Theo cách trình bày của sách Linh thao, về mặt hình thức, Tuần Nhất bắt đầu với bài Nguyên lý và Nền tảng. Nhưng nếu xét theo nội dung riêng của mỗi Tuần, thì Tuần Nhất là Tuần dành cho việc suy gẫm về tội để ăn năn hối cải; và điều này phù hợp với chú dẫn đầu tiên của sách Linh thao là "gỡ khỏi mình mọi ưa thích lệch lạc" (s. 1,3). Gạt bỏ tội, tránh tội, đó là công việc đầu tiên và tối thiểu mà người tĩnh tâm phải làm để chu toàn nhiệm vụ tán dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa và do đó họ "cứu rỗi linh hồn mình" (s. 23,2).
Trong sách Linh thao, các bài suy niệm và chiêm niệm đều gọi chung là những bài tập. Nhưng các bài tập của Tuần Nhất là những bài suy niệm, còn từ Tuần hai trở đi, trừ vài ba bài tập còn gọi là những bài suy niệm, tất cả đều là những bài chiêm niệm. Như sẽ thấy rõ, suy niệm cốt ở suy nghĩ về một mầu nhiệm hay một chân lý công giáo nào đó nhằm tìm ích lợi cho linh hồn, và suy nghĩ trong cầu nguyện, tức trước mặt Thiên Chúa như trong một cuộc tiếp xúc thân mật, và cả kết hiệp với Ngài; suy nghĩ để cảm nghiệm chứ không phải chỉ suy nghĩ hay tìm hiểu suông nhằm làm thỏa mãn nhu cầu tri thức của trí tuệ. Chú dẫn hai trong sách Linh thao viết: "Không phải cái biết nhiều làm no nê và thỏa mãn linh hồn, nhưng là việc, ở bên trong, cảm nghiệm và thưởng thức các sự việc" (s. 2,4).
Dưới đây là mấy nét đại cương về việc suy niệm mà sách Linh thao đưa ra trong Tuần Nhất.
Chúng ta căn cứ vào cách trình bày về một bài suy niệm trong sách Linh thao - bài suy niệm đầu tiên của Tuần Nhất - để chia làm ba phần: nhập đề, suy gẫm và tâm sự.
Phần nhập đề gồm lời nguyện mà sách Linh thao gọi là "lời nguyện chuẩn bị", và hai mào đầu như sẽ thấy rõ sau.
Nội dung của lời nguyện chuẩn bị được ghi rõ trong bài tập một: "Xin Thiên Chúa Chúa chúng ta ban ơn để hết mọi ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi thuần túy quy hướng về phụng sự và tán dương Thiên Chúa uy linh" (s. 46). Nội dung của nó là một thứ đúc kết, một kết luận và một quyết tâm rút ra từ bài Nguyên lý và Nền tảng, nó được dùng chung cho mọi lần suy niệm cũng như chiêm niệm.
Cấu tạo nơi chốn cốt ở dùng trí tưởng tượng để sắp đặt hoặc tập hợp lại một số sự vật, ví dụ căn nhà, đường đi, quả núi, thành một tổng thể để làm nên bối cảnh liên quan đến đề tài suy ngắm; nói cách khác, dùng trí tưởng tượng để vẽ ra một vị trí không gian liên quan đến điều suy ngắm, ví dụ tưởng tượng ra một máng cỏ trong một túp lều (hay trong hang đá) nếu là suy ngắm về Chúa giáng sinh; tưởng tượng cảnh toàn thể con người tôi "trong thung lũng này, như bị đày ải giữa các thú vật đần độn" (s. 47,6), nếu là suy gẫm về tội.
Việc cấu tạo nơi chốn là điều tự nhiên, bởi lẽ con người cụ thể là con người chiếm một chỗ nhất định trong không gian, và họ không thể hình dung một biến cố, một nhân vật hay một sự vật nào ở ngoài khung cảnh không gian. Chúng ta vẫn nói ví dụ Chúa Giêsu xuống âm phủ sau khi tắt thở; Ngài lên trời sau khi phục sinh và Ngài ngự bên hữu Ðức Chúa Cha; trong kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: "Chúng con lạy Cha ngự trên trời." Cấu tạo nơi chốn, trong nhiều bài chiêm niệm còn là tạo ra một không gian tưởng tượng trong đó người tĩnh tâm vừa hiện diện vừa cầu nguyện, chẳng hạn khi họ tưởng tượng nơi Chúa sinh ra là một túp lều thô sơ, thì chính ở trong túp lều tưởng tượng này họ chiêm ngưỡng Chúa Hài nhi, họ thờ lạy Ngài, họ than thở với Ngài, v.v.
Người tĩnh tâm xin cùng Thiên Chúa ơn thích hợp với nội dung của bài suy ngắm - trong các bài chiêm niệm của các Tuần Hai, Ba và Bốn, thì đây là mào đầu ba - ví dụ, nếu là bài suy niệm về tội, thì xin ơn đau buồn vì những tội đã phạm, v.v. Vì thế ơn xin ở mào đầu này vạch cho người tĩnh tâm thấy cách đại cương hướng đi tới của bài suy ngắm, thấy được mục đích cụ thể mà họ muốn đạt được. Chúng ta đã rõ, duy ý chí là điều tối kỵ trong đời sống thiêng liêng. Sự xin ơn diễn đạt sự ao ước điều tốt lành, thánh thiện, đồng thời nó hàm ý rằng ước vọng hay quyết tâm của chúng ta nếu trở thành hiện thực được thì là nhờ vào ơn phù trợ của Thiên Chúa là Ðấng đầy tình thương và quyền năng. Vì thế chúng ta không chán nản hay thất vọng trước sự yếu đuối và bất lực của chúng ta, bởi lẽ chúng ta ý thức và nhìn nhận rằng sự yếu đuối và bất lực này thuộc về bản chất con người chúng ta là hữu thể hữu hạn. Do sự ý thức và nhìn nhận này, chúng ta phá bỏ hay ngăn cản sự hình thành một hình ảnh được lý tưởng hóa cách nào đó về con người chúng ta. Lại nữa, trong các bài suy ngắm, rõ ràng động cơ của các ước vọng tốt lành và thánh thiện là lòng yêu mến Thiên Chúa và sự muốn sống phù hợp với ý muốn của Ngài, là sự quyết tâm đi theo Ðức Kitô và cộng tác với Ngài trong sứ mệnh cứu độ của Ngài, vì thế việc xin ơn không phải là sự đi tìm mình - tìm sự thánh thiện cho bản thân cũng có thể bị lệch hướng để trở thành sự đi tìm mình do lòng ái ngã - mà là sự đi tìm Chúa: tìm vinh quang cho Thiên Chúa.
Một vấn nạn : làm sao ngay từ đầu, khi chưa suy ngắm để biết rõ hoặc đào sâu đề tài, mà lại đã muốn nhận được những ơn liên quan đến bài suy ngắm, nghĩa là làm sao lại muốn có cái điều mà mình chưa biết rõ? Xin trả lời rằng, như đã nói trên, những ơn xin được nêu ra giúp người tĩnh tâm biết cách đại cương mục đích của bài suy ngắm. Ðàng khác, trong thực tế, không một ai lại nghĩ rằng những ơn xin được nêu ra ở phần nhập đề của một bài suy ngắm, là những điều không thích đáng hay cần thiết.
Sau phần nhập đề, người tĩnh tâm bước vào phần suy gẫm (hoặc chiêm niệm, nếu là bài chiêm niệm). Trong Tuần Nhất, các bài suy niệm chia ra từ ba tới năm điểm chính, tức những điều mà người tĩnh tâm sẽ suy nghĩ. Người tĩnh tâm sẽ dừng lại ở mỗi điểm đó lâu chóng bao lâu là tùy ở họ, như sách Linh thao viết: "Ở điểm mà tôi sẽ tìm thấy điều tôi muốn, tôi sẽ nghỉ lại ở đó, không bận tâm đến việc đi xa hơn, cho tới khi tôi được thỏa mãn" (s. 76,3). Bài suy niệm đầu tiên của Tuần Nhất và là bài suy niệm về tội, gồm ba điểm: điểm một về tội các thần, điểm hai về tội của Tổ tông Ađam, điểm ba về các tội riêng của mỗi người. Ðiều đáng nói nhất trong việc suy gẫm, là sự dùng đến ba loại hoạt động của trí khôn mà người ta gọi là ba tài năng: trí nhớ (ký ức), trí hiểu (tức tư duy) và lòng muốn.
Về trí nhớ: dùng trí nhớ để nhớ đến nội dung của bài suy niệm, tức một sử tích, một biến cố, một sự kiện hay một chân lý. Về trí hiểu: dùng trí hiểu để suy xét và tìm hiểu nội dung của điểm suy gẫm mà trí nhớ nhắc đến. Sau cùng là dùng đến lòng muốn để muốn hoặc yêu cái mà trí hiểu nhận là tốt, là quý, là đáng ước ao, để ghét cái mà trí hiểu nhận là xấu hay đáng ghét; dùng lòng muốn để có những tình cảm hay cảm xúc thánh thiện, như "chảy nước mắt vì các tội của tôi) (s. 55), "phiền muộn với Ðức Kitô phiền muộn, chảy nước mắt, đau khổ bên trong vì nỗi đau khổ dường ấy mà Ðức Kitô đã chịu cho tôi" (s. 203), "cảm thấy mãnh liệt niềm hoan hỉ và nỗi vui mừng vì sự vinh quang và vui mừng dường ấy của Ðức Kitô Chúa chúng ta" (s. 221) ; dùng lòng muốn để quyết tâm thực hiện điều này điều nọ, như quyết tâm sửa mình (s. 61), quyết tâm noi gương Chúa (s. 98). Vậy tất cả những quyết tâm này, những tình cảm và cảm xúc này đều thuộc về mục đích mà người tĩnh tâm nhắm tới trong mỗi bài suy ngắm. Nói cách tổng quát hơn, người tĩnh tâm suy ngắm để đi tới chỗ, nhờ ơn Thiên Chúa soi sáng, phù trợ và thúc đẩy, họ dùng lòng muốn để ghét tội, để mến Chúa Kitô, để quyết định đi theo Ngài và noi gương Ngài, v.v. Ðiều này cho thấy rõ vai trò của lòng muốn.
Dùng từ lòng muốn (hoặc có khi ý muốn) để dịch từ volundad (la-tinh: voluntas; Pháp: volonté; Anh: will). Từ volundad xưa chỉ có nghĩa là muốn hoặc ước ao. Lòng muốn, cùng với trí nhớ, trí hiểu, là ba tài năng tâm lý theo quan niệm xa xưa thuộc truyền thống Giáo phụ và từ thời thánh Âu-tinh. Như sẽ có dịp nói rõ hơn ở chỗ khác, từ lòng muốn có nghĩa rộng hơn từ ý chí mà ngày nay, trong tâm lý học, trong tiếng Việt Nam, người ta dùng để dịch cũng từ volundad, bởi vì ý chí, trong tâm lý học hiện đại, phân biệt với tình cảm, trong khi lòng muốn, tùy trường hợp, còn bao hàm hoặc không phân biệt với tình cảm, với con tim - trong từ lòng muốn có thành tố lòng chỉ con tim! - ví dụ như trong sách Linh thao có chỗ nói đến việc Thiên Chúa "thúc đẩy" và "lôi cuốn" lòng muốn của người tĩnh tâm (s. 175,2 ; 180,1).
Từ lòng muốn hiểu như trên, gần gũi với quan niệm của Arichtôtêlê (và cũng là quan niệm triết học kinh viện sau này) về cái gọi là lý dục (appetitus rationalis; appétit rationnel). Theo ông, nơi con người có lý dục và giác dục (appetitus sensibilis ; appétit sensible).
Vì bài suy niệm dùng đến ba tài năng nói trên là trí nhớ, trí hiểu và lòng muốn, nên cách thức suy niệm trong sách Linh thao được người ta gọi là suy niệm theo ba tài năng. Bài suy niệm đầu tiên của Tuần Nhất này có nhan đề: "Bài tập thứ nhất là bài suy niệm bằng ba tài năng..." Như đã thấy, cái thứ tự trước sau của việc sử dụng ba tài năng này là cái thứ tự được xếp đặt theo lý luận thông thường: biết nội dung của vấn đề mình định suy nghĩ, ở đây là nhớ lại nội dung đề tài mà người tĩnh tâm tiếp nhận từ nơi vị hướng dẫn ; tiếp đến mới là suy xét nghiền ngẫm nội dung đó; sau cùng là dùng lòng muốn để yêu hay ghét, để nêu quyết tâm có hành động này nọ. Vậy dĩ nhiên ba tài năng không chỉ áp dụng cho việc suy niệm, mà cả cho việc chiêm niệm, như, riêng về trí hiểu và lòng muốn, chú dẫn ba trong sách Linh thao đã nói rõ: "Vì trong hết các bài tập thiêng liêng sau đây chúng ta dùng những hành vi của trí hiểu khi suy nghĩ và của lòng muốn khi yêu thích" (s. 3,1). Sự phân chia theo thứ tự trước sau của ba tài năng không có nghĩa là ba thứ hoạt động của ba tài năng này không thể đan xen vào nhau, và đan xen nhiều lần trong một giờ suy ngắm.
Sau phần suy gẫm là phần tâm sự hoặc than thở. Ðây là phần kết thúc giờ suy ngắm. Nó cốt ở bày tỏ tâm tình với Thiên Chúa hoặc với Ðức Kitô (có khi là với Ðức Maria, thánh Giuse, v.v.), vì thế đây là lúc cầu nguyện trực tiếp nhất. Bài suy niệm thứ nhất của Tuần Nhất giải thích: "Việc tâm sự được thực hiện, nói cho đúng, như cách một người bạn nói với một người bạn hoặc như một người đầy tớ nói với chủ mình: khi thì xin một ơn nào đó, khi thì thú nhận một điều xấu nào đó, khi thì tỏ bày việc của mình và xin sự chỉ đạo về những việc đó" (s. 54). Bài suy niệm tiếp theo giải thích thêm: "Kết thúc bằng một cuộc tâm sự về lòng nhân từ: hầu chuyện và cảm tạ Thiên Chúa Chúa chúng ta vì Ngài đã cho tôi sống đến bây giờ, quyết tâm sửa mình trong tương lai, nhờ ơn Ngài" (s. 61). Như vậy phần tâm sự chủ yếu dùng lòng muốn - hiểu theo nghĩa đã xác định ở trên. Về việc dùng lòng muốn ở phần tâm sự hay ở phần suy gẫm, người tĩnh tâm nên nhớ đến chú dẫn thứ ba trong sách Linh thao: "Vì trong hết các bài tập thiêng liêng sau đây chúng ta dùng những hành vi của trí hiểu khi suy nghĩ và của lòng muốn khi yêu thích, nên chúng ta hãy chú ý rằng trong những hành vi của lòng muốn, khi bằng miệng lưỡi hay bằng tâm trí chúng ta thưa gửi cùng Thiên Chúa Chúa chúng ta hoặc cùng các thánh của Ngài, thì về phía chúng ta, phải có sự cung kính nhiều hơn là khi chúng ta dùng trí hiểu để hiểu biết" (s .3,1-3).
Trong tất cả các bài tập, trừ bài Vương quốc, phần tâm sự kết thúc bằng kinh Lạy Cha, kể cả trường hợp người tĩnh tâm đã tâm sự với Ðức Kitô hay với các thánh. Ðiều này gợi ý về tầm quan trọng của việc họ chấm dứt giờ cầu nguyện bằng chính việc tiếp xúc với - chứ không chỉ nhớ đến - Ðức Chúa Cha xét như Ngài là Cha mà Ðức Kitô là con của Ngài từ thuở đời đời, và xét như Ngài là Cha của mọi người. Sự ý thức về điều vừa nói chắc hẳn sẽ giúp đọc kinh Lạy Cha cách sốt sắng, không như đọc một công thức theo thói quen.
Thời gian dành cho mỗi phần của bài suy ngắm là bao lâu ? Chúng ta có quyền suy đoán rằng phần nhập đề, vì là nhập đề, nên không kéo dài. Thiết nghĩ chỉ lâu chừng giăm ba phút; điều này cũng phù hợp với câu chú thích ở ngay trong bài tập đầu tiên: "Trước mọi lần chiêm niệm hay suy niệm, phải luôn luôn đọc lời nguyện chuẩn bị mà không thay đổi gì, và làm hai mào đầu đã nói" (s. 49). Ở đây có ý nhấn mạnh đến từ trước trong câu trích dẫn ("trước mọi lần chiêm niệm"). Về phần suy gẫm (hay chiêm niệm) và phần tâm sự, phần nào lâu hơn là tùy ở tình trạng tâm hồn. Lại nữa, phần tâm sự vẫn có thể xen kẽ vào giữa phần suy ngắm, và đó là lúc linh hồn dùng lòng muốn hay con tim, hướng lên Thiên Chúa hoặc Ðức kitô để than thở với các Ngài, để cầu xin các Ngài, tùy theo sự thúc đẩy nội tâm. Bản chỉ đạo năm 1599 cũng nói là được, và có khi nên, làm tâm sự ngay ở đầu hay ở giữa khi suy ngắm.
Sau cùng, theo sách Linh thao, sau giờ suy ngắm, người tĩnh tâm sẽ ngồi hoặc đi đi lại lại, dành mười lăm phút để kiểm điểm việc suy ngắm là "xem xét sự việc đã xảy ra cho tôi như thế nào trong lúc chiêm niệm hay suy niệm; và nếu xấu thì tôi sẽ xem xét nguyên nhân khiến điều đó xảy ra, và khi thấy như thế, tôi ăn năn để sửa mình về sau; và nếu tốt, tôi tạ ơn Thiên Chúa Chúa chúng ta, và lần khác tôi sẽ làm theo cũng cách đó" (s. 77,1-3). Ðây là kiểm lại xem đã có hay không có những chuyển động nội tâm nào, tức tôi có cảm thấy sốt sắng hay được sự yên ủi không, hay tôi nguội lạnh, khô khan, trơ lì; kiểm lại xem tôi có bị quấy rối bởi những hình ảnh hay những ý tưởng không thích hợp không. Sau đó tìm lý do của những hiện tượng tiêu cực này, nếu có, để biết cách tránh chúng trong lần suy ngắm sau.
Một câu chú thích trong sách Linh thao đặt ở Tuần Nhất này bảo rằng, trong giờ xét mình riêng, hãy xét mình về việc làm các bài tập (của cả bốn Tuần), nhưng chủ yếu là xét xem có "những khuyết điểm hay cẩu thả" nào không (s. 90).
Những điều trình bày dưới đây, vẫn căn cứ vào sách Linh thao, áp dụng chung cho cả việc suy niệm và chiêm niệm, cả hai gọi chung là suy ngắm.
Ở mục nói về Ba cách cầu nguyện, sách Linh thao khuyên rằng trước khi cầu nguyện, nên để cho trí khôn nghỉ ngơi một chút bằng cách ngồi hay đi đi lại lại và suy xét xem mình sẽ đi đâu và để làm gì (s. 239,1). Vậy thiết nghĩ lời khuyên này cũng nên được áp dụng cho những lần suy ngắm.
Sách Linh thao bảo người tĩnh tâm rằng, để bắt đầu suy ngắm, "Một hay hai bước trước chỗ tôi phải chiêm niệm hay suy niệm, tôi sẽ đứng lâu bằng khoảng thời gian đọc một kinh Lạy Cha, nâng trí khôn lên cao, suy xét xem Thiên Chúa Chúa chúng ta nhìn tôi như thế nào, v.v. ; và làm một hành vi tôn kính hay hạ mình" (s. 75,1-2). Vậy nếu chúng ta không giữ sát lời chỉ dẫn này, ít ra chúng ta cũng nên hiểu rõ nội dung của nó để tìm ra cử chỉ thích hợp.
"Một hay hai bước trước chỗ tôi phải chiêm niệm hay suy niệm, tôi sẽ đứng." Câu này mang ý nghĩa một sự chuẩn bị liên quan trực tiếp đến thể xác. Ðứng chứ không phải quỳ hay ngồi như đang khi suy ngắm, bởi lẽ người tĩnh tâm ở trong tư thế sẽ tiến tới - họ đang đứng cách vị trí suy ngắm một vài bước. Chi tiết này gợi ý một sự chuẩn bị trực tiếp, và có thể giúp người tĩnh tâm có ý thức hơn về việc mình sắp sửa làm là suy ngắm.
"Khoảng thời gian đọc một kinh Lạy Cha": thời gian chuẩn bị này không kéo dài, mà chỉ lâu chừng một vài phút.
"Nâng trí khôn lên cao": người tĩnh tâm dùng hình ảnh không gian để nhớ rằng Thiên Chúa là Ðấng cao trọng, thánh thiện, nhìn thấy mọi sự; điều này phù hợp với hình ảnh trong kinh Lạy Cha: Thiên Chúa là "Ðấng ngự trên trời".
"Suy xét xem Thiên Chúa Chúa chúng ta đang nhìn tôi như thế nào, v.v." Thiên Chúa là Chúa của mọi người và, trước mắt Ngài, mọi người kết hiệp lại thành một tập thể gọi là "chúng ta". Ngài ngự trên cao, nhưng không xa mỗi người, vì Ngài đang nhìn không phải chỉ tập thể gọi là chúng ta, mà còn nhìn riêng từng người: Ngài "nhìn tôi". Nói Thiên Chúa nhìn tôi là hàm ý phần chủ động và sáng kiến được dành cho Thiên Chúa chứ không phải cho tôi, và, đi xa hơn nữa, dù tôi không nhớ đến Ngài thì Ngài vẫn nhìn tôi. Dĩ nhiên việc Thiên Chúa đang nhìn tôi bao hàm việc tôi đang ở trước mặt Ngài, vì thế câu trưng dẫn trên đưa ra một sự kiện có nội dung ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều so với việc tôi nhớ mình đang ở trước mặt Thiên Chúa.
Không những tôi ý thức rằng Thiên Chúa đang nhìn tôi, mà tôi còn, như câu trưng dẫn nhắc bảo, suy xét xem Ngài nhìn tôi như thế nào. Về điểm này, bản văn không cho thêm gợi ý gì khác, và chỉ thêm từ "vân vân", như là muốn để cho người tĩnh tâm tự suy xét lấy. Nhưng thiết tưởng có thể nhắc rằng đây là cái nhìn của Ðấng là Tạo hóa, là Thiên Chúa Chúa chúng ta, là Ðấng chí tôn chí ái, v.v.
"Và làm một hành vi tôn kính hay hạ mình." Hành vi nói đây hiểu là hành vi bên ngoài, và chúng ta có lý để nghĩ đến vái, lạy, phủ phục, v.v. Vậy bằng hành vi này, người tĩnh tâm tự đặt mình trong tương giao trực tiếp với Thiên Chúa - chứ không chỉ nghĩ đến Ngài, suy về Ngài - và hành vi này chủ yếu diễn tả lòng tôn kính Ðấng uy linh và cực thánh. Cũng kể từ phút này, người tĩnh tâm gạt bỏ mọi sự ra một bên để sống một mình và trọn vẹn trước thánh nhan Thiên Chúa, và sống như thế trong suốt giờ suy ngắm.
Việc suy ngắm dùng đến những hoạt động tinh thần gồm trí tưởng tượng, trí nhớ, trí hiểu, ý chí, tình cảm, và tùy lúc mà hoạt động này trổi vượt hơn hoạt động nọ. Tuy nhiên thể xác cũng có phần đóng góp của nó. Ðiều này hiển nhiên, vì con người gồm hai phần tâm linh và thể xác. Vậy không kể những điều kiện thuộc thể xác cần thiết để có thể suy ngắm, như sự không mệt mỏi, không buồn ngủ, không quá đói hay quá no quá khát, không ở một nơi quá nóng hay quá lạnh, v.v., ở đây chỉ có ý nói đến tư thế thể xác trong lúc suy ngắm.
Sách Linh thao viết: "Ði vào chiêm niệm, khi quỳ gối, khi sấp mình xuống đất, khi nằm ngửa mặt lên, khi ngồi, khi đứng, luôn luôn nhằm tìm kiếm điều tôi muốn. Chúng ta hãy chú ý đến hai điều: điều thứ nhất là nếu tôi tìm thấy điều tôi muốn khi quỳ gối thì tôi sẽ không đi xa hơn; và nếu sấp mình, cũng vậy, vân vân" (s. 76,1-2). Từ chiêm niệm trong câu trưng dẫn chỉ cả suy niệm, vì trước đó mấy dòng bản văn nói đến chiêm niệm và suy niệm (s. 75,1), nhưng nhất là vì câu trưng dẫn thuộc về mục "Những điều bổ di để làm những bài tập cách tốt hơn" (s. 73,1). Lại nữa cũng nên biết là sách Linh thao có khi còn gọi bài suy niệm là bài chiêm niệm, như trường hợp bài Vương quốc (s. 136, 1 ; 156). Có thể rút ra từ câu trưng dẫn nguyên tắc tổng quát này, là hãy dùng bất cứ tư thế thể xác nào thuận lợi cho việc cầu nguyện. Cũng nên biết là không nhất thiết một tư thế nào đó thuận lợi cho mọi lần suy ngắm hoặc cho trọn cả giờ suy ngắm. Lẽ dĩ nhiên nếu nơi cầu nguyện là nơi công cộng, ví dụ nhà thờ, thì một số tư thế nên tránh vì sợ gây chướng mắt hay làm lãng trí những người có mặt. Theo câu trưng dẫn trên, người tĩnh tâm được giả thiết là họ suy ngắm trong phòng riêng (s. 79 ; 130,4). Dựa theo tinh thần của câu trưng dẫn đó, thiết nghĩ nếu có thể chọn giữa phòng riêng và nhà thờ làm nơi suy ngắm, thì nên chọn phòng riêng, lý do là vì ở trong phòng riêng người tĩnh tâm được tự do hơn trong việc chọn những tư thế thể xác thuận lợi hơn cho việc cầu nguyện và trong việc chọn những cử chỉ biểu lộ dễ hơn tâm tình của mình trong tương giao với Thiên Chúa, ví dụ khi thì giang tay, khi thì chắp tay, lúc này ngửa mặt lên trời, lúc khác cúi đầu xuống hoặc vái lạy, v.v.
Tóm lại, những chỉ dẫn trên đây liên quan đến những tư thế thể xác, gợi ý rằng khi suy ngắm, thể xác có vai trò của nó mà người tĩnh tâm không nên coi thường; phải liệu cho cả hai phần tâm linh và thể xác được thống nhất lại để tập trung vào một việc duy nhất: cầu nguyện.
Ngồi xếp bằng tròn theo tư thế "hoa sen" trong môn yoga, tức kiết già, như quen thấy nơi ảnh tượng đức phật Thích Ca tham thiền nhập định, thiết nghĩ đó là một trong những cách ngồi thuận lợi cho việc suy ngắm. Những sách về yoga hay về ngồi thiền có mô tả rõ về lối ngồi này. Vì lý do tiện lợi, ở đây xin nhắc sơ qua. Ðể ngồi theo tư thế này, hai chân bắt chéo lên nhau, lòng bàn chân phải ngửa lên với mu bàn chân đặt trên đùi trái, và lòng bàn chân trái ngửa lên với mu bàn chân đặt trên đùi phải. Nếu không ngồi kiết già được thì ngồi bán già: không bắt chéo chân, nhưng chân nọ đè lên chân kia, lòng bàn chân ngửa lên; cần cạnh hai đầu gối chạm đất, và vì thế nên thêm chiếc đệm hay gối đặt ở dưới mông. Ðơn giản và dễ hơn nữa, là đặt bàn chân này dưới cạnh đầu gối của chân kia. Mấy chi tiết khác về cách đặt bàn chân là không quan trọng, và thay đổi tùy theo ý kiến của một số người. Trong các cách ngồi nói trên, giữ lưng cho thẳng nhưng không cứng đơ, đầu cũng thế; hai cánh tay buông lỏng từ hai vai xuống cách tự nhiên, hai cẳng tay cong lại ở phía trước mặt thế nào để cho hai bàn tay có thể chồng lên nhau: bàn tay trái đặt ngửa trên lòng bàn tay phải, và hai ngón cái chạm nhau ở thế nằm ngang (không cong lên cũng không chúi xuống), cạnh hai bàn tay phía trong chạm bụng, phía dưới rốn; có thể chọn cách khác: ở mỗi bên trái và phải, đặt mu bàn tay trên phía đầu gối, hai đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ (của mỗi bàn tay) chạm nhau (để khí khỏi thoát đi !). Mắt mở vừa phải hoặc lim dim - mở hơn là nhắm để tránh buồn ngủ - và nhìn xuống phía trước, cách chỗ ngồi khoảng một mét rưỡi, hoặc dùng tưởng tượng nhìn xuống huyệt đan điền ở phía dưới rốn bằng chiều rộng của ngón tay trỏ và ngón tay giữa dính vào nhau (tức hai thốn, theo kiểu đo vị trí các huyệt) - theo một số học thuyết Ðông phương, đan điền là nơi tập trung của khí, một thứ năng lực tinh thần. Về thở, thở bằng mũi, thở đều và êm ; khi hít vào thì bụng phình ra và khi thở ra thì bụng hóp lại (vì thế gọi là thở bụng); hít vào chầm chậm, giữ hơi thở lại một thời gian ngắn, rồi thở ra chậm hơn khi hít vào.
Ngồi như trên cho tới khi nào mỏi thì thôi, hoặc duỗi chân ra tạm nghỉ để rồi lại ngồi như cũ. Trên kia có nói đến kiết già, vậy nên phân biệt: ở đây là dùng đến kỹ thuật tọa thiền chứ không phải là tọa thiền, vì tọa thiền khác hẳn với suy ngắm theo truyền thống công giáo nói chung và theo sách Linh thao nói riêng.
Ngoài những tư thế ngồi nói trên, có tư thế dễ khác, đó là ngồi quỳ: quỳ gập đầu gối (kê đầu gối trên đệm mỏng cho khỏi đau) để cho mông tựa lên hai gót chân, hai mu bàn chân sát đất. Các điều khác về tay, lưng, v.v., thì giữ như đã nói về tư thế hoa sen; riêng hai bàn tay có thể đặt úp lên đùi phía gần đầu gối.
Một tư thế ngồi đơn giản hơn nữa, là ngồi trên ghế, lưng thẳng thước thợ với hai đùi, hai đùi thẳng thước thợ với hai ống chân, hai bàn chân đặt song song trên nền hay sàn nhà. Các điều khác cũng giữ như đã nói về tư thế hoa sen; riêng hai bàn tay có thể đặt như ở tư thế ngồi quỳ. Không bao giờ khoanh tay trước ngực.
Các bài suy ngắm đều được vị hướng dẫn Linh thao dọn trước để rồi sẽ trình bày cho người tĩnh tâm. Ðiều này hàm ẩn trong chú giải hai của sách Linh thao: "Người cho người khác cách thức và thứ tự để suy niệm hay chiêm niệm, phải kể cách trung thực sử tích của bài chiêm niệm hay suy niệm đó" (s. 2,1). Một chú thích thuộc Tuần Hai cũng nói gián tiếp đến việc dọn bài: "Ngay khi tôi nhớ là đến giờ tôi phải làm bài tập, trước khi đi, tôi hình dung ra tôi đi đâu và đến trước mặt ai, tóm tắt một chút bài tập tôi phải làm" (s. 131,2-3 ; xem s. 228,2).
Trong khóa Linh thao, việc dùng một đề tài của lần suy ngắm trước cho những lần suy ngắm tiếp theo, gọi là sự lặp lại. Mỗi bài suy ngắm được giới thiệu trong mỗi Tuần, đều được lặp lại. Ðiều này cho thấy tầm quan trọng của việc lặp lại trong sư phạm của sách Linh thao. Theo sách Linh thao, lặp lại cốt trở lại một ít điều chứ không phải là đơn thuần trở lại toàn thể bài suy ngắm lần trước. Ở Tuần Nhất mà chúng ta đang nói đến, về việc lặp lại, sách Linh thao viết: "Chú ý đến và dừng lại ở những điểm mà tôi đã cảm thấy sự yên ủi hay sự sầu khổ lớn hơn hay tình cảm thiêng liêng lớn hơn" (s. 62,2). Vậy chúng ta có quyền nghĩ rằng trở lại những điều đã đánh động tâm hồn hơn hoặc đã gây hứng thú hơn cho tâm hồn, là để chúng thấm nhuần tâm hồn cách sâu xa và cũng để tâm hồn được thỏa thuê; và điều này nằm trong chiều hướng của lời khuyên trong sách Linh thao rằng "Ở điểm mà tôi sẽ tìm thấy điều tôi muốn, tôi sẽ nghỉ lại ở đó, không bận tâm đến việc đi xa hơn, cho tới khi tôi được thỏa mãn" (s. 76,3). Trở lại những điểm mà tâm hồn cảm thấy sầu khổ hơn (khô khan), là để hy vọng, nhờ ơn Chúa, lần này tâm hồn sẽ được sự yên ủi. Trong thực tế, chắc nhiều người đã gặp được kinh nghiệm này.
Hiểu như trên về mục đích của sự lặp lại, chúng ta nhận thấy có sự khác nhau giữa suy ngắm về một đề tài mới và suy ngắm lại về đề tài của bài trước, vì bài lặp lại có tính cách rộng rãi, nghĩa là không nhất thiết phải trở lại toàn thể nội dung của bài cũ. Nên nhắc đến sự khác nhau này, bởi lẽ có những chỗ sách Linh thao nói suy ngắm hai lần và lặờp lại hai lần (xem s. 148,1 ; 159,1).
Vì là bài lặp lại nên, ít là xét theo lý thuyết, không còn cần đến việc dọn bài như trong trường hợp suy ngắm về một đề tài mới, ngoài việc giữ lời khuyên đã nói ở trên là, trước khi suy ngắm, "tóm tắt một chút bài tập tôi phải làm" (s. 131,3).