Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 59 -

Chiều Kích Giao Ước Của Tình Yêu

 

Một trong những phạm trù được Kinh Thánh sử dụng để nói về Tình yêu Thiên Chúa đó là Giao ước. Giao ước vốn là sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh. Chính trong giao ước, Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu của Ngài: "Từ Ađam qua Abraham cho đến Môsê, Ðavít, Salomon, Thiên Chúa không ngừng thiết lập giao ước với con người. Tình yêu của Ngài là một tình yêu thánh thiện, chung thủy, bao dung, nhưng cũng là một tình yêu vô cùng nghiêm chỉnh, đòi hỏi nơi con người một sự đáp trả toàn diện bằng tất cả tâm trí, sức lực, thủy chung.

Qua giao ước với Thiên Chúa, dân Israel đã trở thành đồng bạn với Ngài, được mời gọi làm nên một dân tộc thấy được sự thánh thiện và lòng nhân từ của một Thiên Chúa không bao giờ ruồng rẫy và xé bỏ giao ước, mặc dù họ có vấp ngã trăm ngàn lần. Trái lại, Ngài đã đeo đuổi và kiện toàn giao ước đó trong Con Một Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu chính là thể hiện tột cùng của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi, như thánh Phaolô đã viết trong thư 2 Cr: "Ðấng không hề biết tội là gì, Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài".

Ði theo Chúa Giêsu và làm môn đệ có nghĩa là trở thành bạn hữu của Ngài và của các môn đệ Ngài. Không ai có thể là bạn hữu Chúa Giêsu mà không là bạn hữu của các bạn hữu của Ngài, bởi vì Ngài chính là giao ước, là mối kết giao những người bạn của Ngài, Ngài kêu gọi các môn đệ kết thân làm một với Ngài, để mọi người thấy rằng Ngài là Ðấng Cứu Thế, là giao ước mới nối kết mọi người với Thiên Chúa và với nhau. Quả thật, Chúa Giêsu chính là giao ước giữa tất cả những ai tin nhận Ngài. Sau biến cố Vượt qua, các môn đệ cảm nghiệm được thế nào là hợp thành một cộng đoàn xây dựng trên tình yêu và lệ thuộc vào tình yêu. Cộng đoàn tín hữu tiên khởi chính là Bí tích của tình yêu của Chúa Giêsu, nhưng tình yêu ấy không chỉ giới hạn trong một cộng đoàn nhỏ, mà còn từ từ xâm chiếm tất cả những ai tin nhận Ngài và lan rộng đến tận cùng trái đất. Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện trong Chúa Giêsu và trong cộng đoàn các môn đệ không chỉ là một tình yêu phụ tử, nghĩa là chỉ nói lên tương quan giữa Thiên Chúa và con người; tình yêu ấy còn là một tình yêu huynh đệ giữa con người với nhau nữa.

Kinh nghiệm của các tín hữu tiên khởi và của Giáo Hội từ 2,000 năm qua cho thấy nguồn gốc và cùng đích của tình yêu. Trong số 24 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng", Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh đến chiều kích giao ước của cuộc sống và của tình yêu như sau: Khi cầu nguyện với Chúa Cha: "xin cho mọi người nên một... như chúng ta là một" (Ga 17,21-22) Chúa Giêsu mở ra những viễn tượng mà lý trí con người không thể tự đạt được. Chúa Giêsu muốn nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của con cái Chúa trong chân lý và bác ái". Hiệp nhất, liên đới, tình yêu cứu độ là ba chiều kích không thể tách lìa nhau: bác ái mà không dẫn đến hiệp nhất cũng chỉ là ảo tưởng nếu không có tình yêu. Bác ái chính là sự hiệp nhất của Giáo Hội. Bác ái hay hiệp nhất cũng là một, bởi vì hiệp nhất là bác ái và bác ái là hiệp nhất.

Trải qua 2,000 năm nay, trên thế giới đã và đang có những cộng đoàn cố gắng sống lại kinh nghiệm yêu thương và hiệp nhất của các tín hữu tiên khởi. Những cộng đoàn này muốn trở thành dấu chứng của sự sống trong Chúa Kitô và nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất của nhân loại. Qua cuộc sống cá nhân cũng như cộng đoàn, họ muốn nói với thế giới rằng Chúa Kitô đã thực sự hiện diện và linh động, sự sống và tình yêu của Ngài đang thực sự châu lưu trong cộng đoàn kitô, chính sự sống và tình yêu của Ngài là động lực thúc đẩy các kitô hữu trong công cuộc xây dựng hiệp nhất và hòa bình cho thế giới. Bác ái như thế chính là ơn Thiên Chúa đã đổ tràn trong tâm hồn các tín hữu. Trong số 42 của Hiến chế về Giáo Hội, Công đồng Vaticanô II đã viết: "Thiên Chúa là Tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người ấy! (1Ga 4,16) Thiên Chúa đã đổ tràn đức ái của Ngài trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta, cho nên ân huệ đầu tiên và cần thiết nhất là bác ái. Bác ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa, trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân vì Ngài".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page