Như đã rõ, trong Tuần Hai, người tĩnh tâm chiêm ngưỡng Ðức Kitô từ khi Ngài nhập thể và giáng sinh cho tới khi Ngài bắt đầu bước vào cuộc Tuẫn nạn. Xét về mặt thời gian, đây là gần trọn cuộc sống của Chúa. Nói cho đúng thì cuộc Tuẫn nạn và, rộng hơn, cả cuộc Phục sinh của Chúa, cũng thuộc về quãng đời công khai của Chúa, nhưng vì biến cố Tuẫn nạn và Phục sinh mang ý nghĩa và giá trị hết sức đặc biệt, nên nó được tách riêng và dành cho Tuần Ba và Bốn. Vậy cuộc đời của Chúa từ nhập thể cho tới giáp cuộc Tuẫn nạn được chia thành hai: quãng đời thơ ấu và ẩn dật, và quãng đời hoạt động công khai. Sự phân biệt được đánh dấu bằng hai bài Hai lá cờ hiệu và Ba hạng người dành riêng cho ngày thứ bốn của Tuần.
Về số lượng thời gian dành cho mỗi quãng đời của Chúa, số lượng này không chia đều: theo lý thuyết, quãng đời thơ ấu và ẩn dật gồm ba ngày, quãng đời công khai gồm tám ngày (không kể việc xen vào giữa hai quãng đời đó ngày thứ bốn với hai bài Hai lá cờ hiệu và Ba hạng người). Nói là theo lý thuyết vì, theo lý thuyết, Tuần Hai lâu mười hai ngày; nhưng, vẫn theo sách Linh thao, Tuần Hai (cũng như các Tuần khác) có thể rút vắn lại hoặc kéo dài thêm, tùy như số thời giờ mà người tĩnh tâm muốn dành cho hoặc tùy theo lợi ích thiêng liêng mà họ thu nhận được (s. 162,1-2). Vì thế họ có thể kéo dài thời gian chiêm niệm về quãng đời trước hay về quãng đời sau của Chúa, hoặc về cả hai. Nhưng giữa việc chiêm niệm về quãng đời trước và việc chiêm niệm về quãng đời sau có sự khác biệt. Ðó là, trong khi về quãng đời trước của Chúa, sách Linh thao giới thiệu hai đề tài chiêm niệm cho mỗi ngày thì, về quãng đời sau của Chúa chỉ giới thiệu có một. Sách Linh thao không nói lý do tại sao có sự khác nhau này. Chắc chắn công việc lựa chọn không liên hệ đến vấn đề giảm bớt đề tài, bởi lẽ số giờ dành cho việc chiêm niệm của mỗi ngày vẫn không thay đổi. Nhưng chúng ta cũng có thể nhận thấy điều này là, về quãng đời trước của Chúa, hai đề tài chiêm niệm của mỗi ngày dễ được hợp lại chung với nhau để làm thành bài lặp lại và bài áp dụng ngũ quan.
Các bài chiêm niệm trong Tuần được giới thiệu hợp với thứ tự sẵn có trong Phúc âm, trừ hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là sự đảo lộn thứ tự của hai bài chiêm niệm dành cho ngày thứ ba và trích trong Phúc âm theo thánh Luca: sự kiện Chúa năm lên mười hai tuổi đã ở lại đền thờ sau khi hành hương cùng với cha mẹ, là sự kiện xảy ra trước sự kiện Chúa theo cha mẹ trở về Nagiarét; nhưng sự kiện thứ hai này lại được dùng để làm đề tài chiêm niệm trước sự kiện thứ nhất. Chúng ta có thể phỏng đoán ít là hai lý do của sự đảo thứ tự này. Lý do thứ nhất: đề tài Chúa trở về Nagiarét có ý nói đến một quãng thời gian dài và liên tục, tức quãng đời thơ ấu và ẩn dật, mang đặc điểm là sự phục tùng cha mẹ, còn việc Ngài ở lại đền thờ khiến cha mẹ phải lo lắng đi tìm, chỉ là một biến cố nhất thời ghi một dấu ấn vào khoảng thời gian sống ẩn dật kia. Lý do thứ hai: trong "Mào đầu để suy xét về các bậc sống" (s. 135) thuộc về mục lựa chọn trong sách Linh thao, có nói đến hai bậc sống khác nhau, một bậc sống được gợi ý qua việc Chúa sống vâng lời cha mẹ, và một bậc sống được gợi ý qua việc Chúa bỏ cha mẹ để ở lại trong đền thờ để hiến mình cho việc phụng sự "Cha vĩnh cửu của Ngài". Bậc sống trước là bậc sống tuân thủ các giới lệnh, và bậc sống sau gọi là "sự toàn thiện theo Phúc âm". Việc đảo thứ tự giữa hai đề tài chiêm niệm nói trên có thể nhằm mục đích diễn tả sự tương ứng với thứ tự thấp và cao về giá trị (giá trị khách quan) của hai bậc sống.
Trường hợp thứ hai không theo thứ tự sẵn có trong Phúc âm, là đề tài "sự giảng dạy trong đền thờ" trích trong Phúc âm theo thánh Luca (Lc 19,47-48). Theo thánh Luca, phần tường thuật này đặt liền sau sự kiện Chúa đuổi những người buôn bán nơi đền thờ; mà theo thánh Luca cũng như thánh Mátthêu thì việc Chúa xua đuổi những người buôn bán xảy ra sau khi Chúa được dân chúng đón rước vào thành Giêrusalem. Nhưng sách Linh thao đã đặt bài chiêm niệm "sự giảng dạy trong đền thờ" vào ngày thứ mười của Tuần, và đưa bài chiêm niệm "Lễ lá" vào ngày mười hai. Sự đổi thứ tự này cũng dễ giải thích: đề tài về Chúa giảng dạy trong đền thờ được tách khỏi sự kiện liền trước đó là việc Chúa xua đuổi những người buôn bán nơi đền thờ, để chỉ có ý nói hai điểm như được ghi trong sách Linh thao (s. 288): Chúa giảng dạy trong đền thờ (tức Chúa thi hành sứ mệnh rao giảng Nước Trời), Chúa trở lại Bêthania - điểm thứ hai này không có trong Phúc âm theo thánh Luca, nhưng phỏng theo Phúc âm theo thánh Mátthêu (Mt 21,17). Bài Lễ lá được dành lại sau để kết thúc cuộc đời hoạt động công khai của Chúa, và điều này phù hợp với phụng vụ theo đó Tuần Thánh bắt đầu với Lễ lá.
Không kể cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa chỉ được nói đến trong Phúc âm theo thánh Mátthêu và thánh Luca, tất cả bốn Phúc âm đều tường thuật dài cuộc đời công khai của Chúa, do đấy cả bốn Phúc âm có thể cung cấp rất nhiều những "mầu nhiệm", những cảnh dùng làm đề tài chiêm niệm. Nhưng tuy Tuần Hai gồm mười hai ngày, tổng cộng chỉ có tám bài chiêm niệm về cuộc đời công khai của Chúa, vì từ ngày thứ năm trở đi cho tới hết tuần, mỗi ngày chỉ có một đề tài chiêm niệm. Vậy dĩ nhiên phải có sự chọn đề tài này và bỏ đề tài nọ, điều không xẩy ra cho Tuần Ba và Tuần Bốn, vì trong Tuần Ba việc chiêm niệm bao trùm toàn thể tài liệu mà Phúc âm cung cấp về cuộc Tuẫn nạn của Chúa; và trong Tuần Bốn, việc chiêm niệm về cuộc Phục Sinh của Chúa dùng đến không những toàn thể tài liệu của Phúc âm, mà còn cả những tài liệu ngoài Phúc âm, như sẽ có dịp nói sau.
Các đề tài chiêm niệm liên quan đến cuộc đời công khai của Chúa được trích từ Phúc Âm theo Thánh Matthêu là chính; Phúc âm theo Thánh Luca và theo Thánh Gioan được dùng tới khi đề tài không có trong Phúc âm theo Thánh Matthêu. Nói rõ hơn: năm đề tài lấy từ Phúc âm theo Thánh Matthêu (trong đó có một đề tài chung với Phúc âm theo Thánh Luca); một đề tài của riêng Phúc âm theo Thánh Luca; một đề tài của riêng Phúc âm theo Thánh Gioan; một đề tài tổng hợp (của ngày thứ bảy) là bài "Lời kêu gọi các tông đồ", phỏng theo cả bốn Phúc âm. Thứ tự các đề tài cũng theo thứ tự trong Phúc âm, trừ một trường hợp đảo thứ tự (cộng với một trường hợp đảo thứ tự, liên quan đến quãng đời ẩn dật của Chúa) đã nhắc đến trên kia.
Như chúng ta đều rõ, mỗi sách Phúc âm có những quan điểm riêng, có cái nhìn thần học riêng về mầu nhiệm Ðức Kitô. Vì thế để hiểu những câu hay những đoạn trích từ một quyển sách Phúc âm nào dùng làm đề tài chiêm niệm, chúng ta không được tách biệt chúng ra khỏi sách Phúc âm đó. Cũng vì thế việc ở đây dùng những câu hay đoạn trích từ các sách Phúc âm khác nhau làm đề tài chiêm niệm, không được coi như là có ý định hòa trộn các sách Phúc âm lại với nhau thành một, mà là nhằm giúp thấy rõ khía cạnh nào đó của cuộc đời Ðức Kitô nhờ ở sự bổ túc cho nhau giữa các sách Phúc âm.
Dùng đề tài này và bỏ đề tài khác mà sách Linh thao giới thiệu, điều đó là tùy, vì theo ghi chú của sách Linh thao mà chúng ta đã nói tới, thì có thể rút vắn hay kéo dài Tuần Hai; lại cũng ghi chú này còn thêm rằng "Ðây chỉ là một dẫn nhập và một phương pháp để sau đó có thể chiêm niệm tốt hơn và cách đầy đủ hơn" (s. 162). Tuy nhiên việc sách Linh thao giới thiệu những đề tài chiêm niệm chắc cũng phải do một lựa chọn có cân nhắc, mà sự kiện đảo thứ tự hai bài chiêm niệm là một bằng chứng hay một dấu chỉ. Xem ra khó có thể tìm được giải thích có đủ tính cách thuyết phục về vấn đề này, nhưng cũng xin nêu ra sự kiện là chúng ta có thể nhận thấy những nét liên hệ hoặc ẩn hoặc hiện, hoặc xa hoặc gần, của những bài chiêm niệm Phúc âm (từ bài Giáng sinh trở đi) với hoặc bài Vương quốc hoặc bài Hai lá cờ hiệu hoặc với cả hai.
Ngoài ra cũng nên ghi nhận mối liên hệ của bài Nhập thể (ngày thứ nhất) với bài Chúa chịu phép rửa (ngày thứ năm) và bài Chúa biến dạng trên núi (ở mục Các mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô Chúa chúng ta). Thực vậy, bài Nhập thể, bài chiêm niệm đầu tiên của Tuần, ở điểm chiêm niệm hai và ba, nói đến Ba Ngôi Thiên Chúa có ý định cứu chuộc nhân loại và bắt đầu thực hiện ý định đó. Vậy sang ngày thứ năm, bài Chúa chịu phép rửa căn cứ vào Phúc âm theo thánh Mátthêu (Mt 3, 13-17), coi việc Chúa chịu phép rửa này là một khởi đầu mới: Chúa bước vào cuộc đời hoạt động công khai. Ðiểm ba của bài chiêm niệm này ghi vắn tắt: "Chúa Thánh Thần hiện xuống, cũng như có tiếng Ðức Chúa Cha từ trời chứng nhận rằng "Người này là Con rất yêu quý của Ta, rất đẹp lòng Ta" (s. 273). Như vậy một lần nữa Thiên Chúa Ba Ngôi được nhắc đến trong kế hoạch cứu độ là kế hoạch được ủy thác cho Ðức Kitô hoàn thành. Bài "Sự biến dạng của Ðức Kitô" (s. 284) đặt trước bài "Ông Lagiarô sống lại" (bài của ngày mười một), nói đến tiếng từ trời phán rằng "Người này là Con rất yêu dấu của Ta, hãy nghe lời Người." Câu này xác nhận Ðức Kitô là Con Thiên Chúa, là Ðấng đến thế gian để thực hiện sứ mệnh cứu chuộc được trao phó cho, và do đó Ngài là Ðấng đáng cho mọi người nghe và đi theo; và ở đây chúng ta nhớ đến bài Vương quốc ở đó Vua vĩnh cửu kêu gọi người ta đi theo Ngài; chúng ta cũng nhớ đến bài Hai lá cờ hiệu ở đó Ðức Kitô kêu gọi mọi người hãy đến quy tụ dưới bóng cờ của Ngài.