Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


XI. CÁC QUY TẮC

Trong sách Linh thao, mục cuối cùng là mục "Những quy tắc và chú thích". Vậy chuỗi quy tắc thứ hai ở mục này mang nhan đề: "Những quy tắc nhắm cùng một hiệu quả nhờ sự phân biệt rộng lớn hơn về các thần, và chúng thích hợp hơn cho Tuần thứ hai." Vì chúng thích hợp hơn cho Tuần này, nên xin nói ngay đến chúng ở đây.

Trong khi chuỗi quy tắc thứ nhất ở mục Những quy tắc và chú thích, nói chung đến sự yên ủi và sự sầu khổ thiêng liêng, và chú trọng hơn đến sự sầu khổ thiêng liêng, thì chuỗi quy tắc thứ hai gồm tám quy tắc (s. 329-336) đề cập cách riêng sự yên ủi thiêng liêng, đại ý như sau.

- Quy tắc một: đặc điểm của sự yên ủi thật là niềm vui thiêng liêng và sự bình an; ác thần hành động chống lại điều này (s. 329).

- Quy tắc hai: sự yên ủi không có nguyên do, là sự yên ủi đến trực tiếp từ Thiên Chúa, bởi vì chỉ một mình Ngài có quyền vào và ra khỏi linh hồn và gây một thúc đẩy nơi linh hồn đó. Nói sự yên ủi không nguyên do là ý nói: "Không có một tình cảm hay một nhận thức trước về một đối tượng nào mà nhờ nó nảy ra sự yên ủi do hành vi của trí hiểu và lòng muốn" (s. 330).

- Quy tắc ba: sự yên ủi có nguyên do, là sự yên ủi đến từ thiện thần hoặc từ ác thần; thiện thần thì nhằm đem ích lợi đến cho linh hồn để linh hồn tiến lên trong sự thiện; ác thần nhằm ngược lại (s. 331).

- Quy tắc bốn: ác thần có thể mặc lốt thiện thần bằng cách gợi ra những ý tưởng lành thánh để rồi dần dần đưa linh hồn vào sự lầm lạc (s. 332). [Ở đây chúng ta nhớ đến lời thánh Gioan khuyên: "Anh em thân mến, đừng bất cứ thần nào cũng tin, nhưng hãy nghiệm xét các thần xem có phải bởi Thiên Chúa hay không" (1 Ga 4,1), và ngài nói đến hai loại thần: thần sự thật và thần sai lạc (4,6)].

- Quy tắc năm: dấu hiệu để nhận ra thiện thần là diễn tiến tư tưởng của chúng ta, từ khởi sự cho tới kết thúc, đều tốt và hướng đến sự thiện; diễn tiến đi ngược lại và khiến cho linh hồn lo lắng, bối rối, thiếu bình an, là dấu hiệu rõ ràng về hoạt động của ác thần (s. 333).

- Quy tắc sáu: khi phát giác được mưu toan lừa gạt của ác thần vì nhận ra cái mục đích xấu mà nó có ý dẫn tới qua việc lúc đầu nó nhử mồi bằng những ý tưởng tốt lành, thì nên đi ngược lại dòng diễn tiến tư tưởng mà nó đã dùng, để xem nó đã cố gắng đưa dần dần xuống dốc như thế nào. [Vậy đây là việc phân tích một kinh nghiệm để tránh những lừa gạt của nó sau này (s. 334).]

- Quy tắc bảy: nơi những người tấn tới trên đường thiêng liêng, thiện thần tiếp xúc họ cách êm ái, dịu dàng, còn ác thần thì tiếp xúc họ cách dữ dội, ầm ĩ; nhưng nơi những người sa sút thì các hành động của ác thần lại khác, tức là thay vì xâm nhập cách ồn ào, "nó vào lặng lẽ như vào nhà của mình đang mở cửa" (s. 335).

- Quy luật tám: sự yên ủi không có nguyên do thì chắc chắn là sự yên ủi thật, bởi lẽ nó chỉ có thể đến từ một mình Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên sau khi con người nhận được sự yên ủi đó, họ có thể đi trệch đường hoặc do suy luận riêng của mình, hoặc do ảnh hưởng của thiện thần hay ác thần mà họ hình thành những dự định và ý kiến không do Thiên Chúa trực tiếp ban cho. Vì thế phải cảnh giác (s. 336).

Về Chúa Thánh Thần, ở đây bản văn không nói rõ về Ngài, nhưng trong Bản chỉ đạo thủ bút, thánh I-nhã có nói rằng "người ta phải giải thích dài thế nào là sự yên ủi, bằng cách ôn lại tất cả những thành phần của nó, như sự bình an nội tâm, niềm vui thiêng liêng, sự hy vọng, đức tin, lòng mến, nước mắt và sự nâng trí khôn lên, tất cả những cái này là những ơn của Chúa Thánh Thần."

Về vấn đề thiện thần và ác thần, nói cách tổng quát, tất cả những yên ủi thật dều do Thiên Chúa ban cho hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, và nói đến thiện thần để chỉ hành động gián tiếp này của Thiên Chúa, còn những yên ủi giả là do ác thần gây ra, ác thần ở đây rõ ràng là quỷ. "Quỷ là tên nói dối và là cha của sự lừa gạt" (Ga 8,44), nó tìm lừa gạt người ta và cám dỗ người ta đi vào con đường tội lỗi. Sách Sáng thế đã ám chỉ quỷ khi viết rằng con rắn cám dỗ tổ tông Ađam và Evà. Thiết nghĩ ác thần nói trong chuỗi các quy tắc trên kia còn nên hiểu theo nghĩa rộng để chỉ tất cả những cái gì được ví như những lực nào đó phù hợp với những ý định xấu của quỷ, là thúc đẩy con người tìm đến cái xấu. Những cái lực này không chỉ từ ngoài tới, mà còn ở chính trong con người, như những khuynh hướng xấu, những động cơ vô thức xấu, "dục vọng của xác thịt, dục vọng của mắt, sự tin tưởng cách kiêu căng vào của cải" (1 Ga 1,16), v.v.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page