Cũng như ở Tuần Nhất, các Tuần Hai, Ba và Bốn đều có những bài tập gọi là những bài lặp lại. Nhưng khác với Tuần Nhất, các Tuần Hai, Ba và Bốn còn, nối tiếp vào bài lặp lại, có bài tập gọi là áp dụng ngũ quan.
Việc lặp lại một hay hai bài tập, là một cách ôn lại (những) bài tập đã làm trước đó trong ngày. Cách ôn lại này được sách Linh thao xác định khi nói về bài tập thứ ba thuộc Tuần Hai: "Sau lời nguyện chuẩn bị và ba mào đầu, sẽ lặp lại bài tập thứ nhất và thứ hai, luôn luôn chú ý đến một vài chỗ quan trọng hơn mà ở đó người ta đã cảm nhận được cái biết, sự yên ủi hay sự sầu khổ nào đó, cũng làm một cuộc tâm sự ở cuối cùng, và một kinh Lạy Cha" (s. 118,1-3). Như vậy diễn tiến của bài lặp lại cũng giống với diễn tiến của bài chiêm niệm thường, và thực ra nó cũng là bài chiêm niệm; nhưng nó khác với bài chiêm niệm thường ở chỗ nó dùng lại đề tài của bài chiêm niệm trước đó, và không nhất thiết dùng lại tất cả. Ðây cũng là lúc nên nhắc lại rằng, theo sách Linh thao, việc làm một bài tập nào thêm lần nữa, tức làm lại, khác với việc lặp lại. Sách Linh thao phân biệt rõ điều này, ví dụ khi bảo hãy làm bài Hai lá cờ hiệu hai lần và lặp lại hai lần (s. 148,1; xem thêm s. 159,1).
Về số lần lặp lại, trong Tuần Hai, ngày thứ nhất, thứ hai và thứ ba đều có hai lần. Ngày thứ bốn dành cho bài Hai lá cờ hiệu, bài này, như vừa nói trên, làm hai lần và lặp lại hai lần (s. 148,1); tiếp theo là bài Ba hạng người. Từ ngày thứ năm trở đi cho đến hết Tuần, mỗi ngày chỉ có một bài chiêm niệm được giới thiệu. Riêng về ngày thứ năm này, sau khi giới thiệu đề tài chiêm niệm, sách Linh thao viết: làm bài chiêm niệm đó hai lần, lặp lại hai lần, và sau cùng áp dụng ngũ quan vào bài chiêm niệm đó (s. 159,1); bởi đấy chúng ta có cơ sở để nghĩ rằng các bài tiếp theo cũng làm giống như thế. Như vậy, nói cách tổng quát, mỗi ngày trong Tuần Hai người tĩnh tâm làm bài lặp lại hai lần.
Ở Tuần Ba, sách Linh thao có nói đến việc, sau khi đã suy ngắm từng mầu nhiệm của cuộc Tuẫn Nạn, sẽ làm lại mỗi lần một nửa cuộc Tuẫn Nạn, rồi sau đó làm lại toàn thể cuộc Tuẫn Nạn; hoặc không chia làm hai phần, nhưng làm lại toàn thể cuộc Tuẫn Nạn (s. 209,3.6). Cũng theo sách Linh thao, ngày thứ bảy của Tuần này (tức ngày cuối cùng) không có bài lặp lại (và bài áp dụng ngũ quan), và dành thì giờ cho sự suy gẫm về việc xác thánh của Chúa được tháo khỏi thánh giá, được mai táng, v.v. (s. 208, 9-10). Sách Linh thao còn bảo rằng nếu muốn rút ngắn Tuần Ba, thì bỏ việc lặp lại và bỏ cả việc áp dụng ngũ quan để mỗi ngày chiêm niệm về năm mầu nhiệm khác nhau (s. 209,5). Ngoài những điều vừa nói, nói chung mỗi ngày có hai lần lặp lại (những) bài chiêm niệm (xem s. 208,2.4.6.7).
Trong Tuần Bốn, thường người tĩnh tâm nên làm bốn bài tập mỗi ngày - ở các Tuần khác, theo lý thuyết, họ làm năm bài tập. Không có việc làm lại các bài tập. Về vấn đề lặp lại, sách Linh thao nói trống là trong Tuần này có thể theo cách làm của Tuần Ba (s. 226,5), tức lặp lại hai lần mỗi ngày.
Về việc lặp lại, chúng ta đã có dịp nói đến khi đề cập vấn đề suy niệm ở Tuần Nhất. Riêng có một điều chưa nói, là sự trở lại cái biết đã được cảm nhận như chúng ta đã đọc trong câu trích dẫn (s. 118,3). Vậy nói cái biết được cảm nhận là ý nói cái biết đã gây ảnh hưởng đến tâm tình, hoặc đã động viên toàn thể con người, chứ không phải cái biết suông chỉ có tính cách khách quan hoặc lạnh lùng. Ví dụ cái biết của tôi về việc người thân yêu của tôi gặp may mắn, khác với cái biết của tôi về một người xa lạ nào đó cũng gặp cái may mắn như thế, vì cái biết về người thân yêu kia là cái biết được cảm nhận.
Bài áp dụng ngũ quan là bài tập sau cùng của một ngày. Áp dụng ngũ quan cốt ở, bằng tưởng tưởng, dùng đến ngũ quan vào việc chiêm niệm về (những) bài chiêm niệm trước đó trong ngày, như sách Linh thao viết: "Là điều hữu ích việc đưa năm giác quan của tưởng tượng vào bài chiêm niệm thứ nhất và thứ hai" (s. 121,2). Dùng cả năm giác quan, chứ không chỉ dùng thị giác và thính giác như trong việc chiêm niệm thường, tức có thêm khứu giác, vị giác và xúc giác. Ðể hiểu rõ hơn về việc áp dụng ngũ quan, chúng ta chỉ cần đọc điều mà sách Linh thao nói về ba giác quan không được dùng đến trong chiêm niệm thường, và được áp dụng cho hai bài Nhập thể và Giáng sinh của Tuần Nhất. Về khứu giác và vị giác: "Dùng khứu giác và vị giác mà ngửi và nếm sự thơm dịu và ngọt ngào vô cùng của thần tính, của linh hồn và các đức thuộc linh hồn, và của mọi sự khác, tùy theo nhân vật mà người ta chiêm ngưỡng, suy nghĩ ở chính nơi mình và rút lấy ích lợi từ việc ấy" (s. 124,1-2). Về xúc giác: "Dùng xúc giác mà sờ, ví dụ ôm và hôn những nơi các nhân vật ấy đặt chân lên và ngồi, luôn luôn tìm rút ra ích lợi từ việc ấy" (s. 125). Vậy, ít là trên bình diện lý thuyết, sự tưởng tượng trong áp dụng ngũ quan phong phú hơn trong chiêm niệm thường, do ở chỗ nó dùng thêm ba giác quan. Cũng nên nhớ là, như bản văn ghi rõ, việc áp dụng ngũ quan vẫn có kèm theo sự suy nghĩ, và suy nghĩ để rút ra lợi ích cho linh hồn. Tưởng tượng là phương tiện và là điểm tựa để linh hồn đi tìm những điều thiêng liêng và đạo đức là những cái không thuộc về tưởng tượng.
Người tĩnh tâm khi chiêm niệm bằng việc áp dụng ngũ quan là lúc họ đã được chuẩn bị bằng việc chiêm niệm thường về cùng một đề tài. Sự suy nghĩ vẫn còn nhưng nhẹ nhàng và dễ dàng hơn lần chiêm niệm thường. Ðể nói theo Roothaan, có lẽ đó cũng là lý do tại sao, ở bài chiêm niệm thường, có điểm một là xem, điểm hai là nghe, và điểm ba là nhìn, trong khi bài áp dụng ngũ quan bỏ nhìn và chỉ dùng đến xem: ở bài chiêm niệm thường, người tĩnh tâm đã nhìn rồi, nên bây giờ, khi áp dụng ngũ quan, họ chỉ xem là đủ thấy rõ! Tuy nhiên cũng nên nói thêm rằng, ở bài áp dụng ngũ quan, điểm về xem có bảo là hãy "suy gẫm và chiêm ngưỡng" (s. 122).
Khi làm bài lặp lại, như đã rõ, người tĩnh tâm chú ý trở lại những chỗ nào quan trọng hơn, tức những chỗ mà trước đó, trong khi chiêm niệm, họ đã "cảm nhận được cái biết, sự yên ủi hay sự sầu khổ nào đó". Vậy phải chăng họ cũng làm như vậy khi áp dụng ngũ quan? Vì sách Linh thao không nói gì về vấn đề này, ở đây xin đưa ra hai câu trả lời bổ túc cho nhau. Câu trả lời thứ nhất: vì trong áp dụng ngũ quan có thêm công việc mới là dùng thêm ba giác quan, nên ít là về ba giác quan này, không có vấn đề trở lại những chỗ quan trọng. Câu trả lời thứ hai: nên áp dụng một phần của câu trích dẫn trên liên quan đến việc lặp lại, và áp dụng cho thị giác và thính giác. Nói áp dụng một phần, vì xem ra không phải là lúc dừng lại ở những chỗ đã gặp phải sầu khổ hay khô khan. Câu vừa nói còn trở thành một khẳng định nếu chúng ta căn cứ vào câu ghi này ở Tuần Bốn cũng về áp dụng ngũ quan: "Chú ý đến và ngừng lại ở những chỗ quan trọng hơn và ở đó người ta đã cảm thấy những thúc đẩy và những thú vị thiêng liêng to lớn hơn" (s. 227,3). Câu này phù hợp với ý tưởng thưởng thức thực tại thiêng liêng và tốt lành mà người tĩnh tâm đã thu lượm được trong giờ cầu nguyện, tuy ý tưởng thưởng thức chỉ được nêu rõ ở điểm về sử dụng khứu giác và vị giác (s. 124,1).
Bài suy niệm về hỏa ngục của Tuần Nhất chia ra năm điểm tương ứng với năm giác quan. Vì thế có người bảo rằng nó là bài áp dụng ngũ quan, mặc dù sách Linh thao không gọi nó như thế. Vậy chúng ta hãy thử so sánh bài Hỏa ngục với bài áp dụng ngũ quan về một số nét dưới đây.
- Về thị giác, bài Hỏa ngục: "Bằng con mắt của trí tưởng tượng, xem những ngọn lửa to lớn, và các linh hồn như ở trong những thân xác đang cháy" (s. 66). Bài áp dụng ngũ quan viết: "Xem các nhân vật bằng con mắt tưởng tượng" (s. 122).
- Về vị giác và xúc giác, bài Hỏa ngục: "Bằng vị giác, nếm những sự cay đắng, như nước mắt, sự buồn phiền/.../. Sờ bằng xúc giác, nghĩa là sờ xem lửa bén và thiêu các linh hồn như thế nào" (s. 69-70). Bài áp dụng ngũ quan cũng dùng hai từ nếm và sờ: dùng vị giác để nếm sự ngọt ngào, dùng xúc giác mà sờ, ví dụ ôm và hôn, v.v. (s. 124-125).
Nói chung, cả hai bài đều giống nhau ở chỗ cùng sử dụng ngũ quan.
- Nét khác nhau thứ nhất: bài Hỏa ngục là bài tự đủ cho nó hoặc là một bài độc lập, nghĩa là nó không nhất thiết phải là sự khai triển hay nối dài của bài suy niệm khác trước nó; trái lại, bài áp dụng ngũ quan là một sự nối dài và bổ sung của bài chiêm niệm trước nó, vì thế, nhờ (những) bài chiêm niệm đó, người tĩnh tâm, về mặt tâm tình, được chuẩn bị trực tiếp để đi tới việc sử dụng ngũ quan vào việc cầu nguyện.
- Nét khác nhau thứ hai liên quan đến cách thức và mục đích dùng ngũ quan. Bài Hỏa ngục chỉ đưa ra năm điểm trong đó lần lượt mỗi giác quan được dùng tới, nhưng không nói gì thêm, như đã thấy ví dụ ở điểm một được trưng dẫn trên kia. Trong bài áp dụng ngũ quan thì mỗi điểm, sau khi nói đến sử dụng giác quan nào đó, đều bảo hãy suy xét về chính cái đã tiếp nhận được bằng tưởng tượng để tìm ra điều bổ ích. Bởi đấy chúng ta có quyền hiểu rằng, bằng việc dùng đến ngũ quan, bài Hỏa ngục muốn giúp người tĩnh tâm, đúng với ý của mào đầu hai của bài đó, cảm thấy nỗi đau khổ mà những kẻ ở trong hỏa ngục phải chịu, và cảm thấy như thế để, "nếu tôi có quên tình yêu của Chúa hằng sống do tại các lỗi lầm của tôi, thì ít ra sự sợ hãi những khổ hình giúp tôi không phạm tội" (s. 65,5). Vậy trong bài Hỏa ngục, người tĩnh tâm như tự ý bắt ngũ quan của mình phải ở trong tình trạng chịu đựng cái không đáng ước ao, cái đáng tránh xa: mắt phải xem những thân xác đang bị thiêu, tai phải nghe những tiếng than khóc, mũi phải ngửi mùi hôi thối, lưỡi phải nếm những vị cay đắng, tay phải sờ vào lửa nóng. Ngược lại, trong bài áp dụng ngũ quan, ngũ quan như ở trong tình trạng được hưởng thụ cái đáng ước ao, cái đáng được tiếp xúc hay lại gần: mắt được xem các nhân vật như Chúa, Ðức Maria, v.v., tai được nghe lời nói của các Ngài, mũi và lưỡi được ngửi và nếm sự thơm dịu và ngọt ngào của thần tính, v.v., tay được sờ vào nơi các Ngài đặt dấu chân lên, v.v. Ở bài Hỏa ngục, người tĩnh tâm suy gẫm để đi tới sợ hãi hỏa ngục và do đó tìm cách tránh xa nó bằng việc tránh phạm tội; ở bài áp dụng ngũ quan, họ tìm lại gần hoặc lại sát các đối tượng, và là những đối tượng thánh, đáng kính, đáng yêu, có khả năng lôi cuốn. Chúng ta không chiêm ngưỡng những mụn nhọt lở loét nơi thân xác (xem bài Hỏa ngục); còn chúng ta chiêm ngưỡng vết thương ở cạnh sườn Chúa hoặc những dấu đanh ở chân tay Chúa, là vì đây là những dấu tích thánh và đẹp về ý nghĩa! Nói cách khác, một đàng là quan hệ tiêu cực, và một đàng là quan hệ tích cực đối với đối tượng nào đó, tùy theo bản chất hay phẩm chất của nó.
Mấy nét khác nhau trên đây, nếu không đủ tính cách thuyết phục trong việc giải thích tại sao bài suy niệm về hỏa ngục không gọi là một bài áp dụng ngũ quan, ít ra cũng giúp nhận thấy rằng việc không gọi như thế là điều có thể hiểu được, có thể giải thích được.