Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 66 -

Những Lỗi Nghịch Ðức Bác Ái

 

Người ta thuật lại rằng thời nội chiến Tây Ban Nha 1936 - 1939, các phiến quân đốt phá nhà thờ, nhà thương, Tu viện, và sát hại nhiều linh mục cũng như Nữ tu. Ngày nọ, một vị linh mục già bị phiến quân bắt và kết án tử hình. Khi bị trói và dẫn đến trước đội lính hành quyết, vị linh mục nói với tên trưởng toán: "Xin anh làm ơn cắt dây trói này để tôi có thể giơ tay chúc lành cho các anh trước khi chết". Vừa nghe xong, tên trưởng toán liền cầm chiếc rìu, không những chặt đứt sợi dây thừng, mà còn cả đôi tay của vị linh mục nữa. Mặc dầu đau đớn, vị linh mục vẫn cố sức giơ cao cùm tay đầy máu me lên để chúc lành cho kẻ vừa hành hạ mình, vừa nói: "Tôi tha thứ cho anh và xin Thiên Chúa cũng tha thứ và chúc lành cho anh".

Câu chuyện trên không những nêu bật hành động bác ái cao đẹp của vị linh mục, mà còn phơi bày hận thù sôi sục trong lòng con người. Hận thù, oán ghét vốn là hình thức lỗi bác ái trực tiếp nhất. Ði đôi với hận thù oán ghét là lòng ganh tị.

Tội oán thù người khác được coi như một hành động hoàn toàn ngược lại đức yêu thương. Người có đức bác ái biết nhìn tha nhân như một thụ tạo được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa và được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào sự sống của Ngài. Từ cái nhìn đó, người có đức bác ái sẽ đối xử với tha nhân trong niềm kính trọng, yêu mến và sẵn sàng giúp đỡ. Trái lại, kẻ oán thù tha nhân thì nhìn người khác như một tai ương, như một điều không đáng hiện hữu trên trần thế này và do đó tìm cách xa tránh hoặc loại trừ họ. Khi một người oán thù ai, thì họ sẽ nhìn tất cả mọi việc làm hoặc những gì trong người ấy là đáng ghét. Người oán thù cũng thường mong cho kẻ mình ghét gặp phải tai ương bất hạnh, hay ít ra là vui mừng khi hoạn nạn xảy đến cho người ấy.

Trên đây là bản chất của tội oán thù. Luân lý Kitô giáo phân biệt ác cảm tự nhiên với tội oán thù người khác một cách có chủ tâm. Thực tế nhiều khi chúng ta tự nhiên có ác cảm đối với một người nào đó, tình cảm này chưa phải là tội lỗi, bao lâu chúng ta không chiều theo và không để nó hướng dẫn hành động của chúng ta. Cũng vậy khi chúng ta lên án điều xấu hoặc một hành động sai trái nơi người khác mà không kết án hay oán thù chính con người của họ, thì hành động này không phải là hành động tội lỗi. Trái lại, việc sửa chữa hoặc khiển trách điều sai lỗi là một hành động thuộc nhân đức yêu thương và phù hợp với những đòi hỏi của đức bái ái, vì thực tế, chúng ta sẽ không yêu thương tha nhân một cách thành thực, nếu chúng ta tỏ ra dửng dưng lãnh đạm với những hành động xấu xa của người đó.

Hận thù oán ghét hệ tại ghét chính con người của tha nhân và coi họ như một tai ương, không đáng hiện hữu và cần nhất phải loại trừ. Bao lâu chúng ta không có chủ tâm ghét người khác, thì bấy lâu chưa thể gọi là tội oán thù tha nhân được. Về hành động oán thù, có thể phân biệt hai loại: Một là ghét người khác vì họ gây thiệt hại một cách nào đó cho bản thân ta, hai là ghét người khác vì chính họ. Tội thứ hai này nặng hơn tội thứ nhất, vì nó hoàn toàn ngược lại đức bác ái Kitô giáo; chẳng hạn oán thù những trẻ thơ vô tội là một hành động tội lỗi nặng nề hơn oán thù những người đã làm thiệt hai cho chính mình một cách nào đó.

Ngoài ra, oán thù tập thể, nghĩa là oán thù một nhóm người, một giai cấp hoặc một dân tộc: tuy hành động oán thù này không nặng nề lắm, vì nó không nhắm hẳn vào một người cụ thể, nhưng đó là tâm lý tập thể thúc đẩy. Thứ oán thù này có thể có cường độ cao và tạo nên những thiệt hại lớn lao đưa đến xung đột giữa giai cấp và các dân tộc với nhau.

Sang đến tội ghen tị cũng là một thứ tội nghịch đức bác ái, tuy ở cường độ nhẹ hơn: người ghen tị không vui mừng khi thấy tha nhân được điều tốt lành và hạnh phúc, trong khi mình không được như vậy. Tội ghen tị khác tội oán thù ở điểm này: người oán thù mong muốn cho kẻ khác mất tất cả những điều tốt đẹp, còn người ghen tị sẽ không tức tối với người khác nữa, nếu chính mình cũng được những điều tốt đẹp và hạnh phúc bằng hoặc hơn người khác. Khi một người cảm thấy ghen tị với người khác và thực sự chiều theo hoặc để tình cảm đó hướng dẫn hành động tội lỗi và dần dà tội ghen tị này sẽ lớn mạnh thành tội oán thù.

Tội ghen tị đích thực bao hàm một quan niệm sai lầm về Thiên Chúa, vì người ghen tị dường như muốn trách móc Thiên Chúa đã cho người khác những điều tốt đẹp và hạnh phúc mà không ban cho mình được như vậy. Thay vì xác tín rằng Thiên Chúa hoàn toàn tự do ban phát những điều tốt đẹp tùy theo sự khôn ngoan của Ngài. Ngoài ra tội ghen tị nhiều khi cũng là kết quả của một thái độ coi trọng những của cải chóng qua hơn là những của cải tinh thần và sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Ngoài hai thứ tội nghịch đức bác ái trên đây, thái độ dửng dưng không quan tâm yêu mến và giúp đỡ tha nhân cũng là một hành động nghịch với đức thương người. Hành động này không đáp ứng những đòi hỏi của đức bác ái đích thực, vì người có lòng bác ái sẽ luôn sẵn sàng ngăn ngừa những thiệt hại để chúng khỏi xảy đến cho người mình yêu mến, đồng thời quan tâm mưu cầu điều tốt đẹp cho họ, như thánh Phaolô đã dạy trong thư 1 Tx: "Anh em hãy luôn nhắm đến điều thiện giữa anh em cũng như đối với mọi người". Thái độ cố ý dửng dưng là một điều tội lỗi, tội này càng nặng, nếu tha nhân là người có quyền được chúng ta chú ý săn sóc, chẳng hạn dửng dưng giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page