Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


III. BÀI NHẬP THỂ
VÀ BÀI GIÁNG SINH

Bài Vương quốc, ngay ở nhan đề, đã nói rõ mục đích của nó là giúp chiêm ngưỡng cuộc đời Vua vĩnh cửu. Vậy, với bài Nhập thể, người tĩnh tâm bắt đầu đi vào cuộc chiêm ngưỡng này. Trong Tuần Hai, chỉ có bài Nhập thể và bài Giáng sinh tiếp theo sau, là trình bày khá chi tiết các điểm chiêm niệm, và do đó chúng được coi như những bài chiêm niệm mẫu. Dưới đây là một ít nét gợi ý và giải thích liên quan đến cả hai bài, cách riêng hơn bài thứ nhất, tức bài Nhập thể.

1. Bài nhập thể (s. 101-109)

Không kể lời nguyện chuẩn bị là lời nguyện dùng chung cho hết các bài suy ngắm, bài nhập thể gồm ba phần: phần nhập đề, phần chiêm niệm và phần tâm sự.

1.1. Phần nhập đề

Phần nhập đề gồm ba mào đầu thay vì hai như ở bài suy niệm.

Mào đầu một: sử tích.

Từ sử tích ở bài này hiểu theo nghĩa rộng để chỉ một biến cố đã xảy ra trong lịch sử, nhưng nhiều chi tiết thì thuộc tưởng tượng. Sử tích gồm mấy điểm như sau:

- Cái nhìn bao quát về thế giới vô hình và thế giới hữu hình, từ Ðấng Tối Cao cực thánh, qua thiên thần và Ðức Maria, đến muôn vàn những con người tội lỗi đang xuống hỏa ngục. Tất cả các nhân vật như được đặt chung vào một bức tranh hoành tráng.

- Thiên Chúa Ba Ngôi nhìn xem toàn thể địa cầu đầy người, điều này có nghĩa là cái nhìn của Ngài là cái nhìn bao quát và không bỏ sót một ai, để rồi Ngài sẽ ban ơn cứu độ cũng cho hết mọi người chứ không loại trừ cá nhân nào. Ơn cứu độ phổ quát.

- Ðấng Vĩnh cửu đi vào trong thời gian, và đó là lúc thời gian viên mãn: Ngôi Hai nhập thể để thực hiện kế hoạch cứu độ đã có tự đời đời của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ðây là việc Thiên Chúa, qua Ngôi Hai nhập thể, đến với nhân loại tội lỗi do tình thương vô biên của Ngài.

- Một tương phản vĩ đại giữa một bên là Thiên Chúa Ba Ngôi thương xót nhân loại, và một bên là nhân loại đang sa hỏa ngục, nghĩa là nhân loại không những bỏ quên Thiên Chúa, mà còn quay lưng lại Thiên Chúa để tự dẫn mình vào một tình trạng thảm hại.

- Ðể khởi sự việc thi hành kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa sai thiên thần Gabriel đến gặp Ðức Maria. Một cuộc gặp gỡ chỉ ở giữa hai nhân vật, nhưng liên hệ đến vận mệnh của toàn thể nhân loại.

Mào đầu hai: cấu tạo nơi chốn.

Cấu tạo nơi chốn gồm hai tương phản. Tương phản thứ nhất là tương phản về tầm cỡ vật chất : một đàng là địa cầu (to lớn) của nhân loại và một đàng là căn nhà (nhỏ bé) của Ðức Maria. Tương phản thứ hai là tương phản về con số các nhân vật: một đàng là "biết bao dân tộc" ở trên địa cầu, một đàng là một mình Ðức Maria nơi một căn nhà nọ trong thành Nagiarét thuộc xứ Galilêa. Từ một nơi nhỏ bé xảy ra một biến cố vĩ đại ảnh hưởng đến toàn thể địa cầu; nhờ trung gian một người đàn bà là Ðức Maria mà hết các dân tộc được đón nhận ơn cứu độ!

Mào đầu ba: ơn xin.

Biết Chúa là một điều cần phải xin, chứ không phải con người tự mình có thể có được. Dĩ nhiên cái biết này, chưa nói đến cái biết "bên trong" - sẽ giải thích kiểu nói này sau - phải là cái biết đúng Ðấng là Sự Thật. Ðây là ơn xin quan trọng, vì trong thực tế có những người, do cái biết chủ quan về Chúa bị chi phối bởi đam mê, cảm tính, thiên kiến, tư lợi, v.v., họ vô tình hay hữu ý tạo ra một hình ảnh về Chúa cho phù hợp với sở thích, nhằm biện minh lối sống hay hành động đáng chê hay ít ra không đáng khen của mình; thực ra là họ tự phóng chiếu vào một Ðức Kitô do họ tạo ra. Trái lại, cái biết về Ðức Kitô mà người tĩnh tâm xin, là cái biết nắm bắt được khuôn mặt đích thực của Ðức Kitô, Ðấng là phản ánh đích thực của Ðức Chúa Cha, để nhờ cái biết đó cùng với ơn phù trợ siêu nhiên, con người họ trở nên phản ánh trung thực của khuôn mặt chí ái chí thánh của Ðức Kitô. Trong cả ba Tuần Hai, Ba và Bốn, người tĩnh tâm, về phía mình, tìm biết Chúa nhờ việc chiêm ngưỡng Chúa trong cuộc đời trần thế của Chúa. Thánh Phêrô đã khuyên: "Anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Chúa chúng ta và Ðấng cứu độ là Ðức Giêsu Kitô" (2 P 3,18).

Sự biết Chúa ở bài này là sự biết liên quan đến việc Chúa "đã vì tôi mà làm người". Theo ý bản văn, cái biết này giúp tôi yêu mến và đi theo Chúa hơn. Vì nó là một ơn xin, nên yêu mến và đi theo Chúa cũng là hai ơn xin theo sau nó, và hai ơn xin này nhằm giúp sống cuộc sống đáp lại "Ðấng đã vì tôi mà làm người". Hai ơn xin này đi chung với nhau, nhưng ơn mến Chúa được nêu ra trước. Cái thứ tự trước sau này xem ra hàm ý rằng do yêu mến Chúa nên mới đi theo Chúa, hoặc nói ngược lại, đi theo Chúa là vì yêu mến Chúa. Từ đó chúng ta hiểu rằng phụng sự và noi gương Chúa cũng là vì yêu mến Chúa. Vì thế, tuy các bài tập của ba Tuần Hai, Ba và Bốn đều không lấy sự yêu mến Chúa làm đề tài, nhưng thực ra đều nhằm giúp người tĩnh tâm yêu mến Chúa. Bằng chứng là ơn xin ờ mào đầu ba này, tức ơn yêu mến (và đi theo) Ðức Kitô, sẽ còn được dùng cho cả Tuần, trừ ngày thứ bốn dành cho bài suy niệm Hai lá cờ hiệu và bài Ba hạng người. Ơn xin ở mào đầu ba của những bài tập thuộc Tuần Ba và Tuần Bốn cũng là ơn xin mến Chúa, chỉ khác về những khía cạnh của lòng mến: ở Tuần Ba, người tĩnh tâm xin đau đớn, hối tiếc và hổ thẹn vì Chúa chịu cuộc Tuẫn nạn là vì mình, và xin đau đớn với Chúa phải đau đớn, v.v (s. 193 ; 203); ở Tuần Bốn, xin được vui mừng vì Chúa được vinh quang và hoan lạc (s. 221).

Mào đầu của bài tập đang nói đây có từ hơn: yêu mến Chúa hơn và đi theo Ngài hơn. Ðể đạt được cái hơn này, điều kiện phải có là cái biết về Chúa, và không phải cái biết thường, mà là cái biết bên trong. Vậy thế nào là cái biết bên trong? Cụm từ cái biết bên trong dùng để dịch từ Tây-ban-nha conocimiento interno. Trong sách Linh thao (theo bản Thủ bút) có tất cả mười một lần dùng tĩnh từ interno, và hai lần tĩnh từ này đổi thành phó từ (internamente); một lần dùng tĩnh từ interior, và một lần tĩnh từ này đổi thành phó từ (interiormente). Ở đây dịch interno là bên trong, và interior là trong lòng (nội tâm). Thực ra trong tiếng Tây-ban-nha hai từ interno và interior có thể dùng như đồng nghĩa.

Chúng ta xét đến những trường hợp từ interno (và internamente), bên trong, dùng để chỉ cái liên quan đến tâm tình, thái độ.

S. 82,2-3: "Sự thống hối bên trong là đau đớn vì các tội của mình /.../ Sự đền tội bên ngoài /.../ là sự sửa phạt các tội đã phạm."

S. 359: "Các việc thống hối không những bên trong mà cả bên ngoài."

Trong hai câu vừa trích dẫn, từ bên trong chỉ cái xảy ra thầm kín trong tâm hồn hoặc xảy ra "ở trong lòng", và được dùng đối lập với từ bên ngoài chỉ cái biểu lộ ra mà người khác có thể tri giác được. Như vậy bên trong đồng nghĩa với nội tâm.

Trong những câu trích dưới đây, trừ câu ở số 2,4 trong sách Linh thao, từ interno cũng liên quan đến tâm tình, và tôi cũng dịch là bên trong, một đàng để cố giữ sự thống nhất trong việc dịch, đàng khác vì ít ra không thấy có gì bắt buộc phải dịch theo nghĩa khác.

S. 2,4: "Ở bên trong cảm nghiệm và thưởng thức các sự việc."

S. 65,4: "Xin cảm nhận bên trong về nỗi đau khổ mà các đọa nhân phải chịu." - Bản Phổ thông (và bản dịch của Roothaan) dịch là intimus có nghĩa là sâu xa, sâu kín, tự trong lòng.

S. 87,3: "Chẳng hạn như ước ao có lòng thống hối bên trong vì các tội của mình." - Bản Phổ thông dịch là intima.

S. 316,4: "Tất cả niềm hoan lạc bên trong." - Bản Phổ thông bỏ ý niệm bên trong.

S. 322,3: "Ðể chúng ta cảm thấy bên trong." - Bản Phổ thông bỏ ý niệm bên trong.

Một lần bản Thủ bút dùng từ interior để chỉ cái xảy ra trong tâm hồn, và ở đây dịch là trong lòng hoặc nội tâm: "Tôi gọi là sự yên ủi khi trong linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm" (s. 316,1).

Một lần bản Thủ bút dùng từ interno để chỉ chung những điều ở trong tâm hồn: "Người ta không chú tâm như vậy đến nh ững sự bên trong" (s. 44,5).

Dưới đây là những trường hợp từ interno, bên trong, được áp dụng riêng cho cái biết.

S. 63,2: "Ðiều thứ nhất là để tôi cảm thấy cái biết bên trong về các tội của tôi."

S. 104: "Xin được cái biết bên trong về Chúa là Ðấng đã vì tôi mà làm người." - Bản Phổ thông (và Roothaan) dùng từ intimè, intima.

S. 213,2: "Nhiều khi người ta sẽ cảm thấy hơn những điều biết bên trong."

S. 233: "Xin được sự biết bên trong về ơn lành to lớn biết bao đã nhận được." - Bản Phổ thông, thay vì cụm từ "sự biết bên trong", dùng động từ perspicere có nghĩa là thấy rõ.

Một lần bản Thủ bút dùng phó từ interiormente, trong lòng (nội tâm), để chỉ cái biết: "Người ta có cái biết thuộc về bên trong hơn về các tội và sự tà ác của chúng." (s. 44,5). - Bản Phổ thông dịch là biết rõ hơn: longe quam antea manifestius (Roothaan dùng phó từ intimè).

Bây giờ chúng ta tìm nghĩa của cụm từ cái biết bên trong. Có hai cách hiểu. Theo cách hiểu thứ nhất, cụm từ này chỉ nghĩa là cái biết nằm trong con người, ở trong tâm hồn, thuộc nội tâm, ý nói là cái biết không cần đến những giác quan bên ngoài làm trung gian. Ðây là nghĩa được dùng khi nói đến cái biết liên quan đến tâm tình, đến thái độ. Cái biết hiểu theo nghĩa này áp dụng cho câu "Cảm thấy cái biết bên trong về các tội của tôi và chán ghét nó /.../, xin biết thế gian" (s. 63,2.4). Câu này khi nói đến cái biết các tội thì xác định là cái biết bên trong, còn khi nói đến cái biết thế gian thì bỏ hai chữ bên trong để chỉ gọi suông là biết. Như vậy có sự phân biệt giữa hai đối tượng biết: một đàng là thế gian là đối tượng thuộc thế giới bên ngoài, một đàng là tội là đối tượng chủ yếu ở bên trong con người, vì tội là do ý hướng, như Chúa phán: "Vì tự trong lòng mà xuất ra những ý hướng xấu xa, những sự giết người, ngoại tình, dâm bôn, trộm cắp" (Mt 15,19)11. Câu: "nhiều khi người ta sẽ cảm thấy hơn những điều biết bên trong, những yên ủi, những sự soi sáng thần linh" (s. 213,2). Những điều biết bên trong nói đây được kể chung với những yên ủi, những sự soi sáng, hiểu là những cái xảy ra ở trong tâm hồn mà không dựa vào những cái gì ở bên ngoài hoặc không cần thiết biểu lộ bên ngoài.

Cách hiểu thứ hai về cái biết bên trong thuộc riêng cụm từ cái biết bên trong về Chúa. Ðây là cụm từ dùng trong mào đầu ba (s. 104) của bài chiêm niệm Nhập thể mà chúng ta đang tìm hiểu. Cụm từ này không đặt đối diện hay so sánh với cái biết nào khác như ở trường hợp trên kia (s. 62,2). Về cái biết về Chúa, chúng ta phân biệt hai trường hợp. Cái biết thuộc trường hợp thứ nhất gồm tất cả những gì là đối tượng của các giác quan, tức những gì chúng ta tri giác được. Ðó là cái biết, qua sự kể lại, về hình hài của Chúa, về các hành vi ngôn ngữ của Chúa, ví dụ biết Chúa là Hài nhi sinh ra nằm trong máng cỏ, biết Chúa năm lên mười hai tuổi ngồi nghe và hỏi các tôn sư ở trong Ðền thờ, v.v. Trường hợp thứ hai là cái biết, do dùng suy luận hoặc do được ơn soi sáng, nắm bắt được thái độ, tâm tình, con tim, ý muốn của Chúa. Ðây mới chính là cái biết bên trong về Chúa, ví dụ cái biết bên trong về sự kiện Chúa Hài nhi sinh ra nằm trong máng cỏ, là cái biết khiến chúng ta hiểu rằng Chúa là Ðấng cao cả như thế nào và tại sao Chúa làm người để giáng sinh nằm trong máng cỏ, v.v. Như vậy cái biết bên trong là cái biết không chỉ dừng lại ở những hiện tượng hay hình dáng bên ngoài, nhưng nó đạt tới phần ẩn kín, phần chìm hoặc phần sâu ở dưới của các đối tượng của biết. Hiểu như vậy, chúng ta có quyền gọi đó là cái biết sâu xa. Ðó chính là ơn xin ở mào đầu ba của bài Nhập thể: người tĩnh tâm xin cái biết đó để "yêu mến và đi theo Ngài hơn".

1.2. Phần chiêm niệm

Ðiểm một: xem

Các đối tượng của xem trong điểm chiêm niệm này gồm lần lượt những con người nói chung trên mặt đất, Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Maria và thiên thần. Ðiểm chiêm niệm hai và ba cũng phân biệt các nhân vật như thế.

Những con người trên mặt đất

Câu trích này kể ra những nét khác nhau giữa các con người, và sau đó thêm hai chữ vân vân để chỉ nghĩa rằng chưa kể hết những nét khác nhau. Những nét khác nhau được nhắc đến gồm những nét gợi ra tính cách thuộc tập thể hơn và những nét gợi ra tính cách cá nhân hơn.

Những nét gợi ra tính cách thuộc tập thể hơn, là những nét liên quan đến

Nét gợi ra tính cách cá nhân hơn gồm

Vậy tất cả những cá nhân và những tập thể, làm thành nhân loại duy nhất. Tuy làm thành nhân loại, các cá nhân vẫn có những nét riêng của mình, các nhóm hay tập thể cũng thế, chứ không bị xóa nhòa đi để trở thành vô danh trong một đại cộng đồng; điều này được gợi ý qua những nét khác nhau nói trên.

Ba Ngôi Thiên Chúa

Hình ảnh long sàng hay tòa Thiên Chúa uy linh gợi ý địa vị cao cả và quyền năng tối thượng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mào đầu hai (cấu tạo nơi chốn) đã nói đến trái đất rộng lớn và các dân tộc thật đông đúc. Vậy trái đất rộng lớn và các dân tộc đông đúc này nằm trong cái nhìn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tất cả các dân tộc, nói chung gồm toàn những con người đang sống cảnh mù lòa (thiêng liêng), đang ở trong tình trạng tội lỗi, vì bản văn nói là họ đang chết và đi vào hỏa ngục - sa hỏa ngục là hậu quả chua cay của việc phạm tội. Thiên Chúa Ba Ngôi nhìn đến nhân loại đang quay lưng lại Ngài.

Ðức Bà và thiên thần.

Trên kia là toàn thể nhân loại nói chung, còn ở đây thì chỉ có hai nhân vật là Ðức Bà và thiên thần. Trên kia là nhân loại tội lỗi, còn ở đây là thiên thần của Thiên Chúa và Ðức Maria mà thiên thần chào - cũng là xác nhận hoặc tuyên bố - là Ðấng đầy ân sủng, là Ðấng đẹp lòng Thiên Chúa (Lc 1,28.30).

Tóm lại, ở điểm chiêm niệm một, mạng lưới tương quan mở rộng khắp trời và đất, nó nối kết Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh trên trời với toàn thể nhân loại tội lỗi dưới đất; nó nối kết thiên thần của Thiên Chúa với Ðức Maria xét như một nhân vật trung gian để Thiên Chúa hành động vì lợi ích của nhân loại. Mạng lưới tương quan này sẽ được điểm chiêm niệm hai và ba đào sâu thêm.

Sau cùng, những điều kể trên đây thuộc về xem, chỉ là chất liệu dùng cho việc suy nghĩ nhằm tìm ra điều bổ ích thiêng liêng, như điểm chiêm niệm một này kết thúc: "Và suy nghĩ để rút lấy ích lợi từ cái xem thấy đó." Các điểm chiêm niệm tiếp theo cũng kết thúc như thế, chỉ bỏ từ xem thấy.

Ðiểm hai: nghe

Trong khi ở dưới đất người ta nói với nhau, và nhất là người ta nguyền rủa (Thiên Chúa) và nói phạm thượng chống lại Ngài thì, ở trên trời, Ba Ngôi Thiên Chúa phán những lời biểu đạt thật rõ ràng tình thương đối với họ: "Chúng ta hãy cứu chuộc nhân loại, v.v." Nên để ý: ý định cứu chuộc là của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Những từ vân vân trong câu trích dẫn gợi ý rằng không phải người ta chỉ nguyền rủa và nói phạm thượng mà thôi, và cũng không phải Thiên Chúa chỉ cứu chuộc họ mà thôi (mà còn ban nhiều ơn khác nữa).

Quyết định cứu chuộc nhân loại được thiên thần của Thiên Chúa từ trời cao xuống trần gian truyền đạt cho Ðức Maria. Trong cuộc gặp gỡ này, không phải chỉ có thiên thần truyền đạt tín điệp cho Ðức Maria, nhưng Ðức Maria cũng truyền đạt tín điệp cho thiên thần. Vậy đây là một cuộc đối thoại. Cuộc đối thoại này được kể lại trong Phúc âm theo thánh Luca (Lc 1,28-38), và được dùng làm đề tài chiêm niệm riêng, bài "Truyền tin cho Ðức Bà", ghi ở mục về "Những mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô Chúa chúng ta" (s. 262) trong sách Linh thao. Xin nhắc qua đến cuộc đối thoại. Thiên thần đến chào mừng Ðức Maria: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Chúa ở cùng Bà." Phản ứng của Ðức Maria trước lời chào mừng: ngài bối rối và tự hỏi về ý nghĩa của lời chào. Thiên thần trấn an Ðức Maria, và báo một tin trọng đại mà lời chào mừng vừa rồi được coi như một sự chuẩn bị cho việc báo tin này: "Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu..." Lại có phản ứng về phía Ðức Maria trước tin nhận được: ngài đưa ra cho thiên thần một vấn nạn là sự kiện ngài sống đồng trinh. Thiên thần giải gỡ vấn nạn. Sau đó Ðức Maria thưa cùng thiên thần, và cũng là gián tiếp thưa cùng Thiên Chúa, rằng "Ðây là nữ tỳ của Chúa. Xin mọi sự xảy ra cho tôi như lời ngài nói."

Sau cùng, để kết thúc, điểm chiêm niệm bảo hãy căn cứ vào những điều đã nghe để suy nghĩ nhằm tìm ra điều bổ ích cho linh hồn.

Ðiểm ba: nhìn

Về phía những con người trên trái đất này, những việc họ làm mà câu trích dẫn nêu ra làm ví dụ, là đánh nhau, giết nhau, đi vào hỏa ngục. Ở đây chúng ta nhớ đến câu của thánh Gioan: "Ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó" (1 Ga 3,15). Vậy ý tưởng tổng quát là người ta phạm tội, và sự chém giết nhau được nêu ra như là tội điển hình (ngược lại bác ái); và do phạm tội mà họ tự dẫn mình vào hỏa ngục, tức phải chịu các khổ hình trong đó khổ hình lớn nhất là sự vĩnh viễn lìa xa Thiên Chúa, oán ghét Thiên Chúa.

Về phía Ba Ngôi Thiên Chúa, hành động của Ba Ngôi là thực hiện công cuộc Nhập thể của Ngôi Hai, khởi đầu của sự thực hiện quyết định cứu chuộc nhân loại tội lỗi. Công cuộc Nhập thể, như bản văn ghi, là công cuộc rất thánh. Rất thánh, bởi lẽ nó là công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa, và cách riêng, theo Phúc âm, là công việc của Chúa Thánh Thần: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế người con sắp sinh ra sẽ là thánh và được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35).

Biến cố Nhập thể xảy ra nơi Ðức Maria khi thiên thần theo lệnh Thiên Chúa đến báo tin, và Ðức Maria ưng thuận ý muốn của Thiên Chúa. Bản văn ghi là Ðức Maria "hạ mình xuống và tạ ơn Thiên Chúa uy linh". Chúng ta nói qua về hành động này của Ðức Maria. Phúc âm theo thánh Luca viết: sau khi nhận thông báo từ nơi thiên thần Gabriel và sự giải thích thông báo cũng do thiên thần cung cấp, Ðức Maria đáp: "Ðây là nữ tỳ Thiên Chúa. Xin mọi sự xảy ra cho tôi như lời ngài nói." Tước hiệu hay danh xưng tôi tớ Thiên Chúa, theo Thánh Kinh, mang ý nghĩa một vinh dự: được làm đầy tớ Thiên Chúa là một vinh dự. Nhưng danh xưng nữ tỳ mà Ðức Maria dùng ở đây, chắc chắn chủ yếu diễn đạt sự khiêm nhường: với tư cách nữ tỳ, Ðức Maria cúi đầu tuân theo ý muốn của Thiên Chúa. Ðối với những ai, mà có lẽ là đa số, nhận bài ca Tán tụng (Magnificat) là của Ðức Maria, thì sự khiêm nhường này của Ðức Maria được khẳng định thêm qua câu: "Ngài đã đoái nhìn đến phận hèn của nữ tì Ngài" (Lc 1,48). Vậy thiên thần, với tư cách "sứ giả" của Thiên Chúa, đến gặp Ðức Maria để truyền đạt ý định của Thiên Chúa; về phần Ðức Maria, với tư cách nữ tì của Thiên Chúa, đã "hạ mình xuống" đón nhận ý định này.

Về việc Ðức Maria "tạ ơn Thiên Chúa uy linh", chúng ta có thể cũng căn cứ vào Phúc Âm theo thánh Luca để đưa ra suy đoán đạo đức rằng Ðức Maria tạ ơn Thiên Chúa về việc ngài, như thiên thần đã cho biết, được ân sủng, được Thiên Chúa ở với, được làm mẹ Ðấng là Con Ðấng Tối cao, được bao trùm bởi quyền năng của Ðấng Tối Cao, và về việc Ðấng mà ngài sẽ sinh ra sẽ trị vì nhà Giacóp mãi mãi muôn đời, v.v. (Lc 1,28 tt); chúng ta cũng có thể nghĩ đến tâm tình của Ðức Maria được biểu lộ trong bài ca Tán tụng.

Căn cứ vào Phúc Âm theo thánh Luca trên đây, cuộc gặp gỡ là cuộc gặp gỡ giữa thiên thần và Ðức Maria, và có sự tương ứng giữa kênh tương giao từ thiên thần đến Ðức Maria và kênh tương giao từ Ðức Maria đến thiên thần; nói là có tương ứng, bởi vì thiên thần đến thông báo ý định của Thiên Chúa, và Ðức Maria đã sẵn sàng đón nhận sự thông báo đó. Nhưng vì ý định là ý định của Thiên Chúa liên quan đến Ðức Maria, và thiên thần chỉ là sứ giả truyền đạt ý định đó, vì thế khi Ðức Maria, với tư cách nữ tì của Thiên Chúa, trả lời cho thiên thần rằng mình xin đón nhận ý định đó, thì là ngài gián tiếp thưa cùng Thiên Chúa. Vậy có sự tương giao giữa Thiên Chúa và Ðức Maria, nhưng là tương giao gián tiếp, và sự tương ứng giữa kênh tương giao từ Thiên Chúa đến Ðức Maria và kênh tương giao từ Ðức Maria đến Thiên Chúa cũng là sự tương ứng gián tiếp. Tuy nhiên, đó là xét theo bề ngoài. Ðiểm chiêm niệm ba ở đây khi nói rằng Ðức Maria "tạ ơn Thiên Chúa uy linh" là khẳng định rằng Ðức Maria đã đặt mình trong tương giao trực tiếp với Thiên Chúa để đón nhận ý định của Thiên Chúa qua sự thông báo của thiên thần. Hẳn nhiên đây là một suy đoán đạo đức, nhưng không phải là không có cơ sở, nếu chúng ta nhớ đến việc Ðức Maria, khi được bà Elisabét (chứ không thiên thần) ca ngợi, đã đọc lên bài ca Tán tụng để tôn vinh Thiên Chúa; đàng khác suy đoán này cũng phù hợp với đời sống của một đấng mà tâm hồn luôn luôn hướng về Thiên Chúa.

1.3. Phần tâm sự

Phần tâm sự, như đã rõ, là phần dành riêng cho phát biểu của con tim, "như một người bạn nói với một người bạn, hoặc như một người đầy tớ nói với chủ mình" (s. 54,1). Ở đây bản văn nhắc đến những Ðấng mà người tĩnh tâm tỏ bày tâm sự với: Ba Ngôi Thiên Chúa, hoặc Ngôi Lời nhập thể, hoặc Ðức Maria. Từ hoặc mà bản văn dùng đến, có nghĩa rằng họ không nhất thiết phải tâm sự với tất cả các Ðấng ấy. Lại nữa, họ nói gì với các Ðấng, là tùy, bản văn không gợi ý về điều này, ngoài việc bảo họ xin ơn. Nếu được phép gợi ý, thì thiết nghĩ đây là lúc thích hợp để tán dương và cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa về tình thương vô biên đối với toàn thể nhân loại tội lỗi; cảm tạ Ðức Maria đã vâng lời Thiên Chúa để cộng tác vào sự thực hiện công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Về ơn xin, bản văn bảo hãy xin được "đi theo và noi gương Ðức Kitô Chúa chúng ta hơn, Ðấng vừa mới nhập thể". Nếu chỉ căn cứ vào nội dung của bài Nhập thể, thì việc xin ơn này là quá sớm vì nó không hoặc ít liên hệ với bài chiêm niệm, bởi lẽ không có vấn đề đi theo Ðấng chưa sinh ra (chỉ mới nhập thể), cũng khó nói đến noi gương Ðấng mà chúng ta chưa thấy hoặc chưa biết Ngài sống như thế nào. Tuy nhiên, thiết tưởng có quyền có cái nhìn thoáng và rộng hơn. Nên biết phần tâm sự của bài Nhập thể này còn được dùng trong các bài chiêm niệm tiếp theo cho tới khi làm bài Hai lá cờ hiệu vào ngày thứ bốn của tuần. Vậy riêng về sự noi gương Chúa, có thể dựa vào bài Vương quốc để hiểu là Chúa sống nghèo khó và khiêm nhường, vì Chúa đã từ bỏ ngai vàng trên trời để hạ mình nhập thể nơi lòng Ðức Maria, nữ tì của Thiên Chúa.

Nếu mào đầu một nói đến hành động của Ba Ngôi Thiên Chúa hướng vào nhân loại trong mầu nhiệm nhập thể, thì phần tâm sự, cũng là phần kết thúc, nói đến hành động của con người, ở đây là người tĩnh tâm, hướng lên Ba Ngôi Thiên Chúa qua việc bày tỏ ước vọng - được diễn đạt bằng lời cầu xin - đi theo và noi gương Ðức Kitô. Cũng nên nói rõ hơn về những ơn xin của bài Nhập Thể. Mào đầu ba xin có được cái biết bên trong về Chúa, để nhờ cái biết đó mà tiến tới yêu mến Chúa hơn và đi theo Chúa hơn. Vậy đó là cái mạch lạc của một diễn tiến mà khởi đầu là cái biết sâu xa và điểm tới là hành động: việc đi theo Chúa chính là lòng mến đang hành động. Tuy nhiên, để đầy đủ, cũng nên nói đến nguyên nhân vòng tròn hay hỗ tương, là càng yêu mến Chúa thì càng biết Chúa.

Ở phần tâm sự của một bài suy ngắm thường cũng có ơn xin, và ơn xin này nằm trong chiều hướng của (những) ơn xin ở mào đầu; nhưng vì là ơn xin được nên ra sau khi đã biết và cảm sâu sắc nội dung của bài suy ngắm, nên nó thường có thêm đặc điểm là xác định, bổ túc hoặc mở rộng mục đích nằm trong ơn xin ở mào đầu. Vậy phần tâm sự của bài Nhập Thể này cũng xin ơn đi theo Chúa hơn như ở mào đầu ba, nhưng không nói đến ơn xin mến Chúa hơn, và, thay vào đó, xin ơn noi gương Chúa hơn. Sự dính kết lý luận giữa một bên là ý niệm yêu mến và đi theo Chúa (ở mào đầu), và một bên là ý niệm noi gương Chúa, cũng là điều rõ rệt: noi gương là noi gương Ðấng mình yêu mến và Ðấng mình đi theo vì yêu mến, hoặc nói cách khác, vì mến Chúa nên đi theo Chúa và noi gương Chúa.

Bài Vương quốc đã nói tới việc đi theo phụng sự và cả noi gương Ðức Kitô, chỉ chưa nói tới yêu mến Ngài. Tuy nhiên, nếu phân tích, sẽ thấy rằng tất cả những hành động kia đều hàm sự yêu mến Ngài, bởi lẽ có mến Ngài thì mới "muốn nhiệt tình và nổi bật hơn trong mọi việc phụng sự Vua vĩnh cửu" (s. 97,1). Có điều là từ mến chưa được dùng tới, phải đợi đến bài Nhập thể này nó mới xuất hiện ở mào đầu ba, cũng nghĩa là ở đây ý niệm mến Ðức Kitô được nêu rõ. Không những thế, nó còn có phó từ hơn đi theo để chỉ nghĩa rằng đây không phải là lòng mến dừng lại ở mức thường, vì là yêu mến hơn. Ðây cũng là một dịp nữa cho thấy tính cách tiệm tiến trong phương pháp của sách Linh thao: tiệm tiến trong sự diễn đạt cũng như trong sự đào sâu hoặc mở rộng các ý niệm, các vấn đề và các tình cảm đạo đức.

* * *

Thêm: vấn đề Thiên Chúa Ba Ngôi

Về bài Nhập thể là bài chiêm niệm đầu tiên (bài Vương quốc có phải là bài chiêm niệm hay không, thì có những ý kiến khác nhau) của khóa Linh thao, có một nhận xét này: bài Nhập thể là một trong những bài mẫu trong sách Linh thao, và nó đề cập cách minh nhiên nhất và dài nhất đến Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta hãy đọc lại những câu liên quan đến Thiên Chúa Ba Ngôi.

- Mào đầu một: "Ba Ngôi Thiên Chúa nhìn xem như thế nào toàn thể diện tích hay chu vi của toàn thể thế giới đầy người", "Ba Ngôi quyết định như thể nào tự đời đời để Ngôi Hai làm người."

- Ðiểm chiêm niệm một: "Ba Ngôi Thiên Chúa như ngự trên ngai vàng hoặc trên tòa Thiên Chúa uy linh."

- Ðiểm chiêm niệm hai: "Nghe điều các Ngôi Thiên Chúa phán", đó là "Chúng ta hãy cứu chuộc nhân loại."

- Ðiểm chiêm niệm ba: "Việc các Ngôi Thiên Chúa làm, đó là thực hiện công cuộc Nhập thể rất thánh."

- Phần tâm sự khuyên: "Nghĩ đến điều tôi phải thưa với Ba Ngôi Thiên Chúa."

Như thế rõ ràng bài Nhập thể muốn người tĩnh tâm nhìn thấy mình ở trong liên hệ với Ba Ngôi Thiên Chúa, và nhìn thấy toàn thể nhân loại cũng ở trong liên hệ đó. Không những thế, bài Nhập thể muốn in sâu vào tâm trí điều này: việc cứu chuộc loài người là việc thuộc kế hoạch mầu nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại, và Ngôi Hai xuống thế gian là để thực hiện kế hoạch đó. Ðiều này chúng ta đã đọc thấy trong bài tường thuật của Phúc Âm theo thánh Luca: Ngôi Ba là Thánh Thần ngự đến nơi Ðức Maria để khiến cho Ðức Maria trở nên xứng đáng cưu mang Ngôi Hai nhập thể; Ngôi Hai nhập thể là Con Thiên Chúa, tức Con Ðức Chúa Cha (Lc 1, 32-37), và điều này hàm ý là Ngôi Con được Ngôi Cha sai xuống thế gian - và sau này Ðức Kitô đã tuyên bố rõ như thế. Bởi vậy tất cả cuộc đời trần thế của Ðức Kitô mà người tĩnh tâm sẽ chiêm ngưỡng trong suốt cả ba tuần Hai, Ba và Bốn, đều liên quan trực tiếp đến Thiên Chúa Ba Ngôi, đều biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với nhân loại. Vì thế người tĩnh tâm, khi suy ngắm cuộc đời Ðức Kitô, không nên quên nhìn Ðức Kitô trong liên hệ chặt chẽ với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Thánh Thần; và nếu họ đáp lại tiếng gọi của Ðức Kitô để đi theo và phụng sự Ngài (bài Vương quốc), thì là, qua trung gian và nhất là nhờ sự kết hiệp với Ðức Kitô, họ tham dự kế hoạch của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nói cho đúng, từ Tuần Hai trở đi, khóa Linh thao vừa có tính cách Kitô vừa có tính cách Ba Ngôi; tính cách Kitô ở mặt nổi hoặc ở tầng hiển hiện, tính cách Ba Ngôi ở mặt chìm hoặc ở tầng tiềm ẩn. Trong viễn tượng này, bài Nhập thể là bài nhập môn đưa người tĩnh tâm vào việc chiêm ngưỡng Ðức Giêsu Kitô.

2. Bài Giáng sinh (s.110-117)

Bài Giáng sinh là bài tập hai tiếp liền vào bài Nhập thể. Theo sách Linh thao, người tĩnh tâm làm một lần bài tập một, rồi bài tập hai; sau khi làm xong bài tập hai, họ mới lặp lại cả hai bài tập một và hai. Cũng như các bài chiêm niệm khác, bài Giáng sinh gồm ba phần: phần nhập đề, phần chiêm niệm, phần tâm sự. Dưới đây chỉ là một ít gợi ý và giải thích liên quan đến ba điểm của phần chiêm niệm. Riêng về phần tâm sự không có gì phải nói thêm, vì là phần tâm sự của bài Nhập thể được dùng lại.

Ðiểm một: xem

Hai điều nên chú ý. Ðiều thứ nhất là việc người tĩnh tâm coi như mình đang hiện diện trong biến cố Giáng sinh. Nhưng có nhiều cách và hình thức hiện diện. Ở đây người tĩnh tâm hiện diện với ý thức về vị trí thấp hèn nhỏ bé của mình trước mặt thánh Giuse, Ðức Maria và Chúa Hài nhi: "tự coi mình như một trẻ em nghèo khó và một đứa bé nô lệ hèn mạt". Họ hiện diện với sự quan tâm và chú ý đến các Ngài: họ "nhìn, chiêm ngưỡng" các Ngài. Họ hiện diện không phải như một kẻ chứng kiến suông một biến cố, nhưng như kẻ tham dự biến cố đó với lòng tôn kính: họ "hầu hạ các Ngài trong những nhu cầu...". Sự tưởng tượng rằng mình đang hầu hạ Thánh gia, giúp họ đặt mình dễ dàng hơn trong tương giao thực sự với Thánh gia.

Ðiều nên chú ý thứ hai là việc dùng cụm từ "suy nghĩ ở chính nơi tôi". Cụm từ này được dùng lại ở điểm chiêm niệm hai. Bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu (s. 230-237) cũng dùng nó ở mỗi điểm chiêm niệm. Nếu nói là "suy nghĩ trong lòng" thì nghe có vẻ xuôi tai hơn, nhưng chắc chắn nói như vậy là không hợp với ý của bản văn, lý do đơn giản và dễ hiểu nhất, là vì tiếng Tây-ban-nha không thiếu từ để diễn ý "trong lòng", thế nhưng bản văn không dùng. Ở bài Nhập thể, như đã thấy, mỗi điểm chiêm niệm đều kết thúc bằng câu: "Suy nghĩ để rút lấy ích lợi", chứ không nói: "Suy nghĩ ở chính nơi tôi". Sự khác nhau này không quan trọng, nhưng cũng xin tạm giải thích như sau cụm từ "suy nghĩ ở chính nơi tôi".

Ðể chỉ ý niệm suy nghĩ, tiếng Tây-ban-nha dùng từ reflexionar, nhưng sách Linh thao (bản Thủ bút) dùng lẫn lộn hai từ cổ refletir và reflectir. Nói "suy nghĩ" là đủ, vì nó là việc xảy ra trong trí óc của chủ thể tư duy, nên thêm cụm từ "ở chính nơi tôi" (suy nghĩ ở chính nơi tôi) là một hình thức diễn ý rườm lời, cũng như trong tiếng Việt nói cầm trong tay là kiểu nói rườm lời, bởi lẽ từ cầm đã hàm ý việc dùng đến tay rồi. Phúc âm cũng dùng kiểu nói rườm lời với hai chữ "trong lòng" khi viết về Ðức Maria rằng "Ngài giữ lại tất cả những biến cố (hoặc những lời) này và suy gẫm trong lòng" (Lc 2,19). Tuy nhiên, xét về một phương diện, sự rườm lời không nhất thiết là thừa hay vô ích, vì có khi nó có công dụng nhấn mạnh một ý tưởng hoặc thêm một hình ảnh gợi ý, có khi nó dùng để thêm sự nhịp nhàng hay cân đối trong câu, v.v.

Vậy về cụm từ "suy nghĩ ở chính nơi tôi", việc dùng cụm từ này xem ra có khả năng hoặc có mục đích nhắc nhở, gợi ý hoặc nhấn mạnh rằng ở đây là việc suy nghĩ chăm chú, với sự tập trung trí khôn mãnh liệt. Có lẽ nên dừng lại ở giải thích tổng quát đó. Nếu muốn đi xa hơn nữa, xin thử giải thích như thế này: cụm từ "suy nghĩ ở chính nơi tôi" trong bài Giáng sinh và (ở bài chiêm niệm một của tuần ba: s. 194,1) gợi hình ảnh là, sau khi tôi đã hướng ngoại đến với các nhân vật bằng cái nhìn của tôi, tôi trở về bản thân để trí khôn của tôi làm việc dựa vào những cái tôi đã nhận được từ bên ngoài (ở đây là nhận được qua giác quan tưởng tượng); những cái mà tôi nhận được "từ bên ngoài" trở thành dữ liệu tôi dùng để suy nghĩ trong đầu óc. Về việc điểm chiêm niệm ba bỏ mấy chữ "ở chính nơi tôi" để chỉ giữ lại hai chữ suy nghĩ: "Rồi, bằng việc suy nghĩ, rút lấy ích lợi thiêng liêng nào đó", có thể giải thích bằng hai cách. Cách thứ nhất: sở dĩ bỏ mấy chữ "ở chính nơi tôi" là vì, ngay liền trước, bản văn đã viết rằng "Chúa chịu đói, khát /.../, và tất cả những sự ấy là vì tôi", hai chữ vì tôi ở đây hàm ý người tĩnh tâm trở về mình để suy nghĩ từ những điều Chúa đã phải chịu. Cách giải thích thứ hai là sự đơn giản hóa, tức, sau khi đã hai lần (ở điểm chiêm niệm một và hai) bảo hãy "suy nghĩ ở chính nơi tôi", bây giờ, để vắn gọn, không nhắc lại trọn vẹn cụm từ đó nữa.

Tuy nhiên, nếu cách giải thích trên đây cề cụm từ "suy nghĩ ở chính nơi tôi" có thể chấp nhận ở bài Giáng sinh, thì nó lại chỉ có thể áp dụng được một nửa cho bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu: một nửa áp dụng được, đó là việc người tĩnh tâm, sau khi nhìn vào những công trình của Thiên Chúa, họ trở về bản thân để suy nghĩ về những công trình đó; một nửa không áp dụng được, đó là sự kiện người tĩnh tâm hiện đang nhìn vào chính bản thân do việc họ nhận thấy nơi mình những ân huệ của Thiên Chúa, và vì thế không còn có việc phải trở về mình! Nói như vậy không có nghĩa là lối giải thích nào đó, vì nó thích hợp cho bài này chứ không thích hợp cho bài kia, nên nhất thiết nó phải bị coi như vô giá trị, lý do là vì một câu hay một từ có thể mang hoặc gợi thêm sắc thái ý nghĩa ở văn cảnh này chứ không ở văn cảnh khác.

Ở bài tập thứ năm áp dụng ngũ quan vào việc chiêm niệm cả hai bài Nhập thể và Giáng sinh, từ nơi tôi được thay thế bằng nơi mình: suy nghĩ ở chính nơi mình. Sự khác nhau này cũng dễ hiểu, bởi lẽ bài Giáng sinh nói đến ngôi thứ nhất văn phạm: "Tôi tự coi mình như một trẻ em...", nên câu tiếp theo cũng dùng ngôi thứ nhất: "Và rồi suy nghĩ ở chính nơi tôi", còn ở bài áp dụng ngũ quan, vì các điểm chiêm niệm chỉ nói trống, ví dụ: "Xem các nhân vật bằng con mắt tưởng tượng...", nên việc dùng từ nơi mình trong cụm từ "suy nghĩ ở chính nơi mình" là điều thích hợp.

Ðiểm hai: nghe

Bài Nhập thể nói là "Nghe điều các nhân vật nói", trong khi bài Giáng sinh này lại bảo: "Chiêm ngưỡng điều các ngài nói". Cách diễn ý này có vẻ khó hiểu, và có lẽ vì thế mà bản Phổ thông đã tránh dịch sát: "Ðiểm thứ hai được thể hiện bằng sự hiểu biết có hiệu quả về nhũng lời nói ra ở nơi đó." Có thể tạm giải thích như sau. Ở bài Nhập thể, người tĩnh tâm suy nghĩ thẳng về những điều họ nghe được, còn ở bài Giáng sinh, họ suy nghĩ về những điều đã nghe thấy sau khi họ phải qua chặng đường dùng tưởng tượng để nhìn những cái được nghe nói đến.

Ðiểm ba: nhìn

Ở đây xin đưa ra hai ý tưởng. Ý tưởng thứ nhất là sự tham dự của Ðức Maria và Thánh Giuse vào biến cố Giáng sinh được gợi ý bằng sự kiện các ngài "đi xa và chịu cực nhọc". Vậy hai đấng là tấm gương đầu tiên cho người tĩnh tâm về việc đi theo phụng sự Ðức Kitô. Ý tưởng thứ hai là, trong khi chiêm niệm việc Chúa Giáng sinh, người tĩnh tâm đã nhìn thấy thập giá dành cho Ngài vào lúc kết thúc cuộc đời, và nhận thấy rằng cuộc đời Ngài đan dệt bằng các đau khổ thể xác và tinh thần là cuộc đời "vì tôi".


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page