Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 57 -

Tương Quan Giữa Tình Yêu Thiên Chúa

Và Tình Yêu Tha Nhân

 

Nhiều người cho rằng tình yêu tha nhân là yếu tố quyết định trong đời sống kitô, bởi vì chỉ nhờ tình yêu tha nhân mà con người biểu lộ và đạt tới tình yêu Thiên Chúa. Người kitô hữu yêu mến Chúa qua việc yêu thương tha nhân, điều này có nghĩa là giới răn yêu người đi trước và là nền tảng cho giới răn mến Chúa. Theo một số khác, con đường dẫn tới tình yêu Chúa không phải chỉ qua trung gian tha nhân, bởi vì trong thực tế có những trường hợp con người tìm kiếm và yêu mến Chúa, như trường hợp các tu sĩ chiêm niệm chẳng hạn.

Tuy nhiên, trên phương diện tâm lý, thường thường con người khám phá tình yêu Thiên Chúa qua trung gian tình yêu tha nhân: một người suốt đời không bao giờ cảm nhận được tình yêu của bất cứ người nào, thì làm sao có được ý niệm Thiên Chúa là Tình yêu? Cuộc sống thực tế qua các quan hệ giữa người với người, thường là trường dạy chúng ta về tình yêu của Chúa và đối với Chúa. Như vậy, phải chăng tình yêu tha nhân đi trước và chiếm ưu thế đối với tình yêu Thiên Chúa?

Hồng y Hans urs Balthasar, người Thụy Sĩ, đã đưa ra ý kiến như sau: "Sở dĩ người kitô hữu phải yêu thương mọi người, vì Ðức Giêsu đã hy sinh và tự đồng hóa với mọi người, nhất là những kẻ bé mọn trong xã hội. Do đó, với tư cách là kitô hữu, chúng ta phải yêu thương tha nhân. Nếu chúng ta không yêu thương tha nhân, chúng ta không còn là môn đệ Chúa Kitô nữa". Nói chung, như Ðức Gioan Phaolô II đã nêu bật trong một bài giảng: tình yêu Chúa là nền tảng của tình yêu tha nhân; lòng mến Chúa thúc đẩy con người đến với tha nhân và bao hàm tình yêu tha nhân; ngược lại, tình yêu tha nhân trong thực tế lại là dịp hướng con người về với tình yêu Chúa.

Như vậy, đối với Kitô giáo, động lực thúc đẩy con người yêu thương tha nhân chính là Thiên Chúa, bởi vì khi yêu thương tha nhân, con người không yêu mến ai ngoài Thiên Chúa. Ðiều này cũng có nghĩa là sở dĩ tha nhân được yêu thương, bởi vì Thiên Chúa hiện diện trong tha nhân. Một quan niệm như thế không được thuyết nhân bản vô thần và trào lưu tục hóa ngày nay chấp nhận. Những người theo các thuyết này cho rằng quan niệm như thế tức là biến tha nhân thành một đối tượng thứ yếu hoặc chỉ xem tha nhân như một dụng cụ phục vụ cho tình yêu. Theo họ, một tình yêu tha nhân như thế chỉ là một tình yêu giả tạo, tha nhân được yêu thương không phải như một đối tượng, mà chỉ như một dụng cụ và vì thế hạ phẩm giá con người.

Lập luận trên đây xem ra sắc bén, nhưng không phù hợp với thực tế. Trong một gia đình, anh chị em thương nhau vì họ là con cái cùng một cha mẹ, phải chăng một tình yêu như thế là giả tạo? phải chăng chỉ vì cha mẹ mà họ yêu thương nhau? Mặc dù người kitô hữu yêu thương tha nhân vì tình yêu Chúa, tình yêu ấy vẫn tôn trọng và yêu thương tha nhân trong toàn thể thực tại của họ. Tha nhân được yêu thương, vì họ mang hình ảnh của Thiên Chúa, vì họ được mời gọi chia sẻ cuộc sống của Ngài; chính vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, chính vì phẩm giá cao cả ấy, mà tha nhân được yêu thương. Như vậy, xét cho cùng, tha nhân được yêu thương là vì phẩm giá cao cả của họ.

Công đồng Vaticanô II trong số 22 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" đã viết: "Giáo Hội cho rằng việc nhìn nhận Thiên Chúa không có gì nghịch lại phẩm giá con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page