Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 58 -

Mạc Khải Về Tình Yêu

 

"Thiên Chúa là Tình Yêu" đó là tất cả chân lý Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người. Vì yêu thương, Thiên Chúa tạo dựng và cứu rỗi con người. Con người chỉ có một ơn gọi là đáp trả tình yêu Thiên Chúa, nghĩa là sống yêu thương. Thiên Chúa là Tình Yêu, đó là chân lý có sức giải phóng con người, tách lìa khỏi tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, thì không một chân lý nào có sức giải phóng con người.

Tình yêu là trọng tâm của cuộc sống con người, nhưng thế nào là tình yêu? Không một phạm trù nào phong phú, nhưng cũng mơ hồ và hàm hồ cho bằng tình yêu. Là kitô hữu chúng ta chỉ có thể biết thế nào là tình yêu nhờ mạc khải Thiên Chúa đã thực hiện trong và qua Chúa Giêsu mà thôi.

Toàn bộ lịch sử nhân loại là một mạc khải liên tục về tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đã tạo dựng con người để được thông dự vào tình yêu của Ngài. Con người là một mạc khải về tình yêu Thiên Chúa, bởi vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa. Tuy nhiên, chân lý trọn vẹn về tình yêu chỉ được mạc khải trong Chúa Kitô mà thôi. Vừa là con người, vừa là Thiên Chúa, cho nên trong nhân tính Ngài, Chúa Giêsu đã mạc khải những gì cao đẹp nhất trong tình yêu nhân loại, đồng thời bày tỏ chính tình yêu Thiên Chúa. Trong Ngài, tình yêu Thiên Chúa đã trở nên hữu hình. Ngài không chỉ là Ngôi Lời nhập thể, nhưng còn là tình yêu nhập thể, nghĩa là qua tình yêu của một con người, Chúa Giêsu đã cho chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, do đó, chỉ nhờ biết được Chúa Giêsu, chúng ta mới thực sự biết thế nào là tình yêu Thiên Chúa. Chúa Giêsu mạc khải tình yêu của Thiên Chúa không bằng những lời nói trừu tượng, mà bằng cả cuộc sống của Ngài. Ngài kết thân với những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với những người bị xem là hạng người tội lỗi, Ngài đến với người nghèo, nhưng Ngài cũng không lẩn trốn người giàu, Ngài đến với từng người và cho họ thấy phẩm giá cao cả của họ, Ngài nói với mỗi người rằng ơn gọi của họ là sống yêu thương.

Trong và qua Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa đã tỏ hiện trong chiều kích lịch sử. Chúa Giêsu đã nhập thể làm người, Ngài đã không làm một người ở ngoài thời gian và không gian, nhưng đã làm một con người trong một thời điểm lịch sử. Ngài đã đi vào lịch sử, tác động trong lịch sử và in vào lịch sử ấy với dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa và con người. Ngài đã mang lại cho lịch sử một khởi đầu mới, đó là lịch sử của tình yêu luôn luôn mặc lấy những hình thức mới mẻ, nhưng lịch sử ấy sẽ chỉ được hiểu dưới ánh sáng cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài mà thôi.

Con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, cho nên những gì cao đẹp nhất nơi con người đều là một mạc khải về Thiên Chúa. Trong những nét cao đẹp nơi con người, tình yêu là điều cao cả nhất, chính vì thế, Chúa Giêsu đã sử dụng tình yêu của con người để mạc khải tình yêu Thiên Chúa. Trước Ngài, các Tiên tri đã ví tình yêu Thiên Chúa với sự âu yếm của người mẹ; các hiền triết thì lại mượn tình yêu đam mê của vợ chồng để nói lên tình yêu Thiên Chúa. Mỗi tình yêu một vẻ, tình yêu nào của con người cũng là một phản ánh chính tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Tất cả những gì Cựu ước dùng để nói lên tình yêu Thiên Chúa đều tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn trong tình yêu của Chúa Giêsu. Lòng nhân từ, sự thủy chung và tha thứ của Thiên Chúa đã được Chúa Giêsu thể hiện trọn vẹn qua các dụ ngôn, nhất là qua cuộc sống của Ngài. Những dụ ngôn ấy vốn được rút từ kinh nghiệm hàng ngày của con người, cùng với lịch sử con người, từ nay sẽ mãi mãi là thành phần của lịch sử tình yêu, một tình yêu đã đạt đến tột đỉnh trong cuộc nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã mạc khải tình yêu của Thiên Chúa, nhưng cũng qua mạc khải của Ngài, Chúa Giêsu đã thể hiện chính giá trị mạc khải của tình yêu con người. Nói khác đi, từ nay, lịch sử mang một ý nghĩa khác: lịch sử ấy cũng chính là lịch sử của tình yêu đối với con người: chính qua những cố gắng sống yêu thương, con người bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Sống yêu thương là ơn gọi nền tảng của con người, bởi vì không những khi yêu thương, con người đạt được cứu cánh của mình, mà còn là một mạc khải về chính tình yêu của Thiên Chúa.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page