Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 62 -

Tình Yêu Của Chúa Giêsu

 

Tình yêu là một trong những phạm trù đa diện phong phú trong ngôn ngữ con người như tình yêu giữa cha mẹ và con cái, tình yêu giữa hai người khác phái, tình yêu giữa hai người bạn, và dĩ nhiên từ những kinh nghiệm yêu thương của con người, chúng ta nói đến tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa là nguồn mạch phát xuất và cũng được nhập thể trong chính tình yêu nhân loại, đó là tình yêu được mạc khải và nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô. Con người chỉ có thể hiểu được thế nào là tình yêu khi chiêm ngắm tình yêu của Chúa Giêsu Kitô mà thôi.

Một trong những danh xưng chúng ta có thể dùng để gọi Chúa Giêsu, đó là người bạn. Chính Ngài đã gọi các môn đệ là bạn hữu. Ngài mang lại cho tình bạn một chiều sâu và một giá trị mới khi Ngài hiến thân hy sinh vì bạn hữu mình. Thật ra, khi hiến thân hy sinh cho mọi người, Chúa Giêsu biểu lộ tình bạn của Ngài và mời gọi mọi người trở nên bạn hữu của Ngài. Tình yêu Chúa Giêsu có đối với các môn đệ và những ai đi theo Ngài là một tình bạn trọn vẹn, khi họ cảm nghiệm được tình bạn ấy, Ngài hướng tâm hồn họ đến với mọi người. Ngài là bạn của những người thu thuế và tội lỗi, Ngài đồng bàn với họ như một người bạn, đó là dấu chỉ của ân sủng và hòa giải. Ngài cũng thể hiện tình bạn với kẻ phản bội Ngài: ngay cả khi Yuđa có ý định phản bội Ngài, Chúa Giêsu vẫn còn bảo đảm với ông về tình bạn chân thành của Ngài. Tình bạn Ngài thể hiện với những người bị áp bức và những kẻ tội lỗi là một xác quyết về phẩm giá cao cả của họ, đồng thời chứng tỏ rằng họ vẫn có khả năng yêu thương. Quả thật, Chúa Giêsu đã không giới hạn tình yêu của Ngài cho một hạng người nào. Trong tình bạn, chúng ta cần người bạn phải ưng thuận và nói yêu thương như chúng ta, điều này không hề giảm tính cách dâng hiến của tình bạn. Chính Chúa Giêsu cũng đặt ra cho Phêrô một câu hỏi mà mỗi người chúng ta đã hơn một lần nêu lên với người bạn của chúng ta: "Phêrô, con có yêu mến Ta không" và đó cũng là câu hỏi cơ bản mà Chúa Giêsu đặt ra cho các kitô hữu, dù họ sống ở thời đại nào.

Tình bạn luôn luôn có tính cách hỗ tương, nghĩa là gồm có trao ban và nhận lãnh cùng một lúc. Không có khả năng trao ban và nhận lãnh, thì tình bạn không thể đạt được chiều kích đại đồng. Một người bạn đích thực là người bạn luôn mở rộng tâm hồn và quảng đại với mọi người. Thi hào Goeth của Ðức đã nói: "Một trái tim đang yêu thương một người không thể thù ghét bất cứ ai". Chính vì khám phá ra lòng tốt của một người bạn mà tình bạn đích thực cũng có thể nhận ra lòng tốt nơi mọi người. Chúa Giêsu là người bạn thân tình của các môn đệ, Ngài yêu thương Gioan một cách đặc biệt, Ngài có một tình bạn thắm thiết đối với Marta, Maria, Lazarô, nhưng không vì thế mà Ngài loại trừ những người khác. Chính trong nhóm những người bạn thân tình là các môn đệ, Chúa Giêsu đã dạy về tình yêu đại đồng, đó là thứ tình yêu không dừng lại ở bất cứ một giới hạn nào.

Một số kitô hữu ngay từ thời khai sinh đã được gọi để làm chứng cho tình yêu ấy một cách hùng hồn trước mặt mọi người, nhất là những kẻ bách hại mình. Khi tử đạo, người môn đệ đồng hóa mình với Thầy mình, Ðấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới. Giáo Hội coi việc tử đạo đó như một ân huệ lớn lao và một bằng chứng cao cả về đức ái. Mặc dù chỉ có một số ít được phúc tử đạo, nhưng tất cả phải sẵn sàng tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt mọi người và bước theo Ngài trên đường Thập giá giữa những bách hại không hề thiếu vắng trong Giáo Hội. Sứ điệp của tình yêu đại đồng bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa chỉ có ý nghĩa khi nào các kitô hữu, tức các bạn hữu của Chúa Kitô, biết liên đới với những người khốn cùng nhất trên trái đất này.

Năm 1964, đáp lại lời kêu gọi của Raoul Folereau, người sáng lập Hội "Những người bạn của người phong cùi", các bạn trẻ Italia đã đưa ra một tuyên ngôn, trong đó có đoạn viết: "Chúng tôi, những người trẻ hôm nay, chúng tôi chịu trách nhiệm về thế giới năm 2000. Những kẻ quyền thế bảo chúng tôi phải chinh phục, nhưng chúng tôi chỉ muốn yêu thương mà thôi; những kẻ quyền thế dạy chúng tôi sát hại, nhưng chúng tôi chỉ muốn trao ban mà thôi. Cho đến nay chỉ có một thế giới đói ăn, đau khổ mà không biết tại sao và cho đến bao giờ. Chúng tôi muốn trở thành người hữu ích cho người nghèo trên thế giới, chúng tôi không muốn có quyền thế để gây ra chiến tranh nữa. Trong khi chúng tôi mạnh khỏe, không thiếu thốn điều gì, chúng tôi ăn khi thấy ngon miệng và ngủ ngon trên nệm ấm chăn êm, thì 400 triệu bạn trẻ trên thế giới phải làm mồi cho biết bao khốn khổ. Chúng tôi muốn kêu gọi tất cả giới trẻ trên thế giới hãy liên kết với nhau trong một công trình vĩ đại, một công trình bao gồm toàn trái đất và có mục đích làm cho thế giới hạnh phúc hơn, và nhất là ít đau khổ hơn, ít bệnh hoạn hơn, ít đói khổ hơn, ít chia rẽ hơn".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page