Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 64 -

Tương Quan Giữa Công Bằng Và Bác Ái

 

Mẹ Têrêsa Calcutta, người Nữ tu được giải Nobel Hòa bình năm 1979 vì những hoạt động bác ái từ thiện cho những người nghèo tại Ấn Ðộ và trên khắp thế giới, không phải là một người không gặp chống đối. Nhiều người cho rằng cung cách hoạt động của Mẹ là một cách tránh né vấn đề nghèo khổ, Mẹ chỉ mang lại một liều thuốc tạm thời, chứ không muốn nhổ tận gốc sự nghèo khổ. Mẹ thường trả lời cho vấn nạn này như sau: "Những người được đưa đến các trung tâm của chúng tôi yếu nhược đến độ không cầm nổi trên tay cái cần câu cá; công việc của chúng tôi chỉ là giúp họ đủ sức đứng dậy mà thôi".

Mẹ Têrêsa không có những chương trình cải cách lớn, Mẹ chỉ biết sống và làm việc bác ái thôi. Nhiều người thì trái lại chủ trương hoạt động cho công bằng xã hội, bao lâu có công bằng thì bấy lâu hết nghèo đói và như vậy không còn chỗ hoạt động bác ái nữa.

Bác ái và công bằng có tương phản với nhau không? Ðâu là tương quan đích thực giữa công bằng và bác ái? Ðâu là thái độ của người kitô hữu trong cố gắng sống cả hai đòi hỏi này?

Nói cách vắn gọn, người ta có thể tóm tắt lập trường của luân lý Công giáo như sau: Bác ái và công bằng là hai tiêu chuẩn nền tảng điều khiển mối quan hệ giữa người với người. Ðây là hai nhân đức khác biệt nhau, nhưng có liên hệ mật thiết với nhau, đến độ không thể có bác ái đích thực nếu không có công bằng, và ngược lại. Bác ái là nguồn mạch và tột đỉnh của công bằng, ngược lại, công bằng là đòi hỏi đầu tiên của bác ái, là dấu chứng bác ái có chân thật hay không. Thí dụ: một quốc gia giàu viện trợ cho một nước nghèo, nhưng trước đó hoặc đồng thời bóc lột người nghèo, hoặc bắt chính phủ nước nghèo này phải tuân hành chính sách của nước giàu, thì hành động viện trợ kia chỉ là một hành vi bác ái giả tạo, nó chỉ che lấp sự ích kỷ và bất công mà thôi.

Nhưng công bằng mà không có bác ái đi kèm cũng chỉ là một hành động vụ luật và nhiều khi còn đi đến chỗ vô nhân đạo nữa. Nhiều nước nghèo mắc nợ hàng chục tỷ Mỹ kim đối với các nước giàu; nếu những chủ nợ này cứ khăng khăng thi hành công bằng đòi con nợ phải trả đúng thời hạn, khiến người dân nước nghèo thêm lầm than đói khổ, thì hành động gọi là công bằng của các nước giàu chỉ là một hành động bất công, vì không có lòng bác ái đi kèm. Chính vì thế ngạn ngữ La-tinh có nói: "Quá công bằng sẽ trở thành quá bất công".

Tin Mừng Matthêu cũng thuật lại dụ ngôn nói lên tương quan mật thiết giữa công bằng và bác ái, đó là dụ ngôn vị vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ của mình. Khi bắt đầu kiểm tra, người ta đưa đến trình diện với vua là một người mắc nợ một vạn nén bạc. Thấy người đó không có gì để trả, vua truyền lệnh bán hắn và vợ con cùng sản nghiệp của hắn để trả nợ. Thế nhưng khi người này sấp mình van xin, thì vua động lòng thương tha cho hắn về và tha cả nợ nữa. Nhưng vừa ra khỏi đền vua, hắn gặp người bạn mắc nợ hắn một trăm đồng; hắn liền bóp cổ mà rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bạn hắn van xin, nhưng hắn cứ bắt bạn bỏ tù cho đến khi trả hết nợ. Thấy vậy, các đầy tớ khác buồn phiền liền đến kể lại cho vua mọi việc xảy ra. Vua liền đòi đầy tớ ấy đến và trách rằng: "Hỡi tên độc ác, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã xin ta. Còn ngươi lại chẳng thương bạn mình như ta đã thương ngươi". Nổi giận, vua giao hắn cho lý hình hành tội cho đến ngày hắn trả hết nợ. Và Chúa Giêsu kết luận về câu chuyện này như sau: "Nếu anh em không thật lòng tha lỗi cho nhau, thì Cha Ta ở trên trời cũng đối với anh em như vậy".

Dụ ngôn trên đây cho thấy thái độ của Vua là người biết hành động theo lẽ công bằng, nhưng không loại trừ bác ái; trái lại đã để cho bác ái hướng dẫn hành động của mình. Còn người đầy tớ độc ác đã hành động theo lẽ công bằng mà không có lòng bác ái, chỉ biết đòi nợ một cách ích kỷ mà không biết đối xử rộng lượng với anh em; anh ta chính là người hành động trái với tinh thần Tin Mừng, do đó bị Chúa Giêsu nghiêm khắc áp dụng cho hắn một nguyên tắc mà hắn vẫn chủ trương.

Dụ ngôn trên đây cũng có thể giúp các kitô hữu giải đáp được vấn nạn thường được đặt ra: nếu Chúa là Ðấng công minh, thì chắc chắn Ngài sẽ trừng phạt những kẻ tội lỗi theo lẽ công bằng; nhưng nếu Ngài trừng phạt chúng ta là những kẻ có tội, thì làm sao có thể nói là Ngài tận tình yêu thương chúng ta? Có điều chắc chắn là nếu các kitô hữu được mời gọi sống trọn vẹn công bằng và bác ái, thì nơi Thiên Chúa, hai đức tính này không thể xung khắc nhau, trái lại còn được biểu lộ một cách hòa hợp vẹn toàn.

Xưa kia, trong Cựu ước, Môsê đã thiết định luật công bằng cho dân Do-thái "Mắt đền mắt, răng đền răng", luật công bằng này có ý bảo vệ người khác, nghĩa là không được trả thù kẻ làm hại mình một cách thái quá: một người làm hại ta một con mắt, ta chỉ có quyền móc lại một con mắt, chứ không có quyền móc hai con mắt của họ. Tuy nhiên, trong Tân ước, đức công bằng theo nghĩa đen này được thăng hoa nhờ đức bác ái, như Chúa Giêsu đã dạy trong bài giảng trên núi: "Anh em đã nghe bảo: Mắt đền mắt, răng thay răng. Nhưng Ta, Ta bảo anh em: đừng cự lại người ác, nhưng nếu ai vả má phải anh em, hãy giơ cả má kia nữa. Anh em đã nghe bảo: Hãy yêu thân nhân và hãy ghét thù địch. Còn Ta, Ta bảo anh em: hãy yêu thù địch và làm ơn cho những người bắt bớ anh em".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page