Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 65 -

Thứ Tự Khi Thực Thi Bác Ái

 

Thực tế cuộc sống hàng ngày nhiều khi đặt các kitô hữu vào thế khó xử: một đàng phải yêu tha nhân, nhưng đàng khác lại phải yêu chính bản thân. Chúng ta hãy tưởng tượng một trường hợp như sau: hai người cùng bị đắm tàu, cả hai đều cố bám vào một mảnh gỗ để sống còn, nhưng mảnh gỗ chỉ có thể nổi được với một người mà thôi; trong trường hợp như thế, họ phải xử sự thế nào cho phải đạo? làm thế nào có thể yêu người như chính mình đồng thời cũng thực thi bác ái với chính mình? phải chăng có một thứ tự cần phải theo khi thực thi bác ái?

Bác ái là nghĩa vụ. Khi tha nhân lâm vào một hoàn cảnh khó khăn trầm trọng, đức bác ái đòi buộc các kitô hữu phải giúp đỡ họ, ngay cả khi phải hy sinh nhiều. Người kitô hữu có nhiệm vụ phải yêu thương tha nhân và cố gắng không ngừng để tiến bộ trong nhân đức này, nhưng điều đó không bắt buộc họ phải thực hành ở mức độ tuyệt đối và một cách anh hùng.

Nguyên tắc thứ hai hướng dẫn việc thực thi bác ái trong đời sống kitô hữu đó là ích chung phải chiếm địa vị ưu tiên đối với lợi ích cá nhân. Ðiều này có nghĩa là khi có xung đột giữa ích chung và ích riêng trên cùng một bình diện, thì người kitô hữu phải chọn ích chung hơn là hành động theo ích riêng. Thật ra, đây không chỉ là một nguyên tắc hướng dẫn đời sống đạo của người kitô hữu, mà còn là đòi hỏi của bất cứ cuộc sống xã hội nào. Cuộc sống xã hội chỉ lành mạnh và hài hòa khi mọi người biết đặt công ích lên trên quyền lợi cá nhân. Dĩ nhiên công ích ở đây phải hiểu là công ích đích thực, chứ không phải là công ích tưởng tượng hay giả tạo. Nói chung, khi công ích đích thực được phục vụ, thì lợi ích riêng cũng được bảo đảm. Như vậy tôn trọng công ích đích thực cũng chính là thực thi bác ái.

Nguyên tắc thứ ba: mỗi người phải chịu trách nhiệm về chính bản thân trước đã. Ðiều này không có nghĩa là tình yêu đối với bản thân chiếm chỗ cao hơn tình yêu đối với tha nhân. Nói rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm về bản thân trước đã, điều đó có nghĩa là mỗi người phải trực tiếp quyết định về chính mình trong tinh thần trách nhiệm. Ðây chính là ý nghĩa của câu nói: "bác ái bắt đầu từ chính bản thân". Yêu người như chính mình, tình yêu tôi dành cho tha nhân chỉ có ý nghĩa và giá trị nếu nó cũng xuất phát từ chính sự tôn trọng yêu thương đối với chính phẩm giá của tôi trước. Tôi không thể thực sự yêu thương người khác, nếu tôi lại ghét chính mình; tôi không thể thực sự yêu thương người khác, nếu chính tôi xao lãng những bổn phận đối với cuộc sống và sự trưởng thành nhân cách của tôi. Chẳng hạn, giết người để giúp đỡ tha nhân xem ra chỉ là một thứ ngụy biện, tôi không thể phạm tội ác để giúp đỡ tha nhân, phạm tội ác thiết yếu cũng là một hành động tự sát. Ở đây chúng ta thấy giá trị của phương châm: "cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện"; một hành động xấu không thể nào biện minh cho một mục đích bác ái, dù cao cả đến đâu. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người kitô hữu có thể chấp nhận nguy cơ phạm tội để cứu vớt và giúp đỡ người khác, nhất là khi đó là con đường duy nhất để cứu giúp họ. Chúng ta có thể kể đến trường hợp của những tu sĩ, linh mục hoạt động trong những môi trường chẳng những không lành mạnh, mà còn nguy hiểm nữa, như giới mãi dâm, nghiện ngập, bất lương. Dĩ nhiên, người dấn thân như thế phải là người có bản lãnh.

Nguyên tắc thứ bốn: thứ tự của đức bác ái không cấm đoán, cũng không đòi hỏi tín hữu phải từ bỏ tài sản vật chất hoặc chính mạng sống mình để cứu giúp người khác. Mỗi người đều có khuynh hướng muốn bảo đảm và duy trì mạng sống mình. Ðây không phải là xu hướng ích kỷ, tội lỗi, vì thế dành ưu tiên cho chính mình khi ở trong cùng một hoàn cảnh, cùng một bình diện như người khác, thì hành động này không phải là một hành động tội lỗi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu mời gọi tín hữu tiến trên đường trọn lành hơn là chỉ dừng lại ở những đòi hỏi tối thiểu của luân lý. Chúa Giêsu nói với người thanh niên giàu có muốn theo Ngài: "Nếu anh muốn trọn lành hãy về bán của cải anh có và bố thí cho người nghèo". Hoặc nơi khác, Ngài nói: "Không ai có tình yêu lớn hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu". Mặc dù đây là những lý tưởng cao thượng, nhưng luân lý Kitô giáo không đòi buộc tín hữu phải hành động một cách anh hùng như thế.

Nguyên tắc thứ năm: người kitô hữu bó buộc phải giúp đỡ tha nhân đang ở trong tình trạng khó khăn về đàng thiêng liêng cho dù mình phải hy sinh nhiều về đàng vật chất, ngay cả mạng sống của mình. Nguyên tắc này áp dụng trước tiên cho các vị chủ chăn là những người có trách nhiệm trực tiếp đối với phần rỗi linh hồn của các tín hữu. Chẳng hạn vị linh mục bó buộc phải ban Bí tích cho các tín hữu đang ở trong hoàn cảnh nguy tử giữa cơn dịch, cho dù khi hành động như thế vị linh mục có thể bị lây bệnh và thiệt mạng.

Nguyên tắc thứ sáu: khi yêu thương tha nhân, người kitô hữu có thể và phải dành ưu tiên cho những người gần gũi với mình hơn về họ hàng hoặc về những quan hệ tương tự. Nguyên tắc này giả thiết những người chúng ta cần giúp đỡ đều ở trong tình trạng thiếu thốn hoặc khốn khó như nhau. Ðiều này có nghĩa là nếu chúng ta giúp đỡ một người họ hàng chỉ thiếu thốn không đáng kể, mà bỏ không giúp đỡ một người khác đang ở trong một hoàn cảnh thiếu thốn trầm trọng chỉ vì họ không phải là bà con của mình, thì hành động này đi ngược với đức bác ái. Thứ tự ưu tiên theo nguyên tắc thứ sáu này là: vợ chồng phải có trách nhiệm đối với nhau, cha mẹ có trách nhiệm đối với con cái, con cái đã khôn lớn phải có trách nhiệm đối với cha mẹ già yếu, anh chị em ruột thịt có trách nhiệm giúp đỡ nhau; sau đó mới đến những người cùng làng, cùng phố, cùng quốc gia.

Vấn đề thứ tự phải giữ khi thực thi đức bác ái Kitô có thể tạo ra cho chúng ta cái cảm tưởng rằng các nghĩa vụ bác ái luôn cạnh tranh với nhau gây nên tình trạng giằng co nơi tâm hồn tín hữu khi phải quyết định hành động. Tuy nhiên nói chung, luôn có sự hòa hợp và thống nhất sâu xa trong đức bác ái siêu nhiên. Khi chúng ta càng yêu mến Chúa, chúng ta càng hành động một cách đúng đắn đối với chính mình và đối với tha nhân; khi chúng ta càng hiến thân cho Chúa và tha nhân bằng một tình yêu chân thành, chúng ta càng trưởng thành và trở nên người hoàn hảo trong Chúa Kitô. Trong cụ thể, khi chúng ta dành ưu tiên giúp đỡ một người nào đó, chẳng hạn cha mẹ, họ hàng, bạn hữu, thì chúng ta không đảo lộn thứ tự của đức bác ái; trái lại bảo đảm cho mục tiêu của nhân đức này và chu toàn nhiệm vụ giúp đỡ và săn sóc một cách tốt đẹp hơn cho những người chúng ta có trách nhiệm trực tiếp hơn.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page