Chiếc Áo Từ Nhân
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 18 -
Dấu Chỉ Của Sự Hiệp Nhất
Theo báo New York Times, đã có sự tin tưởng giữa các tù nhân Taliban bị giam giữ tại căn cứ Guantanamo và các bác sĩ săn sóc họ. Một vài ngày sau, điều khó tưởng tượng được sẽ xảy ra đó là cảnh tượng một trong các tù nhân sẽ ngồi uống trà với một trong những người đã từng bắt giữ anh.
James Galagey, một bác sĩ nhãn khoa thuộc hải quân Hoa Kỳ dang dự định sẽ giải phẫu mắt cho một tù nhân. Tù nhân này năm nay hai mươi mốt tuổi. Anh đã bị một trái banh bắn trúng vào đầu năm lên mười sáu tuổi, từ đó anh bị mù một mắt mà không bao giờ được chữa trị. Sau vài lần được nói chuyện với bác sĩ James Galagey, anh đã chấp nhận được giải phẫu. Cuộc giải phẫu sẽ được diễn ra tại một bệnh viện dã chiến được dựng lên để đáp ứng nhu cầu của các tù nhân được đưa về từ Afghanistan. Ðể biểu lộ sự tin tưởng của mình, tù nhân đã mời viên bác sĩ uống trà với mình sau cuộc giải phẫu. Bác sĩ Galagey nói như sau: "Anh ta muốn tôi ngồi xuống và uống trà với anh sau cuộc giải phẫu, và tôi đã trả lời hoàn toàn đồng ý".
Mời uống trà là thể hiện một cử chỉ thân thiện và tôn trọng. Tuần trà thân hữu này sẽ diễn ra bên giường của bệnh nhân. Ðây hẳn phải là một nghi thức đánh dấu tình trạng bớt căng thẳng giữa những quân nhân Mỹ và các tù binh Al Qaeda. Với cử chỉ này, hai bên sẽ bắt đầu nhìn nhau bằng tình người chứ không bằng hận thù nữa. Các sĩ quan cũng như binh lính Mỹ mô tả thái độ của những tù binh là bình tĩnh và cộng tác. Trung tá Kerry Carryko, chỉ huy trưởng của trại tù hiện đang giam giữ một trăm năm mươi tù binh Al Qaeda nói như sau: "Tôi nghĩ họ đã hiểu rằng họ sẽ được đối xử một cách nhân đạo. Bị chuyển đến đây là cả một vấn đề đối với họ, nhưng khi chúng tôi đã chứng minh cho thế giới thấy rằng chúng tôi đang đối xử với họ một cách nhân đạo, họ đã cảm thấy thoải mái hơn".
* * *
Thời Chúa Giêsu có một bức tường ngăn cách rõ rệt giữa giàu và nghèo, giữa biệt phái và thu thuế, giữa kẻ tự xưng là thánh thiện và người tội lỗi. Khi đến ngồi đồng bàn với những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Chúa Giêsu đã muốn xóa bỏ mọi ngăn cách giữa người với người. Trong bất cứ xã hội nào, ngồi đồng bàn cũng luôn nói lên sự bình đẳng, tình thân hữu. Chúng ta vẫn thường nghe nói: bàn ăn là dấu chỉ của sự hiệp nhất. Chia sẻ với nhau một chén cơm, nhâm nhi với nhau một ly rượu hay như trường hợp hai kẻ cựu thù trên đây uống với nhau một tuần trà, đó là những cử chỉ rất người để xóa bỏ những ngăn cách của hận thù, nghi kỵ và thắt chặt tình người.
Sáng một hồi chuông, tối một hồi chuông, tên cướp nghe mãi cũng có lúc phải hồi tâm. Trái tim con người quả thực được tạo nên để cảm xúc. Không một nghĩa cử nào mà không có sức đánh động. Trừ một trái tim chai lì và sơ cứng. Bao lâu còn rung lên những nhịp sống, con người khó có thể dửng dưng trước những cử chỉ đẹp của người đồng loại. Những ai sống theo Thần Khí Chúa, đều cảm nghiệm được sức mạnh của sự thiện và những nghĩa cử của con người. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma đoạn 12, thánh Phaolô đã khuyên chúng ta như sau:
"Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em. Chúc lành chớ đừng nguyền rủa. Vui với người vui, khóc với người khóc. Phải đồng tâm nhất trí với nhau, dừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn, Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác. Hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm để được sống hòa thuận với mọi người". (Rm 12:14-18).
Lạy Chúa,
Xin đổ tràn Thần Khí yêu thương của Chúa trên chúng con để trong tất cả mọi sự, chúng con biết lấy tình thương mà đối xử với mọi người.