Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 63 -

Yêu Thương Kẻ Thù

 

Sự kiện ông Benjamin Netanyahu, 46 tuổi, lãnh tụ đảng Ly quốc, tức đảng bảo thủ đắc cử thủ tướng Israel trong cuộc bầu cử hôm 29 tháng 5 năm 1996 khiến nhiều người lo ngại cho tiến trình hòa bình ở Trung Ðông. Ðảng bảo thủ vốn chủ trương không nhượng bộ hoặc thương lượng với người Palestina và khối Ả-rập. Với hai ông Yzak Rabin và Simon Peres, Israel đã thực sự thể hiện được khả năng hòa giải với khối Ả-rập, nay xem chừng bầu khí sôi sục bắt đầu tái diễn, sự bất khoan dung thắng thế trên tinh thần hòa giải, tình yêu nhường bước cho hận thù. Nếu Do-thái giáo là quốc giáo của Israel, nếu Kinh Thánh là kim chỉ nam cho đời sống người dân, thì phải chăng ghét kẻ thù địch là một mệnh lệnh phát xuất từ Kinh Thánh? Cựu ước có dạy con người ghét kẻ thù của mình không? Ðâu là giáo huấn của Chúa Giêsu về tình yêu đối với kẻ thù?

Trong bài giảng trên núi như được trình thuật nơi chương 5, Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu đã nói: "Các ngươi đã nghe nói rằng: Hãy yêu mến thân nhân và ghét kẻ địch thù. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: hãy yêu thương thù địch và cầu khẩn cho người bắt bớ các ngươi" (5,43-44). Thật ra, ngay trong Kinh Thánh, Cựu ước cũng không có chỗ nào dạy tín hữu phải ghét kẻ thù địch, trái lại, nhiều lần còn dạy phải có thái độ quảng đại, khoan dung đối với kẻ thù, chẳng hạn thái độ quảng đại tha thứ của Yuse đối với các người anh đã từng tìm cách hại ông, hoặc như thái độ khoan dung của Ðavít đối với ông Saolô. Vì vậy, theo các nhà chú giải Kinh Thánh, việc ghét thù địch có lẽ là do các giáo sĩ Do-thái thời Chúa Giêsu dạy cho dân chúng hoặc do cộng đoàn Qumrân, một cộng đoàn sống cùng thời với Chúa Giêsu chủ trương. Tuy nhiên, theo các giáo sĩ Do-thái và cộng đoàn Qumrân thì kẻ thù ở đây là những người không thuộc nhóm con cái sự sáng, nhưng là con cái của sự tối tăm bị Thiên Chúa ruồng bỏ và trừng phạt.

Chúa Giêsu dạy phải yêu thương thù địch, giáo huấn của Chúa Giêsu đã được các môn đệ đưa vào đời sống cộng đoàn các tín hữu tiên khởi. Ðiều này được thấy rõ qua chứng thư của thánh Phaolô, như viết trong thư Rm 12, 17-21: "Ðừng lấy ác báo ác; điều thiện trước mặt mọi người, hãy cố quan tâm... Ðừng để sự dữ thắng, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ". Thánh Phêrô cũng nhắn nhủ tín hữu: "Ðừng lấy ác báo ác, hay nguyền rủa đáp lại nguyền rủa. Trái lại, hãy chúc lành, và anh em đã được kêu gọi ấy là để được chúc lành làm cơ nghiệp" (1P 3, 9).

Qua giáo huấn của Chúa Giêsu và của các Tông đồ, chúng ta thấy các tín hữu được mời gọi yêu thương kẻ thù một cách chân thành, vì đó là dấu chứng tỏ họ là con cái của Cha trên trời. Tình yêu thương đó là một tác động nội tâm cần phải được biểu lộ ra bên ngoài, như trường hợp chúng ta yêu thương thân nhân. Ở đây cần lưu ý rằng, Chúa đòi hỏi nơi chúng ta một hành vi của ý chí chứ không phải một hành vi của tình cảm. Nói thế có nghĩa là chúng ta cần phân biệt một ác cảm hoặc một thái độ không thiện cảm với sự ghen ghét một người nào đó thực sự. Chỉ khi nào chúng ta chủ tâm oán ghét một người nào đó thực sự, lúc đó chúng ta mới đi ngược giới răn của Chúa; còn việc chúng ta thấy tự nhiên có ác cảm hoặc không thiện cảm với một người nào đó, thì đó không phải là hành vi lỗi luật Chúa. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta một quyết định chủ tâm yêu thương thù địch, chứ không đòi hỏi chúng ta một phản ứng tình cảm yêu thương tha nhân, yêu thương thù địch. Trong thực tế, chúng ta tự nhiên có ác cảm với người ngược đãi chúng ta, nhưng chúng ta quyết tâm yêu thương họ theo lời Chúa dạy, điều này sẽ giúp chúng ta dần dần chế ngự được ác cảm đó.

Một ghi nhận khác nữa: việc yêu thương thù địch được áp dụng trước hết đối với thù địch cá nhân, nghĩa là kẻ bách hại, vu khống chúng ta, chứ không phải kẻ thù trong các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, giáo huấn của Chúa Giêsu cũng có ảnh hưởng đối với môi trường chính trị và xã hội trong cũng như ngoài nước giữa các lực lượng đối nghịch với nhau. Nói khác đi, lòng yêu thương kẻ thù không chỉ có chiều kích cá nhân riêng tư, nhưng cũng có ảnh hưởng đến xã hội. Từ khẳng quyết này, người ta có thể rút ra hệ luận có liên hệ đến cuộc sống cá nhân và xã hội: giới luật yêu thương kẻ thù đòi hỏi chúng ta không được tự tạo ra những hình ảnh tưởng tượng về kẻ thù, những hình ảnh một chiều sai lầm về kẻ thù, bởi vì những hình ảnh sai lầm đó là dấu chứng cho thấy có sự oán thù sâu xa ngược với giáo huấn của Tin Mừng, một giáo huấn dạy phải tìm hiểu người khác, và nhìn họ như họ có thực sự, chứ không phải như chúng ta tưởng tượng ra.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page