Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 61 -

Tính Cách Bí Tích Của Tình Yêu

 

Thiên Chúa tạo dựng con người để sống yêu thương, nhưng cái khả năng yêu thương ấy được ghi khắc trong con người như một tiếng gọi, mà nói đến tiếng gọi là nói đến tự do. Ðối với Thiên Chúa, sống yêu thương trước hết không phải là một mệnh lệnh, nhưng thiết yếu là một đáp trả tự do, và chính qua sự đáp trả tự do ấy, phẩm giá con người được thể hiện. Thiên Chúa yêu thương và mời gọi con người đáp trả một cách tự do, đó là phương pháp sư phạm của Ngài qua suốt lịch sử mạc khải. Ngày nay, qua các Bí tích, Giáo Hội cũng tiếp tục sư phạm ấy của Thiên Chúa. Ý nghĩa của Bí tích chính là gặp gỡ và chia sẻ trong yêu thương giữa con người và Thiên Chúa.

Công cuộc sáng tạo và lịch sử là dấu hiệu hữu hình của tình yêu và sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa. Nếu tất cả đều là ân ban của một Thiên Chúa yêu thương, thì trên trần gian này, tình yêu là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa là dấu chỉ hữu hình của một thực tại vô hình, thì tình yêu mang tính Bí tích, Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó khi Ngài nói về tương quan giữa Ngài và Chúa Cha: "Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha". Qua cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu chính là Bí tích của tình yêu Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ là Bí tích của tình yêu Thiên Chúa theo nghĩa cuộc sống của Ngài là một dấu chỉ của tình yêu ấy. Bí tích không chỉ là dấu chỉ hữu hình của một thực tại siêu hình, mà còn là chính thực tại ấy được thể hiện một cách hiện thực và sống động. Chúa Giêsu là Bí tích của tình yêu Thiên Chúa theo ý nghĩa đó: Ngài không chỉ là dấu chỉ biểu hiện tình yêu Thiên Chúa, mà còn là chính tình yêu của Thiên Chúa thể hiện cho con người.

Trong diễn từ Tiệc ly, Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ điều mà Ngài gọi là giới răn mới: "Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con". Thật ra yêu thương nhau không phải là một mệnh lệnh mới mẻ; tính cách mới mẻ của yêu thương chính là sự sống của Chúa Giêsu mà các môn đệ được thông phần vào; Chúa Giêsu không chỉ là mẫu gương yêu thương, Ngài còn là sự sống, là tình yêu, nhờ đó con người mới có thể yêu thương.

Các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể là sức sống, là tình yêu của Chúa Kitô được thông ban cho các kitô hữu để họ có thể sống và yêu thương người khác bằng chính tình yêu của Ngài; các Bí tích thể hiện và củng cố sự kết hiệp người kitô hữu với Chúa Kitô. Thánh Augustinô đã có một suy tư sâu sắc về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể được thể hiện qua tiếng Amen mà người tín hữu đáp lại khi rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Theo Augustinô, thưa Amen là ý thức mình là thân thể của Chúa Kitô; thưa Amen là quyết tâm thể hiện một cách sống động và cụ thể mình thực sự là chi thể của Chúa Kitô. Lời truyền phép mà linh mục đọc trên bánh rượu cũng chính là lời truyền phép trên chính người kitô hữu để họ trở thành chi thể của Chúa Kitô và sống kết hiệp nên một với Ngài.

Bí tích Thánh Thể và các Bí tích khác là tác động nhờ đó Chúa Kitô thông chuyển sự sống và tình yêu của Ngài cho các tín hữu; đón nhận Bí tích, chính là đón nhận sức sống và tình yêu của Ngài. Nếu hiểu các Bí tích như thế, đời sống luân lý của chúng ta cũng mang một ý nghĩa mới. Sống lương thiện, sống bác ái không phải là đặc quyền của người kitô hữu, tín đồ của tôn giáo nào cũng sống như thế; nhưng người kitô hữu sống lương thiện, bác ái yêu thương không phải vì tuân giữ một giới răn hay cố gắng sống theo một lý tưởng hoặc mô phỏng một bậc vĩ nhân nào đó, mà vì được sinh động bởi chính sức sống và tình yêu của Chúa Kitô, họ thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", họ cố gắng sống để trở thành Bí tích của tình yêu Ðức Kitô.

Như vậy, sống yêu thương thiết yếu không phải là một giới răn, mà là thể hiện chính sức sống và tình yêu của Chúa Kitô. Dĩ nhiên, là những con người tội lỗi, chúng ta tiến tới trong cuộc sống như những người mù, chúng ta cần có những chỉ dẫn cụ thể. Nói khác đi, chúng ta cần có luật lệ, luật lệ không phải để trói buộc, nhưng là để giúp con người được tự do. Chỉ tình yêu đích thực mới làm cho con người được tự do và đó là tình yêu của Chúa Kitô hiện diện và tác động trong tâm hồn chúng ta. Do đó, luân lý Kitô giáo không chỉ là một cố gắng tuân giữ một giới răn, nhưng là đáp trả tiếng gọi yêu thương bằng chính tình yêu của Chúa Kitô.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page