới, là nền tảng của toàn thể tòa nhà thiêng liêng. Chịu sỉ nhục là con đường đưa tới sự khiêm tốn." Khi bảo rằng chịu sỉ nhục hay khinh bỉ là con đường hay là bậc thang đưa tới sự khiêm nhường, thì nên hiểu rằng đó là một cách nói nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa chịu sỉ nhục và sống khiêm tốn, do ở chỗ chịu sỉ nhục là phương thế đặc ưu giúp đạt được sự khiêm tốn. Nó là phương thế, vì vậy nó chỉ có giá trị cho ai muốn sử dụng nó như phương thế, vì trong thực tế có biết bao người sống trong cảnh nghèo mà vẫn ham của và vẫn kiêu, và biết bao người tuy bị sỉ nhục mà vẫn không trở nên khiêm tốn! Ðể đầy đủ, tưởng cũng nên thêm rằng không phải con đường chỉ có một chiều đi từ chịu sỉ nhục đến sự khiêm tốn, mà còn có chiều ngược lại, tức vì khiêm tốn mà ao ước chịu sỉ nhục. Ðáng nói hơn nữa, là ảnh hưởng hỗ tương giữa chịu sỉ nhục và sống khiêm tốn. Nhưng đó không phải là điều mà bài Hai lá cờ hiệu đề cập; bài này chỉ có ý nói đến điều phải làm để tránh các mưu mô của qủy và để được sống dưới bóng cờ của Ðức Kitô.

Ở trên kia, khi đề cập sự nghèo khó hiện thực, bài suy niệm bảo những người được Chúa sai đi hãy dẫn đưa người ta đến sự nghèo khó đó; ở đây, khi đề cập sự chịu nhục nhã và khinh bỉ, bài suy niệm thêm từ ước ao: dẫn đưa họ đến "sự ước ao chịu những nhục nhã và khinh bỉ". Nói ước ao, bởi lẽ, không như sự nghèo khó hiện thực là cái người ta tự nguyện thực hiện bằng việc tự ý trút bỏ của cải, những nhục nhã và khinh bỉ là những cái người khác đem lại cho họ, đem lại lúc nào là tùy ở người đó, vì thế, về phía mình, họ chỉ là sẵn sàng hứng chịu, và sẵn sàng đến độ ước ao hứng chịu, tức không chỉ chấp nhận những nhục nhã và khinh bỉ khi chúng xảy đến, dù là chấp nhận với tâm hồn bình tĩnh vui vẻ, mà còn mong muốn chúng xảy đến cho mình. Theo bài Vương quốc, sự mong muốn này thuộc chiến thuật tấn công theo kiểu "hành động ngược lại" (haciendo contra, agendo contra): "Hành động ngược lại nhục dục của riêng mình và ngược lại lòng yêu xác thịt và thế gian" (s. 97,2); riêng ở đây, lý do của sự mong muốn đó, là sự chịu các nhục nhã và khinh bỉ là nấc thang dẫn tới sự khiêm tốn để được ở dưới cờ Ðức Kitô, hoặc, như sẽ thấy ở phần tâm sự của bài suy niệm, là sống theo gương mẫu của Ngài.

Về mối liên hệ giữa sự nghèo khó hiện thực và sự chịu sỉ nhục, đây cũng là mối liên hệ thường có, nhưng nên phân biệt chiều kích cá nhân và chiều kích xã hội của cảnh sống nghèo. Xét về chiều kích cá nhân, ngược lại cảnh giàu có, cảnh nghèo là cảnh sống phải hy sinh nhiều khoái lạc, nhiều thỏa mãn, nhiều tiện nghi vật chất; về chiều kích xã hội, chiều kích không luôn luôn có nhưng dễ có, đó là sự kiện người nghèo bị những người khác coi thường và có khi khinh bỉ. Vậy sự liên hệ của sự nghèo khó hiện thực với sự chịu sỉ nhục là ở chiều kích xã hội này của nó. Nhưng, xét về phương diện này, để dùng hình ảnh hai nấc thang, sự nghèo khó hiện thực là nấc thang đầu, tức nấc thang dưới, dẫn tới sự khiêm nhường. Thực vậy, sự nghèo khó có thể khiến người nghèo bị xã hội đánh giá thấp, nhưng cũng chỉ là về một vài phương diện nào đó thôi - chưa kể rằng có trường hợp người sống nghèo được ca tụng hoặc kính phục vì lối sống này - còn các sự sỉ nhục làm giảm giá con người ở phần thâm sâu nhất, vì chúng như bôi nhọ cái tôi trong tương quan với xã hội. Chọn sự nghèo khó là muốn cởi bỏ những của cải vật chất; chọn sự sỉ nhục là muốn cởi bỏ danh giá và địa vị, một thứ giàu sang tinh thần.

Xem ra cũng nên xác định điều này: phần nhỏ một đã nói rằng một mình sự giàu có có thể đưa tới sự kiêu ngạo; vậy ở đây khi khẳng định rằng sống nghèo khó hiện thực và chịu sỉ nhục là những chặng đường tiếp nối nhau dẫn tới sự khiêm tốn, thì cũng không phải là phủ nhận mối liên hệ trực tiếp giữa sự nghèo khó hiện thực và sự khiêm tốn, và đây còn là mối quan hệ qua lại. Thực vậy, sự nghèo khó hiện thực có thể dẫn thẳng tới sự khiêm tốn: sống nghèo khó để trở nên khiêm tốn hoặc khiêm tốn hơn, tức lấy sự nghèo khó làm phương thế đi tìm sự khiêm tốn. Nhưng điều ngược lại cũng đúng, tức vì khiêm tốn mà chọn sống nghèo khó; ở đây sự nghèo khó là hậu quả và biểu hiện của sự khiêm tốn, hoặc, theo ý của bài Ba kiểu khiêm nhường (s. 165 - 168) sẽ nói sau, nó là một khía cạnh của sự khiêm tốn, vì bài này, khi đề cập kiểu khiêm nhường thứ ba, có viết rằng nó gồm sự noi theo Ðức Kitô để chọn sự nghèo khó của Ðức Kitô nghèo khó (s. 167). Tự nguyện sống nghèo để được khiêm tốn và vì khiêm tốn mà sống nghèo, cả hai trường hợp đều ít là cất đi cái dịp được trọng nể, khác với trường hợp một người giàu đạo đức biết rộng rãi chia sẻ của cải cho những kẻ túng thiếu vì, dù không muốn, thường người giàu này được đền đáp là được những kẻ thụ ân trọng vọng kính nể, và dĩ nhiên được coi như kẻ đàn anh, kẻ thuộc vai trên.

Tóm lại, vị trí thấp nhất trong thang cấp xã hội là vị trí dành cho kẻ nghèo khó và nhất là kẻ bị khinh chê sỉ nhục. Vậy không có gì giúp người ta tập luyện sự khiêm tốn bằng việc chọn lấy cái vị trí xã hội thua kém và thấp hèn đó. Theo bài Hai lá cờ hiệu, sự nghèo khó hiện thực và sự chịu sỉ nhục, cả hai liên hệ chặt chẽ với nhau; chúng là hai bậc thang dẫn tới sự khiêm tốn, và sở dĩ bài suy niệm nhắm sự khiêm tốn là vì sự khiêm tốn được coi như gốc rễ của hết các đức khác. Bài suy niệm không nói gì thêm về sự khiêm tốn; riêng về sự khiêm tốn này, người tĩnh tâm sẽ có dịp đào sâu hơn trong bài suy tư Ba kiểu khiêm nhường. Nhưng tưởng cũng nên nhắc qua về sự quan trọng và cần thiết của sự khiêm tốn, cách riêng trong quan hệ giữa con người với Thiên Chúa: có khiêm tốn mới nhận ra Thiên Chúa là Ðấng Tạo Hóa của mình, là Chủ Tể tối cao của mình, và do đó mới tôn thờ Ngài, phục tùng Ngài, tín thác vào Ngài, và cả tôn trọng mọi người vì nhìn nhận rằng Thiên Chúa ngự nơi họ khiến họ trở nên như đền thờ đáng tôn kính. Kẻ kiêu ngạo là kẻ làm như không biết đến Ngài và không cần đến Ngài, mặc dù mọi cái họ có hoặc hưởng thụ đều do Ngài ban cho, và mặc dù chính con người họ là do Ngài dựng nên. Như vậy là gìm mình trong sự sai lầm cơ bản. Bảo rằng Thiên Chúa hạ kẻ kiêu ngạo xuống, đó là nhìn về phía Thiên Chúa; nhưng nhìn về phía kẻ kiêu ngạo, thì chính là họ tự đặt mình vào trong tình huống không chịu để cho Thiên Chúa kéo họ lên, bởi lẽ họ nghĩ mình đủ cho mình rồi. Có khiêm tốn thì mới được ở dưới cờ của Ðức Kitô, Ðấng "có lòng khiêm nhường" (Mt 11,29).

3. Phần tâm sự

Người tĩnh tâm cầu xin lần lượt với Ðức Maria, Ðức Kitô và Ðức Chúa Cha, như họ đã làm như thế ở phần tâm sự của bài tập ba của Tuần Nhất (s. 63).

Với Ðức Maria

Cầu xin với Ðức Maria là điều thích đáng, vì ngài đúng là gương mẫu tuyệt hảo về sự khiêm tốn, là đấng đã khiêm tốn thưa cùng thiên thần, sứ giả của Thiên Chúa, rằng xin vâng, nghĩa là xin tuân theo ý muốn của Thiên Chúa. Ðức Maria đã nhìn nhận mình là đầy tớ hèn hạ được Thiên Chúa đoái nhìn đến (Lc 1.48); ngài đã sống nghèo với Con, ngài đã chịu nhục nhã với Con trong cuộc Tuẫn nạn, cách riêng khi đứng bên cạnh Thánh giá. Vì thế ngài xứng đáng là người đứng đầu trong số những kẻ sống dưới cờ Ðức Kitô. Nên chú ý đến mối quan hệ giữa Ðức Maria và Ðức Kitô được nêu rõ trong lời tâm sự: Ðức Maria là mẹ Ðức Kitô nhưng đồng thời lại có Ðức Kitô là Chúa của mình, hoặc, nói ngược lại, Ðức Kitô vừa là con vừa là Chúa của Ðức Maria.

Ơn xin tổng quát là ơn được nhận dưới cờ của Ðức Kitô. Như đã nói ngay từ đầu, người tĩnh tâm đã chọn và nhận Ðức Kitô là vị "Thủ lĩnh tối cao và chân thật" của mình. Tuy nhiên, để được thật sự sống dước cờ của Ngài, họ có những điều phải hoặc nên làm xét như là những điều kiện cần hoặc nên có. Những điều này đã được suy gẫm ở phần suy gẫm, và được nhắc lại ở phần tâm sự trong câu trích trên đây. Ðó là giữ sự nghèo khó tinh thần, và nếu Chúa muốn thì giữ cả sự nghèo khó hiện thực, và đó là chịu nhục nhã xỉ vả. Vậy hiển nhiên để thực hiện những điều này, ơn phù trợ của Thiên Chúa là điều thiết yếu.

Có một điều nên nói: hình ảnh về một trận chiến ở đó hai lực lượng đối đầu nhau gồm một bên theo Ðức Kitô và một bên thuộc Luxiphe, mỗi bên đều tìm thu phục mọi người về cho mình, hình ảnh này có thể gây cho chúng ta cái cảm tưởng rằng chúng ta là kẻ đang có mặt như khán giả đứng trước một cuộc chiến đấu. Nhưng thực ra cuộc chiến đấu diễn ra ngay ở bản thân chúng ta; hơn thế nữa, chính chúng ta là kẻ ở trong cuộc chiến, như mào đầu ba đã gián tiếp cho biết ngay từ đầu rằng chúng ta một đàng phải nhận ra những lường gạt của Luxiphe để tránh, một đàng chúng ta cần biết cuộc sống chân thật mà Ðức Kitô chỉ cho thấy và cần noi theo Ngài.

Cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến đấu kéo dài suốt cả cuộc đời. Thực vậy, noi theo Chúa không phải chỉ là noi theo một hay hai ngày. Xatan vẫn ở bên cạnh chúng ta; và chúng ta có thể áp dụng cho chúng ta câu Chúa đã nói với các môn đệ: "Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo" (Lc 22,31), và "Anh em hãy thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ" (Mt 26,41). Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của Công đồng Vaticanô II viết: "Con người bị phân chia ở bên trong mình. Vì thế suốt cả cuộc sống, dù là cuộc sống cá nhân hay cuộc sống tập thể, có những đặc tính của một cuộc chiến đấu bi đát giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối" (GS số 13); ngoài ra nhiều khi ranh giới giữa thắng và bại không rõ rệt hoặc dễ thay đổi. Một ví dụ: đem tiền giúp đỡ một người túng quẫn, bề ngoài là một việc làm đáng khen; nhưng hành vi này có được thực hiện do ý hướng thật trong lành không, hay còn bị pha trộn bởi ý muốn tìm tiếng khen, tìm sự tự thỏa mãn, v.v. Bởi vậy xin được nhận dưới cờ của Ðức Kitô là điều cần thiết, vì nó còn có nghĩa là xin được bền chí trong cuộc chiến đấu và được mãi mãi trung thành với Ngài, xin được tiến bộ trong sự noi gương Ngài, xin được sáng suốt tránh các mưa mô và cạm bẫy của Xatan giảo quyệt, xin được đủ sức mạnh chống lại các thứ cám dỗ, v.v.

Phần tâm sự xin ơn sống nghèo khó (nghèo khó tinh thần và cả nghèo khó hiện thực) và ơn chịu nhục nhã, chứ không nói gì đến việc xin sự khiêm nhường - bài Ba kiểu khiêm nhường sẽ bảo hãy xin sự khiêm nhường (s. 168,2). Ðiều này dễ hiểu, bởi lẽ ở đây đang nói đến sự nghèo khó và sự chịu nhục nhã như là những điều phải hoặc nên làm hay giữ để có được sự khiêm nhường; mà để làm hay giữ những điều này, một công việc đòi nhiều cố gắng và tập luyện, thì ơn phù trợ của Thiên Chúa là cần thiết.

Về ơn sống cảnh nghèo khó hiện thực, phần tâm sự nhắc lại điều đã đề cập ở phần suy gẫm khi viết rằng "Nếu Chúa uy linh được phụng sự và muốn chọn và nhận tôi." Phải thêm điều kiện này được diễn đạt bằng từ nếu, bởi lẽ, cũng như đã nói, khi đi vào việc suy gẫm bài Hai lá cờ hiệu, người tĩnh tâm được giả thiết chưa thực hiện công việc lực chọn hiểu theo nghĩa trong sách Linh thao (s. 175 tt), mà chỉ mới chuẩn bị công việc này. Ðàng khác, sống cảnh nghèo khó hiện thực là một ơn Chúa ban cho một số người nào Chúa chọn mà thôi. Ðiều này khác với ý tưởng được nêu ra ở mào đầu một, ở đó Chúa kêu gọi và muốn hết mọi người đều sống dưới cờ của Chúa. Vậy rõ ràng có sự phân biệt về cấp độ trong cách sống dưới cờ của Chúa, và sự phân biệt này đã được đề cập ngay ở bài Vương quốc. Người tĩnh tâm khi xin Chúa cho mình được sống cảnh nghèo khó hiện thực, là họ diễn đạt ước muốn của riêng mình, và đó là một cách họ tự đặt mình trong tình trạng sẵn sàng để đón nhận ơn sống nghèo khó đó nếu Chúa muốn ban cho họ.

Phần suy gẫm nói đến việc Ðức Kitô chọn ban cho người nào đó sống cảnh nghèo khó hiện thực, phần tâm sự thêm việc Ngài nhận: "Nếu Ngài muốn chọn và nhận tôi." Nói chọn là chỉ mới nói đến ý muốn của Chúa đối với người ta, còn nói nhận thì có thêm hàm ý rằng, về phía kẻ được chọn, họ muốn đáp ứng tích cực ý muốn của Chúa, và chính do sự đáp ứng này mà ý muốn của Chúa được thể hiện trọn vẹn. Chúng ta nhớ đến trường hợp Ðức Maria: tự đời đời, Ðức Maria được Thiên Chúa chọn làm mẹ Ðấng Cứu thế, nhưng đó là về phía Thiên Chúa; khi Ðức Maria chấp thuận ý định kia của Thiên Chúa mà thưa với thiên thần rằng "Tôi là nữ tì của Chúa, xin mọi sự xảy ra như lời ngài nói" (Lc 1,38), thì lúc này sự lựa chọn của Thiên Chúa mới thực sự hoàn thành: Ðức Maria được Thiên Chúa cho thụ thai Ngôi Lời nhập thể.

Về sự chịu "nhục nhã và sỉ nhục", ở phần tâm sự này người tĩnh tâm xin chịu những thứ đó là những cái mà phần suy gẫm cho thấy là đáng ước ao; nhưng họ bổ túc hoặc xác định thêm: "Miễn là tôi có thể chịu những sự đó mà không gây dịp cho một ai phạm tội và cũng không làm mất lòng Chúa uy linh." Ðây là sự dè dặt hợp lý và khôn ngoan. Trong Phúc âm, chúng ta cũng thấy có trường hợp Chúa Giêsu, thay vì im lặng, đã lên tiếng giải thích cho những người dám đổ cho Chúa là Ngài nhân danh tướng quỷ Bengiêbun mà trừ quỷ (Lc 11; 14 tt); hoặc có lần Chúa bị người ta bảo rằng quỷ đã nhập Chúa, Chúa đáp: "Không, tôi không bị quỷ nhập, nhưng tôi tôn kính Cha tôi, còn các bạn lại sỉ nhục tôi" (Ga 8,49).

Vấn đề sau cùng là sự phân biệt giữa phụng sự và noi gương Chúa. Phần tâm sự này, khi nói đến việc xin ơn thực hiện sự nghèo khó hiện thực, ghi rằng xin ơn đó nếu nhờ nó mà Chúa được phụng sự; còn khi nói đến xin chịu ô nhục và xỉ vả thì phần tâm sự ghi: "Ðể noi gương Ngài hơn." Xét cho kỹ, cả hai việc phụng sự và noi gương Chúa liên kết với nhau thật chặt chẽ. Thực vậy, cuộc đời Chúa là cuộc đời rao giảng Nước Trời, mà công cuộc rao giảng này được thể hiện trong sự chịu sỉ nhục và cảnh sống nghèo khó, bởi đấy muốn phụng sự Chúa thì phải chọn con đường Chúa đã đi, tức noi gương Ngài chịu sỉ nhục và sống nghèo khó (xem bài Vương quốc). Căn cứ vào chính bài Hai lá cờ hiệu mà chúng ta đang tìm hiểu, sự phân biệt giữa xin phụng sự Chúa và xin noi gương Chúa không phải là điều quan trọng, vì trong khi phần tâm sự nói đến việc chọn nghèo khó để phụng sự Chúa và chịu sỉ nhục để noi gương Chúa, thì mào đầu ba xin ơn noi gương Chúa, và đây là ơn xin tổng quát chung cho bài suy niệm, tức gồm có ơn sống nghèo và ơn chịu sỉ nhục, cả hai đều thuộc về "cuộc sống chân thật mà vị thủ lĩnh tối cao và chân thật chỉ cho". Bài suy tư Ba kiểu khiêm nhường là bài xác định nội dung của sự khiêm tốn, nói đến việc chọn sự nghèo khó và chịu nhục nhã để "noi gương và nên giống Ðức Kitô Chúa chúng ta cách hiện thực hơn" (s. 167,2); nhưng sau đó mấy dòng lại thêm ý tưởng phụng sự: "Ðể noi gương và phụng sự Chúa hơn" (s. 168,2). Nếu trở ngược lại bài Vương quốc, chúng ta cũng không thấy có sự phân biệt nói trên, vì bài này nói đến phụng sự Chúa, nhưng ở phần kết thúc, lại nói đến nguyện vọng và quyết tâm (của người tĩnh tâm) noi gương Chúa "để chịu mọi sỉ nhục và mọi chê trách, và mọi sự nghèo khó, hiện thực cũng như tinh thần" (s. 98,3).

Tuy nhiên khi bài Hai lá cờ hiệu, ở phần tâm sự, nói sống nghèo để phụng sự Ðức Kitô và chịu sỉ nhục để noi gương Ngài, thì thiết tưởng sự phân biệt giữa phụng sự và noi gương này cho phép nghĩ rằng ý niệm phụng sự Ðức Kitô được nhấn mạnh hoặc được chú ý đến hơn trong vấn đề giữ sự nghèo khó hiện thực; và điều này cũng khiến chúng ta nhớ đến câu Chúa, khi sai các môn đệ đi rao giảng, đã bảo họ đừng mang theo vàng, bạc, tiền, v.v. (Mt 10,9-10). Có lẽ nên thêm rằng trong việc phụng sự Chúa, sự nghèo khó hiện thực có vai trò quan trọng là bảo vệ tinh thần siêu thoát đối với của cải - cũng là bảo vệ sự nghèo khó tinh thần mà kẻ đi theo Chúa phải có để có thể hiến mình trọn vẹn cho việc phụng sự Ngài. Bài Ba hạng người (sẽ nói sau) cũng nhìn sự nghèo khó ở góc độ phụng sự - tuy ở đó nói đến phụng sự Thiên Chúa thay vì Ðức Kitô - và bỏ qua góc độ noi gương Ðức Kitô (s. 155,2-4).

Về ý niệm noi gương Ðức Kitô, ý niệm này được nhấn mạnh hoặc được chú ý đến hơn trong sự chịu sỉ nhục theo ý bài suy niệm, kẻ ước ao chịu sỉ nhục là kẻ đã chọn sự nghèo khó (để phụng sự), vì sự nghèo khó là nấc thang đầu tiên - và điều này khiến chúng ta nhớ đến lời Chúa nhắn nhủ các môn đệ rằng "Môn đệ không hơn thầy và tôi tớ không hơn chủ. Môn đệ được như thầy và tôi tớ được như chủ là đủ rồi" (Mt 10, 24-25). Sự noi gương mang rõ hơn ý nghĩa của tình yêu khăng khít, tức vì yêu mến Chúa nên muốn sống giống như Chúa. Cũng nên để ý là phần tâm sự thêm từ hơn: noi gương Chúa hơn. Ðiều này hàm ý một sự lựa chọn: chọn cái có giá trị hơn trong những cái là đối tượng của việc lựa chọn.

Trên kia phần suy gẫm coi việc sống nghèo khó và chịu sỉ nhục là điều thuộc về giáo lý thánh của Ðức Kitô. Vậy về điều này, nếu nhìn Ðức Kitô theo chiều tương quan của Ngài với người tĩnh tâm, thì Ngài là vị Thủ lĩnh tối cao vạch đường chỉ lối hoặc là vị Thầy ban lời giáo huấn (ban giáo lý thánh). Nếu nhìn người tĩnh tâm theo chiều tương quan của họ với Ðức Kitô, thì họ là kẻ noi gương, tức họ nhận Ngài là khuôn mẫu, hoặc, nếu muốn phân biệt theo ý của phần tâm sự, thì Ngài là Ðấng họ phụng sự - ý tưởng phụng sự này tương ứng với ý tưởng Ngài là vị Thủ lĩnh tối cao - qua sự sống nghèo khó, và là Ðấng họ noi gương qua sự chịu sỉ nhục. Như vậy có thể nói cách khác rằng sống dưới cờ Ðức Kitô nhờ ở việc thi hành giáo lý thánh của Ngài, cũng chính là hoặc cốt ở phụng sự và noi gương Ngài, vì Ngài là vị Thủ lĩnh, là Ðấng ban lời giáo huấn, đồng thời Ngài là hiện thân của lời giáo huấn.

Một nhận xét nhỏ: sách Linh thao nhiều chỗ dùng cụm từ "Thiên Chúa uy linh" (divina Majestad) để chỉ Thiên Chúa. Nhưng ở bài Hai lá cờ hiệu này và ở bài Vương quốc (s. 98,4), theo văn cảnh, cụm từ đó áp dụng cách riêng cho Ðức Kitô (s. 146,3 ; 147,2).

Việc tâm sự với Ðức Maria được kết thúc bằng kinh Kính mừng.

Với Ðức Kitô

Tiếp vào việc tâm sự với Ðức Maria là việc tâm sự với Ðức Kitô. Ðức Kitô ở đây được gọi bằng danh xưng Con (Ðức Chúa Con). Người tĩnh tâm nhờ Ðức Chúa Con xin Ðấng là Cha Ngài ban cho họ điều mà họ đã nhờ Ðức Maria xin với "Con và Chúa" của mình. Việc dùng danh xưng Con thay danh xưng Ðức Kitô cho phép người tĩnh tâm có ý tưởng này, là "vị thủ lĩnh tối cao và Chúa chúng ta" chính là Con Ðức Chúa Cha, và Ngài kêu gọi mọi người đến quy tụ dưới cờ của Ngài là để Ngài, với tư cách Con, đưa họ đến Cha Ngài. Ý tưởng này phù hợp với câu Ngài đã trả lời cho môn đệ Tôma: "Thầy là con đường và sự thật và sự sống. Không ai đến Cha mà không qua Thầy" (Ga 14,6). Cuộc tâm sự được kết thúc bằng Kinh lạy linh hồn Chúa Kitô.

Với Ðức Chúa Cha

Sau cùng là tâm sự với Thiên Chúa Ngôi Cha. Người tĩnh tâm, sau khi đã lần lượt đi qua hai trung gian - trung gian này dẫn đến trung gian nọ - trực tiếp xin Ðức Chúa Cha ban cho mình điều mình đã bày tỏ với hai trung gian là Ðức Maria và Ðức Chúa Con. Họ kết thúc cuộc tâm sự này bằng kinh Lạy Cha là kinh vẫn được dùng để kết thúc các bài suy ngắm khác, trừ bài Vương quốc.

Nên nhắc lại rằng tất cả phần tâm sự trên đây sẽ còn được dùng cho tới hết Tuần Hai (s. 156; 159,3; 168,1), và có kèm theo sự thích nghi cho phù hợp với trạng thái tâm hồn của người tĩnh tâm nào không hoặc chưa cảm thấy ưa thích sự nghèo khó hiện thực (s. 157,2-3). Việc dùng lại phần tâm sự này như vậy góp phần làm nổi rõ tầm quan trọng của nó.

* * *

Người ta có thể sống nghèo khó vì những lý do tự nhiên, ví dụ vì muốn tìm sự tự giải thoát, hoặc vì những lý do trần tục, ví dụ vì muốn được khen là đạo hạnh; người ta có thể do tâm thần bệnh hoạn mà muốn chịu ô nhục và lăng mạ. Nhưng đối với người tĩnh tâm, lý do độc nhất, và cũng là lý do siêu nhiên, để họ muốn chọn cảnh nghèo khó hiện thực và ao ước chịu sỉ nhục, phải là được sống dưới cờ của Ðức Kitô, "vị thủ lĩnh tối cao và chân thật", phải là phụng sự và noi gương Ðấng đáng yêu mến, Ngài "ở một chỗ tầm thường, Ngài đẹp và thanh nhã", và Ngài chỉ muốn mọi người tiếp thụ "giáo lý thánh của Ngài" để họ khỏi bị sa vào vòng nô lệ Xatan.

Sự lựa chọn trên đây của người tĩnh tâm không phải là hủy diệt cái tôi của họ đi; trái lại, với sự lựa chọn này, họ đi tìm cho mình cái giá trị chân chính và tuyệt vời, vì họ nhận Ðức Kitô, Ðấng Thiên Chúa làm người, làm gương mẫu tối cao để, nhờ ơn thiêng liêng phù trợ, họ làm theo lời thánh Phaolô dạy là cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới (Cl 3,9-10) nhằm trở nên giống Ðức Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (2 Cr 4,5; Cl 1,15). Người tĩnh tâm tìm thực hiện mình cách trọn vẹn bằng sự lựa chọn đó, phù hợp với điều mà Hiến chế Vui mừng và Hy vọng đã viết: "Ai theo Ðức Kitô, con người hoàn toàn, thì sẽ trở nên người hơn." (GS số 41). Cũng với sự lựa chọn đó, người tĩnh tâm tìm cho mình hạnh phúc đích thực là được hiệp nhất với Ðức Kitô, Ðấng chí ái mà họ dâng cho Ngài trọn cả con tim của mình.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page