Tiếp liền vào bài Nguyên lý và Nền tảng, là mục Xét mình, gồm có xét mình riêng và xét mình chung. Xét mình là thành phần của khóa Linh thao, là một thứ bài tập, và bài tập đầu tiên, được nói đến, như sách Linh thao ghi rõ: "Qua từ này, những bài tập thiêng liêng, người ta hiểu là tất cả cách xét mình, suy niệm, chiêm niệm..." (s.1,2).
Mục xét mình riêng có nhan đề: "Việc xét mình riêng và hằng ngày gồm ba thì và hai lần xét mình." Mục đích của xét mình là sửa mình (s. 25,1). Ðối tượng của xét mình là một tội hay một khuyết điểm nào mà người ta chú ý đến cách riêng để sửa bỏ. Việc xét mình gồm ba thì - từ dùng trong sách Linh thao (tiempos) - trong đó hai thì sau mới là xét mình theo đúng nghĩa.
Thì một: buổi sáng, ngay khi vừa thức dậy, quyết tâm sửa bỏ tội hay khuyết điểm riêng nào đó.
Thì hai: chính giờ xét mình. Thời điểm là vào cuối buổi sáng, sau bữa ăn trưa. Những việc phải làm:
- Xin Thiên Chúa ban ơn
nhớ lại những lần yếu
đuối, sa ngã.
- Tự kiểm về tội hay khuyết điểm
riêng nào đó, theo thứ tự
thời gian từ giờ này đến
giờ nọ hay từ lúc này
đến lúc khác trong suốt buổi.
Ghi số lần thất bại vào trong tờ
giấy ở dòng một. Sau đó,
quyết tâm sửa mình.
Thì ba: cũng làm như ở thì hai, nhưng giờ xét mình là vào cuối buổi chiều, sau bữa ăn tối, và ghi các lần thất bại vào dòng thứ hai.
Việc ghi các lần thất bại vào từng dòng trên dưới theo thứ tự là để dễ so sánh buổi sáng với buổi chiều, ngày hôm trước với ngày hôm sau, tuần này với tuần tiếp theo. Sách Linh thao còn khuyên: trong ngày, mỗi khi lỗi lầm, hãy đặt tay lên ngực và đau buồn vì đã sa ngã. Sách Linh thao nói rằng, riêng trong khóa Linh thao, việc xét mình riêng xét về "những khuyết điểm và những cẩu thả liên quan đến các bài tập và giữ những điều bổ di" (s. 90). Những điều bổ di nói đây là những điều nhắc bảo liên quan đến việc suy ngắm, việc giữ thinh lặng, việc hãm mình, v.v. (s. 73-89 ; xem s.160 ; 207).
Về thời gian lâu bao nhiêu cho mỗi lần xét mình, bản văn không nói gì cả.
Nhan đề của mục này là "Xét mình chung để thanh tẩy mình và xưng tội cách tốt hơn." Vậy chính nhan đề đã nói rõ mục đích:
- thanh tẩy mình
- xưng tội cách tốt hơn.
Khác với việc xét mình riêng nhắm vào một tội hay một khuyết điểm đặc biệt nào, việc xét mình chung nhắm vào các tội, nặng cũng như nhẹ. Ðể giúp người tĩnh tâm trong việc xét mình này, bản văn phân biệt cái gì là tội và trong trường hợp nào mới là phạm tội, tội nặng hay tội nhẹ; bản văn chia ra ba loại tội: tội về tư tưởng (ý nói là sự tán đồng hay chấp nhận ý tưởng phạm tội), tội trong lời nói (vấn đề thề, nói những lời vô ích, phỉ báng, nói xấu), tội trong hành động. Riêng về tội trong hành động này, bản văn bảo hãy tự kiểm về thập giới, về các luật của Giáo hội. Những điều nhắc nhở này về việc phân biệt tội nặng với tội nhẹ và về các thứ tội, là thuộc giáo lý công giáo, chắc chắn không có gì là mới lạ đối với người tĩnh tâm thời nay.
Nếu so sánh giữa hai thứ xét mình, thì mục về xét mình chung không nói đến việc ghi lên giấy những lần lỗi lầm, và cũng không có lời khuyên hãy đặt tay lên ngực để thống hối mỗi khi sa ngã trong ngày. Nhưng, khác với mục về xét mình riêng, mục về xét mình chung trình bày đầy đủ hơn trình tự các việc phải làm trong giờ xét mình. Trình tự gồm năm điểm như sau.
- Ðiểm một: tạ
ơn Thiên Chúa về những ân
huệ đã nhận được. Mục
xét mình riêng không nói đến
điểm này.
- Ðiểm hai: xin ơn biết các
tội đã phạm và loại bỏ
chúng. Ðiểm này giống với
xét mình riêng.
- Ðiểm ba: xét mình theo thứ
tự thời gian từ khi thức
dậy cho tới khi đang làm việc
xét mình này. Ðiểm này cũng
giống với xét mình riêng. Nhưng
ở đây xét mình theo thứ
tự về tư tưởng, lời
nói và việc làm.
- Ðiểm bốn: xin Thiên Chúa
tha thứ. Mục xét mình riêng không
nói đến điểm này.
- Ðiểm năm: quyết tâm sửa
mình, nhờ vào sự trợ
giúp của Thiên Chúa ; đọc một
kinh Lạy Cha để kết thúc. Mục
về xét mình riêng chỉ nói đến
quyết tâm sửa mình.
Diễn tiến của năm điểm trên đây có cái mạch lạc của nó. Ngay từ khởi đầu, tức ở điểm một, chúng ta tự đặt mình trong tương giao với Thiên Chúa, và tương giao này sẽ nối dài cho đến hết giờ xét mình. Tương giao bắt đầu bằng việc tạ ơn Thiên Chúa về các ân huệ Ngài đã ban. Bằng việc tạ ơn này, chúng ta nhìn nhận Ngài là Ðấng nhân hậu và quảng đại, và chúng ta là kẻ thụ ân. Ý tưởng này sẽ soi dẫn những việc làm tiếp theo. Sang điểm hai, chúng ta xin ơn biết các điều lỗi phạm và từ bỏ chúng. Ơn xin này diễn đạt ý muốn của chúng ta là sửa mình để trở nên xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và để ăn ở cho đúng tư cách kẻ thụ ân. Rồi ở điểm ba, chúng ta đi vào chính việc xét mình. Sau khi đã xét mình và nhận ra các tội lỗi thì, ở điểm bốn, chúng ta xin Thiên Chúa, Ðấng đầy tình thương, luôn luôn nhân từ và quảng đại - ý tưởng này đã hàm ẩn trong điểm một - ban cho chúng ta ơn tha thứ, và, về phía chúng ta, chúng ta quyết tâm sửa mình ; sự quyết tâm không phải hành vi duy ý chí, vì nó có kèm theo sự xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Nhờ ơn tha thứ về phía Thiên Chúa và quyết tâm sửa mình về phía chúng ta, mối quan hệ tốt đẹp giữa Thiên Chúa là Ðấng thi ân và chúng ta là kẻ thụ ân, được tái lập.
Những điều vừa trình bày trên đây cùng với trình tự các việc trong sự xét mình chung, đủ cho thấy sự xét mình chung này không phải là để xưng tội, nhưng, như bản văn nói rõ, nó giúp cho việc xưng tội được tốt hơn. Nói là giúp, bởi lẽ nó là sự tự kiểm theo các giới răn, các lề luật của Giáo hội, v.v., và nhất là vì nó gồm có hành vi thống hối và sự quyết tâm sửa mình, là hai điều thiết yếu cho việc chịu bí tích xá giải.
Việc xét mình tuy là việc làm cá nhân nhưng, qua sự tự kiểm về việc tuân thủ các giới răn của Thiên Chúa và các luật của Giáo hội, nó cũng gợi ý về tính cách đoàn thể nơi việc làm cá nhân này: chúng ta xét mình nhằm sửa mình để ăn ở xứng đáng với tư cách là thành phần của dân Thiên Chúa và là phần tử của Giáo hội.
Về vấn đề xét mình chung vào lúc nào và mấy lần trong ngày, bản văn không nói gì, ngoài câu: "Yêu cầu linh hồn báo cáo, từ khi thức dậy cho đến lúc xét mình hiện tại, từng giờ hay từng lúc..." (s. 43,4). Câu này cho phép nghĩ rằng lúc và số lần xét mình chung cũng không khác với lúc và số lần xét mình riêng trong ngày. Nếu dựa vào cách trình bày về hai thứ xét mình, thì có quyền bảo là hai thứ xét mình này độc lập với nhau vì, như đã thấy, để bắt đầu làm việc xét mình riêng, người tĩnh tâm cầu xin Thiên Chúa ban ơn nhớ lại những lần thất bại, v.v. (s. 25,1), còn, để bắt đầu làm việc xét mình chung, họ cảm tạ Thiên Chúa về các ân huệ đã nhận được, v.v. (s. 43,2). Về nội dung của chính việc xét mình hiểu theo sát nghĩa, thì dĩ nhiên hai thứ xét mình không giống nhau. Trong tài liệu của linh mục Vitoria ghi lại lời thánh I-nhã khuyên linh mục về cách cho Linh thao, về việc xét mình riêng, có câu: "Nếu họ thật sẵn sàng thì, cũng ngày đó, sau bài Nguyên lý và Nền tảng, người ta có thể cho họ việc xét mình riêng theo sau [bài Nguyên lý và Nền tảng] cùng với các chú dẫn." Và cách đó mấy dòng: "Ghi nhận rằng việc xét mình riêng này, nên cho người tĩnh tâm khi họ đã bắt đầu các bài tập". Vậy cả hai câu trích dẫn này không nói gì đến việc xét mình chung.
Trong thực hành hiện nay, người ta vẫn làm chung cả hai việc xét mình riêng và xét mình chung. Riêng về mặt hình thức, chúng ta cũng thấy, trong sự phối hiệp này, sự xét mình chung bổ sung cho sự xét mình riêng. Thực vậy, trong sơ đồ của việc xét mình chung, các điểm hai, ba, bốn và một phần điểm năm đều giống với trình tự của việc xét mình riêng ở thì hai - việc xét mình riêng thêm việc ghi vào giấy các lần thất bại; việc xét mình riêng được kết thúc bằng quyết tâm sửa mình, việc xét mình chung cũng kết thúc bằng quyết tâm sửa mình, nhưng có thêm kinh Lạy Cha. Bởi vậy, nếu phối hiệp hai việc xét mình thì, đối với việc xét mình riêng, chỉ có thêm điểm một của việc xét mình chung và kinh Lạy Cha thuộc điểm năm cũng của việc xét mình chung. Sự thêm này hoàn toàn hợp lý. Còn về mặt nội dung thì đã rõ là hai thứ xét mình bổ sung cho nhau.
Về thời gian dành cho cả hai việc xét mình mỗi lần, cũng theo thực hành hiện nay, là mười lăm phút. Ðiều này phù hợp với việc thánh I-nhã đòi các tu sĩ của mình là mỗi ngày xét mình hai lần, mỗi lần mười lăm phút.
Sự xét mình. - Sự xét mình riêng và xét mình chung như được trình bày trong sách Linh thao, không phải là sự xét mình thông thường của một người muốn tu thân mà xưa nay cả những người không phải công giáo cũng thực hành; nó không phải là sự tìm làm đẹp mình để tạo uy tín hay để được người khác ca tụng, cũng không phải là sự đáp ứng đòi hỏi có thể có và vô thức của sự tự quý hay của sự ái ngã, nhưng nó thuộc ý muốn vươn lên hoặc tiến tới cái tốt với mục đích làm hài lòng Thiên Chúa và làm rạng danh Ngài. Nó là một hành vi siêu nhiên, nó chính là việc cầu nguyện như đã thấy rõ trong các điểm của mục về xét mình chung.
Ngay hành vi xét mình hiểu theo sát nghĩa, cũng là thành phần của việc cầu nguyện, vì nó là sự hướng tâm hồn lên Thiên Chúa và nó biểu lộ sự quan tâm của con người về mối tương quan của mình với Ngài; điều này thấy rõ trong việc xét mình chung ở đó người tĩnh tâm tự kiểm xem trong tư tưởng, lời nói và việc làm của mình có điều gì làm mất lòng Thiên Chúa không ; họ tự kiểm xem mình đã có những thiếu sót nào trong việc tuân thủ các giới răn của Thiên Chúa và các luật lệ của Giáo hội là bạn trăm năm của Chúa Kitô. Như vậy xét mình theo sách Linh Thao là xét mình trước mặt Thiên Chúa để, nhờ ơn trợ giúp của Ngài, tìm ra rồi gạt bỏ đi những cái hỗn loạn trong tâm hồn làm cản trở những công việc của Thiên Chúa nơi mình. Xét mình theo sách Linh thao còn là tìm xem mình phải sửa chữa lại những gì trong việc theo đuổi cứu cánh đời mình và trong việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Sự xét mình nhằm vào những điều phải sửa bỏ. Ðiều này khiến người ta nghĩ đến khía cạnh tiêu cực của hành vi hoặc của công việc tu thân ("tu thân" có nghĩa là sửa mình), trong khi sự toàn thiện không phải chỉ cốt ở bỏ cái xấu mà còn ở làm cái tốt. Thực ra mặt tiêu cực (bỏ cái xấu) trong việc xét mình tuy được nhấn mạnh, nhưng mặt tiêu cực này cũng bao hàm mặt tích cực, và bên cạnh mặt tiêu cực cũng có mặt tích cực, bằng chứng là sách Linh thao, như đã nói trên kia, khuyên rằng trong những ngày làm Linh thao, hãy xét mình riêng về những khuyết điểm và những cẩu thả trong việc làm các bài tập và trong việc giữ các điều bổ di (s. 160 ; 207). Vậy tránh những khuyết điểm và những cẩu thả trong khi làm các bài tập (suy ngắm) có nghĩa là phải làm các bài tập cách cẩn thận, chăm chú, còn các điều bổ di thì gồm cả những điều phải giữ hoặc phải làm, như nhớ đến đề tài suy ngắm trước khi ngủ, hãm mình, v.v. Ði xa hơn nữa, vì cái được dùng làm tiêu chuẩn tối cao để định giá mọi ý hướng và hành vi của con người là ý muốn rất thánh của Thiên Chúa, nên rốt cuộc sự xét mình là cách đi tìm thi hành ý muốn của Ngài trong đời sống. Riêng ở việc xét mình chung, chúng ta thấy rõ thập giới được dùng làm đề tài xét mình, không phải chỉ gồm những điều tiêu cực là cấm làm hay phải tránh, mà còn gồm những điều tích cực, tức những điều phải làm, như giới răn thứ nhất dạy phải tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, giới răn thứ ba dạy phải dự thánh lễ chủ nhật, giới răn thứ bốn dạy phải thảo kính cha mẹ, v.v. Ở mục về ba cách cầu nguyện (s. 238-260) mà chúng ta sẽ có dịp đề cập sau, khi nói đến việc xét mình về các tội trong cách cầu nguyện thứ nhất, sách Linh thao khuyên người tĩnh tâm, để tránh tốt hơn các tội, hãy cố gắng có được những đức tính đối lập lại các tội (s. 245).
Cả hai thứ xét mình riêng và chung là cách thế giữ sự tỉnh thức thiêng liêng mà Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ đừng quên: "Anh em hãy thức, bởi vì anh em không biết ngày nào chủ anh em sẽ đến" (Mt 24,42). Ðó là sự thức để đón Chúa. Về khía cạnh tiêu cực, đó còn là sự thức để phòng ngừa tội lỗi và để tránh sa ngã: "Anh em hãy thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ" (26,41). Vậy cả hai thứ xét mình mang ý nghĩa sự canh gác tâm hồn: những lần xét mình trưa và tối ví như những thời điểm được phân khoảng khá đều nhau để gióng lên hồi trống gác. Hơn nữa, không chỉ là hồi trống gác, mà còn là những phút đặc biệt cắt đứt các công việc khác để linh hồn gặp gỡ Thiên Chúa cách trực tiếp.
Trong cuộc sống thường nhật ngoài khóa Linh thao, việc xét mình theo cách thức được trình bày trong sách Linh thao, đáng được coi là một phương thế tu thân hữu hiệu, nếu nó được áp dụng điều hòa mỗi ngày, ít là một lần vào buổi tối. Thánh I-nhã rất chú trọng tới việc xét mình ; ngài ân cần nhắc nhở các tu sĩ của ngài giữ việc xét mình, và ngài nhắc đến nó cả ở trong Hiến luật của dòng (xem Hiến luật số 261,342,343).
Sau cùng, thiết nghĩ đối với những người có đời sống nội tâm tới mức độ nào đó, nhất là nếu họ còn có cảnh sống ít bị xáo động, ví dụ cảnh sống trong tu viện, thì việc xét mình riêng và chung hiểu theo sát nghĩa là việc dễ dàng và có thể nhanh chóng (có lẽ chỉ giăm phút), vì thế họ sẽ còn nhiều giờ dành cho những việc khác được nói đến trong mục về xét mình chung: tạ ơn Thiên Chúa, thống hối, xin ơn tha thứ, xin ơn sửa mình. Ngoài ra họ cũng có thể dùng thời giờ này để suy gẫm về cái xấu của tính xấu mà họ muốn sửa bỏ, đồng thời suy gẫm cái tốt cái đẹp của đức đối lập với tính xấu đó; suy gẫm về hậu quả của chúng trong tương giao xã hội, trong hoạt động tông đồ, v.v., suy gẫm như thế để giúp cho sự xác tín thêm sâu, thái độ thêm vững, v.v.
Sau khi nói về hai thứ xét mình, sách Linh thao có một mục ngắn (một trang nhỏ) về "xưng tội chung và chịu Mình Thánh", kể ra vắn tắt ba trong số những lợi ích của việc xưng tội chung:
- Có sự đau đớn
lớn hơn về hết các tội
và các hành động xấu trong
suốt cuộc đời;
- Trong khóa Linh thao, người tĩnh tâm
có cái biết sâu xa hơn về
các tội và về sự tà ác
của chúng, do đó họ dễ đau
đớn hơn vì chúng, và
vì thế họ sẽ tìm được
lợi ích hơn những ngày thường
khi xưng tội;
- vì đã xưng tội chung cách tốt
hơn như thế, họ trở nên thích
hợp hơn và được chuẩn
bị hơn để chịu Mình Thánh.
Sau cùng là lời khuyên nên xưng tội chung ngay sau khi làm xong các bài tập của Tuần Nhất. Trong bối cảnh của Tuần này, thiết nghĩ đối với người tĩnh tâm nào còn tiếp tục khóa Linh thao, tức họ sắp sửa bước sang Tuần Hai, việc xưng tội chung còn thêm một ý nghĩa ở chỗ nó là một hành vi long trọng - vì là chịu một bí tích - đoạn tuyệt với trọn dĩ vãng tội lỗi để chuẩn bị đi theo Ðức Kitô và cộng tác vào công việc cứu độ của Ngài.