Bài tập hai gồm nhiều điều được coi là bổ sung và hoàn bị bài tập một, và nó tập trung vào việc đào sâu vấn đề các tội riêng của người tĩnh tâm.
Ở phần nhập đề, mào đầu một về cấu tạo nơi chốn dùng lại mào đầu một của bài tập trước, tức là người tĩnh tâm tưởng tượng như thấy linh hồn mình bị giam cầm trong thể xác dễ hư nát, v.v. Nhưng mào đầu hai về ơn xin, thay vì xin sự hổ thẹn như bài tập một, "xin được nỗi đau lớn lao và mãnh liệt và những giọt nước mắt vì các tội" của mình (s. 55) - chảy nước mắt là điều thuộc sự yên ủi thiêng liêng (s. 316,3). Ðây mới là điều mà người tĩnh tâm chủ yếu đi tìm trong Tuần Nhất này, như chú dẫn bốn trong sách Linh thao cũng đã nói: "Có thể xảy ra là trong tuần thứ nhất có những người chậm tìm thấy hơn điều mà họ tìm kiếm, tức lòng thống hối, sự đau đớn, nước mắt vì những tội của mình" (s. 4,5).
Ở bài tập một, người tĩnh tâm đi tới sự hổ thẹn; sự hổ thẹn này xuất phát từ chỗ họ xác tín về sự trầm trọng và tà ác của những tội đã phạm, về sự không xứng đáng hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa, đồng thời họ khiêm tốn để thành thực với bản thân mà nhìn nhận mình là kẻ có tội. Vậy sự hổ thẹn này chuẩn bị tâm hồn họ để, ở bài tập hai, họ tiến tới đau buồn vì đã phạm tội. Ðây là sự chuyển động của tâm hồn từ bài tập một đến bài tập hai.
"Ðiểm một là tràng chuỗi các tội, nghĩa là nhớ lại hết các tội trong cuộc đời bằng cách nhìn xem từ năm này đến năm khác hoặc từ thời kỳ này đến thời kỳ nọ. Ba điều giúp ích cho việc đó: điều thứ nhất là nhìn xem nơi và nhà tôi đã ở; điều thứ hai, những giao tiếp tôi đã có với những người khác; điều thứ ba, chức vụ trong đó tôi đã sống" (s. 56).
Người tĩnh tâm vận dụng trí nhớ để nhớ đến các tội mình đã phạm dọc suốt cuộc đời. Ðể làm công việc tự kiểm này, họ nhìn lại
- về thời gian: các
đoạn thời gian như mỗi năm,
mỗi thời kỳ;
- về nơi chốn: các nơi họ đã
sống, các nhà họ đã ở;
- về quan hệ với tha nhân: những
giao tiếp hay ứng xử đối
với mọi người; - về việc
làm: chức vụ (và cả nghề
nghiệp, kế sinh nhai). Chức vụ gồm
trách nhiệm với bản thân và
chiều kích quan hệ xã hội.
Vậy, như chúng ta đã thấy, bài tập một chỉ mới nhắc qua một cách chung chung đến con số to lớn các tội mà người tĩnh tâm đã phạm, còn ở đây họ tự kiểm một cách kỷ lưỡng bằng việc xét đến các góc cạnh và chiều kích của cuộc đời họ.
"Cân đo các tội bằng cách nhìn xem sự xấu xa và tà ác mà mỗi tội trọng chứa đựng, cho dù đó là tội không bị cấm" (s. 57).
Người tĩnh tâm dùng trí hiểu để suy xét về sự xấu xa và tà ác của tội trọng, cho dù đó là tội không bị cấm. Nói tội trọng, mà lại có thể là tội không bị cấm, điều này khó hiểu đối với người thời nay. Vậy tội trọng không bị cấm ở đây hiểu là nết xấu xét như là nguồn sinh ra tội - thời thánh I-nhã và trước đó, người ta gọi chung là tội trọng. Về sự tà ác của tội, xin nhắc qua lại điều cũng đã được nói đến ở bài tập một: tội là một hành vi vô lý và điên rồ không xứng đáng với con người xét như là hữu thể có lý tính, bởi lẽ nó là sự tự ý quay lưng lại Ðấng là Chân, Thiện, Mỹ, để đi tìm cái giả, các ác, cái xấu; tội là cách ăn ở hỗn xược vì dám kiêu căng khước từ Ðấng là Tạo hóa và là Chúa; tội là cách ăn ở vô ân vì không đáp lại lòng tốt vô cùng của Ðấng là Tình yêu, v.v.
Bài tập một đã dùng từ tà ác (malicia) để chỉ tính chất của tội. Bài tập hai dùng thêm từ xấu xa. Vậy đây là một cách và là lúc nhấn mạnh cả tính chất này của tội mà bài tập một chưa minh nhiên nêu ra. Không có gì xấu xa bằng việc con người là thụ tạo lại xúc phạm đến Ðấng là Tạo hóa và là Chúa của mình, Ðấng mà họ có nhiệm vụ (và cả vinh dự) tán dương, tôn kính và phụng sự. Sự xấu xa và tà ác của tội sẽ được thấy rõ hơn ở hai điểm suy gẫm tiếp theo.
"Nhìn xem tôi là ai bằng cách giảm mình xuống qua các ví dụ: thứ nhất, tôi nhỏ bé biết bao sánh với mọi người; thứ hai, những con người là gì sánh với tất cả các thiên thần và các thánh trên thiên đàng; thứ ba, nhìn xem tất cả loài thụ tạo là gì sánh với Thiên Chúa: vậy thì một mình tôi, tôi có thể là gì ? Thứ bốn, nhìn xem thân xác tôi thật hư thối và xấu xa; thứ năm, nhìn xem tôi như một vết thương và một ung nhọt từ đó xuất phát biết bao tội và biết bao sự độc ác và chất độc thật ghê tởm" (s. 58).
Ở điểm một, người tĩnh tâm nhớ đến các tội đã phạm; ở điểm hai, họ suy xét về bản chất xấu xa của chúng; bây giờ, ở điểm ba, họ nhìn vào bản thân để suy xét về mình xét như là chủ thể phạm tội. Họ sẽ nhận ra sự nhỏ bé của mình nhờ vào các so sánh. Họ dùng các nấc so sánh từ thấp tới cao, từ nhỏ tới lớn để, qua mỗi so sánh họ lại thấy mình nhỏ bé hơn. Họ so sánh:
- mình với mọi người,
- những con người với các
thiên thần và các thánh,
- toàn thể loài thụ tạo với
Thiên Chúa.
Chúng ta lần lượt giải thích những so sánh này.
So sánh thứ nhất: "Tôi nhỏ bé biết bao sánh với mọi người." Ðiều này gợi ý cách chung về sự nhỏ bé của cá nhân người tĩnh tâm sánh với toàn thể nhân loại. Thực vậy, mỗi người chỉ là một thành phần không đáng kể của nhân loại, ví như một chiếc lá trong rừng cây; khả năng của mỗi người rất hạn hẹp, bằng chứng là không ai sống độc lập và cô lập hoàn toàn, hoặc nếu có sống được thì sống trong cảnh quá thiếu thốn về mọi mặt; những thiên tài phải được vun trồng trong xã hội mới nảy nở được; những khám phá và phát minh cũng không phải bỗng dưng mà có, nhưng chúng đã được chuẩn bị bởi những kiến thức và kinh nghiệm của xã hội và có khi từ nhiều thế hệ, v.v.
So sánh thứ hai: "Những con người là gì sánh với tất cả các thiên thần và các thánh trên thiên đàng." Sự cách biệt lớn lao giữa loài người và các thần thánh mà bản văn còn dùng thêm cụm từ "trên thiên đàng" (các thần thánh trên thiên đàng) để như nhấn mạnh, là điều hiển nhiên, bởi lẽ các thần thánh là những đấng không bị ràng buộc và bị hạn chế bởi thế giới vật chất hữu hình này của người trần; các ngài là những đấng trinh trong, thánh thiện, sáng láng, đang hưởng sự hiệp nhất vĩnh viễn với Thiên Chúa. Sự so sánh này giúp người tĩnh tâm nhận rõ hơn nữa mình nhỏ bé đến như thế nào: mình là nhỏ bé sánh với mọi người, thế mà mọi người lại nhỏ bé sánh với các thần thánh.
So sánh thứ ba: "Nhìn xem tất cả loài thụ tạo là gì sánh với Thiên Chúa: vậy thì một mình tôi, tôi có thể là gì?" Sự so sánh trên kia giữa người và các thần thánh tuy đã làm nổi bật sự cách bậc giữa hạ giới hay trần gian và thượng giới hay thiên đàng, nhưng vẫn còn là sự so sánh trong phạm vi cấp độ, bởi lẽ loài người dưới đất và các thần thánh trên trời đều thuộc chung một loại hạng là loài thụ tạo. Sự so sánh thứ ba ở đây lấy chung tất cả các loài thụ tạo đó đặt đối diện với Thiên Chúa. Sự so sánh này là sự so sánh nhảy vọt, vì sự khác nhau giữa loài thụ tạo và Thiên Chúa, như đã có dịp nói, là không thể diễn tả hay tưởng tượng nổi, là sự khác nhau giữa hữu hạn và vô cùng, giữa tương đối và tuyệt đối, giữa lệ thuộc và toàn năng. Vậy nếu cá nhân người tĩnh tâm là nhỏ bé sánh với toàn thể nhân loại, trong khi nhân loại là nhỏ bé sánh với các thần thánh, và tất cả lại đều như không là gì trước mặt Thiên Chúa, thì huống chi một mình người tĩnh tâm trước mặt Ngài. Nên để ý đến cụm từ "một mình tôi" (trong câu: "Vậy thì một mình tôi, tôi có thể là gì ?") đặt trong tương phản với những cụm từ "mọi người", "tất cả các thiên thần và các thánh".
Không dừng lại ở việc ý thức về sự thấp kém của mình nhờ những so sánh trên, người tĩnh tâm đi xa hơn nữa, là suy xét về mình xét như là con người tội lỗi, tức mình không phải chỉ là một hữu thể thụ tạo, mà còn là hữu thể phạm tội. Ðể giúp hình dung con người tội lỗi là chính mình, bản văn bảo: "Nhìn xem thân xác tôi thật hư thối và xấu xa". Sự xấu xa của thân xác ở đây là hình ảnh sự xấu xa của tội mà điểm suy gẫm hai đã nêu ra. Nói hư thối có thể để ám chỉ tình trạng con người phải chịu hậu quả của tội nguyên tổ là phải chết và thể xác sẽ tan rữa trong lòng đất, cũng có thể để đi tới hình ảnh ung nhọt sẽ nói sau. Về thân xác xấu xa thì, thực ra trước và sau khi con người phạm tội, thân xác họ vẫn thế, chứ không phải vì phạm tội mà nó trở nên xấu hoặc xấu hơn. Vậy nói thân xác xấu xa và hư thối là cách diễn đạt hàm ý rằng tội làm hư hỏng con người toàn diện xét như là chủ thể (gồm cả hồn và xác) của hành vi phạm tội.
Ðiều vừa nói trên trở nên thật rõ ràng trong câu cuối cùng của điểm suy gẫm ba: "Nhìn xem tôi như một vết thương và ung nhọt từ đó xuất phát biết bao tội và biết bao sự độc ác và chất độc thật ghê tởm." Nói tôi coi mình (như một vết thương, v.v.) là nói toàn thể con người tôi, tôi phạm tội chứ không phải hoặc chỉ linh hồn hoặc chỉ thể xác phạm tội. Tội không phải là cái gì từ ngoài tới khiến tôi trở nên xấu xa; và nói rằng nó là của tôi cũng chưa đủ, vì, đúng hơn, chính tôi là một vết thương, chính tôi là một ung nhọt, tức chính tôi tự ý trở nên hư hỏng xấu xa và ghê tởm do tôi thực hiện hành vi chống lại Thiên Chúa; chính tôi là chủ thể hành động sai trái. Cũng vì thế mà trên kia, ở bài tập một, người tĩnh tâm xin ơn hổ thẹn vì mình (s. 48,4) chứ không phải hổ thẹn vì hành vi tà ác của mình. Chúng ta nhớ đến lời Chúa phán: "Cái tự con người xuất ra là cái làm cho họ ô uế. Thực vậy, tự bên trong, tự lòng người mà xuất ra những ý hướng xấu xa, hư thân mất nết, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo quyệt, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu căng, ngông cuồng. Các điều xấu đó đều tự bên trong mà xuất ra, và làm cho con người ra ô uế" (Mc 7,21-23). Sự kiện con người trở thành một vết thương hay một ung nhọt, tương phản với sự kiện họ là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26) và là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cr 6,19).
"Suy xét xem Thiên Chúa là Ðấng nào, Ðấng mà tôi đã phạm tội chống lại, [suy xét] theo các ưu phẩm của Ngài, bằng cách so sánh chúng với những điều trái ngược lại nơi tôi: sự khôn ngoan của Ngài với sự ngu muội của tôi, sự toàn năng của Ngài với sự yếu đuối của tôi, sự công chính của Ngài với sự bất chính của tôi, sự tốt lành của Ngài với sự tà ác của tôi" (s. 59).
khi đã nhìn vào mình là loài thụ tạo rất nhỏ bé đồng thời là loài thụ tạo phạm tội, người tĩnh tâm nhìn lên Thiên Chúa để suy xét xem Ðấng mà họ xúc phạm là Ðấng nào. Bài tập một đã giúp họ thấy rằng Ðấng đó là Tạo hóa và là Chúa. Ðiểm suy gẫm bốn này giúp họ nhận thức rõ hơn nữa tính cách xấu xa và tà ác của tội bằng việc nêu ra mấy ưu phẩm của Thiên Chúa được đặt trong tương phản với những khuyết điểm của họ:
- Thiên Chúa khôn ngoan,
còn họ thì ngu muội;
- Thiên Chúa toàn năng, còn họ
thì yếu đuối;
- Thiên Chúa công chính, còn họ
thì bất chính;
- Thiên Chúa tốt lành, còn họ
thì tà ác.
"Tiếng kêu ngạc nhiên với niềm cảm động lớn lao khi tưởng nghĩ đến mọi vật thụ tạo, làm sao mà chúng đã để tôi sống và giữ cho tôi sống; các thiên thần là lưỡi gươm công lý của Thiên Chúa, làm sao các ngài đã chịu đựng tôi và trông nom và khẩn nguyện cho tôi; các thánh, làm sao các ngài cứ thỉnh hộ và khẩn nguyện cho tôi; và các tầng trời, mặt trời, mặt trăng, tinh tú và các nguyên tố, các quả cây, chim, cá và các thú vật; và trái đất, làm sao nó không mở ra để nuốt tôi đi, tạo nên những địa ngục mới để tôi chịu khổ đời đời trong đó" (s. 60).
Bài tập hai này, về mặt hình thức, không chia rõ ba điểm tương ứng với ba tài năng tâm lý như ở bài tập một; nhưng xét về nội dung chúng ta thấy rõ là điểm một tương ứng với việc áp dụng trí nhớ; điểm hai, ba và bốn tương ứng với việc áp dụng trí hiểu; còn điểm năm với câu "Tiếng kêu ngạc nhiên với niềm cảm động lớn lao..." rõ ràng là tương ứng với việc áp dụng lòng muốn.
Ở điểm năm này và cũng là điểm sau cùng, người tĩnh tâm nhìn mình trong quan hệ với các vật thụ tạo gồm không những các thần thánh, các sinh vật, mà còn cả các vật thể vô tri. Câu: "Tưởng nghĩ đến mọi vật thụ tạo, làm sao mà chúng đã để tôi sống và giữ cho tôi sống" nêu rõ sự liên đới của người tĩnh tâm với các vật thụ tạo của Thiên Chúa: họ là hữu thể trong tương quan (hoặc là "hữu thể - với") không những với Thiên Chúa là Tạo hóa của mình, mà còn cả với các vật thụ tạo của Ngài, điều mà bài Nguyên lý và Nền tảng cũng đã nói đến. Do tội của mình, họ là một vết thương hay ung nhọt nằm trong toàn thể các vật thụ tạo; không những thế, họ còn gây ra ảnh hưởng xấu, chẳng khác gì như làm ô nhiễm nhân loại và tất cả vũ trụ do mùi hôi thối và chất độc phát ra từ bản thân là "một vết thương và ung nhọt". Vậy lẽ ra hết các vật thụ tạo phải có phản ứng tiêu cực khắt khe đối với họ. Trái lại, trừ các quỷ là những kẻ thù của Thiên Chúa và là những tên cám dỗ loài người làm điều ác, các vật thụ tạo trên trời và dưới đất không những không chống đối hay ghét bỏ họ, mà còn vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ, và đó là điều khiến họ ngạc nhiên. Ðể nói theo bản văn, ở trên thiên đàng các thiên thần và các thánh vẫn chịu đựng họ là kẻ đã cả gan xúc phạm Thiên Chúa mà các ngài tôn thờ và yêu mến; các ngài lại còn nâng đỡ và cầu nguyện cho họ trước mặt Thiên Chúa. Ở trong vũ trụ hữu hình, trên trời có nhật nguyệt, tinh tú, chúng vẫn chiếu sáng cho họ; trên mặt đất, thảo mộc và cầm thú vẫn phục vụ họ; chính trái đất vẫn là nơi họ nương thân thay vì nẻ ra để nuốt trửng họ đi. Ở đây chúng ta liên tưởng đến trường hợp tổ tông Ađam và Evà sau khi phạm tội: đất trở nên bị nguyền rủa đối với ông bà, nó sinh ra gai góc; các thiên thần Kêrubim cầm gươm sáng quắc canh gác vườn địa đàng để không cho ông bà vào (St 3, 17-18.24).
Như vậy điểm suy gẫm năm này đặt người tĩnh tâm vào trong tình huống lạc quan và tin tưởng thay vì chán nản và thất vọng; nó chuẩn bị tâm hồn họ đi vào phần tâm sự là phần kết thúc của bài suy niệm.
"Kết thúc bằng một cuộc tâm sự về lòng nhân từ: hầu chuyện và cảm tạ Thiên Chúa Chúa chúng ta vì Ngài đã cho tôi sống đến bây giờ, quyết tâm sửa mình trong tương lai, nhờ ơn Ngài. Kinh Lạy Cha" (s. 61).
Ở phần tâm sự, người tĩnh tâm đi thẳng vào vấn đề lòng nhân từ của Thiên Chúa: Kết thúc bằng một cuộc tâm sự về lòng nhân từ. Theo sát bản văn, cuộc tâm sự này gồm có:
- hầu chuyện;
- cảm tạ Thiên Chúa vì được
Ngài cho sống tới hôm nay;
- quyết tâm sửa mình; nghĩa là
ba việc này nằm trong khuôn khổ của
cuộc tâm sự về lòng nhân
từ của Thiên Chúa.
Có một điểm hồ nghi liên quan đến từ thưa chuyện (đàm đạo) trong câu: "Hầu chuyện và cảm tạ Thiên Chúa Chúa chúng ta vì Ngài đã cho tôi sống đến bây giờ." Ở đây là nói với Thiên Chúa về việc Ngài cho sống tới hôm nay, hay nói chung về lòng nhân từ của Ngài? Bản Phổ thông hiểu theo cách thứ hai mà tôi theo ở đây. Tuy nhiên, nếu có hiểu theo cách thứ nhất thì điều sẽ nói liền dưới đây cũng không có gì đi ngược lại.
Ðiểm suy gẫm năm khi nói đến ứng xử tích cực của các vật thụ tạo đối với người tĩnh tâm, là đã gián tiếp nhắc gợi sự nhân từ của Thiên Chúa, bởi lẽ các thần thánh trên trời là những đấng hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa và do đó các ngài chỉ muốn điều Thiên Chúa muốn; và nơi các vật thụ tạo không có lý tính hoặc vô tri thì không có gì xảy ra mà ở ngoài ý định của Thiên Chúa; chính do ý định của Thiên Chúa mà người tĩnh tâm vẫn đang được hít thở không khí, vẫn đang được mặt trời tỏa sáng cho, vẫn có trăng sao để ngắm, vẫn được nghe tiếng chim hót trên cành cây, vẫn được thưởng thức hương vị của những trái chín thơm ngọt, v.v. Bây giờ, để kết thúc bài suy niệm thứ hai về tội, ý niệm về lòng nhân từ của Thiên Chúa được lần đầu tiên nêu rõ ra để dùng làm nội dung cho cuộc tâm sự.
Bài tập một đã nói đến sự kiện người tĩnh tâm thấy mình không bị Thiên Chúa trừng phạt, mặc dù đã nhiều lần xúc phạm đến Ngài; riêng phần tâm sự cũng của bài này nhắc đến việc Ðức Kitô chịu chết cho họ khi bảo họ hãy tưởng tượng Ðức Kitô đang chịu treo trên Thánh giá trước mặt họ. Vậy những điều này bây giờ có thể tập hợp lại vào chung một ý niệm là lòng nhân từ của Thiên Chúa. Có thể nhắc đến câu này của Thánh Phaolô: "Nhưng Thiên Chúa giầu lòng nhân từ; do tình yêu lớn lao của Ngài đối với chúng ta mà, trong khi chúng ta đã chết vì tội lỗi, thì được Ngài ban cho cùng sống với Ðức Kitô - chính do ân sủng mà anh em được cứu độ" (Ep 2, 4-5). Người tĩnh tâm sẽ tán dương và cảm tạ Thiên Chúa về lòng nhân từ của Ngài; do cảm động trước lòng nhân từ của Ngài đồng thời để đáp lại lòng nhân từ này, họ trình bày với Ngài quyết tâm từ nay trở đi sẽ sửa mình.
Khi suy gẫm về bản thân tội lỗi, người tĩnh tâm đã có được ý thức sâu xa về sự bất xứng đáng của mình, sự bất xứng đáng được gợi ý qua hình ảnh một kẻ bị giáng cấp để sống chung với loài vật không có lý trí (xem mào đầu một), và nhất là qua hình ảnh một vết thương hay một ung nhọt lở loét. Bây giờ, đứng trước lòng nhân từ của Thiên Chúa, hẳn họ cảm thấy mình nhẹ nhõm dễ chịu chứ không còn như bị đè nặng hay nghẹt thở bởi những hình ảnh đen tối đó. Sự hổ thẹn của họ cũng như tan biến hay bị chìm ngập trong lòng nhân từ của Thiên Chúa. Lúc này, trước mặt Ngài, họ chỉ còn biết nói về lòng nhân từ của Ngài.
Người tĩnh tâm cảm tạ Thiên Chúa cho sống đến bây giờ. Sống đến bây giờ, có nghĩa là cho đến bây giờ không bị Thiên Chúa trừng phạt mà, trái lại, còn được Ngài ban cho giờ phút này để suy gẫm về tội, để ăn năn thống hối, để trở về với Ngài và sống với Ngài trong tình yêu của Ngài, Ðấng là Tạo hóa và Chúa của mình. Ở bài tập một, họ đã hổ thẹn vì thấy mình không có lý do gì để đáng được Thiên Chúa cho sống đến hôm nay; còn ở đây họ nhận rằng được sống đến hôm nay là một ân huệ. Vậy được sống đến hôm nay là một nét hay một biểu lộ khác về lòng nhân từ của Thiên Chúa, nhưng nó được nhắc riêng tới. Ðây là một ơn được nhấn mạnh, vì không những nó được nói tới ở bài tập một, hai, và dĩ nhiên ở hai bài tập ba và bốn là hai bài lặp lại, mà còn được nhắc lại ở phần tâm sự của bài tập năm là bài suy niệm về hỏa ngục (s. 71,3).
Sau cùng, cũng ở phần tâm sự, người tĩnh tâm nói lên quyết tâm sửa mình, trong khi ở phần tâm sự của bài tập một sự quyết tâm này chỉ mới được gợi ý phần nào qua câu hỏi mà họ tự đặt cho mình là phải làm gì cho Ðức Kitô (s. 53,3). Hành vi quyết tâm là điểm đi tới tất nhiên của sự ăn năn thống hối thực tình. Nhưng nói quyết tâm chỉ là xét đến phần việc của con người và đến thái độ của họ; thực hiện được điều quyết tâm không tùy thuộc ở họ, mà là ở Thiên Chúa, vì thế bản văn ghi rõ: "Nhờ ơn Ngài". Thực vậy, việc trở lại với Thiên Chúa là việc siêu nhiên mà con người tự mình không thể thực hiện được; đàng khác khi nói "nhờ ơn Ngài" là hàm ý người tĩnh tâm tin tưởng Ngài vẫn luôn luôn có lòng yêu thương và khoan dung nhân từ đối với mình.
Trong suy niệm về tội, người tĩnh tâm khởi sự bằng sự ý thức về việc mình quay lưng lại với Thiên Chúa, và họ kết thúc bằng việc đổi hướng là quay mặt lại với Ngài, điều này cũng đã được gợi ý trong Phúc âm qua hình ảnh người con hoang đàng: sau khi bỏ nhà Cha ra đi, bây giờ anh ta trở về.