Trong Tuần Nhất, người tĩnh tâm đã đặt mình vào dòng chảy của tội và nhận thức sâu sắc về thân phận tội lỗi của mình trong tương quan với Thiên Chúa; họ thấy tội thật là đáng gớm ghét; họ quyết tâm sửa mình và xa lánh những sự phù vân giả trá thuộc thế gian (s. 63). Như vậy, họ đã được chuẩn bị để tiến sang Tuần Hai và các Tuần kế tiếp, vì các Tuần này cung cấp cho họ câu trả lời cặn kẽ hơn Tuần Nhất về điều mà họ đã tự hỏi trong Tuần Nhất khi đặt mình trước cây Thánh giá, rằng họ phải làm gì cho Ðức Kitô (s. 53,2). Từ đây trở đi, họ không tưởng tượng như mình "bị đày ải giữa các thú vật đần độn" (s. 47,6), nhưng, vì được chính Ðức Kitô kêu gọi, họ đứng lên đi theo Ngài để làm cộng sự viên của Ngài. Ðể giúp họ làm công việc này, khóa Linh thao, từ Tuần Hai cho đến hết, sẽ tập trung vào việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Kitô trong cuộc đời trần thế xưa của Ngài dựa vào các bài tường thuật trong Phúc âm. Do chiêm ngưỡng Ngài, họ sẽ, nhờ ơn phù trợ của Thiên Chúa, được cuốn hút theo Ngài để sống với Ngài và sống cho Ngài. Ðây chính là cách tốt nhất để chu toàn nhiệm vụ mà bài Nguyên lý và Nền tảng đã nêu ra, tức tán dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa; và cũng nhờ vậy mà "cứu rỗi linh hồn mình" (s. 23,1).
Vì là chiêm ngưỡng Ðức Kitô nên, từ Tuần Hai này trở đi, các bài tập đều gọi là những bài chiêm niệm, trừ hai bài còn giữ tên gọi suy niệm là bài Hai lá cờ hiệu và bài Ba hạng người, và có lẽ bài Hiệu triệu của vua thế tục mà chúng ta sẽ đề cập dưới đây.
Ðể đi vào cuộc chiêm ngưỡng Ðức Kitô, người tĩnh tâm sẽ bắt đầu bằng bài có nhan đề đầy đủ là Lời hiệu triệu của Vua thế tục giúp chiêm ngưỡng cuộc đời của vua vĩnh cửu; để vắn gọn, người ta quen gọi là bài Vương quốc hoặc bài chiêm niệm về Vương quốc. Theo chính nhan đề, đây là một bài dẫn nhập; nó được coi như cửa mở ra và vạch hướng đi cho người tĩnh tâm đi vào cả ba Tuần Linh thao Hai, Ba và Bốn - ba Tuần xét như một khối duy nhất tiếp vào Tuần Nhất - bởi lẽ việc chiêm ngưỡng cuộc đời của Chúa, như chúng ta sẽ thấy, được trải dài trong suốt Tuần Hai, Ba và cả Tuần Bốn; nói cả Tuần Bốn, vì cuộc đời trần thế của Chúa được coi như chấm dứt với sự kiện Chúa lên trời trước mặt các môn đệ đang tập hợp trên ngọn đồi gọi là "Núi O-liu" (xem Cv 1,9-12).
Chắc chắn bài Vương quốc không phải chỉ là một bài suy tư suông như một vài người nghĩ. Chỉ xét nguyên về mặt bố cục, nó cũng có đủ những nét của một bài suy ngắm: có lời nguyện chuẩn bị, có mào đầu một về cấu tạo nơi chốn, có mào đầu hai về ơn xin, có các điểm để suy ngắm. Duy có một điều khác biệt là nó không có phần gọi là phần tâm sự, và thay vào đấy là lời kinh nguyện đặt vào cuối điểm suy ngắm thứ ba của bài. Vậy về kinh nguyện này, rất có lý để coi nó như tương đương với phần tâm sự vì, không kể việc nó là kết thúc của bài, xét về nội dung, nó mang tính cách của lời tâm sự, như sách Linh thao đã xác định về việc tâm sự "như một người bạn nói với một người bạn hoặc như một người đầy tớ nói với chủ mình: khi thì xin một ơn nào đó, khi thì thú nhận một hành động xấu nào đó đã làm, khi thì tỏ bày những việc của mình và xin sự chỉ bảo về những việc đó" (s. 54). Vậy về kinh nguyện nói trên, bản văn không bảo suy gẫm về nội dung của nó, mà bảo hãy "dâng lễ vật quý giá hơn và quan trọng hơn" qua kinh nguyện đó. Một bằng chứng khác về việc bài Vương quốc không phải là một bài suy tư, đó là sự kiện nó được sách Linh thao gọi là bài tập (s. 95), một từ áp dụng chung cho các bài suy niệm và chiêm niệm, và nó được làm vào những giờ vẫn quen dành cho các bài suy ngắm khác: "Bài tập này sẽ làm hai lần trong ngày: buổi sáng sau khi thức dậy, và một giờ trước bữa ăn trưa hay tối" (s. 99).
Chỉ có một câu hỏi không quan trọng là bài Vương quốc là bài suy niệm hay bài chiêm niệm. Như đã rõ, sách Linh thao không gọi nó là bài suy niệm hay bài chiêm niệm, mà chỉ ghi nhan đề: "Lời hiệu triệu của vua thế tục giúp chiêm ngưỡng cuộc đời Vua vĩnh cửu." Trong thực tế, trong nhiều sách bàn về sách Linh thao, có người gọi nó là bài suy niệm, có người gọi là bài chiêm niệm, có người gọi lẫn lộn cả hai. Riêng bản Phổ thông gọi rõ là bài chiêm niệm. Theo thiển ý, nếu căn cứ vào một số nét hoặc đặc điểm của một bài chiêm niệm như sẽ có dịp nói tới, thì nên coi bài Vương quốc là một bài suy niệm hơn là một bài chiêm niệm, vì bài Vương quốc này chủ yếu bảo người tĩnh tâm suy nghĩ về lời Ðức Kitô mời gọi họ đi theo phụng sự Ngài, về sự hữu lý của việc đáp lại lời mời gọi đó, v.v. Câu ghi ở nhan đề rằng "để giúp chiêm ngưỡng cuộc đời của vua vĩnh cửu" không có nghĩa là người tĩnh tâm chiêm ngưỡng cuộc đời Chúa qua bài Vương quốc này; họ sẽ chiêm ngưỡng cuộc đời Chúa qua các bài tập của các Tuần Hai, Ba và Bốn. Tuy nhiên, như đã nói trên, đây chỉ là xét xem giữa việc suy niệm và việc chiêm niệm, bài Vương quốc nên được xếp vào loại nào hơn, chứ thực ra người tĩnh tâm vẫn có thể chiêm ngưỡng Chúa bằng cách, nhờ tưởng tượng, đặt mình trước mặt Chúa để chiêm ngưỡng Ngài là Ðấng đang mời gọi mình, v.v. Xét theo một phương diện khác, nếu gọi bài Vương quốc là bài chiêm niệm thì, ít là trên bình diện lý thuyết, là làm một việc quá sớm, bởi lẽ, cho tới lúc này, sách Linh thao chưa nói gì đến cách thức chiêm niệm, mà phải đợi ở bài tập tiếp theo, tức bài Nhập thể.
Chúng ta chia bài Vương quốc thành ba phần như thường lệ, là phần nhập đề, phần suy gẫm (hoặc suy ngắm) và phần tâm sự để tìm hiểu và phân tích dưới đây.
Không kể lời nguyện chuẩn bị thường lệ, tức lời nguyện chung cho hết các bài tập, phần nhập đề gồm hai mào đầu.
"Bằng con mắt tưởng tượng, xem các hội đường, các làng mạc và thành trì, là những nơi Ðức Kitô Chúa chúng ta đã giảng dạy" (s. 91,3).
Sự cấu tạo nơi chốn này phù hợp với điều Phúc âm mô tả về Chúa: "Ði khắp miền Galilêa, Ngài giảng dạy trong các hội đường của họ, công bố Tin mừng Nước Trời và chữa lành hết các bệnh tật nơi dân chúng" (Mt 4,23; xem Mc 1,3; Lc 4,44). Cái tưởng tượng trong cấu tạo nơi chốn này cung cấp hình ảnh về sự di chuyển và hành động, khác với hình ảnh ngồi nghỉ: Chúa giảng dạy (hành động) và giảng dạy ở những nơi khác nhau (di chuyển). Hình ảnh này tương hợp với ý tưởng trong phần suy gẫm: chinh phục thế giới (hành động), đến với Chúa và đi theo Chúa (di chuyển). Hình ảnh này đặt người tĩnh tâm vào trong viễn cảnh của hoạt động tông đồ.
"Xin Chúa chúng ta ban ơn để tôi không điếc trước tiếng gọi của Ngài, nhưng mau mắn và sốt sắng thực hiện ý muốn rất thánh của Ngài" (s. 91,4).
Ơn xin gồm hai phương diện tiêu cực và tích cực. Về phương diện tiêu cực là xin không bịt tai lại trước tiếng gọi của Chúa; về phương diện tích cực là mau mắn và sốt sắng thực hiện thánh ý của Ngài. Nội dung của bài tập sẽ cho biết đâu là thánh ý của Ngài. Ơn xin này như vậy đã nêu rõ mục đích của bài tập. Về ý muốn của Thiên Chúa, chú dẫn đầu tiên trong sách Linh thao đã nói đến mục đích của việc làm Linh thao là đi tìm và tìm thấy ý muốn của Thiên Chúa (s. 1,4). Chú dẫn năm cũng khuyên người tĩnh tâm dâng hiến cho Thiên Chúa ý muốn và sự tự do của mình để Ngài sử dụng con người họ và tất cả những gì họ có, tùy theo ý muốn rất thánh của Ngài (s. 5,2); chú dẫn mười lăm nhắc đến sự đi tìm ý muốn thần linh (s. 15,3). Trong mục hướng dẫn người tĩnh tâm về sự lựa chọn tốt, sách Linh thao nhắc nhở họ hãy lựa chọn theo đúng ý muốn rất thánh và khoan nhân của Thiên Chúa (s. 180,2). Sau cùng, trong bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, người tĩnh tâm xin Thiên Chúa sử dụng mình hoàn toàn theo ý muốn của Ngài (s. 234,5). Những chỗ vừa được nhắc tới, nói đến ý muốn của Thiên Chúa, trong khi bài Vương quốc này nói đến ý muốn của Ðức Kitô. Nhưng chúng ta đều rõ là ý muốn của Thiên Chúa và của Ðức Kitô là một, bởi lẽ Ðức Kitô cũng chính là Thiên Chúa.
Ý muốn của Ðức Kitô được định tính là rất thánh (ý muốn rất thánh). Sự nhắc riêng đến phẩm tính này hẳn là có mục đích nhấn mạnh, bởi lẽ ý muốn của Ngài không chỉ là rất thánh, mà còn sâu nhiệm, quyền năng, v.v. Cái thánh là cái, theo lý thuyết, có đủ sức hấp dẫn con người biết suy lý; nói cách khác, con người có lý trí và sống theo lý trí, thì dĩ nhiên họ đi tìm cái thánh. Lại nữa, con người được kêu gọi nên thánh, thì làm sao lại không tìm đến cái rất thánh là ý muốn của Chúa? Cũng theo mặt lý luận này, trùng trình thi hành ý muốn của Chúa hoặc thi hành cách cẩu thả, là điều tất nhiên phải tránh. Vì thế mào đầu hai nói rõ là thực hiện ý Chúa cách mau mắn và sốt sắng.
Phần suy gẫm chia thành hai phần nhỏ. Phần nhỏ một được gọi đích danh là một ví dụ; nó có mục đích chuẩn bị và giúp người tĩnh tâm đi vào phần nhỏ hai. Phần nhỏ hai là phần chủ yếu, không những nó giải thích ví dụ hay dụ ngôn của phần nhỏ một, mà còn đi xa hơn thế, như sẽ thấy sau.
Phần nhỏ một gồm ba điểm suy gẫm: hình ảnh ông vua được Thiên Chúa tuyển chọn; ý muốn của ông vua này được biểu đạt cho thần dân; việc đáp lại ý muốn của ông vua.
"Ðặt ra trước [mặt] tôi một vị vua trần gian được bàn tay Thiên Chúa Chúa chúng ta tuyển chọn, mà tất cả các lãnh tụ và tất cả các tín đồ Kitô-giáo đều tôn kính và phục tùng" (s. 92).
Hình ảnh ông vua có thể trở nên xa lạ với nhiều người thời nay, bởi lẽ, nói chung, chế độ chính trị thời này là chế độ dân chủ; ở một số quốc gia tuy còn có vua, nhưng vai trò của ông ta cũng khác xa với vai trò ông vua thuộc những thế kỷ trước. Bởi vậy việc dùng hình ảnh ông vua trong bài Vương quốc, thoạt đầu có thể xem ra lỗi thời, nhưng nếu, với tư cách người công giáo, chúng ta đứng trên bình diện tôn giáo mà đọc Thánh kinh, chúng ta sẽ thấy hình ảnh đó rất quen thuộc. Thực vậy, trong Thánh kinh Cựu ước, nhiều chỗ Thiên Chúa được gọi là vua. Sách Xuất hành viết: "Thiên Chúa trị vì đến muôn đời" (Xh 15,18). Tiên tri Isaia nói: "Mắt tôi đã trông thấy đức vua, Thiên Chúa, Ðấng toàn năng" (Is 6,5). Tiên tri Giêrêmia nói về Thiên Chúa: "Ai mà không sợ Ngài, vua các nước? /.../ Thiên Chúa là chân lý, Ngài là Thiên Chúa hằng sống, là vua muôn đời" (Gr 10,7.10), và Israel là "vương quốc tư tế và dân thánh của Ngài" (19,6). Những thánh vịnh mệnh danh là những khúc ca về sự trị vì (chants du règne), tôn xưng Thiên Chúa là vua, mừng Ngài là Ðấng ngự trên ngai vàng và bá chủ muôn dân. Xin trích dẫn một vài câu làm ví dụ: "Thiên Chúa là vua. Ngài mặc sự uy nghiêm. Thiên Chúa thắt đai lưng sức mạnh. Phải, thế gian đứng vững, không lay chuyển. Từ ban sơ ngai báu của Ngài đứng vững, Ngài hiện hữu từ muôn thuở" (Tv 92,1-2). Câu khác: "Thiên Chúa là vua: các dân tộc hãy run sợ! Ngài ngự trên các thần Kêrubim: trái đất hãy run lên!" (Tv 98,1).
Trong Kinh thánh Tân ước, Chúa Giêsu là Ðấng đến rao giảng về vương quốc hoặc sự trị vì của Thiên Chúa: "Ði khắp miền Galilêa, Ngài giảng dạy trong các hội đường của họ, công bố Tin mừng Nước Trời" (Mt 4,2.3), "Ta còn phải đem Tin mừng về Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa" (Lc 4,43). Trong bữa tiệc biệt ly, Chúa nói với các môn đệ: "Thầy sẽ không còn ăn mừng lễ này bao giờ nữa cho đến khi nào lễ này hoàn thành trong Nước Thiên Chúa" (22,16).
Trong Thánh kinh Cựu ước, bên cạnh những thánh vịnh về sự trị vì, còn có những thánh vịnh vương giả (Tv 2; 8; 19; 20; 44; 71; 88; 100; 109; 131; 143) ca tụng vua trần gian đồng thời bao hàm lời hứa về sự sẽ đến và sự trị vì chung cục của Ðấng Mêsia. Chẳng hạn thánh vịnh 71 có những câu: "Các bộ lạc sẽ cúi mình trước mặt người, các kẻ thù sẽ liếm bụi. Các vua của xứ Tác-xít và của các hải đảo sẽ gửi tặng vật đến; các vua xứ Xa-ba và xứ Xe-va sẽ nộp công phẩm. Mọi vua sẽ phủ phục trước nhan người, mọi nước sẽ phụng sự người" (Tv 71, 9-11). Một vị vua tương lai cũng được các tiên tri báo trước. Tiên tri Isaia nói: "Một con trẻ được sinh ra cho chúng ta, một người con được ban tặng cho chúng ta. Vương quyền đặt trên vai người. Người ta tuyên bố tước hiệu người: "Ðấng Cố vấn kỳ diệu, Thần minh hùng mạnh, Cha muôn đời, Vua bình an." Quyền bá chủ bao la và sự bình an vô tận sẽ có cho ngai Ðavít và cho vương quyền của ông mà người sẽ thiết lập và làm cho kiên cố trên sự ngay thẳng và công chính" (Is 9,5-6). Tiên tri Mikha loan báo: "Và ngươi, hỡi Belem Ephrata, ngươi quá nhỏ bé nên không được kể vào số những bộ tộc Giuđa, từ nơi ngươi sẽ xuất hiện cho Ta đấng sẽ cai trị Israel" (Mk 5,1). Tiên tri Giêrêmia loan báo Thiên Chúa sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi cây công chính, tức một vị vua sẽ xuất hiện từ dòng dõi ông (Gr 23).
Tóm lại, một vị vua, một Ðấng Mêsia thuộc dòng dõi Ðavít sẽ đến thiết lập triều đại cánh chung của Thiên Chúa; đó là niềm hy vọng và sự mong đợi của dân Thiên Chúa trong Cựu ước.
Trong Tân ước, niềm hy vọng và sự mong đợi trên đây đã thành hiện thực do việc Ðức Giêsu xuất hiện. Phúc âm theo thánh Luca viết: trong dịp truyền tin cho Ðức Maria, thiên thần Gabriel đã cho biết trước rằng hài nhi mà Ðức Maria sẽ sinh ra, sẽ được Thiên Chúa ban cho ngai báu của tổ phụ Ðavít, sẽ mãi mãi cai trị nhà Giacóp và sự trị vì của Ngài sẽ không có cùng tận (Lc 1,32-33). Khi Chúa Giêsu sinh ra nằm trong máng cỏ, một thiên thần của Thiên Chúa đến báo tin cho các mục tử rằng "Hôm nay trong thành của vua Ðavít, một Ðấng Cứu độ đã sinh ra cho các ngươi, Ngài là Ðức Kitô Chúa" (Lc 2,11) - Kitô có nghĩa là Vua-Mêsia. Khi mấy thầy maghi ("ba vua") từ miền Ðông đến Giêrusalem, đã hỏi: "Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?" (Mt 2,2). Quần chúng Do-thái, trong dịp đón rước Chúa vào thành Giêrusalem, đã tung hô: "Chúc tụng đấng là vua, nhân danh Chúa mà đến" (Lc 19,38), hoặc "Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại của Ðavít tổ phụ chúng ta!" (Mc 11,10). Chính Chúa nói với các môn đệ trước giờ đi chịu chết: "Anh em sẽ ăn và uống cùng bàn với Thầy trong nước của Thầy" (Lc 22,30). Trước mặt Philatô, Chúa không phủ nhận tước hiệu vua dành cho Chúa, Chúa chỉ xác nhận rằng vương quyền của Chúa không thuộc về thế gian (Ga 18,33-37). Ở trong công đường, Chúa bị quân lính khoác cho áo choàng đỏ, đặt vòng gai trên đầu và nhạo: "Kính chào vua dân Do-thái" (Mt 27,29). Ở phía đầu cây thập giá của Chúa, có treo tấm bảng ghi: "Giêsu Nagiarét, vua dân Do-thái" (Ga 19,19). Một kẻ tử tội bị treo ở thập giá bên cạnh, đã thưa với Chúa: "Lạy Ðức Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ngài đến trong vương vị của Ngài" (Lc 23,42). Sau cùng, khi Chúa phục sinh lên trời ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, đó là lúc Chúa được chính thức phong vương. Thánh Phêrô, trong bài giảng đầu tiên trong dịp lễ Ngũ tuần, đã nói với dân chúng: "Toàn thể nhà Israel hãy biết chắc điều này: Ðức Giêsu mà các bạn đã đóng đanh, thì Thiên Chúa đặt làm Chúa và làm Ðấng Kitô" (Cv 2,36). Tác giả sách Khải huyền xưng tụng Ngài là vua trên các vua và Chúa trên các chúa (Kh 19,16; 17,14). Có lẽ cũng nên nói thêm rằng ở tiền bán thế kỷ hai mươi (năm 1925), Giáo hội long trọng tuyên xưng Ngài là vua với việc thiết lập lễ Chúa Kitô Vua.
Ðiều suy gẫm một ở đây dùng hình ảnh ông vua thế tục để dẫn người tĩnh tâm tới Vua Giêsu ở phần nhỏ hai. Ông là một con người, nhưng "được bàn tay Thiên Chúa Chúa chúng ta tuyển chọn" để làm vua. Ðiều này có nghĩa là chức vua mà ông có được là đặc ân của Thiên Chúa. Ðó là nhìn ông trong quan hệ với Chúa. Trong quan hệ với mọi người, ông là người chiếm địa vị tột đỉnh, bởi lẽ "tất cả các lãnh tụ và tất cả các tín đồ kitô-giáo đều tôn kính và phục tùng". Ðiều này còn hàm ý ông là người có tài đức trổi vượt. Ông có những nét khiến chúng ta liên tưởng đến vua Ðavít: không kể phần tiêu cực thuộc sự yếu đuối nơi mình, Ðavít là kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn và cho xức dầu hiến thánh, là kẻ nhiệt tâm tôn thờ Thiên Chúa, là kẻ chăn dắt Israel, dân tộc đặc tuyển của Thiên Chúa, là kẻ chiếm cứ thành Giêrusalem ngoại đạo để biến thành thủ đô của toàn cõi Israel và làm nơi Hòm bia đá được cung nghinh về, v.v.
"Ý muốn của ta là chinh phục toàn thể đất đai của những người ngoại đạo; bởi vậy ai muốn đến với ta thì phải bằng lòng ăn như ta, và uống và mặc cũng thế, v.v.; cũng vậy, người ấy phải lao động với ta ban ngày và thức ban đêm, v.v.; để, như thế, sau đó họ được dự phần với ta trong chiến thắng như họ đã dự phần trong lao động" (s. 93).
Ý định của vua. - Ông vua được Thiên Chúa tuyển chọn và có địa vị cao cả như điểm suy gẫm một đã cho biết, bày tỏ cho thần dân ý định và kế hoạch của mình. Ông muốn chinh phục đất đai của những người ngoại giáo. Vì ông là kẻ được Thiên Chúa chọn làm vua, nên phải hiểu sự chinh phục của ông nói ở đây là sự chinh phục nhằm đưa các dân ngoại giáo vào trong đạo công giáo để toàn thể nhân loại trở thành một tập thể duy nhất tuyên xưng một Thiên Chúa, tán dương, tôn kính và phụng sự Ngài, hợp với lời ước nguyện trong kinh Lạy Cha: "Chúng con nguyện danh Cha được rạng rỡ, sự trị vì của Cha đến."
Ðiều kiện và thành quả - Ðiều kiện phải tuân thủ liên quan đến sự thực hiện chương trình hay kế hoạch của vua, gồm hai phương diện: phương diện bản thân về lối sống vật chất là phải chấp nhận cùng với vua những hạn chế như về ăn, mặc, v.v; phương diện hành động là phải cùng với vua ban ngày thì lao động và ban đêm thì thức; và không phải chỉ có thế, vì bản văn còn thêm hai chữ vân vân. Lao động ở đây là làm các việc thuộc công cuộc chinh phục thế giới về cho Thiên Chúa. Sự thức ban đêm, ngoài ý nghĩa hy sinh (hy sinh giấc ngủ), còn diễn tả mối quan tâm đến ý định của vua và sự gắn bó với vua: ngày làm việc và đêm thức với vua, tức là không lúc nào dời xa vua, nhưng luôn luôn ở sát cạnh vua và hiến mình cách thường xuyên cho chương trình của vua. Sự hiến mình còn được biểu lộ cách trọn vẹn qua việc chọn lối sống như lối sống của vua: hạn chế trong sự ăn mặc. Tóm lại, đó là sống như vua (lối sống ít là không phải hưởng lạc) và làm việc với vua.
Theo điểm suy gẫm hai, ông vua không ra lệnh mà chỉ bày tỏ cho mọi người ý muốn của mình là đi chinh phục các nước ngoại giáo qua câu: "Ai muốn đến với ta..." Vậy điều này hàm ý bầy tôi có quyền tự do quyết định; kẻ nào đáp lại ý muốn của vua là đáp lại vì tự nguyện chứ không vì bị cưỡng bách. Kết quả của sự cộng tác với vua là được tham dự chiến thắng của vua. Ðây là chiến thắng chắc chắn, như điểm suy gẫm khẳng định: "Ðể như thế, sau đó họ được dự phần với ta trong chiến thắng như họ đã dự phần trong lao động."
"Suy xét xem những bầy tôi tốt phải tâu bày thế nào với vị vua hào hiệp và nhân ái dường ấy; và vì vậy, nếu kẻ nào không nhận lời yêu cầu của vị vua như thế thì họ đáng biết bao bị mọi người chê trách và bị coi là hiệp sĩ tồi bại." (s. 94).
Một ông vua tự ý muốn chia sẻ vinh quang chiến thắng của mình cho bất cứ bầy tôi nào, miễn là họ cộng tác với ông trong công cuộc chinh phục, một công cuộc chinh phục chắc chắn thành công, cách xử sự như thế của ông chứng tỏ ông là một vị vua "hào hiệp và nhân ái" biết bao! Ðối với ông vua tốt bụng đến thế làm sao bầy tôi lại không cảm phục và yêu mến ông để đáp lại lời ông mời gọi! Bởi vậy mới có sự phê phán kẻ khước từ lời mời gọi. Họ bị phê phán xét như là bầy tôi và như là một hiệp sĩ. Là bầy tôi, họ đáng bị mọi người chê trách; là hiệp sĩ, họ bị coi như hiệp sĩ tồi bại. Chúng ta hãy giải thích thêm. Việc chấp nhận những điều kiện đã nêu trên (hạn chế việc ăn mặc, lao động, v.v.) như là giá mua thành công, là điều tự nhiên vì hợp với quy luật chung trong cuộc sống.
Sự chấp nhận những điều kiện đó không phải chỉ đơn thuần liên quan đến kết quả dành cho bản thân, mà còn liên quan đến tính cách cao quý của công việc và đến mối quan hệ giữa vua và bầy tôi. Là công việc cao quý, vì nó nhằm mở rộng sự trị vì của Thiên Chúa ra toàn thể thế giới. Về mối quan hệ vua-tôi, chỉ nguyên mối quan hệ này cũng đủ biện minh cho việc bầy tôi tận lực làm việc cho chương trình của vua; thế mà ở đây còn có thêm hai sự kiện đáng mến phục nơi ông vua: ông rất nhân ái nên đã có hảo ý là muốn cho bầy tôi được chung hưởng vinh quang với ông; ông không truyền cho bầy tôi hy sinh và làm việc một mình cho ông, nhưng ông mời gọi bầy tôi hy sinh và làm việc với ông trong cùng một trường hoạt động. Nên để ý: bản văn không nói là bầy tôi phụng sự vua. Vì những lẽ trên, không đáp lại lời mời gọi của vua quả là một hành động không ai có thể chấp nhận được, và còn đáng chê bai.
Nếu hành động khước từ lại là của một hiệp sĩ, thì họ còn bị coi như kẻ tồi bại, tồi bại do sự ăn ở không xứng đáng với tư cách và địa vị của mình trong xã hội Âu châu thời Trung cổ là xã hội coi trọng hiệp sĩ, bởi lẽ hiệp sĩ phải là người quả cảm, cao thượng, trung thành và tận tụy phụng sự ông vua hay ông chúa của mình.
Thiết tưởng nên dừng lại ở đây để nói qua về vấn đề hiệp sĩ. Ðiều bổ di hai của Tuần Nhất khuyên người tĩnh tâm, ban đêm khi vừa thức dậy, hãy chú ý ngay đến bài tập thứ nhất về tội mà họ sắp làm (làm vào lúc nửa đêm), chẳng hạn hãy coi mình như một hiệp sĩ đứng trước mặt vua (s. 74,2). Ở bài Vương quốc đang bàn đến, kẻ không đáp lại lời kêu gọi của vua đáng bị coi là hiệp sĩ tồi bại (s. 94,2). Như vậy, sách Linh thao gợi ý rằng người tĩnh tâm ví như một hiệp sĩ thiêng liêng. Nhưng rõ hơn cả, là lời thánh I-nhã mà linh mục Vitoria ghi lại trong cuộc linh mục nói chuyện với ngài (có lẽ năm 1555) về phương pháp cho Linh thao: "Buổi tối khi đi vào cuộc tĩnh tâm, họ không làm gì khác ngoài việc tự chuẩn bị sẵn sàng bằng việc cầu nguyện để làm các bài tập cách hoàn hảo và như một hiệp sĩ cao thượng của Ðức Giêsu Kitô." Cũng nên biết thêm: Trong sách Truyện các thánh mà thánh I-nhã đã đọc khi tĩnh dưỡng ở Loyola, các vị thánh được coi như những hiệp sĩ của Thiên Chúa (caballeros de Dios), và sự thánh thiện được mô tả như là sự phụng sự để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và được biểu hiện chủ yếu bằng việc vác thập giá.
Câu truyện về ông vua ở phần nhỏ một là thuộc bình diện tự nhiên, được chuyển sang bình diện siêu nhiên ở phần nhỏ hai này. Cũng như vua Ðavít trong thời Cựu ước được dùng làm hình ảnh gợi ý về Ðức Kitô, hình ảnh ông vua thế tục trên kia chuẩn bị cho người tĩnh tâm tiến tới hình ảnh và quan niệm về vua vĩnh cửu.
"Nếu chúng ta suy xét việc vua thế tục kêu gọi các bầy tôi như thế, thì còn là điều đáng suy xét hơn biết bao việc nhìn xem Ðức Kitô Chúa chúng ta, Vua vĩnh cửu, và, ở trước mặt Ngài, toàn thể thế giới, Ngài kêu gọi thế giới này và cách riêng mỗi người, và Ngài phán: "Ý muốn của Ta là chinh phục toàn thể thế giới và hết mọi kẻ thù, và như vậy để đi vào trong vinh quang của Cha Ta; bởi đấy ai muốn đến với Ta thì phải lao động với Ta, để do theo Ta trong cực nhọc thì cũng theo Ta trong vinh quang" (s. 95).
Ðịa vị của Ðức Kitô. - Ðấng kêu gọi cộng tác chính là "Ðức Kitô Chúa chúng ta, Vua vĩnh cửu". Nên nhắc qua rằng danh xưng Kitô là phiên âm của từ Hy-lạp Christos, và từ này dịch từ Aram Mesiha (Hípri: Masiah) có nghĩa là kẻ được xức dầu hoặc được hiến thánh; trong Cựu ước, từ này chỉ vua (tuy không duy nhất chỉ vua), vì việc xức dầu thuộc nghi thức phong vương. Ông Sao là người đầu tiên được Thiên Chúa tuyển chọn làm vua dân Do-thái, và ông đã được Samuel theo lệnh Thiên Chúa xức dầu cho (1 Sm 9,16; 10,1). Tiếp theo Sao là Ðavít, kẻ được Thiên Chúa chọn làm vua thay thế Sao vì ông này trở nên bất xứng; và Ðavít đã được Samuel xức dầu (16,1.13). Vậy danh xưng và địa vị Kitô của Chúa Giêsu tương ứng phần nào với danh xưng và địa vị của vị vua thế tục được nói đến ở phần nhỏ một. Nhưng trong bài Vương quốc này, Chúa Giêsu không chỉ là Kitô; bản văn còn thêm rằng Ngài là "Chúa chúng ta, Vua vĩnh cửu". Gọi Ngài là Chúa, tức nhìn nhận Ngài cũng là chính Thiên Chúa; gọi Ngài là vua vĩnh cửu, tức nhìn nhận Ngài là Ðấng hằng hữu, tự hữu. Bởi vậy, nếu so sánh với Ngài, ông vua thế tục trên kia chỉ là một hình ảnh rất mờ nhạt của Ngài. Như vậy, xét về địa vị, quả là sự cách biệt vô cùng giữa Ngài, Ðấng kêu gọi, và những con người, tức những đối tượng được kêu gọi. Chính Ngài bỏ qua sự cách biệt đó để đến với những con người; việc kêu gọi thuộc sáng kiến của Ngài.
Những kẻ được kêu gọi. - Ðức Kitô kêu gọi "toàn thể thế giới", nghĩa là Ngài kêu gọi mọi người, không trừ ai. Ðiều này có nghĩa là lòng hào hiệp và nhân ái của Ngài bao trùm mọi người, và, trước mặt Ngài, mọi người làm thành một tập thể duy nhất, tức cộng đồng nhân loại. Nhưng không phải vì mọi người làm thành một tập thể mà các phần tử của tập thể bị coi như những con số trước mặt Ngài hoặc bị xóa nhòa đi trong tập thể, vì còn có tương giao riêng tư, trực tiếp và trực diện của Ngài với mỗi phần tử: Ngài kêu gọi "cách riêng mỗi người".
Ý muốn của Ðức Kitô. - Ðức Kitô muốn chinh phục toàn thể thế giới và hết mọi kẻ thù. Rõ ràng đây là ý muốn cứu độ phổ quát. Nước Thiên Chúa mở rộng để đón nhận những kẻ không hoặc chưa biết Thiên Chúa; không những thế, cả những kẻ chống đối Thiên Chúa, thay vì bị coi như những đối tượng phải loại bỏ nếu không phải là phải tiêu diệt đi, họ cũng được gọi gia nhập, đúng như lời Chúa phán: "Con loài người đến để tìm và cứu cái đã bị mất" (Lc 19,20), và "Ta đến để kêu gọi không phải những kẻ công chính mà là những kẻ tội lỗi" (Mt 9,13). Về tính phổ quát của ơn cứu độ, Chúa còn nói rõ khi nhắn nhủ các môn đệ ngay trước lúc lên trời: "Vậy các con hãy đi: thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (28,19). Và đó chính là điều mà thánh vịnh mong ước: "Hỡi toàn thể địa cầu, hãy tung hô Thiên Chúa; hãy ca tụng sự vinh hiển của danh Ngài, hãy tán dương Ngài" (Tv 65,1-2).
Hoạt động mở Nước Thiên Chúa vừa nói là hoạt động mà Chúa Giêsu thực hiện theo ý Cha Ngài và nhằm làm rạng danh Cha Ngài. Ngài là con Ðức Chúa Cha, như chính Ngài đã nói: "Mọi sự đã được Cha Ta trao cho Ta. Không ai biết người Con trừ Cha ra, và không ai biết Cha trừ người Con và kẻ mà người Con muốn tiết lộ cho" (Mt 11,27). Chính Ðức Chúa Cha đã sai Ngài xuống thế gian: "Thiên Chúa đã sai con Ngài vào trong thế gian không phải để xét xử thế gian, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu độ" (Ga 3,17). Với tư cách là Người Con được sai đến, Ngài lo thực hiện thánh ý Ðức Chúa Cha: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy đến" (4,34), và "Ta không tìm ý riêng của Ta, nhưng tìm ý của Ðấng sai Ta đến" (5,30; xem 6,38). Vì thế Ngài làm những công việc mà Ðức Chúa Cha trao phó, như Ngài đã nói: "Bao lâu còn là ngày, chúng ta phải làm những công việc của Ðấng đã sai Thầy đến" (9,4), hoặc như Ngài đã trả lời cho những người Do-thái: "Nếu Ta không làm những công việc của Cha Ta thì các người đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm thì, dù các người không tin Ta, các người hãy tin các công việc ấy để các người biết và thấy rõ rằng Cha ở trong Ta cũng như Ta ở trong Cha" (10,37-38). Với cái chết trên Thánh giá, Ngài làm xong công trình và hoàn thành sứ mạng, như Ngài đã nói trước khi tắt thở rằng "Ðã hoàn tất" (19,30). Ngài tắt thở tức là Ngài "qua khỏi thế gian này mà đến với Cha" (13,1). Ngài về với Ðức Chúa Cha để được tôn vinh, như Ngài đã thưa cùng Ðức Chúa Cha trước khi đi chịu chết: "Lạy Cha, giờ đây xin Cha tôn vinh con bên cạnh Cha bằng sự vinh hiển mà con đã có nơi Cha trước khi có thế gian" (17,5). Vậy đó là lúc áp dụng cho Vua vĩnh cửu lời mà Ngài nói về mình trong bài Vương quốc: "Vào trong vinh quang của Cha Ta."
Một chi tiết : bản văn ghi rằng Chúa sẽ vào trong vinh quang của Ðức Chúa Cha sau khi hoàn thành công cuộc chinh phục. Vậy Ðức Kitô đã hoàn thành công cuộc này bằng cái chết của Ngài trên Thánh giá, và Ngài đã lên trời ngự bên hữu Ðức Chúa Cha (kinh Tin kính). Nhưng xét về một góc cạnh thì công việc của Chúa chưa hoàn tất. Thực vậy, như thánh Phaolô viết, Chúa là đầu và Giáo hội là thân mình (Cl 1,18.24; Ep 1,22), hoặc "Chúng ta làm thành thân mình duy nhất trong Ðức Kitô" (Rm 12,5). Vì thế chúng ta sẽ bảo rằng Chúa, Ðấng luôn luôn hiện diện và hoạt động trong Giáo hội, sẽ vào trong vinh quang, vào cách trọn vẹn, khi, đến ngày thế mạt, Giáo hội được cùng vào với Ngài. Ngày thế mạt, tức khi Chúa đến lần thứ hai, đó mới là lúc, như thánh Phaolô nói, Chúa phá hủy xong mọi quyền lực (trên thế gian này) và trao vương vị của Chúa cho Ðức Chúa Cha (1 Cr 15,24); lúc đó hết mọi thế hệ của nhân loại nhận ra sự toàn hảo của con người Chúa về mọi chiều kích.
Việc Chúa hoàn thành sứ mệnh có nghĩa là công cuộc cứu chuộc mà thời đại Cựu ước mong đợi, nay đã thành hiện thực, và do đó nhân loại bước vào thời kỳ cánh chung. Nhưng lịch sử cứu độ chỉ chấm dứt khi Chúa đến thế gian lần thứ hai, và lần này trong vinh quang. Vì thế, để tiếp tục công cuộc cứu độ, để mở rộng Nước Thiên Chúa, Vua vĩnh cửu kêu gọi sự hỗ trợ của con người trong khoảng thời gian giữa hai lần đến này.
Ðiều kiện và thành quả của việc đi theo Ðức Kitô. - "Ai muốn đến với Ta thì phải lao động với Ta." Ðó là điều kiện của việc đến với Ðức Kitô để cộng tác với Ngài. Xin thêm ngay chú thích: ở đây dùng từ cộng tác là dựa vào ý của bài Vương quốc, chứ thực ra bài này không dùng từ cộng tác, mà chỉ nói là đến với Chúa, lao động với Chúa, đi theo Chúa (s. 95,5). Trước tất cả, điều kiện là điều kiện đặt cho kẻ tự nguyện: "Ai muốn đến với Ta", tức về phía Chúa, Chúa muốn người ta đến với Chúa, và về phía con người, họ có tự do của họ để muốn hay không muốn đáp lại ý muốn của Chúa. Một khi họ đã tự nguyện đáp lại lời mời gọi của Chúa, thì họ cũng sẽ sẵn sàng làm và giữ tất cả những gì mà sự cộng tác với Chúa đòi hỏi. Vậy điều họ phải làm, đó là lao động với Chúa, cũng như ở phần nhỏ một bầy tôi lao động với vua. Lao động chứ không phải nghỉ ngơi hay hưởng lạc. Lao động với Chúa nghĩa là làm việc với Chúa trong sự tham dự sứ mạng cứu thế của Chúa. Từ với trong câu "lao động với Ta" có tầm quan trọng riêng, vì ý nghĩa và giá trị của sự lao động với Chúa là ở chỗ sự lao động này được hòa nhập vào công cuộc chinh phục của Chúa.
Phần nhỏ một trên kia nói dài hơn: "Lao động với Ta ban ngày và thức ban đêm"; phần nhỏ hai ở đây chỉ giữ lại cụm từ "lao động với Ta" và bỏ những từ tiếp theo. Xem ra sự bỏ bớt này có tác dụng nhấn mạnh đặc biệt đến lao động, và nó cho phép có cảm tưởng rằng một khi đến cộng tác với Chúa, thì tất cả cuộc đời sẽ là cuộc đời lao động với Chúa, không phân biệt ngày hay đêm, hoặc, nói cách khác, tất cả cuộc sống lao động cho Nước Thiên Chúa ví như một ngày, hợp với ý câu này của Chúa: "Bao lâu là ngày, chúng ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Thầy đến" (Ga 9,4).
"Ðể do theo Ta trong cực nhọc thì cũng theo Ta trong vinh quang." Cực nhọc của lao động đưa tới thành quả là được theo Ðức Kitô vào trong vinh quang. Có sự khác biệt giữa phần nhỏ một và phần nhỏ hai. Phần nhỏ một viết: "Dự phần trong lao động", còn phần nhỏ hai viết là "theo Ta trong cực nhọc". Ý niệm dự phần không hàm sự gần gũi giữa hai người bằng ý niệm đi theo ("theo Ta"). Nói theo Chúa là nhấn mạnh việc nhận Chúa là đầu, là gương mẫu. Cũng nên để ý đến chi tiết này: cùng một câu lúc đầu dùng từ lao động (trabajar) rồi cách đó mấy chữ dùng từ cực nhọc (pena). Vậy chúng ta không dựa vào đâu để nghĩ rằng đây là sự sơ ý của tác giả; nhưng chúng ta có quyền nghĩ rằng ý niệm cực nhọc đến sau là nhằm xác định tính cách của lao động: lao động cực nhọc. Ðây là sự tiệm tiến trong cách diễn ý: lúc đầu chỉ mới nói trống là lao động, tiếp theo đó mới xác định rằng lao động này là thứ lao động cực nhọc.
Về thành quả, cũng như bầy tôi vì đã lao động với vua của mình nên được tham dự sự chiến thắng của vua, kẻ tự nguyện đáp lại lời kêu gọi của Vua vĩnh cửu để góp phần vào việc rao giảng Nước Thiên Chúa, sẽ được theo Ngài vào trong vinh quang của Ðức Chúa Cha. Tuy nhiên, có hai điểm khác với phần nhỏ một. Ðiểm khác thứ nhất: phần nhỏ một nói đến chiến thắng, còn phần nhỏ hai này nói đến vinh quang. Nói chiến thắng là hàm có một bên thất trận; vậy sự đánh bại không nhất thiết tiềm ẩn trong ý niệm vinh quang. Chúng ta biết: vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ rộng lớn hơn do sự kiện các linh hồn không phải bị thất trận, mà là được giải thoát khỏi Xatan và các quyền lực tà ác để được gia nhập Nước Thiên Chúa mà Ðức Kitô rao giảng. Ðiểm khác thứ hai: phần nhỏ một nói tham dự cuộc chiến thắng của vua, còn phần nhỏ hai nói đi theo Chúa mà vào trong vinh quang, và bản văn ghi rõ là vinh quang của Ðức Chúa Cha.
Vậy ở phần nhỏ một, điểm đỉnh và điểm tận mà bầy tôi đạt tới là tham dự chiến thắng của vua; ở phần nhỏ hai, Thiên Chúa Ngôi Cha mới là nguồn vinh quang, là Ðấng ban mình làm phần thưởng cho kẻ đã đi theo Vua vĩnh cửu, là Ðấng mà Vua vĩnh cửu đưa họ tới cùng với mình. Vua vĩnh cửu, tức Ðức Kitô, đã nhập thể và giáng trần để chinh phục mọi người về cho Thiên Chúa, để cứu độ nhân loại. Ðây là sứ mệnh mà Ngài nhận lấy từ nơi Ðức Chúa Cha; chính bằng sự thực hiện sứ mệnh này mà Ngài phụng sự và làm rạng danh Cha Ngài, và do đó Ngài đã được tôn vinh: "Chính Cha Ta là Ðấng tôn vinh Ta" (Ga 8,54), "Ngài đã được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa" (Mc 16,19). Vậy những kẻ đi theo tiếng gọi của Ngài là những kẻ cộng tác với Ngài để phụng sự và làm rạng danh Cha Ngài. Có thể xác định thêm rằng họ phụng sự và làm rạng danh Thiên Chúa trong sự hiệp nhất với Ðức Kitô, bởi lẽ, như thánh Phaolô nói, "Chúng ta là một thân thể trong Ðức Kitô" (Rm 12,5); nói rộng hơn nữa, họ hiệp nhất với Ngài ở trong Giáo hội của Ngài. Vì thế nếu Ðức Kitô đã lên trời để vào trong vinh quang của Ðức Chúa Cha, thì họ cũng sẽ được theo Ngài mà vào trong vinh quang của Cha Ngài, như Ngài đã nói: "Thầy ở đâu, kẻ phụng sự Thầy cũng sẽ ở đó" (Ga 12,26). Ở đây đang nói đến những kẻ cộng tác với Ðức Kitô; dĩ nhiên không phải chỉ có họ, mà còn cả những ai đón nhận sự rao giảng Nước Thiên Chúa, cũng sẽ được Ðức Kitô đưa vào trong vinh quang.
Tóm lại, Ðức Kitô là con đường dẫn tới Ðức Chúa Cha là đích. Vì thế chúng ta tới đích này nếu chúng ta đáp tiếng gọi mà tiến bước trên con đường đó. Ði trên con đường đó, ở đây có nghĩa là trở thành cộng tác viên của Ðức Kitô trong công cuộc rao giảng Nước Thiên Chúa; và làm như thế chính là thực hiện thánh ý Ðức Chúa Cha mà thánh ý Ngài hiệp nhất với, vì Ngài và Cha Ngài là một (Ga 17,11.22).
"Suy xét rằng tất cả những ai có phán đoán và lý trí đều sẽ hiến toàn thể con người mình cho lao động" (s. 96).
"Hiến toàn thể con người mình cho lao động", ý tưởng này tiến xa hơn ý tưởng ở điểm suy gẫm một, vì điểm suy gẫm một chỉ mới nói đến lao động với Chúa, kể cả lao động vất vả. Hiến toàn thể con người mình cho lao động vừa có nghĩa là đón nhận không phải chỉ một ít mà là hết mọi công việc mà công cuộc rao giảng Nước Thiên Chúa đòi hỏi, vừa có nghĩa là dấn thân tận lực thực hiện các công việc đó. Như thế mới là đi theo Ðức Kitô để cộng tác với Ngài cách trọn vẹn và hết lòng. Ðiều này giả thiết phải có thái độ dứt khoát và triệt để; chúng ta nhớ đến câu của thánh Phaolô: "Ai sẽ tách được chúng ta ra khỏi lòng mến của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, bĩ cực, bắt bớ, đói rách, nguy hiểm, gươm giáo?" (Rm 8,35).
Sự dấn thân nói trên là cách mà "tất cả những ai có phán đoán và lý trí" đáp lại tiếng gọi của Ðức Kitô. Nói cách khác, đó là sự trả lời thích đáng và hợp lý của người nào biết sử dụng lý tính. Ở đây chúng ta có thể trở lại những nhận xét và suy tư trong phần nhỏ một để suy đoán mấy lý do chính của việc đáp lại tiếng gọi của Chúa.
Lý do thứ nhất căn cứ vào tính cách đáng quí mến của Chúa. Ở đây con người nhìn Chúa trong hướng tương quan với mình, tức lấy Chúa làm điểm xuất phát của tương quan. Như đã nói trên kia, đối với một ông vua rất hào hiệp và nhân ái, bầy tôi chỉ có thể cảm phục và quý mến, và do đó tích cực đáp lại lời hiệu triệu của ông phải là hành động thích đáng nhất. Vậy nếu bầy tôi còn ứng xử với vua của mình như thế, trong khi cả hai cùng ngang hàng nhau về địa vị làm người, thì huống chi là con người phải ứng xử với Vua vĩnh cửu, Ngài là Thiên Chúa.
Lý do thứ hai: không thể không công nhận là một hạnh phúc và vinh dự đặc biệt nguyên một sự kiện con người là loài thụ tạo được Ðức Kitô, với tư cách Vua vĩnh cửu, không những cho phép mà còn kêu gọi cộng tác với Ngài trong sự thi hành sứ mệnh mà Ðức Chúa Cha trao phó cho Ngài. Ở đây con người lấy bản thân làm điểm xuất phát để nhìn mình trong tương quan với Ðức Kitô.
Lý do thứ ba căn cứ vào thành quả thu được. Thành quả là thành quả chắc chắn, bởi lẽ chính Ðức Kitô đã tuyên bố. Nó là thành quả vô giá và không một cái gì có thể sánh kịp, bởi lẽ những hy sinh và cực nhọc phải chịu chỉ hữu hạn và nhất thời, trong khi hạnh phúc sẽ được hưởng thì vô biên và vĩnh cửu, như thánh Phaolô cũng đã nói: "Quả thật, tôi cho rằng những đau khổ đời này không là gì sánh với vinh quang sẽ biểu lộ nơi chúng ta" (Rm 8,18). Trong lý do này con người nhìn trực tiếp vào lợi ích bản thân.
Lý do thứ bốn nhằm vào lợi ích tha nhân: kẻ cộng tác vào sứ mệnh của Ðức Kitô là góp phần tìm đem hạnh phúc đích thực đến cho tha nhân; và như thế họ sống tình đồng loại và tình huynh đệ trong Thiên Chúa - vì Thiên Chúa là Cha của mọi người.
Lý do thứ năm là thực hiện vai trò phần tử của Giáo hội. Bằng sự thực hiện vai trò này, kẻ đáp lại tiếng Chúa gọi đặt mình trong tương quan trực tiếp với Giáo hội. Trong lúc chờ Ðức Kitô đến lần thứ hai thì Giáo hội, bí tích cứu độ, phải tiếp tục công việc của Chúa Kitô là Ðầu, là lo đến sự cứu độ không phải chỉ của một nhóm người nào hay của các phần tử trong Giáo hội mà thôi, mà là của toàn thể nhân loại vì, như thánh Phaolô đã nói: "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1 Tm 2,4); và thánh Gioan cũng đã viết về Chúa Giêsu: "Ngài là lễ vật đền tội cho các tội chúng ta; và không những cho những tội chúng ta, nhưng còn cho những tội của toàn thể thế giới" (1 Ga 2,2). Hơn nữa, tính phổ quát của ơn cứu độ và sự cần thiết phải thể hiện tính phổ quát đó còn được chính Chúa Giêsu dạy khi Ngài phán với các môn đệ rằng "Vậy anh em hãy đi thâu nạp môn đệ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ giữ hết mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28,19-20). Vì thế Công đồng Vaticanô II, trong sắc lệnh về Hoạt động truyền giáo của Giáo hội (Ad Gentes), xác nhận rằng toàn thể Giáo hội là truyền giáo, và công việc rao giảng Phúc âm là nhiệm vụ căn bản của Dân Chúa (số 35). Nhưng không phải chỉ là Giáo hội hoặc Dân Chúa nói chung chung, mà còn là mỗi tín hữu, với tư cách phần tử của Giáo hội hoặc của Dân Chúa, đều có nhiệm vụ đó; và về điểm này, chỉ cần nhắc lại câu cũng trong Sắc lệnh trên: "Tất cả các tín hữu kitô, vì là chi thể của Ðức Kitô hằng sống, được sáp nhập vào Ngài và nên giống Ngài nhờ bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể, nên họ có bổn phận cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân thể Ngài để Thân thể này được sung mãn càng sớm càng hay" (số 36). Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) cũng của Công đồng Vaticanô II khẳng định: "Việc tông đồ của Giáo dân là sự tham dự sứ mệnh cứu độ của Giáo hội; nhờ lĩnh nhận phép Thánh tẩy và Thêm sức, mọi tín hữu được Chúa kêu gọi làm việc tông đồ này" (số 33).
Nếu so sánh với phần nhỏ một, điểm suy gẫm hai ở đây, tuy vẫn ở trong phạm vi vấn đề lao động, đưa ra một ý tưởng mới và mạnh, là "hiến toàn thể con người mình cho lao động". Một điều khác nữa nên nói đến. Ðó là điểm suy gẫm ba của phần nhỏ một đánh giá kẻ đáp lại lời hiệu triệu của vua thế tục là bầy tôi tốt, kẻ không đáp lại là kẻ đáng bị chê trách hoặc, nếu họ là hiệp sĩ, thì họ là hiệp sĩ tồi bại; trong khi đó điểm suy gẫm hai của phần nhỏ hai đánh giá kẻ hiến mình trọn vẹn cho lao động với Chúa là kẻ "có phán đoán và lý trí"; điểm suy gẫm hai này không nói gì đến kẻ không hiến mình trọn vẹn cho lao động và cũng không nhắc đến ý tưởng hiệp sĩ. Vậy điểm suy gẫm hai này giống với điểm suy gẫm ba của phần nhỏ một ở chỗ là mỗi điểm đều đưa ra sự đánh giá liên quan đến việc đáp lại tiếng gọi để lao động, nhưng hai điểm suy gẫm không gặp nhau về những cái được nêu ra như là những giá trị tích cực hay tiêu cực (bầy tôi tốt, hiệp sĩ tồi bại, v.v.)
Vì điểm suy gẫm ba của phần nhỏ một - mỗi phần nhỏ gồm ba điều suy gẫm - tương ứng với điểm suy gẫm hai của phần nhỏ hai, nên sự song song giữa hai phần nhỏ được chấm dứt ở điểm suy gẫm hai này.
"Những kẻ muốn nhiệt tình và nổi bật hơn trong mọi việc phụng sự Vua vĩnh cửu của mình và Chúa muôn vật, không những sẽ hiến con người mình cho lao động mà còn, bằng cách hành động ngược lại nhục dục của riêng mình và ngược lại lòng yêu xác thịt và thế gian, họ sẽ dâng lên những lễ vật có giá trị lớn hơn và tầm quan trọng lớn hơn, họ nói..." (s. 97).
Ðiểm suy gẫm hai trên kia nói đến sự đáp lại ý muốn của Chúa bằng việc nhận lao động với Chúa. Bây giờ điểm suy gẫm ba thêm ý tưởng phụng sự để đặt bên ý tưởng lao động, và sự lao động với Chúa được mang ý nghĩa phụng sự Chúa: "Những kẻ muốn nhiệt tình và nổi bật hơn trong mọi việc phụng sự." Trong các bài suy ngắm của khóa Linh thao, không kể trường hợp từ phụng sự được dùng trong lời nguyện chuẩn bị chung cho các lần suy ngắm, đây là lần đầu tiên từ đó xuất hiện. Cũng từ đây, thay vì nói cộng tác với Chúa, chúng ta nói phụng sự Chúa. Từ phụng sự, tương ứng với và xác định thêm ý tưởng đi theo Chúa đã có ở điểm suy gẫm một (phần nhỏ hai): "Ði theo Ta trong cực nhọc." Nhưng lao động với Chúa chỉ là một trong những dạng phụng sự Chúa, như bản văn ghi: "Không những sẽ hiến toàn thể con người mình cho lao động mà còn..." Và chính cái làm thêm này là một dạng phụng sự khác. Chính qua dạng phụng sự khác này mà họ tỏ ra "muốn nhiệt tình và nổi bật hơn trong mọi việc phụng sự Vua vĩnh cửu". Với dạng phụng sự này, kẻ đi theo Chúa thay vì hướng hành động ra bên ngoài nhằm tác động trực tiếp đến tha nhân, họ hướng hành động vào bản thân: "Mà còn, bằng cách hành động ngược lại nhục dục của riêng mình và ngược lại lòng yêu xác thịt và thế gian". Ðây là một cách sống khổ hạnh, nhưng khổ hạnh vì mục đích tông đồ.
Trên kia, kẻ nào đáp lại lời kêu gọi của Chúa để đến lao động với Chúa, thì họ được coi là kẻ hành động hợp lý. Bây giờ ở điểm suy gẫm ba, bằng một lối sống đặc biệt vừa nói trên, họ hoặc ai khác muốn tiến xa hơn nữa trong việc phụng sự. Nói tiến xa hơn, có nghĩa là họ không gạt bỏ lý tính, nhưng từ chỗ lấy lý tính làm nền, họ vượt lên trên cái bắt buộc họ phải làm hay phải giữ nếu họ muốn xứng đáng với danh nghĩa và địa vị con người - con người là hữu thể có lý tính. Sự vượt trên này hàm ý sự tiến tới cái tốt hơn; cái tốt hơn là cái không bắt buộc con người phải có để, ít là ở mức độ tối thiểu, họ xứng đáng với danh nghĩa và địa vị con người.
Phần nhỏ một khi đưa ra lời vua thế tục hiệu triệu thần dân, có nhắc đến hiệp sĩ. Vậy có thể coi hình ảnh hiệp sĩ là một gợi ý xa dẫn tới điểm suy gẫm ba ở đây, trong khi hình ảnh bầy tôi được áp dụng cho điểm suy gẫm hai: nếu mọi người là bầy tôi, nhưng không phải mọi người là hiệp sĩ của vua, thì cũng thế, mọi người được kêu gọi đến lao động với Chúa, nhưng không phải mọi người được kêu gọi để "nổi bật hơn trong mọi việc phụng sự" Chúa, và điều này chúng ta sẽ thấy rõ hơn trong kinh dâng hiến sẽ nói sau, ở đó có câu: "Nếu Chúa uy linh rất thánh muốn chọn và nhận con vào đời sống và bậc sống ấy."
Từ câu: "Mà còn, bằng cách hành động ngược lại nhục dục...", bài suy ngắm bước sang một chặng đường mới. Nói rõ hơn, phần nhỏ một của bài suy ngắm (tức phần về dụ ngôn) chuẩn bị minh nhiên cho việc đi tới hai điểm suy gẫm một và hai của phần nhỏ hai, chứ không phải điểm suy gẫm ba này; cùng lắm thì nó chỉ là gợi ý xa và gián tiếp cho điểm suy gẫm ba qua việc nhắc đến hình ảnh hiệp sĩ và qua câu nói đến sự chấp nhận ăn mặc giống như vua đang đi chinh phục.
Về vấn đề hành động ngược lại hay chống lại nhục dục hay khoái lạc giác quan - mà sự chấp nhận ăn mặc như vua có thể được coi như một gợi ý - không có luật nào cấm đoán đi tìm các khoái cảm hữu ích hay lành mạnh, ví dụ khoái cảm khi ngửi một đóa hoa thơm, ăn một quả chín ngọt, uống một ly nước mát lạnh trong lúc khát khô họng, v.v. Nói chung, những khoái cảm đúng mức có vai trò tích cực đối với cuộc sống con người và cả trong sự bảo tồn nòi giống. Con người lành mạnh về mặt tâm thần là con người biết yêu mình, mà trong cái mình này có cái phần gọi là thể xác; ai cũng yêu thế gian, ví dụ tiền của, danh vọng, v.v, là những cái có thể đem lại những ích lợi, những thỏa mãn, v.v. Ðiều đòi buộc có tính cách phổ quát là tránh sự thái quá. Trong bài Nguyên lý và Nền tảng, người tĩnh tâm đã suy về các vật thụ tạo được coi như có mục đích giúp con người đạt tới cứu cánh đời mình. Trong bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu (sẽ tìm hiểu sau), người tĩnh tâm coi các vật thụ tạo là những ân huệ của Thiên Chúa, là phản ánh sự tốt lành của Thiên Chúa, v.v.
Tuy nhiên, không kể việc con người không được buông mình theo các khoái cảm, không được tự thả lỏng theo sự yêu chuộng xác thịt và thế gian, không được để cho chúng làm chủ hay chi phối mình, có những trường hợp, vì mục đích tìm cái tốt hơn, người ta còn phải hành động ngược lại hay chống lại chúng - ở đây chưa nói đến vấn đề khổ chế. Cũng vì mục đích này, kinh nguyện tiếp theo thuộc thành phần của điểm suy gẫm ba sẽ xác định những điều nên chọn và làm. Những điều này làm thành "những lễ vật có giá trị lớn hơn và tầm quan trọng lớn hơn" dâng lên Ðức Kitô; chúng quý giá và quan trọng hơn là chỉ có lao động với Chúa và lao động cho Chúa. Chính vì thế mà chúng là nét đặc sắc của việc phụng sự Chúa.
"Lạy Chúa vĩnh cửu của vạn vật, nhờ ân huệ và sự phù trợ của Chúa, con dâng mình con, trước mặt Chúa tốt lành vô cùng và trước mặt Mẹ vinh hiển của Chúa cùng toàn thể các thánh nam nữ của triều đình thiên quốc, con nhận thực rằng con muốn và ước ao, và đây là quyết tâm có cân nhắc của con, miễn sao sự phụng sự và tán dương Chúa được rộng lớn hơn: noi gương Chúa chịu mọi sỉ nhục và mọi chê trách và mọi sự nghèo khó, hiện thực cũng như tinh thần, nếu Chúa uy linh rất thánh muốn chọn và nhận con vào đời sống và bậc sống ấy" (s. 98).
Ở phần nhỏ hai, điểm suy gẫm một đã cho người tĩnh tâm biết rằng hết mọi người đều được Ðức Kitô kêu gọi đến lao động với Ngài; điểm suy gẫm hai cho thấy rằng việc đáp lại ý muốn của Ngài là điều hợp lý; và điểm suy gẫm ba nói đến hạng người muốn làm thêm cái gì đó hơn là chỉ lao động. Cái điều này được họ bày tỏ với Ngài dưới hình thức một kinh nguyện, và vì thế ở đây gọi là kinh nguyện cho tiện. Nên để ý là có hai từ "họ nói" mà bản văn đặt trước kinh nguyện: "Họ nói: Lạy Chúa vĩnh cửu..." và từ họ này chỉ ngôi thứ ba số nhiều (theo văn phạm trong bản Thủ bút), nhưng chính kinh nguyện lại dùng ngôi thứ nhất số ít, tức con (tôi) chứ không phải chúng con (chúng tôi). Vậy không kể những lý do nào khác, việc xưng con (tôi) có thể là một cách kín đáo dẫn người tĩnh tâm tiến đến tự đồng hóa với hạng người đi tìm cái hơn nói trên để biến lời kinh thành lời kinh của mình.
Theo suy luận chặt chẽ, kinh nguyện ở đây là thành phần của điểm suy gẫm ba, hiểu nghĩa là nó diễn đạt ước vọng và quyết tâm của hạng người muốn đi tìm cái hơn trong việc phụng sự Chúa. Nhưng nếu coi bài Vương quốc là một bài suy ngắm, như tuyệt đại đa số những người nghiên cứu Linh thao công nhận, thì kinh nguyện kia đáng được coi như tương đương với phần tâm sự trong các bài suy ngắm khác; mà nói tâm sự là ý nói những lời than thở và cầu xin của chính người tĩnh tâm đang ở trong tương giao trực tiếp với Chúa. Ðàng khác, trong việc suy ngắm, người tĩnh tâm tìm rút ra cho mình một bài học, tìm đạt được một xác tín và tiến tới những ước nguyện hay quyết tâm đạo đức (như thấy rõ trong ơn xin được nêu ra ngay ở mào đầu của mỗi bài suy ngắm), vì thế kinh nguyện nói trên đáng được coi là kinh nguyện của chính họ. Sự biến kinh nguyện đó thành của mình còn là điều phù hợp với mào đầu hai của bài suy ngắm bảo họ xin ơn "không điếc" trước tiếng gọi của Ðức Kitô. Dưới đây chúng ta phân tích kinh nguyện đó.
Ở điểm suy gẫm một của phần hai này, Ðấng kêu gọi mọi người mang hai tước hiệu Chúa và Vua: "Ðức Kitô Chúa chúng ta, Vua vĩnh cửu." Ở đây, lời xưng hô mở đầu kinh nguyện dùng lại tước hiệu Chúa và bỏ tước hiệu Vua; lấy từ vĩnh cửu trong cụm từ "Vua vĩnh cửu" để định tính cho từ Chúa: Chúa vĩnh cửu; bỏ từ chúng ta (Chúa chúng ta) và thay vào đấy bằng từ vạn vật: Chúa (vĩnh cửu) của vạn vật. Chúng ta hãy đối chiếu:
điểm suy gẫm một:
Chúa chúng ta, Vua vĩnh cửu;
lời xưng hô: Chúa vĩnh cửu
của vạn vật.
Sự khác biệt trên cho phép chúng ta nghĩ rằng lời xưng hô chú trọng đến ý niệm Chúa hơn ý niệm Vua, đến ý niệm vạn vật hơn ý niệm chúng ta. Hẳn việc xưng Chúa là Chúa của vạn vật vừa nhấn mạnh quyền bá chủ của Chúa vừa nhắc gợi rằng con người là thành phần của vũ trụ thụ tạo. Về tước hiệu Chúa, nên giải thích thêm như sau.
Trong Cựu ước, danh xưng Chúa được áp dụng cho Thiên Chúa. Trong Tân ước, nó được áp dụng cả cho Chúa Giêsu, và hàm ý sự vinh hiển mà Ngài có được sau khi phục sinh, như chúng ta đọc thấy trong diễn từ của thánh Phêrô trong sách Công vụ các tông đồ rằng "Vậy xin toàn thể nhà Israel hãy biết chắc là Thiên Chúa đã đặt Ðức Giêsu mà các người đã đóng đanh, làm Chúa và làm Ðấng Kitô" (Cv 2,36). Thánh Luca, với cái nhìn vào cuộc đời Chúa dưới ánh sáng Phục sinh, đã gần hai mươi lần gọi Ngài là Chúa (Lc 7,13 ; 10,39.41, v.v); thánh Matthêu và thánh Maccô thì ghi lại một lần Chúa tự xưng là Chúa (Mt 21,3 ; Mc 11,3); trong Phúc âm theo thánh Gioan, đáng kể nhất là trường hợp tông đồ Tôma thưa với Chúa phục sinh: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (Ga 20,28). Thánh Phaolô, trong các thư gửi đi, rất năng gọi Chúa Giêsu là Chúa (Rm 10,9; 14,9; 1 Cr 12,3; Pl 2,11, v.v.)
Riêng về tước hiệu "Chúa vĩnh cửu", tước hiệu này trong sách Linh thao, ở hai bài suy niệm về tội thuộc Tuần Nhất, đã dùng để chỉ Thiên Chúa (s. 63,6 ; 65,5), và ở bài Vương quốc được áp dụng cho Ðức Kitô. Ý niệm Chúa rộng hơn ý niệm Vua ít ra ở điểm này: gọi Ðức Kitô là Chúa là một cách nhìn nhận Ngài ngang hàng với Thiên Chúa Cha về quyền năng, trong khi từ Vua khiến chúng ta nhớ đến Ðấng được xức dầu hoặc Ðấng Mêsia mà, như Cựu ước đã loan báo, Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại vào thời đại cánh chung, Ðấng đó sẽ thống trị nhân loại do việc Ngài sẽ cứu chuộc nhân loại khiến cho mọi người trở thành thần dân của Ngài, như thánh Phaolô viết: "Thiên Chúa đã cứu chúng ta khỏi quyền lực của tối tăm và đã đưa chúng ta vào trong nước của Con chí ái của Ngài, ở nơi Con Ngài chúng ta được ơn giải thoát và ơn tha tội" (Cl 1,13-14). Lời xưng hô Ngài là Chúa vĩnh cửu của vạn vật còn nhắc lại những dòng đầu tiên trong Phúc âm theo thánh Gioan: "Lúc khởi đầu đã có Lời, và Lời hướng về Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. Từ khởi đầu Ngài hướng về Thiên Chúa. Mọi sự đã do Ngài mà có, và không có gì có mà không do Ngài" (Ga 1,1-3); thánh Phaolô cũng viết: "Mọi sự được dựng nên bởi Ngài và vì Ngài" (Cl 1,16).
Trên đây nói rằng lời xưng hô mở đầu kinh nguyện không nhắc đến tước hiệu vua của Ðức Kitô; nhưng điều đó không có nghĩa là ý niệm vua bị gạt đi, vì, sau lời xưng hô "Chúa vĩnh cửu của vạn vật", người tĩnh tâm nói đến triều đình thiên quốc: "Trước mặt /.../ Mẹ vinh hiển của Chúa cùng toàn thể các thánh nam nữ của triều đình thiên quốc"; rồi ở cuối kinh nguyện, họ xưng hô Chúa là Ðấng uy linh, một kiểu nói vẫn quen dùng để chỉ vua.
Người tĩnh tâm đáp lại tiếng gọi của Ðức Kitô xét như Ngài là Chúa vĩnh cửu của vạn vật. Chỉ chịu một ít hy sinh nào đó vì Chúa thì chưa phải là sống trọn vẹn cho sự đồng cam cộng khổ với Chúa trên đường đi theo Chúa. Vì thế ở đây người tĩnh tâm nói đến sự hiến dâng mình để đáp lại tiếng gọi của Chúa. Ðiểm suy gẫm hai đã nói đến sự hiến dâng mình cho lao động; ở điểm suy gẫm ba này sự hiến dâng mở rộng hơn và sâu xa hơn, vì nó cốt ở "noi gương Chúa chịu sỉ nhục và mọi chê trách và mọi sự nghèo khó, hiện thực cũng như tinh thần".
Ðể thực hiện sự hiến dâng trên, người tĩnh tâm có ý thức rõ về sự bất lực của mình, đúng với ý của câu thánh vịnh: "Nếu Thiên Chúa không xây nhà thì các thợ xây làm việc luống công" (Tv 126,1). Vì thế họ thêm ngay câu này trong kinh nguyện, tuy vắn tắt nhưng quan trọng: "Nhờ ân huệ và sự phù trợ của Chúa." Thánh Phêrô xưa đã tuyên bố với Chúa rằng mình nhất định đi theo Chúa cho dù có ai đó sẽ bỏ Chúa (Mt 26,33), nhưng sau đó không lâu, chỉ mấy tiếng đồng hồ thôi, ông đã chối mình là môn đệ Chúa khi phải trả lời không phải cho một nhân vật quan trọng nào, mà chỉ là cho một người đầy tớ gái đứng ở sân nhà thầy thượng tế Caipha (26,69-70). Trường hợp của thánh Phêrô hẳn phải là bài học nhắc nhở người tĩnh tâm chớ nên tự phụ; vì thế họ nhớ ngay đến sự cần thiết của ơn Chúa để có thể thực hiện ý định tốt đẹp của mình. Thánh Phaolô, trong khi quả quyết mình không chịu cho một gian truân hay đau khổ nào khiến ông dời xa Chúa, đã không quên nói rõ rằng ông cậy vào sự nâng đỡ của Chúa (Rm 8, 35-37).
Sự dâng mình được thực hiện "trước mặt Chúa tốt lành vô cùng". Sau khi, trong lời xưng hô trên kia, người tĩnh tâm nhìn Chúa trong quan hệ với loài thụ tạo mà họ là thành phần: "Lạy Chúa vĩnh cửu của vạn vật", bây giờ họ nhìn vào ưu phẩm của Ngài xét như Ngài là Ngài, tức nhìn vào ưu phẩm thuộc yếu tính thần linh của Ngài. Ðó là sự tốt lành: Ngài là Hữu thể tốt lành vô cùng, cũng như Ngài là Chúa vĩnh cửu của vạn vật. Nên nói thêm rằng chính sự dâng mình cho Chúa cũng là một việc tốt lành vì, như đã rõ, nó được thực hiện do ơn phù trợ của Ngài là Ðấng tốt lành.
"Trước mặt Mẹ vinh hiển của Chúa cùng toàn thể các thánh nam nữ của triều đình thiên quốc" - Việc dâng hiến được thực hiện với sự chứng kiến của Ðức Maria và các thánh, điều này gợi thêm ý tưởng về tính cách long trọng của việc dâng hiến; không những thế, nó còn nhắc đến sự thông hiệp của người tĩnh tâm với toàn thể Giáo hội khải hoàn gồm Ðức Maria và các thánh. Các Ngài được người tĩnh tâm nhìn trong quan hệ với Ðức Kitô xét như là trung tâm điểm: Ðức Maria là Mẹ của Ngài, và là Mẹ vinh hiển, tức người Mẹ đang tham dự vinh quang của người Con phục sinh khải hoàn; các thánh là những bầy tôi trung thành được chầu Vua vĩnh cửu.
"Con muốn và ước ao, và [đây] là quyết tâm có cân nhắc của con." - Trước tất cả, nên phân tích những từ muốn và ước ao (trong câu trích dẫn) dùng để dịch từ querer (la-tinh: velle; Pháp: vouloir) và desear (desiderare; désirer). Trong tiếng Việt, muốn và ước ao thường được coi như đồng nghĩa, (và quen được kết hiệp với nhau thành ước muốn); trong tiếng Tây-ban-nha (và ít là trong tiếng Pháp) cũng thế. Nhưng có điều khác biệt, là từ querer (muốn) còn có thể mang nội dung rộng lớn hơn desear (ước ao), nhất là nếu chúng ta đi xa hơn một chút vào lĩnh vực tâm lý học. Thực vậy, trong lĩnh vực này, nói ước ao là nói đến khuynh hướng hữu thức, tức khuynh hướng trong đó con người có ý thức về đối tượng mà họ hướng tới hoặc có nhu cầu; cây cỏ chỉ có khuynh hướng vô thức nên không có ước vọng. khuynh hướng nơi con người đi liền với cảm tính, như người ta nói đến những khuynh hướng vị tha gồm tình bằng hữu, tình vợ chồng, tình mẹ con, v.v. Về từ muốn (querer), vẫn trên bình diện tâm lý, từ này dùng để chỉ cả những hành vi có suy nghĩ, biết suy xét đến những khả năng (của chủ thể muốn), đến các hoàn cảnh, trong khi ước ao hay ước vọng (desear) có thể là thiếu suy xét hoặc mù quáng, vì có người ước ao cái không thể có được hoặc không thể thực hiện nổi (ví dụ ước ao bay được như chim).
Tuy nhiên trong sách Linh thao, muốn và ước ao được dùng trong ba trường hợp khác nhau.
Trường hợp thứ nhất: muốn và ước ao coi như tương đương và có thể chuyển đổi cho nhau. Chúng ta kể ra những ví dụ. Bài Nguyên lý và Nền tảng viết: "Chúng ta không muốn sức khỏe hơn bệnh tật...", nhưng câu tiếp theo lại dùng từ ước ao thay vào: "Nhưng chỉ ước ao và chọn lựa cái gì dẫn đưa chúng ta hơn tới cứu cánh" (s. 23,6-7). Trong điều ghi chú về vấn đề đền tội, có câu: "Tìm và tìm được ân sủng hay ân huệ nào mà người ta muốn và ước ao" (s. 87,3); nhưng tiếp liền vào đó là câu: "Chẳng hạn như người ta ước ao có sự thống hối bên trong vì các tội của mình", tức câu này chỉ lặp lại từ ước ao và bỏ từ muốn. Bài Hai lá cờ hiệu viết: "Sự ước ao chịu những điều nhục nhã và khinh bỉ" (s. 146,4), trong khi bài Vương quốc nói đến muốn và ước ao chịu sỉ nhục và khinh chê (s. 98,3). Bài Ba kiểu khiêm nhường, khi nói về kiểu khiêm nhường thứ hai, viết: "Muốn danh giá hơn sự ô danh" và, tiếp liền đó, dùng từ ước ao thay từ muốn: "Không ước ao cuộc sống lâu dài hơn cuộc sống ngắn ngủi" (s. 166,1). Cũng bài này, khi nói về kiểu khiêm nhường thứ ba, dùng từ muốn: "Tôi muốn và chọn /.../ những sự nhục nhã với Ðức Kitô chịu nhục nhã" (s. 167,3-4), nhưng ở ghi chú lại dùng từ ước ao thay vì muốn: "Ðối với ai ước ao đạt tới sự khiêm nhường thứ ba này" (s. 168,1).
Trường hợp thứ hai: xem ra muốn lệ thuộc vào ước ao, như thấy trong câu: "Khẩn cầu Thiên Chúa Chúa chúng ta [ban] cái ngược lại, nghĩa là nó không muốn chức vụ hay bổng lộc ấy hoặc bất cứ sự gì khác, trừ phi Chúa uy linh, trong khi chỉnh đốn những ước vọng của nó, Ngài thay đổi sự ưa thích đầu tiên của nó" (s. 16, 4-5). Theo câu này, để không muốn cái này hay cái nọ thì cần phải chỉnh đốn các ước vọng, và chỉnh đốn bằng cách thay đổi tình cảm.
Trường hợp thứ ba: muốn khác với ước ao, nếu chúng ta công nhận ước ao là thuộc khuynh hướng hoặc tình cảm. Bài suy niệm đầu tiên (về tội) của Tuần Nhất nói đến lòng muốn chi phối tình cảm: "Thúc đẩy các tình cảm hơn, bằng lòng muốn" (s. 50,6). Bài Ba hạng người nói: muốn gạt bỏ sự ham chuộng (thuộc tình cảm) (s. 153; 154,1; 155,1). Cũng trong bài này, muốn được coi là thuộc ý chí: "Họ chỉ muốn một điều là muốn hay không muốn của cải đó tùy theo điều gì Thiên Chúa Chúa chúng ta sẽ đặt nơi lòng muốn của họ và tùy như đối với họ điều gì xem ra tốt hơn cho việc phụng sự và tán dương Chúa uy linh /.../ cố gắng không muốn cái này hay bất cứ cái gì khác" (s. 155,2-3). Trong câu trích dẫn, chúng ta hãy chú ý đến cụm từ "tùy theo điều gì Thiên Chúa Chúa chúng ta sẽ đặt nơi lòng muốn của họ" và "cố gắng không muốn" (cố gắng là điều thuộc ý chí). Tuy nhiên, để đầy đủ và khách quan thì phải nói thêm rằng tiếp liền vào câu vừa trích dẫn, chúng ta lại thấy hình như muốn không phân biệt với ước ao, vì trong khi câu trước nói đến muốn, câu tiếp theo lại nói đến ước ao: "Như thế cái ước vọng có thể hơn phụng sự Thiên Chúa Chúa chúng ta, thúc đẩy họ lấy hay bỏ nó" (s. 155,4).
Sự phân biệt giữa muốn và ước ao được củng cố thêm do sự kiện là ở các bài tập khác của cả bốn Tuần, phần nhập đề bảo người tĩnh tâm hãy "xin điều tôi muốn" chứ không nói "xin điều tôi ước ao" (s. 55; 65, 2; 91,4; 104; 139,1; 152; 193; 203; 221; 233) trừ ở bài tập một của Tuần Nhất, ở đó mào đầu (s. 48,1) bảo người tĩnh tâm hãy xin điều mình muốn và ước ao. Nhưng nên nói ngay: có thể coi đây là điều nhắc bảo tổng quát: "Mào đầu hai là xin..." Vậy nếu sự phân biệt giữa muốn và ước ao không phải là gượng ép, thì xem ra nó cũng góp phần giải thích tại sao các bài tập, ở phần nhập đề, không nói đến xin điều ước ao. Thực vậy, như đã phân tích, nói ước ao là nói đến hành vi trong đó cảm tính giữ một chỗ quan trọng. Nhưng ở các bài tập, ngay khi người tĩnh tâm bắt đầu việc suy ngắm, có thể vai trò tình cảm của họ đối với ơn xin chưa có hoặc chỉ có ở mức độ thấp, nhưng về mặt lý trí thì nhất định họ phải muốn những điều họ xin trong bài tập, bởi lẽ những điều xin này liên quan đến nội dung của bài suy ngắm, và là những điều rất hợp lý mà người tĩnh tâm với lý trí được đức tin soi dẫn, không thể không muốn những ơn xin đó.
Sau khi đã phân tích muốn và ước ao trong sách Linh thao, chúng ta trở lại bài Vương quốc. Thiết nghĩ điều đáng để ý ở đây là việc nối kết muốn với ước ao trong cụm từ muốn và ước ao. Thực vậy, chúng ta không có thể căn cứ vào đâu để khẳng định rằng từ muốn và từ ước ao trong bài Vương quốc bắt buộc phải hiểu theo nghĩa thuộc về một trường hợp nào trong ba trường hợp đã nêu ra trên kia, nhưng chúng ta có quyền bảo rằng nếu có sự phân biệt nào giữa muốn và ước ao, thì ở đây bài Vương quốc dùng cụm từ muốn và ước ao để bao gồm tất cả những gì thuộc về ý niệm muốn và ý niệm ước ao. Nói cách khác, cụm từ này chỉ hành vi tâm lý thuộc cả phạm vi ý chí lẫn phạm vi tình cảm. Bởi đấy, và đây là điều nên nhấn mạnh, câu "con muốn và ước ao" trong kinh nguyện diễn đạt ý tưởng rằng người tĩnh tâm hướng đến đối tượng (của muốn và ước ao) với cả lý trí và tâm hồn, hoặc với cả trí óc và con tim của họ.
Câu: "Và [chính] là quyết tâm có cân nhắc của con" tiếp liền vào câu: "Con muốn và ước ao", vừa diễn tả ý chí cương quyết, vừa khẳng định rằng sự cương quyết này được soi sáng và hướng dẫn bởi lý trí, chứ không phải một hiện tượng bồng bột, nông nổi thuộc tình cảm. Như vậy người tĩnh tâm thưa với Ðức Kitô rằng sự dâng hiến của họ là một việc làm hết sức nghiêm túc.
"Miễn sao sự phụng sự và tán dương Chúa được rộng lớn hơn." - Ðiểm suy gẫm ba, ở những dòng đầu, đã nói đến phụng sự Chúa; ở đây kinh nguyện thêm ý tưởng tán dương. Kinh nguyện còn thêm ý niệm hơn. Vậy câu trích dẫn có ý bảo rằng người tĩnh tâm ước muốn (ước ao và muốn) điều mà họ sẽ nói tiếp theo, trong giả thiết là nếu điều họ ước muốn được chấp thuận và thể hiện thì Chúa được phụng sự hơn và được tán dương hơn. Nên để ý: trong khi bài Nguyên lý và Nền tảng nói đến tán dương, tôn kính và phụng sự "Thiên Chúa Chúa chúng ta", thì bài Vương quốc này nói đến tán dương và phụng sự "Vua vĩnh cửu", và ý niệm tôn kính Ngài được diễn đạt gián tiếp qua cụm từ "Chúa uy linh rất thánh" trong câu cuối cùng của kinh nguyện. Như vậy rõ ràng điều đã nói về Thiên Chúa cũng áp dụng cho Ðức Kitô, và điều này thuộc mầu nhiệm đức tin: Ðức Kitô cũng chính là Thiên Chúa. Có lẽ vì để làm nổi bật mầu nhiệm đó, nên bài Vương quốc kết thúc bằng kinh nguyện dâng hiến, chứ không thêm kinh Lạy Cha như thường lệ.
Trong phần nhỏ hai này của bài Vương quốc, ở điểm suy gẫm một và hai, Vua vĩnh cửu kêu gọi mọi người đến cộng tác với Ngài trong công cuộc mở Nước Thiên Chúa, và sự đáp lại lời Ngài kêu gọi là điều mà mọi người có trí khôn lành mạnh đều nhận thấy là phải làm. Nhưng điểm suy gẫm ba đi xa hơn nữa khi nói đến nguyện vọng của một số người: "Những kẻ muốn nhiệt tình và nổi bật hơn ...", và, như sẽ thấy, những người này không chỉ lao khổ với Chúa, mà còn muốn chịu sỉ nhục và sống cảnh nghèo khó như Chúa để tán dương và phụng sự Chúa hơn. Cần nhấn mạnh từ hơn ở đây.
"Noi gương Chúa chịu mọi sỉ nhục và mọi chê trách và mọi sự nghèo khó, hiện thực cũng như tinh thần." - Câu này phải là trọng tâm của bài Vương quốc; nó xác định thế nào là lễ vật "quý giá hơn và quan trọng hơn" mà người tĩnh tâm muốn dâng cho Ðức Kitô. Nói chịu sỉ nhục và sống cảnh nghèo khó có thể khiến một số người lấy làm chói tai. Nhưng nếu có đúng như vậy thì cũng không phải vì thế mà phải hay nên tránh nói đến chúng, bởi lẽ chúng vừa là những nét nổi bật của đời Chúa vừa là điều mà Chúa giảng dạy. Về chính cuộc đời Chúa, người tĩnh tâm sẽ có dịp tìm hiểu và chiêm ngưỡng trong suốt cả Tuần Hai và Ba.
Trong sách Linh thao, đây là lần đầu tiên, từ noi gương (Chúa) xuất hiện. Ở kinh nguyện này, người tĩnh tâm bày tỏ nguyện vọng và quyết tâm của mình là noi gương Chúa. Sự ước ao và quyết tâm này sẽ mở đường cho họ xin ơn noi gương Chúa trong những bài tập tiếp theo (s. 109,2 ; 117, v.v).
Chọn sự nghèo khó và vui chịu sỉ nhục, là chọn một lối sống khổ hạnh, là chọn một hình thức gắn bó cách đặt biệt với Chúa; nhưng sự chọn này nằm trong mục đích phụng sự Ðấng đã rảo khắp các xóm làng để rao giảng Nước Thiên Chúa (s. 91,3), Ðấng muốn chinh phục toàn thể thế giới và hết mọi kẻ thù (s. 95,4). Vì thế, như đã nói, nó là lối sống mang rõ tính cách tông đồ. Như vậy sự ước muốn chịu sỉ nhục và sống cảnh nghèo khó là điều dễ hiểu và hợp lý vì nó nằm trong sự ước muốn chọn con đường Chúa đã đi, tức con đường thập giá, để tham dự sứ mệnh cứu chuộc của Ngài. Xét về phương diện tiêu cực, lối sống đó ngăn ngừa hữu hiệu cái nguy hiểm mà người tĩnh tâm có thể gặp phải, là đi tìm mình và thế gian trong hoạt động tông đồ trong khi vẫn cho mình là kẻ đi theo và phụng sự Ðức Kitô. Ngoài ý nghĩa phụng sự Chúa, sự chọn lối sống trên còn có mục đích tán dương Chúa: "Miễn sao sự phụng sự và tán dương Chúa được rộng lớn hơn." Tán dương, vì lối sống đó góp phần làm rạng danh Chúa do ở chỗ nó giúp cho công cuộc chinh phục của Chúa được thành công vẻ vang hơn; tán dương, vì nó là một cách tán đồng con đường thập giá mà Chúa đã chọn, vì nó là sự nhìn nhận Chúa là "Chúa vĩnh cửu của vạn vật" và, cách riêng ở đây, là nhìn nhận Chúa là gương mẫu cho mình noi theo để, bằng sự noi gương Chúa mà chọn lối sống kia, người tĩnh tâm muốn trở nên phản ánh rạng ngời của Chúa và được đồng hóa thật sâu sắc với Chúa; nói tổng quát hơn, đây là lối sống tán dương Chúa vì nó là lễ vật tốt lành làm đẹp lòng Chúa.
Ðể tỏ lòng yêu mến một người, không nhất thiết phải nói với người đó rằng mình yêu mến họ. Chúng ta có cách diễn đạt tình yêu bằng ngôn ngữ không lời, ví dụ bằng một cái nhìn, một nụ cười, và cách riêng là một hành động (tặng quà, giúp đỡ, hy sinh, v.v.). Vậy đi theo và phụng sự Chúa, đó là ngôn ngữ không lời diễn đạt lòng yêu mến đối với Ngài. Thực vậy, việc ước muốn chọn lối sống trên kia chỉ có thể được thúc đẩy bởi động cơ là lòng mến Chúa: vì mến Chúa nên muốn nên giống như Chúa, vì mến Chúa nên muốn tham dự cách đặc biệt vào sứ mệnh cứu độ của Chúa, vì mến Chúa nên muốn phụng sự và tán dương Chúa hơn. Ý tưởng mến Chúa này sẽ được nêu rõ ở bài tập tiếp liền vào bài Vương quốc, tức bài Nhập thể, ở đó mào đầu ba bảo: "Xin được cái biết bên trong về Chúa đã vì tôi mà làm người, để tôi yêu mến và đi theo Ngài hơn" (s. 104). Ðiều vừa nói khiến môn đệ của Chúa khác hẳn những người ngoài Thiên Chúa giáo, ví dụ những tu sĩ phật giáo, những thầy yoga Ấn độ, v.v.; những người này cũng tự nguyện sống nghèo, nhưng họ sống nghèo và, tổng quát hơn, họ tu thân, vì những lý do khác, như để tìm sự giải thoát, để tìm giá trị cho bản thân, v.v., nghĩa là họ hành động theo hướng quy ngã; trái lại, môn đệ của Chúa là người quy Kitô. Về sự chịu sỉ nhục hay lăng mạ cũng thế, không riêng gì môn đệ của Chúa mới phải sẵn sàng đón nhận, nhưng họ khác với môn đệ của Chúa về động cơ thúc đẩy bên trong.
Tóm lại, ý tưởng noi gương Chúa chịu sỉ nhục và sống nghèo khó, được chính thức nêu ra trong bài Vương quốc là bài khai mạc chặng đường mới của cuộc hành trình thiêng liêng để chỉ hướng đi cho người tĩnh tâm. Các bài Giáng sinh, Hai lá cờ hiệu và Ba kiểu khiêm nhường sẽ lần lượt nối tiếp vào bài Vương quốc để bổ sung hoặc làm rõ hơn ý nghĩa cũng như mục đích của việc chọn chịu sỉ nhục và sự nghèo khó. Bởi vậy, căn cứ vào những điều đã nói trên, chúng ta có lý để bảo rằng bài Vương quốc là một trong những bài then chốt của sách Linh thao. Ðó cũng là ý kiến của đại đa số những tác giả nguyên cứu sách Linh thao. Qua những bài vừa nhắc tới và, cách chung hơn, qua những bài suy ngắm của Tuần Hai và Ba, người tĩnh tâm sẽ có dịp tự kiểm điểm để, nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhận thấy mình đã noi gương Ðức Kitô như thế nào và sẽ còn phải sống thế nào, để nên giống Ngài hơn nữa không những trong sự chọn hướng đi cơ bản cho cuộc đời mình, mà còn ngay cả trong cách sống cụ thể hằng ngày.
"Nếu Chúa uy linh rất thánh muốn chọn và nhận con vào đời sống và bậc sống ấy." - Ðây là câu người tĩnh tâm thưa với Ðức Kitô để kết thúc kinh nguyện. Bằng việc xưng Ngài là Chúa uy linh, họ nhắc lại địa vị Thiên Chúa và Vua (vĩnh cửu) của Ngài. Việc dùng tĩnh từ rất thánh thêm vào thành cụm từ Chúa uy linh rất thánh là một cách khác nữa tuyên xưng Ðức Kitô là Thiên Chúa. Thực vậy, sự thánh thiện là ưu phẩm đặc thù của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Ðấng thánh (Hôsê 11,9; Lv 19,2; 20, 6; Is 10,21, v.v.), là Ðấng ba lần thánh (Is 6,3); Ngài là Ðấng thánh xét theo bản tính của Ngài: Danh Ngài là thánh (Tv 33, 21; Am 2,7; Lc 1,49). Trong Tân ước, Ðức Kitô được gọi là Ðấng thánh: "Vì thế Ðấng sắp sinh ra sẽ là Ðấng thánh" (Lc 1,35). Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) của Công đồng Vaticanô II viết: "Ðức Kitô, con của Thiên Chúa, Ngài cùng với Ðức Chúa Cha và Chúa Thánh Thần được tôn xưng là Ðấng thánh duy nhất" (s. 39).
Sau khi đã bày tỏ ước nguyện và quyết tâm noi gương Chúa chịu sỉ nhục và chọn sự nghèo khó hiện thực, người tĩnh tâm dùng từ nếu: "Nếu Chúa uy linh rất thánh muốn chọn con", bởi vì, với bài Vương quốc này, họ bắt đầu bước sang Tuần Hai của khóa Linh thao, nên họ được giả thiết chỉ mới khởi sự đi tìm cho thấy ý muốn của Thiên Chúa, cũng nghĩa là họ chưa biết chắc mình được Ðức Kitô nhận vào đời sống hay bậc sống đặc biệt theo như nội dung của kinh nguyện. Bởi đấy dĩ nhiên câu giả định với từ nếu kia trở nên thừa đối với người tĩnh tâm nào đã dứt khoát chọn đời sống hay lối sống đó do đã nhận thấy rõ ý muốn của Thiên Chúa là như thế. Tuy vậy ý tưởng nằm trong câu đó cũng vẫn hữu ích cho họ. Họ xác nhận rằng việc noi gương Chúa chịu sỉ nhục và cảnh nghèo khó là điều họ ước muốn, nhưng đấy là về phía họ; sự ước muốn này còn tùy thuộc ở ý muốn của Chúa.
Nhân tiện nên nhắc qua rằng mọi tín hữu đều được kêu gọi trở nên thánh thiện hoặc toàn thiện, và điều này thuộc về chính bí tích Thanh tẩy mà họ đã lĩnh nhận. Nhưng không phải mọi tín hữu đều được kêu gọi đạt tới cùng một đỉnh cao của sự toàn thiện, mà là đạt tới sự toàn thiện tương ứng với những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho, bằng chứng hiển nhiên là chẳng ai dám nghĩ mình được kêu gọi trở nên toàn thiện bằng Ðức Maria! Thánh Phaolô viết: "Mỗi người chúng ta nhận được ân sủng theo mức độ Ðức Kitô ban cho" (Ep 4,7). Vậy được chịu sỉ nhục và sống nghèo khó với Chúa là một ân huệ mà Chúa ban cho ai thì tùy ở Chúa, đúng như xưa Chúa đã nói với các môn đệ: "Không phải anh em đã chọn Thầy, mà là Thầy đã chọn anh em" (Ga 15,16). Vì nhận đây là một ơn ban không của Chúa nên, như chúng ta sẽ thấy ở bài Hai lá cờ hiệu, người tĩnh tâm xin Chúa ban cho mình ơn đó (s. 147).
Chúng ta hãy chú ý đến từ muốn (nếu Chúa muốn). Ðiểm suy gẫm một của phần nhỏ hai đã nói rõ rằng Chúa kêu gọi hết mọi người cộng tác với Chúa, bởi vậy nếu ai đáp lại tiếng gọi của Chúa mà lại còn đặt ra cho Chúa điều kiện là nếu Chúa muốn và chọn họ thì quả là họ làm một việc thừa. Vì thế điểm suy gẫm nói rằng sự đáp lại tiếng gọi của Chúa là điều thích hợp cho tất cả những ai biết phán đoán. Dĩ nhiên đôi khi, do hoàn cảnh, kẻ đáp lại tiếng gọi của Chúa phải chấp nhận không chỉ cực nhọc mà cả sự chịu sỉ nhục và nghèo khó. Nhưng điều phải nhấn mạnh là sự sỉ nhục và nghèo khó không làm nên đặc điểm của cuộc đời họ; lại đây là trường hợp họ chấp nhận chứ không phải họ tự ý đi tìm như trong trường hợp được nói tới ở điểm suy gẫm ba, và cách riêng ở kinh nguyện thuộc điểm suy gẫm này.
Lời kêu gọi của Chúa chỉ nói đến sự chấp nhận lao khổ, nhưng về phía người tĩnh tâm, trong kinh nguyện mà họ đọc lên trước mặt Chúa, Ðức Maria và toàn thể các thánh nam nữ, họ tỏ ý muốn chịu sỉ nhục và nghèo khó, vì thế họ có lý để thêm câu: "Nếu Chúa uy linh rất thánh muốn chọn và nhận con vào đời sống và bậc sống ấy." Chọn hay lựa lọc, điều này khác hẳn với việc kêu gọi mọi người. Ở đây chúng ta nhớ lại hình ảnh thần dân và hiệp sĩ mà điểm suy gẫm ba của phần nhỏ một đã nêu ra: qua hình ảnh thần dân, chúng ta nghĩ tới việc Ðức Kitô kêu gọi mọi người; qua hình ảnh hiệp sĩ, chúng ta nghĩ đến trường hợp những người được Người chọn.
Theo ý kinh nguyện thì, dù chưa biết mình có được chọn không, người tĩnh tâm vẫn bày tỏ ước muốn của mình là chịu sỉ nhục và sống nghèo khó. Nghèo khó không những trong tinh thần mà cả trong đời sống vật chất cụ thể. Sự suy luận cho phép chúng ta bảo rằng đó là hành vi hợp lý và lành thánh, bởi lẽ sự ước muốn này xuất phát từ lòng mến Chúa, một lòng mến đầy tính năng động là muốn không ngừng vươn lên và tăng mạnh, chứ không chịu dừng lại. Thánh Gioan Brêbớp (thế kỷ 17) có ghi trong cuốn "Sổ tay thiêng liêng" của mình về ước vọng được phúc tuẫn giáo: "Con chỉ muốn chết cho Chúa, nếu Chúa ban cho con ơn đó, bởi vì Chúa đã đoái chịu chết cho con." Nên để ý đến từ nếu trong câu trích dẫn. Thánh I-nhã thành Antiokia (khoảng đầu thế kỷ 2), trên đường bị điệu đi Rôma, trong thư gởi các giáo đoàn, nói rõ ước muốn tuẫn giáo: "Hãy để tôi trở nên thức ăn cho các thú vật; chúng sẽ giúp tôi đi tới Thiên Chúa. Tôi là lúa mì của Ngài: được nghiền nát dưới răng ác thú, tôi sẽ trở nên tấm bánh tinh tuyền của Ðức Kitô." Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu (thế kỷ 19) thuộc tu viện Cát-minh ở Pháp, đã ước ao được sang tận Việt Nam xa lạ để sống cuộc đời tận hiến ở đó.
Nếu dựa vào câu: "Nếu Chúa uy linh rất thánh muốn chọn và nhận con", và vào câu: "Những kẻ muốn nhiệt tình và nổi bật hơn", thì không thể phủ nhận rằng bài Vương quốc phân biệt hai hạng người: hạng người thường và hạng người được chọn, phần nào tương ứng với hạng bầy tôi thứ dân và hạng hiệp sĩ. Tuy nhiên, đối với người tĩnh tâm, sự phân biệt này không có ý bảo rằng, về phía họ, họ muốn chọn bậc thấp hay bậc cao cũng được. Trong sách linh thao "Lời mào đầu để suy xét về các bậc sống" (s. 135) cũng phân biệt giữa hai bậc sống là sự tuân thủ các giới lệnh và sự toàn thiện theo Phúc âm, và nói đến việc Chúa Giêsu sống theo bậc sống thứ nhất khi Ngài vâng lời cha mẹ, bậc sống thứ hai khi Ngài bỏ cha mẹ để ở lại đền thờ. Nhưng hiển nhiên sự phân biệt này không hàm ý rằng lúc này thì Chúa dừng lại ở bậc sống thứ nhất, và lúc khác Chúa tiến lên bậc sống thứ hai. Chỉ có thể bảo rằng trường hợp này tương ứng với bậc sống thứ nhất, và trường hợp khác tương ứng với bậc sống thứ hai.
Vậy nếu căn cứ vào bài Nguyên lý và Nền tảng khuyên chúng ta chỉ muốn và chọn cái gì dẫn đưa chúng ta hơn tới cứu cánh (s. 23,7), và nếu căn cứ vào điểm suy gẫm ba thuộc phần nhỏ hai của bài Vương quốc này nói đến trường hợp những người muốn nhiệt tình và nổi bật hơn trong việc phụng vụ Ðức Kitô, thì sự phân biệt hai bậc sống cao thấp trên kia (thuộc hai hạng người khác nhau) được phép hiểu như là một cách phân biệt hai cấp độ vì mục đích so sánh mà thôi, chứ không có ý bảo rằng người tĩnh tâm có thể dừng lại ở cấp độ dưới, bởi lẽ con đường họ đi chỉ có một chiều là tiến lên mãi để tìm cái hơn trong việc phụng sự Chúa. Và bởi đấy mới có kinh nguyện dâng hiến.
Ðiểm suy gẫm ba này đáp ứng mấy câu Chúa nói trong Phúc âm mà chúng ta đã có dịp trích dẫn. Ví dụ về sự thanh bần: "Con chồn có hang và chim trời có tổ, Con loài người thì không có chỗ tựa đầu" (Lc 9,58), hoặc câu: "Anh hãy đi, bán cái anh có, đem cho người nghèo, và anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi anh hãy đến theo tôi" (Mt 19,21). Về việc chịu sỉ nhục, Chúa báo trước cho các môn đệ: "Họ sẽ nộp anh em cho tòa công nghị và đánh đòn anh em giữa hội đường. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt các vua quan vì Thầy" (10, 17-18). Tuy nhiên, việc điểm suy gẫm ba đang nói ở đây không nhắc xa gần gì đến những tiếng gọi hay những lời nhắn nhủ này của Chúa, là điều hợp lý, bởi vì, như đã nói, điểm suy gẫm ba giả thiết rằng người tĩnh tâm chưa hoặc không biết mình có được Chúa chọn và gọi vào bậc sống hay lối sống đó không. Ðiểm suy gẫm ba chỉ mới nói đến ước vọng và quyết tâm của họ về vấn đề này, chứ không nói đến ý muốn của Chúa đối với họ cũng về vấn đề đó. Ít là nói theo nguyên tắc, họ còn đang đi tìm ý muốn của Chúa.
Tóm lại, trong bài Vương quốc, Ðức Kitô mời gọi người ta cộng tác với Ngài trong công cuộc rao giảng Nước Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Mối tương quan tam giác xuất hiện: kẻ đáp lại tiếng gọi của Chúa là kẻ tự đặt mình trong tương quan với Chúa với tư cách cộng tác viên của Ngài để, cùng với Ngài, họ đặt mình trong tương quan với những người cần được chinh phục về cho Thiên Chúa. Sáng kiến tạo ra tương quan tam giác này là của Chúa, và điều này dĩ nhiên cho thấy tình yêu của Ngài đối với những kẻ Ngài kêu gọi và đối với những kẻ Ngài muốn chinh phục. Ðối với những kẻ đi theo Ngài, Ngài sẽ cho họ được vào trong vinh quang với Ngài nơi Ðức Chúa Cha; đối với những kẻ khác, Ngài muốn đem chân lý đến cho họ, và đây là chân lý giải thoát khiến họ được gia nhập Nước Thiên Chúa. Như vậy sự chuyển động qua lại của các mối tương quan kia khởi từ Ðức Kitô như điểm xuất phát, và đích điểm mà nó hướng tới sẽ là sự đoàn tụ hạnh phúc trên thiên quốc: những kẻ đi theo Chúa cũng như những kẻ được Chúa chinh phục, tất cả sẽ được ở trong triều đình thiên quốc của "Vua vĩnh cửu và Chúa vạn vật".
Vừa rồi chỉ mới nói đến sự hiện hữu của mối tương quan tam giác, nghĩa là chúng ta chỉ mới ở trong bình diện lý thuyết. Nhưng khi đọc lên kinh nguyện tự hiến, người tĩnh tâm còn tự đặt mình trong tương giao trực tiếp với Ðức Kitô. Qua kinh nguyện này, họ bày tỏ cho Ngài thái độ, tâm tình và ước nguyện của họ liên quan đến việc đáp lại tiếng gọi của Ngài. Lẽ tất nhiên họ đi theo phụng sự Ngài trong sự hiệp nhất với Giáo hội của Ngài, như sẽ thấy khi nói về việc cảm nghĩ theo Giáo hội (s. 352- 370).
Kinh nguyện tự hiến diễn tả tính tích cực cao độ của sự đáp lại ý muốn của Chúa: người tĩnh tâm không những sẵn sàng chịu cực nhọc với Ngài, mà còn muốn phụng sự Ngài hơn bằng sự noi gương Ngài chịu sỉ nhục và sống cảnh nghèo là những cái làm nên đặc điểm cuộc sống trần thế của Ngài, là những cái làm thành con đường Ngài đã đi trong việc thi hành sự mệnh cứu độ.
Bài Vương quốc, cách riêng ở điểm suy gẫm ba này, vạch ra trước mặt người tĩnh tâm một hướng đi cho sự lựa chọn mà họ sẽ thực hiện trong Tuần Hai này. Thực ra, không một ai muốn gắn bó với Chúa và muốn nổi bật trong việc phụng sự Chúa, muốn hết lòng yêu mến và theo gương Chúa, mà lại không chấp nhận hướng đi đó; nó là hướng đi duy nhất của kẻ muốn đi theo Chúa Giêsu vác thập giá, vì chọn nó là thực hiện câu Chúa đã nói với các môn đệ: "Hãy bỏ mình đi và vác thập giá mình, và hãy theo Thầy" (Mt 16,24). Những bài tập khác tiếp theo sẽ giúp người tĩnh tâm xác tín về ý nghĩa và giá trị của hướng đi đó để họ thêm sẵn sàng và quyết tâm dấn thân, và bắt đầu là bằng một sự lựa chọn của riêng họ. Nói lựa chọn là hàm ý rằng, về phía họ, đó là một hành vi có phán đoán và tự do. Ðàng khác tuy hướng đi chung là như thế, nhưng nó gồm nhiều nét khác nhau tùy theo sự lựa chọn của mỗi người: mỗi người có cách sống, lối sống hay bậc sống của riêng mình; không phải ai cũng là thánh Phanxicô Xaviê, thánh Gioan Thánh giá, thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu v.v. Trong vườn Giáo hội có nhiều thứ hoa!
Bài Nguyên lý và Nền tảng nói đến ba việc phải làm thuộc cứu cánh đời người, là tán dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa. Vậy ở bài Vương quốc, ba việc đó, một cách cụ thể, thu vào việc đi theo Ðức Kitô. Bài Nguyên lý và Nền tảng khuyên: "Chỉ ước ao và chọn lựa cái gì dẫn đưa chúng ta hơn tới cứu cánh mà vì nó chúng ta được dựng nên" (s. 23,7). Vậy ở bài Vương quốc, điều này cốt ở chịu sỉ nhục và sống nghèo khó để noi gương Ðức Kitô, Ngài là Con Một của Thiên Chúa, là Ðấng hoàn toàn đẹp lòng Ðức Chúa Cha, là Ðấng đã giáng trần và sống một cuộc đời được đan dệt bằng những sỉ nhục và sự nghèo khó để thi hành ý muốn của Cha Ngài là cứu chuộc nhân loại.
Một viễn tượng tông đồ mở ra trước mắt người tĩnh tâm khi họ bắt đầu bước vào Tuần Hai: Ðức Kitô được giới thiệu cho họ là Ðấng đi rao giảng Nước Thiên Chúa để giải thoát mọi người khỏi quyền lực tội lỗi, và kẻ đi theo Ngài là kẻ cộng tác với Ngài trong sứ mệnh này. Và ở mào đầu hai của bài suy niệm này, người tĩnh tâm đã xin ơn được tham dự sứ mệnh đó của Chúa khi họ xin ơn không bịt tai lại trước lời kêu gọi của Chúa, nhưng mau mắn đáp lại, giống như trường hợp hai anh em Phêrô và Anrê được Chúa bảo: "Hãy theo Tôi", hai ông lập tức bỏ lại tất cả để đi theo Chúa; hai anh em Giacôbê và Gioan cũng thế (Mt 4,18-22).
Theo sách Linh thao, người tĩnh tâm sẽ suy gẫm về bài Vương quốc hai lần - làm lần hai không đồng nghĩa với lặp lại - một lần vào buổi sáng sau khi thức dậy, một lần vào bữa cơm trưa hoặc cơm tối (s. 99).