Chiếc Áo Từ Nhân

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 06 -

Lớn Lên Trong Ðức Tin

 

Năm 1983, khi Israel chiếm Liban, một cậu bé mười ba tuổi tại bang Illinois, Hoa Kỳ, vừa lãnh nhận xong một nghi thức đặc biệt của người Do Thái. Nghi thức này được gọi là Pamisva. Với nghi thức này, người Do Thái được xem như một người trưởng thành. Sau nghi thức, cậu bé đã đọc lên cho mọi người nghe một lá thư cậu đã gửi cho thủ tướng nước Do Thái. Trong phần nhập đề, cậu bé viết như sau:

"Với nghi thức Pamisva tôi đã trở thành người Do Thái trưởng thành. Tôi thấy mình có nghĩa vụ phải nói lên điều mình suy nghĩ. Do đó, tôi viết cho thủ tướng một lá thư mà tôi xin được phép đọc lên như sau: "Thưa ngài thủ tướng, nhân dịp chịu phép Pamisva, tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải nói lên suy nghĩ của tôi về cuộc chiến tại Liban, tôi hiểu điều ngài đã làm và tại sao ngài đã làm, nhưng tôi nghĩ rằng chiến tranh là điều sai. Nếu chiến tranh có xảy ra một lần nữa, thì tôi xin được phép xin ngài hãy đi bước trước tiến về hòa bình bằng cách đi tới từng quốc gia Ả Rập, như tổng thống Saddad đã từng đến Israel. Nếu Israel sống trong hòa bình với các nước Ả Rập, thì tổ chức giải phóng Palestin sẽ không có một lý do nào để mà hãm hại và giết người Do Thái tại Israel nữa".

Cậu bé kết thúc lá thư như sau:

"Thay vì kẹo bánh đặt trên bàn tiệc nhân ngày Pamisva của tôi. Tôi đã xin gia đình tôi gửi tiền đến bệnh viện Netania tại Israel, nơi những người Do Thái bị thương trong cuộc chiến đang được chữa trị".

* * *

Với nghi thức Pamisva, một người Do Thái được xem là trưởng thành. Nghi thức này nhắc lại cho các tín hữu kitô nghi thức Thêm Sức. Thật thế, khi chịu bí tích Thêm Sức, người tín hữu kitô cũng được xem là trưởng thành. Một cách cụ thể, họ được trao phó cho một vai trò tích cực hơn trong cộng đồng tín hữu. Bí tích này mời gọi họ phục vụ và cư xử với tinh thần trách nhiệm. Cậu bé Do Thái mười ba tuổi trên đây đã cố gắng thể hiện tinh thần trách nhiệm của cậu đối với cộng đồng dân tộc qua lá thư gửi cho thủ tướng Do Thái cũng như món quà gửi tới những người cần được giúp đỡ.

Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta tưởng niệm biến cố Giáo Hội được khai sinh và ôn lại ý nghĩa của bí tích thêm sức trong đời sống đức tin của chúng ta.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một lời kêu gọi phục vụ. Lễ này nhắc nhở các tín hữu kitô rằng họ phải thể hiện đức tin của mình bằng cả cuộc sống của họ, tùy theo khả năng mỗi người đều được kêu gọi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng một cách cụ thể hơn. Ðối với một số người, chứng từ cụ thể ấy là dấn thân hoạt động tích cực trong cộng đồng giáo xứ hay trong các phong trào. Với đa số chứng từ cụ thể ấy là những lời cầu nguyện và hy sinh âm thầm. Mỗi người một nhiệm vụ và một cách cụ thể thể hiện khác nhau, bởi vì trong Giáo Hội có nhiều đặc sủng khác nhau cũng như có nhiều chi thể khác nhau trong cùng một thân thể. Thánh Phaolô đã nói tới điều đó trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Côrintô đoạn 12 như sau: "Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung". (1Cor 12, 4-7).

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống kêu gọi mỗi người tín hữu kitô chúng ta ghi dấu ơn huệ mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Thêm Sức.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin hãy đến. Xin hãy đến như ngọn lửa để đun nóng tâm hồn chúng con. Xin hãy đến như cơn gió để thanh tẩy chúng con. Xin hãy đến như ánh sáng để hướng dẫn chúng con. Xin hãy đến để ban sức mạnh cho chúng con.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin hãy đến.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page