Chiếc Áo Từ Nhân
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 44 -
Ðào Luyện Nhân Cách
Một người Ấn Ðộ tên là Sanda sau khi trở lại với đức tin kitô đã quyết tâm trở thành một nhà truyền giáo.
Một buổi chiều nọ, Sanda cùng với một nhà sư phật giáo leo lên một ngọn núi cao trên dãy Hy Mã Lạp Sơn để đến thăm một thiền viện. Trời càng về chiều càng lạnh, nhà sư cảnh cáo rằng họ có thể chết cứng nếu không về đến tu viện trước khi mặt trời lặn. Giữa lúc hai người đang cố gắng băng qua một lối đi nhỏ nằm bên vực họ nghe có tiếng người kêu cứu. Nhìn xuống vực sâu, họ thấy có một người đàn ông nằm bất động, nhà sư lại cảnh cáo Sanda:
- Cứ tiếp tục đi, số phận của người này đã được an bài rồi. Chúng ta phải đi gấp kẻo cũng chết theo.
Nhưng Sanda trả lời với nhà sư:
- Theo truyền thống kitô giáo của chúng tôi thì tôi hiểu rằng Chúa đã mang tôi tới đây để cứu giúp người anh em này, tôi không thể bỏ mặc anh ta như thế.
Nhà sư nhìn Sanda lắc đầu rồi tiếp tục đi.
Tuyết đã phủ hết lối đi. Còn lại một mình, Sanda bắt đầu leo xuống vực để cứu vớt người đàn ông bị tai nạn. Anh băng bó vết thương, lấy chăn cuốn chặt người bị thương vào lưng của mình rồi từng bước leo lên.
Cuối cùng, anh cũng thấy được ánh sáng chiếu ra từ tu viện. Kéo lê từng bước vì mỏi mệt, nhưng anh vẫn cương quyết tiến về tu viện. Thình lình, khi gần đến tu viện, chân anh chạm phải một vật cứng chặn cả lối đi. Anh cúi xuống lấy tay cào tuyết để xem vật cản là gì. Anh đau đớn vô cùng khi khám phá ra rằng vật cản ấy chính là thi thể của nhà sư. Nhà sư đã chết ngay trước cửa tu viện. Quì trước nhà sư, anh nhớ lại một đoạn Tin Mừng theo thánh Luca: "Ai cứu mạng sống mình sẽ mất nó. Còn ai mất mạng sống mình vì Ta sẽ tìm lại được nó". Sanda hiểu được điều Chúa Giêsu muốn nói và anh rất vui mừng vì đã quyết định mất mạng mình vì người khác.
Về sau, Sanda trở thành một vị linh sư nổi tiếng.
Khi các đệ tử hỏi ông:
- Thưa thầy, đâu là điều nặng nhọc nhất trong cuộc sống?
Ông trả lời:
- Ðiều nặng nhọc nhất trong cuộc sống là không có một gánh nặng để vác.
* * *
Ðiều nặng nhọc nhất trong cuộc sống là không có một gánh nặng để vác. Khi nói lời này hẳn ông Sanda đã nghĩ tới người đàn ông bị nạn mà ông đã cứu vớt. Khi Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy vác lấy thập giá mỗi ngày và bước đi theo Ngài, Ngài muốn nói đến những gánh nặng hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Những gánh nặng ấy là công việc mỗi ngày, những gánh nặng ấy là những lao nhọc vất vả để có được chén cơm manh áo từng ngày, nhưng nặng hơn cả vẫn là gánh nặng mà người khác chồng chất lên vai chúng ta.
Quả thật, sự hiện diện của người khác có thể là một gánh nặng cho chúng ta. Sự hiện diện ấy có khi nặng nề đến độ một triết gia hiện sinh của Pháp đã gọi là hỏa ngục. Tuy nhiên, chúng ta không thể sống mà không có người khác. Sự hiện diện của người khác là một điều kiện cần thiết để chúng ta sống cho ra người. Sống mà loại trừ người khác là tự hủy. Người khác, do đó, rất có thể là một gánh nặng nhưng là một gánh nặng cần thiết để giúp chúng ta đạt được sự sung mãn nhân cách.
Mùa Chay là trường đào luyện nhân cách. Những việc lành đạo đức như ăn chay, cầu nguyện, hãm mình là điều cần thiết để giúp chúng ta trau luyện nhân cách. Nhưng nếu không có bác ái đi kèm thì tất cả những thực hành ấy đều là vô ích. Linh hồn của mùa Chay là bác ái, chúng ta được mời gọi xác định và củng cố quan hệ của chúng ta với người khác. Người khác mà chúng ta sống với khi gặp gỡ mỗi ngày có thể là gánh nặng cho chúng ta nhưng là gánh nặng cần thiết để giúp chúng ta dẹp bỏ được con người ích kỷ của chúng ta.
Lạy Chúa,
Với những người đang đau khổ chung quanh chúng con, xin ban cho chúng con tâm hồn nhạy cảm. Với những người đang là gánh nặng cho chúng con, xin cho chúng con luôn biết nhìn vào họ như một thách đố để giúp chúng con thắng vượt được con người mù quáng và ích kỷ của chúng con, hầu được mỗi ngày một lớn lên trong quảng đại và yêu thương.