Chiếc Áo Từ Nhân
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 75 -
Hai Biểu tượng Của Kitô Giáo
Susaco Endo là một văn sỹ Công giáo nổi tiếng của Nhật Bản qua đời hồi năm 1996. Trong một xứ sở mà số tín hữu Công giáo chiếm không quá 1% dân số, Susaco Endo đã được rửa tội năm lên mười một tuổi và được một bà mẹ đạo đức dạy dỗ. Ðiều đáng chú ý hơn nữa là mặc dù nội dung của tác phẩm của ông xoay quanh các chủ đề Kitô giáo, ông vẫn là một trong những văn sỹ được nhiều người đọc nhất tại Nhật Bản.
Lớn lên như một tín hữu Công giáo trong thời hậu chiến tranh, Endo luôn cảm thấy bị vong thân. Các bạn học thường trêu chọc ông vì niềm tin tôn giáo mà họ xem như ngoại lai. Sau chiến tranh, Endo sang Pháp với hy vọng tiếp tục nghiên cứu về những văn sỹ Công giáo nổi tiếng, nhưng ông đã không được nước Pháp đón tiếp nồng hậu lắm chỉ vì ông là người Nhật. Phong trào bài Nhật vẫn còn mạnh tại Âu châu sau thời đệ nhị thế chiến.
Bị khước từ trên quê hương, bị ruồng bỏ tại nơi mà Endo đã từng xem như quê hương thiêng liêng của ông. Endo trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng. Ông liền rời Pháp để sang quê hương của Chúa Giêsu. Sau nhiều năm sống tại Thánh Ðịa, Endo mới khám phá ra rằng chính Chúa Giêsu cũng đã từng bị khước từ và ruồng bỏ. Hơn nữa, cuộc đời của Chúa Giêsu được định nghĩa như một cuộc ruồng bỏ. Những người đồng hương chế nhạo Ngài, gia đình Ngài đôi khi đặt nghi vấn về sức khỏe tinh thần của Ngài, những người bạn thân tín nhất phản bội Ngài, và giữa Ngài và Baraba - một kẻ trộm cướp, những người đồng bào của Ngài đã chon Baraba. Bản thân Ngài, Chúa Giêsu cũng chọn đứng về phía những người bị đẩy ra bên lề xã hội như những người phong cùi, các cô gái điếm, những người thu thuế, những kẻ tội lỗi.
Văn sỹ Endo đã xem khám phá mới này như một Mạc Khải. Trước kia ông đã nhìn Kitô giáo như một niềm tin chiến thắng và chinh phục, ông đã thán phục khi nghiên cứu về đế quốc La Mã và những công trình nghẹ thuật Kitô giáo. Nhưng giờ đây, sau khi đã đến sống tại quê hương của Chúa Giêsu, ông mới nhận ra chân dung đích thực của Ngài. Từ đó chủ đề của hầu hết các tác phẩm của ông đều tập trú vào sự ruồng bỏ và khổ đau.
Theo ông, người Nhật bản mới thấy được khía cạnh Khải hoàn của Kitô giáo. Các du khách Nhật Bản ngây ngất trước những ngôi thánh đường nguy nga như đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, Vương cung thánh đường Charles bên Pháp, hay đan viện Westminster bên Anh. Họ thưởng thức các bản nhạc nổi tiếng của những nhạc sỹ Công giáo nhưng họ đã không bao giờ thấy được một sứ điệp khác của Kitô giáo. Ðó là lịch sử của Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận yếu đuối, bất lực của con người. Và không riêng gì người Nhật Bản, mà bất cứ ai chưa nhận ra sứ điệp ấy sẽ chẳng bao giờ có thể đi vào mầu nhiệm của Chúa Kitô và Kitô giáo.
* * *
Kitô giáo có hai biểu tượng vĩ đại nhất để cống hiến cho thế giới là thập giá và ngôi mộ trống. Một ngôi mộ trống mà không có thập giá sẽ đánh mất trọng tâm của Kitô giáo. Như văn sỹ Endo đã ghi nhận trong khi các tôn giáo khác trình bày một Thiên Chúa quyền năng, thì Kitô giáo lại giới thiệu một Thiên Chúa làm người đau khổ và chết. Người tôi tớ đau khổ đã không đau khổ một cách vô nghĩa. Ngài đã gánh chịu tất cả mọi đớn đau vì chúng ta. Trong suốt cuộc sống dương thế của Ngài, Chúa Giêsu đã vác trên vai mọi sỉ nhục, ruồng rẫy, thất bại và mọi tội nhân.
Một ngôi mộ trống mà không có thập giá sẽ đánh mất trọng tâm của Kitô giáo, nhưng một thập giá mà không có ngôi mộ trống cũng chỉ là một thảm kịch đau thương. Có biết bao nhiêu người thiện chí đã sống, đã yêu thương và đã chết. Duy chỉ có một người đã trở về sau khi chết với lời hứa sẽ vĩnh viễn chiến thắng sự chết và canh tân mọi sự. Chúng ta tôn thờ một Chúa Kitô sống lại, chúng ta cũng tôn thờ một Chúa Kitô chịu chết trên thập giá. Ðó là ý nghĩa của lời tuyên xưng sau truyền phép: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến".
Lạy Chúa,
Xin cho chúng con luôn biết đón nhận mọi hy sinh và đau khổ để mỗi ngày được thanh luyện và trở nên mới mẻ trong sự Phục sinh của Chúa.