Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


ÍT ÐIỀU NHẮC BẢO

1. Những điều bổ di (s. 73-90).

Sau phần về các bài tập, có một mục mang nhan đề: "Những điều bổ di để làm các bài tập cách tốt hơn và để tìm thấy cách tốt hơn điều người ta ước ao." Nhan đề này đã nêu rõ mục đích của các điều bổ di. Tất cả có mười điều bổ di trong đó chín điều liên quan đến việc suy ngắm, và điều thứ mười liên quan đến việc thống hối đền tội. Tất cả mười điều bổ di, sau khi phải thay đổi những cái cần được thay đổi, sẽ áp dụng cho cả các Tuần Hai, Ba và Bốn.

Những điều bổ di liên quan đến việc suy ngắm, chúng ta đã có dịp nói đến rồi, dưới đây xin chỉ nhắc qua lại.

1. Khi nằm trên giường chờ ngủ, dành một phút để nhớ lại nội dung bài suy ngắm sẽ làm sau khi thức dậy.

2. Khi thức dậy (vào nửa đêm hay buổi sáng), nghĩ đến bài suy ngắm sắp làm; có những hình ảnh, tâm tình và sự ước muốn phù hợp với đề tài (ví dụ hổ thẹn vì đã phạm tội xúc phạm đến Thiên Chúa). (Ðiều bổ di này sẽ được sửa đổi cho thích hợp với các Tuần khác: s. 130,2; 206,2; 229,2).

3. Trước khi bắt đầu suy ngắm, dành khoảng một phút để suy xét xem Thiên Chúa đang ở trước mặt và đang nhìn mình như thế nào, rồi làm một cử chỉ tôn kính (bái, lạy, bái gối).

4. Giữ những tư thế thể xác nào thuận lợi cho việc cầu nguyện, như quỳ, sấp mặt xuống đất, nằm ngửa, ngồi, đứng. (Nếu ở trong nhà thờ trước mặt nhiều người thì phải tránh một số tư thế: s. 88,2). Nếu tư thế thể xác nào đang thuận lợi cho việc cầu nguyện, thì cứ giữ tư thế đó, không đổi. Khi điểm nào trong bài suy ngắm giúp tìm được điều ước ao, thì cứ tiếp tục suy ngắm điểm đó, không nên bận tâm về việc chuyển sang điểm khác.

5. Sau giờ suy ngắm, dành mười lăm phút kiểm điểm xem đã suy ngắm tốt chưa hoặc còn có gì phải sửa.

6. Không nghĩ đến những điều gây vui, vì sự vui mừng không thích hợp với Tuần Nhất là Tuần đau buồn vì các tội đã phạm; tốt hơn, nên nhớ đến sự chết, sự phán xét. (Ý chính là không nghĩ đến những điều gợi ra tâm tình - tuy là tâm tình đạo đức - trái ngược với Tuần Linh thao đang làm: s. 130,3; 206,4; 229,3).

7. cũng theo chiều hướng trên, trong phòng, khi không cần ánh sáng thì hãy đóng các cửa lại. (Ðiều bổ di này được sửa đổi cho thích hợp với các Tuần khác: s. 130,4; 229,4).

8. Không cười, không gây cười.

9. Giữ con mắt nhìn xuống, trừ khi phải tiếp xúc với người ta.

10. Về sự thống hối đền tội. Ðiều bổ di này dài hơn cả, và phân biệt hai loại hành vi bên trong và bên ngoài, tức thống hối trong lòng và thống hối bên ngoài - chúng ta gọi sự thống hối bên ngoài là sự đền tội. Sự thống hối bên trong hoặc trong lòng cốt ở đau buồn về các tội của mình và quyết tâm sẽ không bao giờ phạm tội nữa. Sự thống hối bên ngoài là biểu lộ của sự thống hối bên trong, là kết quả của sự thống hối này và là sự sửa phạt các tội đã phạm. Sau khi nói cách đại cương như thế, điều bổ di đi riêng vào vấn đề thống hối bên ngoài, tức việc đền tội. Tuy nhiên đây không phải là một giáo trình về sự khổ hạnh, mà chỉ là một vài khuyên nhủ thực tế.

Vậy ba thứ hành xác hoặc hãm mình được nói đến, là bớt ăn, bớt ngủ và gây đau thể xác (như mặc áo nhặm, đánh tội). Nói bớt ở đây không phải chỉ là bớt cái mình có dồi dào, dư dật, mà là bớt cái mà bình thường phải có, bản văn ghi là bớt "cái thích hợp" (conveniente). Những việc hành xác nhằm ba mục đích:

Ðiều bổ di còn thêm chú thích: khi không tìm được điều ao ước, người tĩnh tâm thường nên thay đổi các việc hành xác, chẳng hạn hành xác trong hai ba ngày, rồi thôi hành xác trong hai ba ngày khác. Lại có khi đối với người này thì nên tăng sự hành xác, nhưng đối với người khác thì nên bớt. Ngoài ra có khi chúng ta hành xác quá đáng vì lầm tưởng mình đủ sức chịu đựng. Như vậy, nói cách khác, tất cả đều phải có mức độ hợp với sự khôn ngoan, không làm hại sức khỏe cách đáng kể hay gây bệnh.

Về vấn đề hành xác, xin thêm vài ý kiến. Việc hành xác thuộc về sự khổ hạnh, và sự khổ hạnh là điều cần thiết, vì con đường thập giá là con đường của bất kỳ ai muốn đi theo Ðức Kitô; nó là sự tham dự mầu nhiệm phục sinh của Ngài. Thánh Phaolô nhắc đến việc các vận động viên chạy đua đã phải chịu khổ hạnh gắt gao, và ông nói rằng chính ông đã đối xử khắc nghiệt với thể xác (1 Cr 9,25-17). Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo viết: "Sự tiến bộ thiêng liêng bao hàm sự khổ hạnh và hành xác là những cái từng bước dẫn tới sống trong an vui của các phúc" (s. 2015). Tuy nhiên, những cách hay những hình thức thì thay đổi tùy theo thời đại và tùy theo nền văn hóa. Lại việc hành xác không chỉ nhằm ba mục đích nói trên. Trong sánh Linh thao, bài Vương quốc mà chúng ta sẽ tìm hiểu khi bước sang Tuần Hai, có nói đến trường hợp những người "hành động ngược lại nhục dục của riêng mình và ngược lại lòng yêu xác thịt và thế gian" (s. 97,2). Vậy sự "hành động ngược lại" ở đây là một thứ hành xác, nhưng là sự hành xác nhằm mục đích đi theo Ðức Kitô để cộng tác với Ngài trong sứ mệnh cứu thế của Ngài, vì thế nó mang ý nghĩa và giá trị của một tình yêu hiến dâng mà họ dành cho tha nhân, cho các linh hồn.

Sau cùng, mục về những điều bổ di được kết thúc bằng một chú thích nhắc bảo người tĩnh tâm rằng, trong cả Tuần (Tuần Nhất), khi xét mình riêng, hãy xét xem đã (làm các bài tập và) giữ những điều bổ di như thế nào. Ðiều này chứng tỏ rằng những điều bổ di được coi là quan trọng. Một chú thích ở Tuần Hai cũng nói: "Tất cả mười điều bổ di phải được thực hành rất cẩn thận" (s. 130,6). Tuần Ba nhắc lại việc xét mình riêng về các bài tập và mười điều bổ di (s. 207).

2. Sự yên ủi và sự sầu khổ thiêng liêng

Trong sách Linh thao, ở phần cuối cùng mang nhan đề: "Những quy tắc và chú thích", chúng ta đọc thấy lần lượt ba chuỗi quy tắc khác nhau, sáu ghi chú, và sau cùng lại là một chuỗi quy tắc khác (s. 313-370).

Về chuỗi quy tắc thứ nhất, sách Linh thao ghi: "Những quy tắc này thích hợp hơn cho Tuần thứ nhất." Vì thế xin nói qua đến những quy tắc đó ngay ở đây. Chuỗi quy tắc đó có nhan đề là "Những quy tắc để cảm thấy và biết phần nào những chuyển động khác nhau được gây ra trong linh hồn: những chuyển động tốt để đón nhận và những chuyển động xấu để loại bỏ, và những quy tắc này thích hợp hơn cho tuần thứ nhất." Những quy tắc này tập trung vào sự yên ủi (thần ủy) và sự sầu khổ (thần khổ) thiêng liêng ; đây là hai tình trạng có thể xuất hiện, và cả luân phiên xuất hiện, trong linh hồn.

Về sự yên ủi, sách Linh thao xác định: "Tôi gọi là sự yên ủi khi trong linh hồn phát khởi một chuyển động nội tâm nào đó mà do đó linh hồn được bốc cháy trong tình yêu mến Ðấng Tạo hóa và Chúa của mình /.../ Cũng thế, khi linh hồn chảy những giọt nước mắt kích thích lòng yêu mến Chúa của mình, hoặc do đau đớn vì những tội của mình hay vì cuộc Tuẫn nạn của Ðức Kitô Chúa chúng ta, hoặc do tất cả những sự khác hướng thẳng đến việc phụng sự và tán dương Ngài. Sau cùng, tôi gọi là sự yên ủi mọi sự gia tăng lòng cậy, lòng tin và lòng mến, và mọi niềm hoan lạc bên trong nó mời gọi và lôi kéo đến những sự trên trời và đến phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được an tĩnh và bình an trong Ðấng Tạo hóa và Chúa của mình" (s. 316). Sự yên ủi này là ơn ban không của Thiên Chúa (s. 322,3; 329,1; 330,1), là cái thuộc thiện thần (s. 315,3; 329,1; 331,1).

Sự sầu khổ thiêng liêng là cái ngược lại sự yên ủi thiêng liêng: "Như sự tối tăm của linh hồn, sự rối loạn nơi nó, sự chuyển động tới những cái thấp hèn và trần tục, sự bất an do những xao động và những cám dỗ khác nhau, chúng gây ra sự không tin tưởng, không trông cậy, không yêu mến, [linh hồn] thấy mình rất lười biếng, nguội lạnh, buồn bã và như bị chia lìa khỏi Ðấng Tạo hóa và Chúa của mình" (s. 317,2-3).

Ðại cương các quy tắc cho người tĩnh tâm biết:


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page