Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


BÀI TẬP MỘT VỀ TỘI
(s. 45-54)

Tội là một vấn đề lớn mà không một tín hữu Kitô nào được phép làm ngơ như không biết đến, bởi lẽ tội liên quan trực tiếp đến mầu nhiệm cứu độ và do đó đến sứ mệnh cứu thế của Ðức Giêsu Kitô. Chính Ngài đã tuyên bố: "Con loài người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến sự sống mình làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45); và trước khi đi chịu chết, trong bữa tiệc biệt ly, Ngài đã cầm lấy chén rượu nho mà phán rằng "Cái này là máu Thầy, máu của Giao ước mới, đổ ra cho muôn người để tha tội" (Mt 26,28). Thánh Phaolô cũng viết: "Ðức Kitô đã chết vì tội chúng ta" (1 Cr 15,13). Mỗi người chúng ta, việc đầu tiên phải làm để được chính thức gia nhập Giáo hội, là lĩnh nhận bí tích Rửa tội.

Bài tập đầu tiên của Tuần Nhất có nhan đề là "Bài tập thứ nhất là bài suy niệm bằng ba tài năng về tội thứ nhất, thứ hai và thứ ba (...)" Như đã nói, bài tập gồm ba phần mà chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu và phân tích dưới đây.

1. Phần nhập đề

Phần nhập đề gồm lời nguyện chuẩn bị và hai mào đầu. Về lời nguyện chuẩn bị là lời nguyện dùng chung cho hết các bài suy niệm và chiêm niệm, không có gì phải nói thêm. Chúng ta đi vào hai mào đầu.

Mào đầu một: cấu tạo nơi chốn.

Nơi chốn được cấu tạo trên đây gợi hình ảnh về tình trạng thảm hại mà con người phải chịu như hậu quả của các tội của mình.

Nói "thân xác dễ hư nát", chúng ta liên tưởng đến án phạt mà tổ tông Ađam phải chịu: "Ngươi là bụi đất, ngươi sẽ trở về bụi đất" (St 3,19). Nói "linh hồn tôi bị giam cầm trong thể xác", chúng ta nghĩ đến sự kiện là do tội - tội của tổ tông Ađam và tội riêng của mỗi người - mà bản thân con người mất sự thống nhất hài hòa, trở nên tháo thứ hỗn độn do các tình dục dấy lên, như thánh Phaolô đã nói: "(Trước kia) khi chúng ta ở trong xác thịt, các tình dục xấu xa đã dùng Lề luật đề hoành hành trong chi thể chúng ta" (Rm 7,5), "Tôi là xác thịt, tôi bị bán làm nô lệ tội lỗi. Thật, tôi không hiểu chi về việc tôi làm: điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại làm" (7,14-15). Hình ảnh này gợi lại quan niệm nhị nguyên của triết gia Plato về con người, theo đó con người ở trong thể xác cũng như hoa tiêu ở trong chiếc tàu của mình. Chúng ta không bàn đến triết thuyết này. Ðiều mà chúng ta nhận thấy là nơi bản thân vẫn có những xung đột giữa thành phần mà chúng ta gọi là linh hồn và thành phần mà chúng ta gọi là thể xác. Thánh Phaolô thú nhận: "Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, tôi muốn nói là ở trong xác thịt tôi: muốn sự thiện là thuộc tầm sức của tôi, nhưng thực hiện thì không, bởi vì điều thiện mà tôi muốn thì tôi không làm, và điều ác mà tôi không muốn thì tôi lại làm" (Rm 7,18-19), và ông than thở: "Ai cứu tôi khỏi thân xác này là cái thuộc về sự chết?" (7,24). Ông nói đến thân xác tội lỗi phải được hủy diệt đi (6,6).

Sự cấu tạo nơi chốn tiếp tục: "Tất cả hợp thể (tôi) trong thung lũng này, như bị đày ải giữa các thú vật đần độn. Tôi nói: tất cả hợp thể hồn và xác." Ý tưởng đày ải gần gũi với ý tưởng ông Ađam và bà Evà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng đầy lạc thú. Sự kiện phải ở chung với thú vật gợi ý sự xuống cấp ô nhục của con người: con người chỉ còn như ngang hàng với loài vật, trong khi tổ tông nhân loại, trước khi phạm tội, được làm chủ nó (St 1,26 ; 2,20).

Vậy ở bài Nguyên lý và Nền tảng người tĩnh tâm thấy mình được Thiên Chúa dựng nên với cùng đích trọng đại là tán dương, tôn kính và phụng sự Ngài, và thấy các vật thụ tạo khác được Ngài ban cho để chúng giúp mình đi tới cùng đích đó đồng thời để thực hiện vận mệnh của mình. Nhưng ở bài suy niệm đầu tiên của khóa Linh thao này, qua mấy hình ảnh trên thuộc tưởng tượng, họ nhìn thấy tình trạng thảm hại của mình do tội gây ra.

Mào đầu hai: ơn xin.

Ơn xin ở mào đầu này cho biết mục đích của bài suy niệm. Ở đây người tĩnh tâm tìm sự hổ thẹn vì chính bản thân khi đứng trước sự kiện là vô số người khác đã phải chịu án phạt đời đời chỉ vì đã phạm một tội trọng, còn mình thì đã nhiều lần đáng chịu phạt như thế vì đã phạm muôn vàn tội. Sự so sánh này tạo ra cái tương phản giữa người tĩnh tâm và những người tội lỗi khác; có thể nó không thích hợp với quan niệm thời nay vì bị coi là thiếu cơ sở. Nhưng chúng ta hãy để ý đến mục đích của nó là giúp người tĩnh tâm hổ thẹn vì cảm nghiệm sự bất xứng đáng của mình trước mặt Thiên Chúa. Ðiều bổ di hai nói rõ hơn: hổ thẹn vì đã xúc phạm đến Ðấng đã ban cho mình nhiều tặng vật và ân huệ (s. 74,2). Như vậy sự hổ thẹn này xuất phát từ sự nhìn mình và đặt mình trong quan hệ với Thiên Chúa - là Ðấng Tạo hóa và Chúa, là Ðấng tốt lành vô cùng (s. 52,2-3) - chứ không phải từ việc thấy mình xấu hay thấp kém và cả rất đáng khinh bỉ do nhận thấy khoảng cách lớn lao giữa con người cụ thể mình và cái lý tưởng của bản ngã của mình.

Sự xin biết hổ thẹn vì mình hàm cả sự xin biết và nhận mình là kẻ có tội, vì có biết và nhận mình như thế thì mới hổ thẹn vì mình.

2. Phần suy gẫm

Phần suy gẫm gồm ba điểm, tương ứng với ba thứ tội:

Mỗi điểm suy gẫm đều dùng đến ba hoạt động tâm lý chủ yếu thuộc về ba tài năng là trí nhớ, trí hiểu và lòng muốn.

2.1. Ðiểm một: tội của ác thần

Áp dụng trí nhớ

Ở đây chúng ta nhớ lại câu truyện về một số thiên thần do phản nghịch cùng Thiên Chúa mà trở thành ác thần hay quỷ. Về vấn đề ác thần này, thánh Phêrô viết: "Thiên Chúa đã không dung thứ các thần có tội, nhưng đã dìm chúng xuống, đã tống chúng vào hang tối tăm của âm ti" (2 P 2,4). Trong giáo huấn của Giáo hội, chúng ta biết Giáo hoàng Gioan III (thế kỷ thứ sáu) và công đồng Braga lên án những ai không tin có những quỷ là những thần sa ngã. Sau đó mấy thế kỷ, Công đồng Latêranô IV (năm 1215) tuyên bố rằng có những thần được Thiên Chúa dựng nên, đó là những thần lành, nhưng do hành vi tự do của mình mà trở nên xấu, tức thành thần dữ và quỷ. Sự khẳng định này bao hàm ý tưởng rằng không có hữu thể nào như là một quyền lực xấu song song với quyền lực tốt là Thiên Chúa, và không một hữu thể thụ tạo nào - hết mọi loài mọi vật đều do Thiên Chúa dựng nên - lại xấu ngay từ đầu.

Câu truyện các thần phản loạn chống lại Thiên Chúa mà bài suy niệm về tội ở đây nhắc tới, là dựa vào đoạn văn tiên tri Isaia viết về sự quỵ ngã của vua xứ Babilon. Tiên tri viết: "Hỡi Tinh tú sáng láng là Con của Rạng đông, làm sao ngươi bị sa khỏi trời? Làm sao ngươi bị hất xuống đất, ngươi là kẻ chinh phục các nước, ngươi là kẻ đã nói: "Ta sẽ lên các tầng trời, ta sẽ dựng ngai tòa của ta bên trên các vì sao của Thiên Chúa, ta sẽ ngự trên núi của hội nghị thần linh ở phía cực bắc, ta sẽ lên đỉnh những đám mây, ta sẽ nên như Ðấng Tối cao." Nhưng ngươi đã phải xuống dưới gầm đất, ở tận đáy hố" (Is 14,12-15). Thay vì "tinh tú sáng láng" trong câu trích dẫn, bản Phổ thông dịch là Luxiphe. Do đó các giáo phụ giải thích sự sa ngã của "tinh tú sáng láng" như là sự quỵ ngã của tướng quỷ mang tên Luxiphe. Vậy theo sách Linh thao, phù hợp với những điều vừa nói, Luxiphe cùng với cả băng nhóm của hắn, là những kẻ được dựng nên trong ân sủng của Thiên Chúa, nghĩa là được sống trong tình thân mật với Ngài, nhưng một lần kia chúng đã kiêu ngạo không chịu tôn kính phục tùng Ngài là "Ðấng tạo hóa và Chúa của chúng", vì thế đang từ tình trạng ân sủng chúng đi vào tình trạng hư đốn và "bị đuổi khỏi trời mà vào hỏa ngục".

Áp dụng trí hiểu

Bản văn ghi: "Và sau đó áp dụng trí hiểu cũng vào tội đó bằng việc suy nghĩ", và cách đấy mấy dòng: "Và rồi suy nghĩ cách chi tiết hơn bằng trí hiểu." Bản văn không nói gì thêm về trí hiểu. Căn cứ vào tích truyện về sự sa ngã của các thần đã được nhắc đến ở phần về trí nhớ, chúng ta có thể có mấy suy nghĩ dưới đây.

Chúng ta đang nói về tội. Vậy tội, xét như một hành vi, là việc con người tự ý chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Sự chống lại này bao hàm sự phủ nhận không những quyền bính mà còn cả tình yêu của Ngài, bởi lẽ ý muốn của Ngài - được biểu lộ qua lề luật của Ngài - là ý muốn thánh và toàn hảo, nên nó chỉ nhằm đem hạnh phúc đích thực cho con người mà thôi. Vì thế nói đến tội bao giờ cũng là nói đến tương quan của con người với Thiên Chúa, và là tương quan tiêu cực. Ðể mượn cách diễn ý tượng hình quen thuộc, chúng ta bảo đây là sự quay lưng lại với Thiên Chúa. Con người quay lưng lại Thiên Chúa vì họ muốn chối bỏ mọi nghĩa vụ đối với Ngài, và dành về cho mình sự độc lập đối với Ngài. Chúng ta nhớ đến câu Chúa Giêsu nói: "Ai không đi với Ta là chống lại Ta" (Mt 12,30). Ðiều nói về tội trên đây cũng áp dụng vào trường hợp các ác thần. Nên chú ý đến câu này trong bản văn: "Chúng đã được dựng nên trong ân sủng." Chúng đã được dựng nên có nghĩa là chúng là loài thụ tạo, và vì thế chúng lệ thuộc vào Ðấng Tạo hóa; được dựng nên trong ân sủng có nghĩa là chúng là những hữu thể thụ tạo được hưởng sự thân ái của Ðấng dựng nên chúng; điều này nhấn mạnh rằng Ðấng Tạo hóa là Ðấng đầy tình yêu. Nhưng về phía chúng, để đáp lại, chúng đã tự ý phủ nhận sự lệ thuộc vào Ngài, và mối quan hệ lệ thuộc này lẽ ra phải được biểu lộ bằng sự tôn kính và phục tùng, như bản văn ghi: "Chúng/.../đã không muốn dùng sự tự do của mình để tôn kính và phục tùng Ðấng Tạo hóa và Chúa của chúng." Cũng nên nhấn mạnh cụm từ Ðấng Tạo hóa và Chúa. Ý niệm Ðấng Tạo hóa hàm ẩn sự cách biệt không tả nổi giữa Ðấng Tạo hóa và loài thụ tạo, quyền năng vô biên của Ngài và sự lệ thuộc hoàn toàn của vật thụ tạo vào Ngài; từ Chúa chỉ địa vị thần linh tối cao của Ngài. Ở điểm suy gẫm ba khi nói về tội cá nhân, bài suy niệm sẽ dùng lại cụm từ Ðấng Tạo hóa và Chúa.

Rõ ràng các ác thần đã phạm tội kiêu ngạo, như bản văn ghi rõ. Phủ nhận sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và khước từ tình yêu của Ngài, xét về mặt tương quan, thì đó là quay lưng lại Ngài; xét về mặt giá trị tôn giáo và luân lý, thì đó là hành vi xấu, bất chính. Nên xác định thêm rằng hành vi này của chúng xấu xa và bất chính không những vì nó là hành vi kiêu ngạo, mà còn vì nó là hành vi vô ân bạc nghĩa: chúng quay lưng lại Ðấng đã ban ơn trọng đại là dựng nên chúng thành những hữu thể tốt lành và cho chúng sống trong tình thân ái với Ngài.

"Và đã bị đuổi khỏi trời mà vào hỏa ngục".- Ðây là hậu quả ghê sợ mà các ác thần phải chịu về hành động của mình. Trước khi phạm tội, chúng ở trên trời với Thiên Chúa ; nhưng sau khi phạm tội, chúng phải sa vào hỏa ngục, như Phúc âm viết: "Lửa đời đời đã dọn cho quỷ và các thần của nó" (Mt 25,41). Thiên đàng chỉ tình trạng hạnh phúc vô cùng, đối lập với hỏa ngục là tình trạng đau khổ cực điểm. Theo biểu tượng dân gian, thiên đàng ở trên trời cao (nơi cửu trùng), và hỏa ngục ở trong lòng trái đất (âm phủ, âm ti): sự cách xa và khác nhau một trời một vực! Phúc âm dùng hình ảnh để mô tả hỏa ngục là lửa (Mt 13, 42.50), là lửa đời đời (18,8 ; 25,41), là nơi khóc lóc nghiến răng (22,13 ; 24,51 ; 25,30), là nơi tối tăm (8,12 ; 22,13 ; 25,30).

Vì các ác thần tự ý khước từ tình yêu của Thiên Chúa, tự ý phủ nhận quyền bính và địa vị của Ðấng là Tạo hóa và là Chúa muôn loài muôn vật, nên việc chúng sa vào hỏa ngục là điều thuộc sự chọn lựa tự do của chúng. Ðể chính xác hơn, phải nói là chúng tự ý chọn hành vi dẫn tới hậu quả là chịu hình phạt, như bản văn ghi rằng chúng bị đuổi khỏi trời mà vào hỏa ngục. Ðiều này cũng hàm ý rằng sự quan hệ thân ái của chúng với Thiên Chúa không còn, nhưng vẫn còn sự quan hệ lệ thuộc vào Ngài, nghĩa là không phải vì vào hỏa ngục mà chúng trở thành những hữu thể độc lập đối với Ngài và cả ngang hàng với Ngài về quyền lực.

Sau khi suy nghĩ về tội của các ác thần và về hậu quả của tội mà chúng phải chịu, người tĩnh tâm nhìn vào bản thân để tự so sánh với chúng. Sự tương phản sẽ nổi rõ:

Ở đây không có ý đi sâu vào vấn đề giáo lý hay thần học, nhưng thiết nghĩ cũng nên bàn qua về con số lớn lao các tội mà người tĩnh tâm nhận là mình đã phạm, như bản văn khẳng định. Vậy chúng ta phải đi xa hơn quan niệm mang tính cách pháp lý về tội, theo đó tội cốt ở vi phạm lề luật của Thiên Chúa, nghĩa là không tuân thủ những điều truyền dạy của Ngài và của Giáo hội thay quyền Ðức Kitô. Lại theo thần học luân lý, để một hành vi nào đó trở thành tội, phải hội đủ những điều kiện là chủ thể có đủ tự do, có đủ suy nghĩ, biết sự vi phạm là tội, và có ý định vi phạm. Nếu căn cứ vào quan niệm này thì chúng ta dễ hiểu tại sao không ít người cảm thấy mình ít tội và cả không có tội gì cả. Nhưng chúng ta nên có cái nhìn khác nữa về tội. Thực vậy, nếu chúng ta thành thực nhìn vào bản thân, chúng ta chắc chắn sẽ nhận thấy nơi mình đầy dẫy những nết xấu - mà chúng ta đã không cố gắng đủ để sửa - là những cái làm phát sinh biết bao ý định, tình cảm và hành vi xấu, tuy có thể những thứ này chưa hoặc không phải là tội theo định nghĩa pháp lý về tội, nhưng thực sự chúng thuộc về cực đi ngược lại Thiên Chúa, chúng làm ô danh Ngài. Chúng ta có thể nhắc đến một số trường hợp làm ví dụ: hờn oán, ghen tị, tự cao tự đại, tự ái, tự phụ, khoe khoang, ham mê những sự thế gian, v.v. Những trường hợp này có khi chỉ xảy ra ngấm ngầm trong lòng, có khi lộ ra bằng những lời nói, cử chỉ, hành vi mà có lẽ chúng ta như không kiềm chế nổi, hoặc có khi chúng biểu lộ một cách hầu như tự nhiên đến nổi chúng ta không có ý thức về tính cách xấu của chúng, và do đó chúng ta có ảo tưởng là mình lành thánh. Lại còn những biểu hiện quanh co hoặc gián tiếp của các nết xấu, và chúng chỉ giảm đi hoặc biến mất nếu, với ơn phù trợ của Thiên Chúa, chúng ta cố gắng không ngừng sửa tận gốc là các nết xấu để không ngừng vươn lên sự thánh thiện.

Nếu chúng ta nhấn mạnh đến tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và tình yêu phải có của chúng ta đối với Ngài, và lấy nó làm chuẩn để đánh giá ứng xử của chúng ta trong tương quan với Ngài, thì chúng ta còn thấy ranh giới của tội mở rộng hơn nữa. Thực vậy, quay lưng lại với Thiên Chúa là quay lưng lại tình yêu vì, như thánh Gioan nói, Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8). Như vậy, việc quay lưng này đồng nghĩa với việc không đáp ứng lại tình yêu vô biên của Ngài đối với chúng ta. Mà nói yêu là nói tìm cách làm thỏa lòng người mình yêu, vì nếu không thế thì không còn là yêu thực sự và yêu chân thành. Vậy làm thỏa lòng Thiên Chúa cốt ở thực hiện ý muốn của Ngài. Nhưng ý muốn của Ngài được biểu lộ không phải chỉ trong các giới lệnh của Ngài và trong các lề luật của Hội thánh, mà còn trong các ơn soi sáng và thúc đẩy nội tâm, và tất cả liên quan đến cách sống trong quan hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính bản thân.

Hiểu như trên, tội có một phạm vi hết sức rộng lớn. Nói cách cụ thể, mỗi lần chúng ta có thể làm được điều gì đẹp lòng Thiên Chúa mà chúng ta lại khước từ, hoặc mỗi lần chúng ta có thể thực hiện được việc gì cách tốt hơn để làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn mà chúng ta lại không cố gắng thực hiện, thì đó là chúng ta có tội với Ngài. Ðây chính là những điều "bỏ sót" mà chúng ta thú nhận với Ngài trong kinh "Tôi thú nhận". Những điều bỏ sót còn gồm cả những lần chúng ta khước từ các ơn của Thiên Chúa hoặc ngăn cản các ơn đó hoạt động nơi chúng ta. Và còn biết bao lần chúng ta phung phí các ân huệ siêu nhiên hoặc tự nhiên của Ngài! Rút cuộc, tội cốt ở việc con người, với tư cách hữu thể có trách nhiệm vì có tự do, đã không hết lòng lấy tình yêu của mình đáp lại tình yêu của Thiên Chúa.

Chính vì nhìn vào sự thánh thiện và tình yêu vô biên của Thiên Chúa, nhìn vào Thánh giá của Ðức Kitô, biểu hiện đặc ưu của tình yêu đó - điều này sẽ được nhắc tới ở phần tâm sự - mà con người nhận ra mình đầy những tội, cho dù đây không phải là những tội xét theo định nghĩa có tính cách pháp lý của khoa thần học luân lý cổ điển. Ðiều vừa nói cũng đã có trong sách Linh thao ở bài tập hai về tội, ở câu: "Tội trọng mà tôi phạm, cho dù nó không bị cấm" (s. 57). Do nhìn tội trong viễn tượng trên đây mà chúng ta cũng dễ hiểu tại sao thánh Gioan viết: "Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không phải là những kẻ có tội thì chúng ta coi Chúa là kẻ nói dối, và lời Ngài không ở trong chúng ta" (1 Ga 1.10); thánh Phaolô viết: "Mọi người, Do-thái cũng như Hy-lạp, đều bị tội lỗi thống trị" (Rm 3,9). Trước đó, trong Cựu ước, tác giả thánh vịnh cũng đã thưa cùng Thiên Chúa rằng "Lạy Chúa, nếu Chúa chấp tội thì nào ai đứng vững được?" (Tv 129,3), và "Lạy Chúa, xin đừng xét xử tôi tớ Chúa, bởi vì không một ai là công chính trước mặt Chúa" (Tv 142,2). Hơn nữa, kẻ càng yêu mến Thiên Chúa và hiểu rõ tình yêu của Ngài thì càng nhìn thấy rõ sự trầm trọng và ác độc của tội mình. Cũng do vậy mà có những đấng thánh nhận mình là đại tội nhân. Chúng ta có cơ sở để nghĩ rằng các ngài nhìn nhận đúng và thành thực, chứ không phải tự đánh lừa, càng không phải là giả đạo đức. Lại nữa, cho dù các ngài không phạm tội này hay tội nọ như những người khác, như không giết người, không tà dâm, không cướp của, v.v., nhưng các ngài có ý thức sâu xa về tính hữu hạn của con người mình xét như là hữu thể thụ tạo. Sự hữu hạn đi đôi với sự bất toàn, sự yếu đuối, sự mỏng manh. Vì thế các ngài cho rằng mình sở dĩ đã không phạm tội này hay tội nọ như những người khác, thì đó là mình nhờ hoàn toàn vào ơn phù trợ của Thiên Chúa, đúng như lời Chúa Giêsu phán: "Không có thầy, anh em không thể làm được gì" (Ga 15,5). Thiết nghĩ còn có quyền suy đoán rằng, để nhận mình là đại tội nhân, các ngài không cần phải dùng đến sự so sánh giữa mình và những người khác, nhưng - dĩ nhiên do ơn Chúa giúp - nhờ ở việc nhận thức và cảm thấy sâu sắc sự bất xứng đáng trong ứng xử tương giao của mình với Thiên Chúa rất đáng yêu mến và vô cùng thánh thiện.

Áp dụng lòng muốn

Trên kia người tĩnh tâm đã nhớ lại tội của các ác thần, đã, qua việc so sánh, suy về tội của các ác thần và về các tội của mình, suy về việc các ác thần bị phạt đời đời và về việc mình không bị phạt như thế. Họ đã làm hai công việc này của trí nhớ và trí hiểu là vì, như câu trưng dẫn cho biết, họ muốn; và họ muốn làm hai công việc này là để cảm thấy hổ thẹn hơn - mào đầu hai của bài suy niệm đã xác định rằng đây là sự hổ thẹn vì bản thân. Tại sao lại hổ thẹn vì bản thân? Ðiểm suy gẫm một này không giải thích. Nhưng mào đầu hai đã cho biết là hổ thẹn "khi thấy bao nhiêu người đã bị phạt trong hỏa ngục chỉ vì một tội trọng, và tôi biết bao lần đáng bị phạt đời đời vì muôn vàn tội của tôi." Vậy dựa vào câu này, sự so sánh trên kia giữa trường hợp của tôi và trường hợp các ác thần cho thấy ít là hai lý do hổ thẹn. Lý do thứ nhất, tôi hổ thẹn vì đã không phải chỉ một lần, nhưng muôn ngàn lần dám tự ý xúc phạm đến Ðấng là Tạo hóa và là Chúa của tôi. Mào đầu một về cấu tạo nơi chốn đã bảo tôi tưởng tượng mình "bị đày ải giữa các thú vật đần độn." Vậy đây là một hình ảnh gợi ý rằng tôi ở trong tình trạng đáng xấu hổ bởi lẽ cách ăn ở của tôi trong tương quan với Thiên Chúa khiến tôi không xứng đáng là một con người, tức một hữu thể có lý tính biết sử dụng sự tự do của mình, và đáng bị hạ xuống hàng con vật đần độn. Lý do thứ hai, tôi hổ thẹn vì thấy mình không là gì thế mà tôi cứ tiếp tục phạm tội, và Thiên Chúa vẫn không trừng phạt tôi như Ngài đã trừng phạt các ác thần.

Câu trong bản văn: "Thúc đẩy các tình cảm hơn, bằng lòng muốn" là một hình thức diễn ý để bảo người tĩnh tâm hãy muốn tìm cảm nghiệm được sự hổ thẹn vì bản thân tội lỗi của mình. Nên để ý đến từ hơn được dùng hai lần trong câu trích dẫn nói về áp dụng lòng muốn: "Ðể tôi xấu hổ thẹn thùng hơn""Thúc đẩy các tình cảm hơn, bằng lòng muốn." Khi nói hơn là nói đến sự so sánh. Theo văn cảnh, ở đây là sự so sánh về mức độ (hoặc cường độ) khác nhau của cùng một trạng thái tình cảm (hổ thẹn): nhờ nhớ lại và suy nghĩ về tội của các ác thần và án phạt đời đời của chúng, người tĩnh tâm sẽ có thể cảm được sự hổ thẹn hơn là nếu họ không có sự nhớ lại và suy nghĩ đó; hoặc nhờ có sự nhớ lại và suy nghĩ đó, họ sẽ khêu gợi được sự hổ thẹn nơi mình hơn là nếu họ không làm hai việc đó.

2.2. Ðiểm hai: tội của tổ tông Ađam và Evà

Áp dụng trí nhớ

Hai điều được nhắc đến trong câu trưng dẫn: tổ tông Ađam và Evà phải làm việc đền tội lâu ngày; do tội tổ tông, nhân loại trở nên hư hỏng và do đó không biết bao nhiêu là người đang đi tới hỏa ngục, tức bỏ mất Thiên Chúa cách vĩnh viễn và chịu hình phạt đời đời. Sau khi nêu ra hai điều trên, bản văn nhắc vắn tắt đến tích truyện sa ngã của tổ tông Ađam và Evà như sau.

Áp dụng trí hiểu

Về áp dụng trí hiểu, bản văn chỉ ghi vắn tắt như trên. Vậy tích truyện cho phép chúng ta có những suy nghĩ dưới đây.

Về phía Thiên Chúa, Thiên Chúa đã dựng nên hai ông bà. Ðiều này nhắc đến vị trí của hai ông bà trong tương quan với Thiên Chúa : hai ông bà là kẻ thụ tạo của Thiên Chúa. Sự xa cách giữa loài thụ tạo và Ðấng Tạo hóa là sự xa cách không thể diễn tả cũng như không thể tưởng tượng nổi. Tiên tri Isaia dùng hình ảnh để gợi ý phần nào sự tối cao của Thiên Chúa: "Này đây các dân tộc như một giọt nước ở thùng nhỏ xuống. Chúng như hạt bụi trên bàn cân. Này đây các hải đảo: Ngài nâng lên như nâng hạt bụi" (Is 40,15), và: "Trời là tòa Ta ngự, đất là bục để Ta tựa chân" (66,1). Tổ phụ Abraham ví mình như bụi tro trước mặt Thiên Chúa (St 18,27).

Thiên Chúa đầy tràn tình yêu, bởi lẽ Ngài đã dựng nên hai ông bà và cho ở trong vườn Ðịa đàng, nghĩa là cho hai ông bà được hưởng hạnh phúc trong cảnh sống thân mật với Ngài (sách Sáng thế nói là Ngài đi dạo trong vườn: St 3,8).

Ðấng là Tạo hóa, là Thiên Chúa đầy tràn tình yêu, đã ra lệnh cho hai ông bà không được ăn trái cây biết phúc họa. Về phía hai ông bà, hai ông bà đã vi phạm lệnh cấm. Bà Evà vì nghe lời cám dỗ của con rắn - tức quỷ (Kn 2,24) - và vì bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn của trái cấm, nên đã ăn và đưa cho ông Ađam cùng ăn. Ở đây nên nhắc ngay rằng Xatan hay Luxiphe, tức ác thần đã phạm tội trên kia (ở điểm suy gẫm một), dây mình vào lịch sử nhân loại ngay từ đầu bằng cách góp phần đưa tội vào thế gian, với vai trò của một tên lừa gạt (St 3,13) mà Phúc âm theo thánh Gioan gọi là tên nói dối và là cha của mọi sự dối trá (Ga 8,44). Bài Hai lá cờ hiệu sẽ nói đến những mưu mô của hắn trong ý đồ vây bắt con người. Mục đích chính của hắn là thiết lập vương quốc của hắn trong nhân loại, như thánh Gioan viết: "Ai phạm tội thì thuộc về quỷ, bởi vì ngay từ thuở ban đầu quỷ là tên phạm tội" (1 Ga 3,8). Lịch sử cứu độ chính là lịch sử cuộc giải thoát nhân loại khỏi ách Xatan.

Theo Thánh kinh, hai ông bà Ađam và Evà đã phạm tội không vâng lời Thiên Chúa; nhưng nguyên nhân đưa đến sự bất phục tùng này, chính là sự kiêu ngạo - ít ra đây là lý do hay động cơ không thể không nói đến - kiêu ngạo vì muốn phủ nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa đối với mình, kiêu ngạo vì muốn tự mình, chứ không cần lệ thuộc vào Thiên Chúa, để thủ đắc khả năng biết phúc họa. Như thế, hai ông bà muốn tự coi mình là đủ cho mình, làm chủ lấy mình hoàn toàn ; hai ông bà muốn trở thành thần minh, như con rắn đã thuyết phục: "Ông bà sẽ nên như các thần, biết được phúc họa" (St 3,5). Tóm lại, hai ông bà muốn tự ý cắt đứt mối tương quan lệ thuộc đối với Thiên Chúa, tự ý khước từ tình thân ái của Thiên Chúa ; hai ông bà muốn gạt bỏ nhiệm vụ đối với Ngài mà bài Nguyên lý và Nền tảng đã nêu ra, tức tán dương, tôn kính và phụng sự Ngài.

Nếu phân tích thêm, chúng ta còn nhận thấy hành vi kiêu ngạo của hai ông bà Ađam và Evà xúc phạm Thiên Chúa cách nặng nề ở chỗ, qua hành vi này, hai ông bà tỏ ra hoài nghi lòng tốt của Thiên Chúa, vì coi Thiên Chúa như một đối thủ ích kỷ, ghen tuông, Ngài nói dối để giữ độc quyền, bằng cớ là hai ông bà ăn trái cấm sau khi nghe con rắn giải thích rằng "Không, ông bà sẽ không chết, nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào ông bà ăn trái đó thì mắt ông bà sẽ mở ra." Riêng về bà Evà, chúng ta có thể nghĩ thêm, dưới ánh sáng của bài Nguyên lý và Nền tảng, rằng bà không đủ dửng dưng trước trái cấm, vì bà ăn trái cấm không chỉ tại nghe theo lời con rắn xúi giục, mà còn tại "thấy trái ngon, quyến rũ con mắt" (St 3,6).

Sau khi đã phạm tội, hai ông bà vẫn còn kiêu ngạo không nhận tội. Ông Ađam tự bào chữa trước mặt Thiên Chúa rằng mình ăn trái cấm là tại người đàn bà đưa cho mình; không những thế, ông còn gián tiếp đổ trách nhiệm cho Thiên Chúa đã cho mình người đàn bà: "Người đàn bà mà Chúa đã đặt cạnh tôi, người đó đã cho tôi trái cây" (St 3,12). Ðến lượt bà Evà, bà đổ lỗi cho con rắn: "Con rắn đã lừa gạt tôi" (3,13).

Về những hậu quả tai hại do hành vi bất phục tùng gây ra, không kể việc hai ông bà sẽ phải chịu nhiều nỗi cực nhọc và sau cùng sẽ phải trở về nơi đất bụi (St 3,16-19), hậu quả tức thời là việc hai ông bà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Sống trong vườn địa đàng, nơi Thiên Chúa "đi dạo mát" (3,8), đó là sống trong sự thân mật với Thiên Chúa. Sau khi phạm tội, hai ông bà tìm ẩn mặt đi trong đám cây để tránh gặp Thiên Chúa, điều này có nghĩa là hai ông bà biết mình không còn đáng tiếp xúc với Thiên Chúa nữa. Về phía Thiên Chúa, việc Ngài khai trừ hai ông bà ra khỏi vườn chỉ nghĩa sự thừa chuẩn hành vi tránh mặt của hai ông bà đồng thời chỉ nghĩa hình phạt không cho hai người được hưởng tình thân ái của Ngài nữa, tức bị mất sự công chính. Tuy nhiên cũng nên nói thêm rằng hai ông bà không trở thành kẻ thù của Thiên Chúa như trường hợp các ác thần, vì hai ông bà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng chứ không bị đuổi xuống hỏa ngục; vẫn theo sách Sáng thế, Thiên Chúa còn thương yêu hai ông bà: Ngài lấy da thú vật làm áo cho mặc (3,21); lại những lời Ngài quở trách con rắn xem ra hàm ý rằng Ðấng Mêsia sẽ được ban sau này cho miêu duệ của hai ông bà.

Thêm về tội nguyên tổ

Như chúng ta đều biết, theo thần học về tội nguyên tổ, tất cả con cháu ông Ađam cũng bị mất sự công chính nguyên thủy và phải chờ đến khi Ðức Kitô, với cái chết trên thập giá, Ngài sẽ công chính hóa con người, sẽ tái tạo con người và tiêu hủy án phạt do tổ tông gây ra (xem Rm 5,16).

Trên đây chúng ta theo quan niệm truyền thống, dựa vào Thánh kinh Bản Bảy Mươi và Bản Phổ Thông, coi Ađam là một cá nhân có tên gọi là Ađam. Thánh Phaolô cũng hiểu như vậy - ít là nếu chúng ta hiểu bản văn của ông theo sát nghĩa - khi ông bảo rằng do một người mà tội vào thế gian, và do tội ác mà có sự chết (Rm 5,12). Hiện nay có luồng thần học nhấn mạnh sự kiện rằng từ Ađam là một tên gọi chung (hoặc chỉ chủng loại) và có nghĩa là người hoặc con người (có ý kiến cho rằng từ Ađam liên hệ với từ ađama, ađamah; và ađam có nghĩa là đất đỏ hoặc đất sét; theo sách Sáng thế, con người được dựng nên từ đất). Do đó Ađam là danh từ dùng để chỉ nhân loại thuở ban đầu. Nhân loại nguyên thủy này đã phạm tội. Vì thế nói đến tội ông Ađam là nói đến cái bí nhiệm của tội: tội xuất hiện trong nhân loại ngay từ thuở ban đầu và gây xáo trộn ý định tạo thành của Thiên Chúa mà cảnh sống trong vườn địa đàng là như mô hình hoặc hình ảnh của nhân loại mà Ngài có ý dựng nên. Do tội mà cái mô hình này không thành, toàn thể thế giới qua các thế hệ đều bị ô nhiễm bởi tội. Câu truyện ông Ađam phạm tội cũng là câu truyện mọi người phạm tội, như thánh Âu-tinh nói: "Mọi người đều là Ađam" (omnis homo Adam: PL 37, 1735); vì thế câu truyện ông Ađam tượng trưng cho tính phổ quát của tội: tội xâm nhập môi trường sống ngay từ khi con người sinh ra, tội ăn sâu vào trong con người đến nỗi, để dùng hình ảnh mà nói, nó giống như chất độc thấm vào tận xương tủy, vào lục phủ ngũ tạng con người khiến con người trở thành con bệnh không thể nào tự chữa mình lành được nữa.

Cũng nên nhắc lại giáo lý trong sách Giáo lý của Giáo hội công giáo: tội tổ tông gọi là tội theo kiểu loại suy (analogie) mà thôi, nó là tội mà người ta mắc phải chứ không phải tội người ta phạm, nó là một tình trạng chứ không phải một hành vi. Nó là sự thiếu mất sự thánh thiện và sự công chính nguyên thủy (xem số 404-405).

Bài suy niệm về tội nói đến hậu quả của tội nguyên tổ mà nhân loại phải chịu, là trở nên hư hỏng, "biết bao người đang đi đến hỏa ngục" (s. 51,2). Quan niệm cho rằng hiện có vô số người đang chịu hình phạt hỏa ngục là quan niệm lâu đời phổ cập trong Giáo hội và tồn tại cho tới khoảng đầu thế kỷ hai mươi. Vẫn theo quan niệm đó, tuyệt đại đa số những người ngoại giáo - trong thế giới xưa và nay, họ đông hơn những người Thiên Chúa giáo gấp nhiều lần - đều sa xuống hỏa ngục khi chết, chỉ trừ một số rất ít những kẻ sống theo lòng ngay hoặc chịu bí tích Thanh tẩy bằng ước vọng. Câu "ngoài Giáo hội không có sự cứu độ" (extra Ecclesiam nulla salus) từng được hiểu như thế. Thực ra chúng ta không thể biết những ai là những kẻ đang chịu án phạt đời đời; chúng ta càng không có thể quả quyết gì về con số những kẻ chịu án phạt đó. Tuy nhiên câu "Biết bao người đang đi đến hỏa ngục" cũng nhắc gợi quan điểm thần học về tội nguyên tổ: toàn thể nhân loại mất tình thân ái của Thiên Chúa và phải sống dưới quyền lực của tội là cái dẫn đến sự chết đời đời. Ðó cũng chính là ý tưởng của thánh Phaolô trong thư gửi các tín hữu Rôma. Sở dĩ nhân loại sẽ được thoát khỏi cái cảnh chịu phạt kia, vẫn theo thánh Phaolô, là nhờ ở cái chết cứu chuộc của Ðức Giêsu trên Thánh giá, cái chết chiến thắng tội một cách oanh liệt, cái chết đưa mọi người vào cõi sống vĩnh cửu.

Áp dụng lòng muốn

Cụm từ "cách đặt biệt hơn" ở đây xem ra muốn nhấn mạnh đến việc dùng lòng muốn, nếu so sánh với việc dùng trí hiểu ở trên. Cũng như ở điểm suy gẫm một, ở điểm suy gẫm hai này người tĩnh tâm dùng lòng muốn để tìm có được sự hổ thẹn vì bản thân. Ở điểm suy gẫm một, họ đã hổ thẹn khi đứng trước cái tương phản giữa trường hợp của mình và trường hợp các ác thần, bây giờ ở điểm suy gẫm hai này họ hổ thẹn khi đứng trước cái tương phản giữa trường hợp của mình và trường hợp của tổ tông Ađam và Evà. Tổ tông chỉ có một lần vi phạm lệnh Thiên Chúa mà đã di họa cho hết các con cháu sau này, và chính bản thân đã phải chịu những hậu quả khốc hại là bị đuổi khỏi vườn địa đàng, phải lao khổ, v.v., trong khi mình là kẻ đã phạm vô số tội và do đó đã góp phần làm ô nhiễm thế giới hiện tại và tương lai, thì không bị Thiên Chúa trừng phạt và còn được Ngài cho sống tới bây giờ để có thể đón nhận ơn cứu độ của Ngài.

2.3. Ðiểm ba: tội riêng, tức tội cá nhân

Ðiểm ba nói đến tội riêng của mỗi người, tức tội cá nhân: có người vì phạm một tội trọng mà đã đi vào hỏa ngục, và vô số người đã phạm tội ít hơn người tĩnh tâm, cũng đã phải chịu án phạt đời đời. Nên nhắc lại: nói vô số người đang ở trong hỏa ngục là nói theo quan niệm phổ thông trước kia. Theo truyện thánh Catarina Xiêna thì, trong một thị kiến, vị thánh này đã thấy nền hỏa ngục được lát bằng những sọ của các giám mục! Thực ra, như đã nói, về vấn đề ai đáng phải chịu án phạt đời và con số những kẻ đang phải chịu án phạt này, chúng ta không biết gì cả. Vì thế nếu có bảo rằng kẻ này người nọ phải sa hỏa ngục, thì chỉ nên coi đó là một cách nói bình dân diễn đạt sự trầm trọng và tà ác của tội mà họ đã phạm, ví dụ tội ác của những bạo chúa, của những kẻ giết người để cướp của, v.v.

Ở điểm suy gẫm ba này bản văn bảo: "Hãy làm như trên", ý nói là hãy áp dụng ba tài năng như ở điểm suy gẫm một và hai.

Áp dụng trí nhớ

Ở điểm suy gẫm một và hai, người tĩnh tâm đã nhớ đến tội của các ác thần và của tổ tông; họ đã nhớ đến những hậu quả của tội: các ác thần bị sa vào hỏa ngục, tổ tông bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, v.v. Họ đã nhớ và suy về sự tà ác của tội của các ác thần: chúng xúc phạm đến "Ðấng Tạo hóa và Chúa của chúng". Ý tưởng về Ðấng Tạo hóa được nhắc lại ở điểm suy gẫm hai khi bản văn ghi rằng ông Ađam được Thiên Chúa dựng nên và bà Evà được Thiên Chúa lấy xương sườn của ông mà làm thành. Những điều vừa nói về chính hành vi phạm tội và về hậu quả của nó đã chỉ rõ tính cách tà ác của tội. Cả hai điểm suy gẫm một và hai không nói đến tính cách trầm trọng của nó, nhưng thực ra tính cách này tiềm ẩn trong điều vừa nói trên, và bây giờ ở điểm suy gẫm ba nó được nêu rõ ra bên cạnh tính cách tà ác, trong cụm từ: "Sự trầm trọng và tà ác của tội." Việc nêu rõ tính cách trầm trọng của tội có thể là một cách nhắc người tĩnh tâm rằng đây là lúc nên chú ý thêm đến khía cạnh đó của tội. Và sở dĩ có hai tính cách trầm trọng và tà ác này là vì tội là sự xúc phạm đến Ðấng Tạo hóa và Chúa, như chúng ta đã đọc thấy ở câu trưng dẫn: "Sự trầm trọng và tà ác của tội chống lại Ðấng Tạo hóa và Chúa của mình." Hình phạt đời đời mà kẻ phạm tội phải chịu, giúp cho thấy mức trầm trọng và tà ác của tội đến như thế nào.

Áp dụng trí hiểu

"Dùng trí hiểu suy nghĩ xem khi phạm tội và hành động chống lại Ðấng tốt lành vô cùng, con người đó đã, một cách chính đáng, bị phạt đời đời như thế nào" (s. 52,3).

Trên kia bản văn bảo hãy nhớ rằng phạm tội là hành động chống lại Ðấng là Tạo hóa và là Chúa ; ở đây bản văn nói đến sự xúc phạm "Ðấng tốt lành vô cùng"; cũng ở đây lần đầu tiên bài suy niệm dùng đến cụm từ này, tuy ý tưởng về sự tốt lành đã hàm ẩn ngay trong những điểm suy gẫm một và hai, cách riêng ngay trong chính việc nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng Tạo hóa và là Chúa. Thực vậy, vì Thiên Chúa tốt lành vô cùng nên Ngài đã dựng nên các thần - theo câu "bonum diffusivum sui", cái tốt thì tự tỏa lan (hoặc khuếch tán)! - và Ngài dựng nên không phải để làm "đồ chơi" cho Ngài, nhưng là dựng nên để cho sống trong ân sủng, tức trong sự thân mật với Ngài. Cũng thế, Ngài dựng nên tổ tông loài người theo giống hình ảnh Ngài, cho hưởng lạc thú trong vườn địa đàng, cho làm chủ vạn vật, v.v. Sự tốt lành của Ngài được biểu hiện bằng lòng nhân hậu, bằng tình yêu trong công cuộc tạo thành của Ngài. Vậy đây là lúc người tĩnh tâm tiến xa hơn nữa trong sự suy gẫm: họ suy gẫm về sự tốt lành của Thiên Chúa. Sự tốt lành của Ngài càng làm nổi rõ sự trầm trọng và tà ác lớn lao của tội. Sự trầm trọng và tà ác lớn lao đến nổi việc chịu hình phạt đời đời là điều chính đáng.

Áp dụng lòng muốn

Cũng như ở hai điểm suy gẫm một và hai, ở đây, sau khi suy gẫm về sự trầm trọng và tà ác của tội, người tĩnh tâm dùng lòng muốn để "thúc đẩy các tình cảm", để "tìm sự hổ thẹn vì bản thân". Như thế sự hổ thẹn là kết quả mà cả ba điểm suy gẫm đều nhằm đạt tới, tuy mỗi điểm suy gẫm đi theo cách thức riêng. Ở điểm suy gẫm ba này, người tĩnh tâm hổ thẹn khi đặt mình trước sự tương phản giữa trường hợp của mình và trường hợp của những người khác: biết bao kẻ đã phạm tội ít hơn mình, hoặc trong khi có người chỉ phạm một tội (tội trọng, dĩ nhiên) mà đã phải chết ở trong tình trạng thù nghịch cùng Thiên Chúa, họ không còn có được thời giờ như mình đang có đây, tức được Thiên Chúa còn cho sống, để suy nghĩ về tội của mình, để ăn năn thống hối và làm lành cùng Thiên Chúa, để đón nhận lại tình thương của Ngài.

Tới đây, nhìn lại những điều đã trình bày về ba điểm suy gẫm, chúng ta thấy có điểm chung này là, trong cả ba điểm suy gẫm, người tĩnh tâm đều bắt đầu bằng cái nhìn vào tội của những chủ thể khác để từ đó sẽ hướng vào bản thân. Ở điểm suy gẫm một, họ nhìn vào tội của các ác thần là tội thuộc thế giới thiêng liêng vô hình; nếu tạm dùng phạm trù không gian và thời gian, chúng ta bảo rằng đây là tội vừa ở ngoài không gian và thời gian, vừa có trước tội ở trong thế giới hữu hình. Ðiểm suy gẫm hai đề cập tội thuộc thế giới hữu hình của loài người, và đây là tội nguyên tổ, tức tội thuộc thuở ban đầu của nhân loại. Ðiểm suy gẫm ba tiếp tục đề cập tội thuộc thế giới hữu hình, nhưng đi vào các tội của con cháu ông Ađam và bà Evà trong suốt dòng lịch sử. Trong cả ba thứ tội này, cái có trước liên hệ đến cái có sau: trong trường hợp tội của tổ tông, có con rắn tượng trưng cho ác thần hoặc quỷ, xen vào, vì nó dụ dỗ và phỉnh gạt tổ tông; tội của tổ tông làm cho tổ tông mất sự công chính nguyên thủy và khiến con cháu cũng phải mất theo để trở nên yếu đuối dễ sa ngã, tức dễ đi tới việc phạm các tội riêng. Người tĩnh tâm nhìn vào những chủ thể đã phạm tội rồi nhìn vào mình và thấy mình đáng phải phạt hơn các chủ thể đó. Ðàng khác, họ thấy mình không tách ra khỏi dòng lịch sử, và điều này có nghĩa là tội không những vây bọc lấy họ mà còn ở trong chính con người họ, đúng như thánh vịnh nói: "Này đây tôi đã sinh ra trong tội, và mẹ tôi đã mang thai tôi trong tội" (Tv 50,7). Nhân tiện cũng nhắc đến việc con người bị tiêm nhiễm bởi những cái xấu hoặc sai lệch trong những chuẩn mực xã hội lệch lạc, trong những cách đánh giá không đúng của xã hội, trong những cơ cấu và định chế xã hội còn nhiều khuyết điểm, v.v.

Cũng nên nêu ra một chi tiết. Trong sách Linh thao, chỉ riêng bài tập thứ nhất về tội mà chúng ta đang bàn tới, mới gọi ba điểm suy gẫm là những điểm chính: "Nó gồm /.../ ba điểm chính và một cuộc tâm sự" (s. 45,2). Vậy chắc hẳn gọi là những điểm chính là có ý bảo rằng cả ba điểm đều quan trọng cho việc hình thành một tổng thể hoàn chỉnh của bài suy niệm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhất thiết phải dành cho mỗi điểm thời gian suy gẫm lâu xuýt xoát như nhau, như điều bổ di bốn đã nói rõ (s. 76,3). Theo thiển ý, việc nhìn vào tội của ác thần, của tổ tông Ađam và Evà (hoặc của nhân loại nguyên thủy) và của muôn vàn người khác, giúp người tĩnh tâm có một cái nhìn bao quát về vương quốc của tội ; việc nhìn vào những hậu quả tai hại của các tội đó giúp họ xác tín và cảm nghiệm sự trầm trọng và tà ác của chúng. Nhưng nên khai triển và nhấn mạnh ý tưởng của điểm suy gẫm ba: sự trầm trọng và tà ác của tội cốt ở sự xúc phạm Ðấng là Tạo hóa và là Chúa, Ðấng tốt lành vô cùng.

3. Phần tâm sự

Ở phần suy gẫm, người tĩnh tâm suy về những tội của mình chống lại Thiên Chúa, rồi dùng lòng muốn để kích thích mình hổ thẹn vì đã phạm những tội đó. Cũng ở phần suy gẫm, người tĩnh tâm khi suy nghĩ về những tội của mình, họ chỉ mới nghĩ đến mối quan hệ của mình đối với Thiên Chúa, chứ chưa đặt mình trong tương giao với Ngài, ít là xét theo lý thuyết - trong thực tế, không có gì ngăn cản họ than thở với Thiên Chúa giữa lúc đang suy gẫm về tội, tùy theo trạng huống tâm hồn. Bây giờ, bước sang phần tâm sự, họ tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa Ngôi Hai là Ðức Kitô, và bắt đầu là bằng cái nhìn tưởng tượng vào Ngài: "Tưởng tượng Ðức Kitô Chúa chúng ta đang ở trước mặt và treo trên Thánh giá." Nên để ý : phần suy gẫm nói đến Ðấng Tạo hóa, nói đến Ðấng là Chúa, nhưng không nói đến Ðức Kitô. Vậy điều này ít ra cũng có một phần dễ hiểu do ở chỗ Ngôi Hai chưa giáng trần khi các ác thần phản loạn và khi tổ tông Ađam và Evà phạm tội. Phần tâm sự nói Ðấng mà người tĩnh tâm gặp gỡ là Ðức Kitô; và khi nói đến Ðức Kitô, phần tâm sự không quên nhắc đến địa vị và tước hiệu Chúa và Tạo hóa của Ngài. Ðiều này có nghĩa là Ðấng mà người tĩnh tâm tiếp xúc chính là Thiên Chúa và là Ðấng Tạo hóa, nhưng là Thiên Chúa và là Ðấng Tạo hóa làm người. Nhân tiện cũng thêm nhận xét dưới đây.

Trong những bài tập khác, không kể ở nhiều chỗ Ðức Kitô được gọi là Chúa chúng ta (ví dụ s. 71; 130; 195; 206), Ngài còn được xưng tụng là Chúa vĩnh cửu của vạn vật (s. 98,1), là Chúa uy linh (s. 98,4 ; 147,2); và tất cả những tước hiệu này cũng đều áp dụng cho Thiên Chúa. Ngoài ra, ở Tuần Ba và Bốn trong sách Linh thao còn có chỗ nói đến thần tính của Ðức Kitô tự ẩn đi (s. 196) hoặc hiển lộ (s. 223). Riêng bài Vương quốc của Tuần Hai nói đến phụng sự và tán dương Chúa vĩnh cửu của vạn vật (s. 98,1), tức Ðức Kitô, trong khi bài Nguyên lý và Nền tảng nêu ra việc phụng sự và tán dương như là thuộc nhiệm vụ của con người đối với Thiên Chúa, và nhiệm vụ này được nhắc lại trong lời nguyện chuẩn bị của tất cả các bài suy ngắm (s. 46). Vậy sự kiện trên nhắc người tĩnh tâm rằng họ đang ở trong mầu nhiệm về Thiên Chúa nơi Ðức Kitô hoặc mầu nhiệm Ðức Kitô là Thiên Chúa: Ðức Kitô chính là Thiên Chúa làm người để đi vào trong lịch sử nhân loại, hiện diện giữa nhân loại, ban mình cho nhân loại, và để, trong sự hiệp nhất với Ngài đồng thời qua sự trung gian của Ngài, mọi người và mỗi người thực hiện tương giao với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta trở lại vấn đề tâm sự, cũng như khi cầu nguyện chúng ta nhìn vào tượng Chúa chịu đóng đanh thì, ở đây cũng thế, như bản văn ghi, người tĩnh tâm "tưởng tượng Ðức Kitô Chúa chúng ta đang ở trước mặt và treo trên Thánh giá". Hiển nhiên đây không phải là tưởng tượng suông, nhưng là dùng tưởng tượng để nghĩ đến Ðức Kitô ; và không những nghĩ đến Ngài, nhưng còn có mặt thực sự bên Ngài mà người tĩnh tâm hình dung qua ảnh tượng Ngài chịu treo trên Thánh giá. Ảnh tượng này nhắc lại sự thật lịch sử vĩ đại là việc Ngài đã lấy cái chết của Ngài trên Thánh giá làm giá cứu chuộc nhân loại. Tất cả cuộc tâm sự này được thực hiện dưới chân Thánh giá.

Không chỉ dừng lại ở sự tưởng tượng về Ðức Kitô, người tĩnh tâm còn tiếp xúc trực tiếp với Ngài: họ thưa với Ngài rằng làm sao Ngài là Ðấng Tạo hóa mà lại trở thành người (hữu thể thụ tạo), làm sao Ngài có sự sống vĩnh cửu mà lại nhận lấy cái chết, và là cái chết vì tội của họ! Ðây là những tương phản thật lạ lùng. Ở mào đầu một, người tĩnh tâm, bằng tưởng tượng, coi mình là kẻ bị đày ải, một tình huống mà chính họ gây ra do phạm tội; ở phần tâm sự, Ðức Kitô tự ý đến gặp họ, như bản văn ghi là Ngài làm người, Ngài đến gặp họ là kẻ bị đày ải để giải thoát họ, và, để làm việc này, Ngài đã nhận lấy những cái tương phản kia. Vậy trong viễn tượng của mầu nhiệm cứu chuộc, câu hỏi mà người tĩnh tâm tự đặt cho mình trước mặt Ðức Kitô, bao hàm những điều trọng yếu này: Thiên Chúa là Ðấng Tạo hóa đã trở thành kẻ thụ tạo, là Ðấng vô cùng đi vào hữu hạn, là Ðấng làm người như mọi người để:

Như vậy, ngược lại với sự tưởng tượng ở mào đầu một về cấu tạo nơi chốn (con người bị đày ải, ở chung với thú vật đần độn), giờ đây linh hồn người tĩnh tâm được thanh thản và bình an, được ở trong trạng thái hài hòa thống nhất với thể xác, vì toàn thể con người họ được hưởng ơn cứu chuộc (linh hồn không còn như bị "giam tù" nơi thân xác). Cũng ở mào đầu một, người tĩnh tâm tưởng tượng mình bị sống trong đày ải; nói đày ải là nói một cảnh ngộ mà họ bắt buộc phải chịu, trái với ước vọng được tự do. Vậy giờ đây, nhờ cái chết của Ðức Kitô trên Thánh giá, họ được giải thoát, đồng thời họ không còn bị xếp hạng chung với thú vật bởi lẽ họ được phục hồi quyền làm con cái Thiên Chúa.

Bước vào phần tâm sự, người tĩnh tâm cảm nghiệm một tương phản lớn lao. Trước đó, họ lâm phải hoặc chứng kiến cảnh tượng thật đen tối, đầy tiêu cực và đổ nát:

Bây giờ người tĩnh tâm đứng trước mặt Ðức Kitô treo trên Thánh giá: cảnh tượng lúc nãy là đổ nát, cảnh tượng lúc này là hàn gắn (cứu độ); cảnh tượng trước là bi quan, cảnh tượng sau là lạc quan. Ở đây người tĩnh tâm không còn nhắc đến cái cảnh tượng đen tối nữa, họ như quên đi án phạt của các ác thần, của tổ tông Ađam và Evà và của muôn vàn người khác, để một mình đối diện với Ðấng treo trên Thánh giá và chết cho họ. Nghĩa là họ nhìn lên Ðức Kitô rồi nhìn vào mình, và thấy mình đang được hưởng ơn cứu độ.

Qua điều vừa trình bày vắn tắt, bài suy gẫm muốn tuần tự đặt người tĩnh tâm trước hai cảnh nối tiếp nhau tương phản với nhau, và nhằm gợi cho họ những tâm tình đạo đức tương ứng với mỗi cảnh. Vì thế, theo thiển ý, thật khó mà thay đổi bố cục của bài suy gẫm này mà không làm thay đổi nội dung cũng như mục đích của nó. Lại cũng nên biết rằng bài tập này là một chuẩn bị cho tâm hồn tiến tới bài tập kế tiếp.

Từ sự hổ thẹn khi suy đến những tội đã phạm, người tĩnh tâm bây giờ đi tới chỗ tự hỏi:

Ðây là ba câu hỏi họ tự nêu ra cho mình, nhưng là nêu ra trước mặt Ðức Kitô (nhu câu đầu tiên của phần tâm sự cho biết). Lại nữa, với ba câu hỏi này, họ không tự khép kín vào bản thân, mà là hướng trực tiếp vào Ðức Kitô: làm cho Ngài. Ba câu hỏi liên quan đến chiều dài của cuộc đời gồm dĩ vãng, hiện tại và tương lại, tức tôi đã, tôi đang và tôi phải làm gì - nói phải làm gì là hàm ý thời gian từ nay về sau.

Về câu hỏi liên quan đến điều đã làm cho Ðức Kitô, người tĩnh tâm đã tìm thấy câu trả lời trong phần suy gẫm: họ là kẻ đã phạm tội, và không phải một nhưng vô số tội. Về câu hỏi liên quan đến hiện tại, nếu hiện tại hiểu là chính giờ phút suy niệm này, thì câu trả lời cũng dễ, vì nó được chuẩn bị ở phần suy gẫm ở đó người tĩnh tâm đã cố gắng kích thích mình hổ thẹn. Và nếu ở phần suy gẫm họ đã biết hổ thẹn, thì ở phần tâm sự này họ hổ thẹn hơn nữa, bởi lẽ ở phần suy gẫm họ chỉ mới nghĩ đến Ðấng họ xúc phạm là Tạo hóa và là Chúa, còn ở phần tâm sự này họ nghĩ thêm đến Ðấng họ xúc phạm là Ðức Kitô, Thiên Chúa làm người vì họ và chịu đóng đanh trên Thánh giá vì họ, tức Ðấng đã không những dựng nên họ và ban cho họ muôn vàn ân huệ, mà còn hy sinh chính mạng sống vì họ. Vậy thiết nghĩ điều phù hợp với diễn tiến tâm lý là bây giờ họ bày tỏ cùng Ðức Kitô sự hổ thẹn của mình. Ðiều này có nghĩa là sự hổ thẹn không làm cho họ khép kín mình lại để trong cô độc nghiền ngẫm tình trạng tội lỗi của mình, trái lại nó khiến họ tự mở ra để đón tiếp Chúa. Và một khi đã bày tỏ với Chúa nỗi hổ thẹn của mình, thì việc nghĩ đến phải gạt bỏ những cái khiến mình hổ thẹn, là điều dĩ nhiên vì, ngay trên bình diện tự nhiên, không một người nào lành mạnh về tâm thần mà lại chấp nhận sống trong tình trạng hổ thẹn vì mình. Nhưng nếu việc nghĩ đến gạt bỏ những cái khiến mình hổ thẹn là việc thuộc hiện tại (đang làm cho Ðức Kitô), thì chính việc gạt bỏ chúng lại liên hệ trực tiếp đến tương lai. Vì thế câu hỏi "Tôi đang làm gì cho Ðức Kitô?" không tách rời khỏi câu hỏi "Tôi phải làm gì cho Ðức Kitô?" Tuy vậy, phần tâm sự chỉ mới nêu ra câu hỏi này chứ không cung cấp câu trả lời, và kết thúc bằng câu: "Và khi thấy Ngài như thế và chịu treo trên Thánh giá như vậy, suy nghĩ về điều xuất hiện trong tâm trí."

Tóm lại, sự biết và nhận mình là kẻ có tội, sự hổ thẹn vì đã phạm tội, đã không làm cho người tĩnh tâm co rút mình lại, nhưng nó mở rộng cửa cho họ thấy tình thương vô biên của Thiên Chúa được biểu lộ nơi cái chết cứu chuộc của Ðức Kitô, và vì thế nó là bước đầu dẫn họ tiến tới việc tự cải hóa được gợi ý qua câu hỏi rằng "tôi phải làm gì cho Ðức Kitô". Họ từ dĩ vãng tội lỗi của mình hướng về tương lai trong lạc quan vì tin tưởng vào Ðấng đã chịu chết cho mình trên Thánh giá.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page