Như đã có dịp nói ở chỗ khác, từ Tuần Hai trở đi cho đến hết khóa Linh thao, người tĩnh tâm sẽ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Kitô trong cuộc đời trần thế xưa của Ngài, dựa vào các bài tường thuật trong sách Phúc âm. Ðể có ý niệm về việc chiêm niệm Phúc âm, chúng ta hãy dùng làm mẫu bài chiêm niệm đầu tiên trong sách Linh thao là bài Nhập thể của Tuần Hai này. Bài chiêm niệm gồm ba phần:
- phần nhập đề,
- phần chiêm niệm,
- phần tâm sự.
Không kể lời nguyện chuẩn bị (giống như ở bài suy niệm), phần nhập đề gồm ba mào đầu thay vì hai như trong bài suy niệm.
Mào đầu một: nhớ lại sơ lược hoặc đại cương nội dung của bài chiêm niệm. Ðiều này giả thiết là bài đã được chuẩn bị, tức đã được hướng dẫn viên trình bày cho người tĩnh tâm. Nói cách tổng quát, các đề tài đều liên hệ đến cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, vì thế bản văn gọi là nhớ lại sử tích, tức câu truyện thuộc lịch sử. Cũng nên nhắc đến một số trường hợp ngoại lệ. Sử tích của bài Nhập Thể vượt ngoài lịch sử; những bài Hai lá cờ hiệu, Ba hạng người là những bài suy niệm, cũng dùng đến từ sử tích ở mào đầu một, nhưng những sử tích của hai bài này thực ra là tích truyện tưởng tượng.
Mào đầu hai: cấu tạo nơi chốn, giống như trong một bài suy niệm.
Mào đầu ba: xin ơn thích hợp với nội dung của bài chiêm niệm. Ðiều này cũng giống như trong một bài suy niệm.
Việc chiêm niệm dùng đến thị giác và thính giác. Vì thế các điểm chiêm niệm được chia ra như sau.
Ðiểm một: xem hoặc trông thấy các nhân vật, từ y phục đến diện mạo, cử chỉ, tác phong, v.v. Có thể là xem suông như khách bàng quan; nhưng nếu đối tượng là Ðức Kitô và các thánh của Ngài - việc chiêm ngưỡng Ðức Kitô là chính yếu trong cả Ba tuần Hai, Ba và Bốn - thì không chỉ là xem suông, mà là sự có mặt bên cạnh Ngài với tư cách kẻ đi theo Ngài, yêu mến Ngài, v.v., như câu sau đây trong bài Giáng sinh nhắc bảo người tĩnh tâm khi chiêm ngưỡng Ðức Maria, thánh Giuse và Chúa Hài Nhi: "Tôi tự coi mình như một trẻ em nghèo khó và như một đứa bé nô lệ hèn hạ, nhìn, chiêm ngưỡng và hầu hạ các Ngài trong những nhu cầu của các Ngài, làm như là tôi đang có mặt, với tất cả lòng trung thuận và niềm tôn kính có thể có" (s. 114,2-3).
Ðiểm hai: nghe những điều các nhân vật nói. Vậy tuy gọi là ngắm (chiêm niệm), nhưng thực ra không chỉ là dùng đến mắt, mà còn dùng cả tai nữa. Như thế từ chiêm niệm có hàm ý rộng là sự có mặt trọn vẹn hơn trong một biến cố hay một cảnh nào đó.
Ðiểm ba: nhìn những điều các nhân vật làm. Ðây cũng là công việc của thị giác như ở điểm một, nhưng ở điểm một chỉ là xem, và, nói rõ hơn, chỉ là trông thấy các nhân vật với diện mạo, y phục, địa vị, tác phong, tính tình được biểu lộ của họ, còn điểm ba là nhìn, một động từ hàm có sự chú ý hơn; lại nhìn, trong bài chiêm niệm, có đối tượng thu hẹp vào hành động của các nhân vật, ví dụ ở bài Nhập thể, nhìn các nhân vật đánh nhau, giết nhau v.v.; ở bài Giáng sinh, nhìn Ðức Maria và thánh Giuse làm cuộc hành trình vất vả đi Bêlem v.v.
Tóm lại, cả ba điểm trên gồm xem các nhân vật, nghe những điều các nhân vật nói, nhìn hoặc quan sát những hành động các nhân vật làm. Nhưng không phải chỉ có thế vì, như bản văn ghi rõ, sau khi xem cũng như sau khi nghe và nhìn, người tĩnh tâm phải suy nghĩ về những điều đó để rút ra những điều bổ ích cho linh hồn. Như vậy sự chiêm niệm theo phương pháp trong sách Linh thao, gồm cả ngắm và suy: ngắm để rồi suy. Ở mục về "Những mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô Chúa chúng ta" (s. 261 tt) là phần ghi những bài chiêm niệm dành cho các tuần Hai, Ba và Bốn, có một chú thích nói rằng "Trong mỗi mầu nhiệm, thông thường hơn người ta sẽ tìm thấy ba điểm để suy và ngắm dễ hơn" (s. 261,3). Riêng những bài chiêm niệm ở Tuần Ba, không kể ba điểm xem, nghe, nhìn, còn có thêm ba điểm khác; và những bài chiêm niệm ở Tuần Bốn có thêm hai điểm. Những điểm thêm này, nếu hiểu theo nghĩa hẹp, đều nhằm việc suy hơn là ngắm, ví dụ suy về thần tính của Chúa tự ẩn đi trong cuộc Tuẫn nạn (s. 196) hoặc tự biểu lộ trong cuộc Phục sinh (s. 223). Tuy nhiên, chúng liên hệ đến ngắm là vì, như đã nói trên, ở đây người tĩnh tâm tự coi như mình đang có mặt, đang chứng kiến, v.v.
Trong chiêm niệm (cũng như trong suy niệm), dừng lại lâu ở điểm nào là tùy; lại cũng không nhất thiết phải làm hết các điểm được nêu ra, như ở Tuần Bốn có câu: "Tuy trong hết các bài chiêm niệm người ta đã cho con số nhất định các điểm, chẳng hạn ba hay năm, v.v., nhưng người chiêm niệm có thể lấy nhiều hay ít điểm hơn, tùy như họ thấy làm như thế là tốt hơn" (s. 228,1).
Ðây là phần kết thúc bài chiêm niệm; nó dành riêng cho sự bày tỏ tâm tình với Thiên Chúa, với Ðức Kitô, v.v., phù hợp với nội dung của bài nguyện ngắm cũng như tùy theo tâm tình đạo đức phát sinh trong giờ cầu nguyện. Phần này không có gì khác với những điều đã nói khi đề cập vấn đề suy niệm của Tuần Nhất.
* * *
Cách thức chiêm niệm trình bày trên đây sẽ được thấy rõ hơn khi có dịp tìm hiểu hai bài Nhập thể và Giáng sinh. Một cách đại cương, chiêm niệm theo sách Linh thao, xét về mặt đối tượng của nó, là chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và chủ yếu là Chúa Giêsu trong cuộc sống trần thế của Ngài theo như Phúc âm tường thuật; một cách tùy phụ, đó là chiêm ngưỡng các thần thánh của Thiên Chúa và rộng hơn nữa, những cái tốt lành; và tất cả các thần thánh cũng như những cái tốt lành này đều được nhìn trong liên hệ với Thiên Chúa, tức hướng về Thiên Chúa như đỉnh ngọn hoặc qui tụ vào Thiên Chúa như trung tâm điểm. Xét về mặt kỹ thuật hoặc phương pháp, việc chiêm niệm dùng đến những hình ảnh thuộc tưởng tượng, phần nào ví như những hình ảnh của một bức họa hay trong một cuộn phim để qua đó mà đi vào suy tư. Nhưng không chỉ suy tư mà thôi; ở đây chúng ta chiêm ngưỡng, gặp gỡ tiếp xúc đối tượng (Chúa Giêsu, Ðức Maria, v.v.) với thái độ và tình cảm tích cực như tôn kính, khâm phục, yêu mến, biết ơn, v.v., tùy trường hợp; chẳng hạn nếu là chiêm niệm về biến cố Giáng sinh, chúng ta cung kính chiêm ngưỡng Chúa Hài Nhi nằm trong máng cỏ, chúng ta thờ lạy Ngài, chúng ta cảm tạ Ngài, v.v.
Vừa rồi là mấy nét lớn giúp phân biệt cách chung chung việc chiêm niệm với việc suy niệm. Chỉ là phân biệt cách chung chung, vì không riêng gì việc chiêm niệm, mà cả việc suy niệm cũng dùng tưởng tượng, ví dụ trong bài suy niệm về hỏa ngục, chúng ta tưởng tượng như trông thấy các đọa nhân quằn quại trong lửa hồng, v.v. Lại nữa, dù là chiêm niệm thì cũng phải dùng tới ba tài năng tâm lý như khi suy niệm, như chú dẫn ba đã nói rõ (s. 3). Sau cùng, cả chiêm niệm lẫn suy niệm đều có phần tâm sự ở đó người tĩnh tâm, tùy đề tài và tùy tâm trạng mà than thở hoặc cầu xin, tán dương, cảm tạ Thiên Chúa, Ðức Kitô, v.v. Vậy sự phân biệt chiêm niệm với suy niệm là sự phân biệt có tính cách mềm dẻo căn cứ vào ít nét nổi rõ hoặc được nhấn mạnh trong chiêm niệm sánh với suy niệm. Có lẽ chính vì thế mà không nên coi là điều vô ý sự kiện những bài tập của Tuần Nhất tuy là những bài suy niệm, nhưng có chỗ lại gọi là bài chiêm niệm (s. 4,2 ; 64,2; 74,1); bài Hai lá cờ hiệu của Tuần Hai có nhan đề là bài suy niệm, nhưng ở chỗ khác lại gọi là bài chiêm niệm (s. 156); ở mục về ba cách cầu nguyện, cách cầu nguyện thứ hai mang nhan đề là "Cách cầu nguyện thứ hai: chiêm niệm ý nghĩa mỗi từ của kinh nguyện" (s. 249), nhưng khi giải thích cách cầu nguyện này, bản văn không nói gì đến chiêm (chiêm niệm) mà chỉ nói đến suy (suy niệm): "Ở lại trong sự suy xét từ này bao lâu tìm thấy những ý nghĩa, những so sánh, những ý vị và sự yên ủi trong sự suy xét về mỗi từ đó" (s. 252,2).
Một điều khác nữa, là việc sách Linh thao dùng từ chiêm niệm để chỉ tất cả những bài tập của Tuần Hai, Ba và Bốn, chỉ trừ bài Hai lá cờ hiệu và bài Ba hạng người (được gọi rõ là bài suy niệm) và có lẽ trừ thêm bài Vương quốc; mà vì tất cả ba Tuần này tập trung vào cuộc đời trần thế xưa của Chúa Giêsu, nên có quyền bảo rằng khi nói đến chiêm niệm theo sách Linh thao thì hiểu là chiêm ngưỡng Chúa Giêsu dựa vào các bài tường thuật trong Phúc âm, và chiêm ngưỡng Ngài theo cách thức đã trình bày trên kia. Do đó chúng ta gọi đây là việc chiêm niệm Phúc âm. Trong chiêm niệm Phúc âm, chúng ta đặt mình hiện diện trong một biến cố hay một cảnh nào đó của cuộc đời Chúa Giêsu - mỗi biến cố hay mỗi cảnh này, sách Linh thao gọi là một mầu nhiệm - như biến cố Chúa năm lên mười hai tuổi ngồi trong Ðền thờ nghe và hỏi các thầy dạy, chẳng hạn (Lc 2,46 tt), để chúng ta xem, nhìn và ngắm Chúa sống và hành động, để chúng ta nghe những lời Chúa nói, v.v., rồi dựa vào đó chúng ta suy nghĩ và rút ra những nhận định hay bài học, v.v. Như vậy việc chiêm niệm này khác với điều mà các nhà tu đức học quen gọi là chiêm niệm thiên phú mà đặc điểm là sự kiện linh hồn, trong lúc cầu nguyện, do đặc ân Thiên Chúa, được say sưa đắm chìm trong sự trực kiến Ngài.
Nói rằng chúng ta hiện diện trong biến cố cuộc đời Chúa vì, thực vậy, Chúa đã sống những ngày ở trần gian là sống cho và vì mọi người chúng ta; và xét theo phương diện Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai hằng hữu thì mọi người, kể cả khi chưa sinh ra, đều hiện diện trước nhan Ngài, bởi lẽ đối với Ngài tất cả đều là hiện tại. Riêng về phía chúng ta, bây giờ chúng ta mới hiện hữu, nên bây giờ chúng ta mới thể hiện sự hiện diện của chúng ta bên cạnh Ngài! Bằng cách chiêm niệm như đã trình bày, chúng ta vừa thực tập vừa thực hiện một hình thức của sự tiếp xúc thân mật với con người Chúa Giêsu. Cũng nhờ vậy chúng ta dễ cảm nghiệm rằng khi đón nhận những lời giáo huấn và gương mẫu của Ngài trong Phúc âm qua nghe, đọc hoặc suy gẫm, chính là lúc chúng ta đang ở trong cuộc tiếp xúc đó.
Ðiều vừa nói trên đây có liên quan đến vấn đề trí tưởng tượng. Sự tưởng tượng có vai trò riêng của nó trong việc chiêm niệm. Ở nhiều chỗ, sách Linh thao bảo người tĩnh tâm dùng "con mắt của trí tưởng tượng" (s. 47,3; 65,3; 66; 122) hoặc bảo họ hãy tưởng tượng, ví dụ: "Tưởng tượng Ðức Kitô Chúa chúng ta đang ở trước mặt và treo trên Thánh giá" (s. 53,1; xem s. 140; 143). Sự tưởng tượng nói ở đây hiểu theo nghĩa thông thường là sự dùng đến những "hình ảnh tâm thần" (images mentales) để hình dung ra trong trí khôn các nhân vật, các sự vật hay biến cố nào đó. Vậy người tĩnh tâm dùng đến sự tưởng tượng như một phương tiện hay như một chiếc cầu để đi qua chứ không phải để dừng lại ở đấy. Ðiều này chúng ta thấy rõ trong sách Linh thao: khi giới thiệu một số bài chiêm niệm, sách Linh thao chỉ gợi một cách sơ lược những điều thuộc tưởng tượng, rồi bảo "hãy suy nghĩ để rút lấy ích lợi từ cái xem thấy đó" (s. 106,4; xem s.107,3; 114,3; 115; 116,3; 123; 124,2; 194,3). Vậy nhờ tưởng tượng là bước đầu - tưởng tượng là tưởng tượng cái hiện không có thực trước mắt - chúng ta tiến tới cái có thực là mầu nhiệm Ðức Kitô, chúng ta tiến tới gặp gỡ chính Ðức Kitô.
Trong chúng ta, chẳng ai biết dung mạo Chúa Giêsu hay Ðức Maria như thế nào, nhưng chắc chắn trong khi cầu nguyện, chúng ta thường tưởng tượng ra dung mạo các ngài dựa theo những hình vẽ quen thuộc cũng thuộc tưởng tượng. Vậy việc tưởng tượng trong chiêm niệm là điều tự nhiên, tự nhiên cũng như việc chúng ta quỳ cầu nguyện nghiêm trang trước tượng Chúa chịu đóng đinh chẳng hạn: tượng Chúa trong trường hợp này là một phương tiện gợi ý để tâm trí chúng ta đi vào những mầu nhiệm cao siêu; điệu bộ cung kính của chúng ta trước tượng đó, diễn tả thái độ của chúng ta đối với những mầu nhiệm kia và đối với Chúa. Dùng đến trí tưởng tượng là điều thuộc vấn đề tận dụng các khả năng nơi con người mình, như chúng ta còn thấy rõ hơn khi sách Linh thao nói đến "áp dụng ngũ quan" (s. 121) vào việc chiêm niệm, tức dùng ngũ quan để cảm nghiệm các mầu nhiệm. Trên bình diện tự nhiên, trí tưởng tượng là dụng cụ giúp chúng ta không những trở ngược lại cuộc đời trần thế của Ðức Kitô, mà còn giúp đưa cuộc đời đó của Chúa vào trong hiện tại để chúng ta sống bên cạnh Chúa.
Việc chiêm niệm về cuộc đời trần thế của Ðức Kitô dựa theo Phúc âm là một hình thức cầu nguyện: chúng ta muốn tìm đến Ðức Kitô qua việc suy ngắm những chân lý chứa đựng trong Phúc âm là sách được viết ra cho chúng ta, dưới sự truyền hứng của Chúa Thánh Thần, và điều này có nghĩa là nó chủ yếu là công trình do Chúa Thánh Thần thực hiện và thực hiện cho chúng ta. Vì thế chúng ta có quyền mong đợi và nghĩ rằng, bằng việc chiêm niệm đó, chúng ta sẽ được Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đến với Ðức Kitô, Ðấng luôn luôn mang đầy Chúa Thánh Thần, Ðấng khi xưa ở thế gian và hôm nay ngự trên trời vẫn chỉ là một. Như vậy là trong giờ chiêm niệm, chúng ta sống với Ðức Kitô trên một con đường liền thời gian đi suốt từ quá khứ đến hiện tại và hướng về tương lai. Hiện tại, vì, nhờ ơn tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta sống bên cạnh Ðức Kitô với những thái độ và tâm tình đạo đức như vui mừng, sầu khổ, yêu mến, khâm phục, biết ơn, v.v., tùy trường hợp. Tương lai, vì những thái độ và tâm tình này củng cố và gia tăng lòng mến Chúa khiến chúng ta quyết tâm đi theo, phụng sự và noi gương Chúa.