Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 55 -

Niềm Hy Vọng Trong Các Thư Phaolô

 

Trong Tân ước, Phaolô là người nói đến niềm hy vọng nhiều nhất. Phaolô được ơn trở lại trên đường Damas. Sau khi Chúa Giêsu về trời và các kitô hữu lúc đó đang sống trong niềm mong đợi ngày Chúa trở lại vinh quang, Phaolô đã diễn tả trọn vẹn niềm hy vọng đó trong các thư gởi các giáo đoàn. Ðối với Phaolô, chính niềm mong đợi Chúa sẽ trở lại trong vinh quang làm cho các kitô hữu khác với những tín hữu trong các tôn giáo khác. Các kitô hữu là những người khôn ngoan sống trong niềm hy vọng, trong khi dân ngoại là những người không hy vọng cậy trông, như ngài đã viết trong thư Rôma và Êphêsô.

Chính vì tầm quan trọng của niềm hy vọng, Phaolô đã cố gắng giải thích cho các kitô hữu bản chất của nhân đức này. Ngài viết trong thư Rôma, chương 8:

"Vì ơn cứu thoát đã đến cho ta như một hy vọng. Hy vọng mà thấy được thì hết là hy vọng, vì điều thấy được, ai còn hy vọng nữa. Nhưng nếu thực sự ta hy vọng điều ta không thấy, thì ta kiên nhẫn đợi trông".

Ðối với Phaolô, kitô hữu là người đã được ơn trở nên công chính, nhưng vẫn còn mong đợi được ơn cứu thoát chung cuộc khỏi phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Họ là người được Chúa giải phóng khỏi nô lệ của tội lỗi, của xác thịt và sự chết, nhưng vẫn hy vọng là chính mình sẽ vĩnh viễn tiêu diệt các quyền lực của sự dữ trong cuộc phục sinh mai hậu. Họ là người đã được ơn Chúa Thánh Thần, đồng thời vẫn mong ước được Chúa Thánh Thần biến đổi hoàn toàn cuộc sống của họ. Họ là người đã được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử, nhưng vẫn mong đợi được Chúa cho thừa hưởng vương quốc của Ngài trong hạnh phúc vĩnh cửu.

Qua giáo huấn của Phaolô, người ta thấy niềm hy vọng theo tinh thần Kitô giáo có tính bao quát, chứ không duy cá nhân chủ nghĩa. Người Kitô hữu không chỉ hy vọng những điều tốt đẹp và hạnh phúc cho mình mai sau, nhưng theo Phaolô niềm hy vọng của kitô hữu được đặt trong bối cảnh toàn diện của lịch sử cứu độ. Niềm hy vọng và cậy trông đó được đặt nền tảng trên sự hiệp thông với cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô và mong đợi được hoàn toàn dự phần với Chúa trong vinh quang bất diệt. Ðiều này có nghĩa là niềm hy vọng của kitô hữu không chỉ là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân, nhưng nó còn liên hệ với Chúa Kitô và với người khác. Chính vì thế, Phaolô viết trong thư Côlôsê: "Khi nào Ðức Kitô, sự sống của ta tỏ hiện, thì cả anh em nữa, anh em cũng sẽ được tỏ hiện làm một với Ngài trong vinh quang" (3,4)

Xét về động lực thúc đẩy các kitô hữu hy vọng và cậy trông nơi Chúa, Phaolô cũng theo truyền thống Kinh Thánh Tân ước, theo đó, chính Thiên Chúa là nền tảng và động lực chính thúc đẩy chúng ta hy vọng, vì Thiên Chúa muốn cứu vớt mọi người, và vì Ngài luôn trung tín với lời đã hứa với các Tổ phụ. Phaolô còn đi xa hơn nữa, ngài trách dân Do-thái thời ngài đã đặt niềm hy vọng trên nền tảng lề luật và nghĩ rằng chỉ cần tuân giữ lề luật là được cứu rỗi, Phaolô gọi quan niệm hy vọng như thế là tín thác cậy trông vào xác thịt.

Ðối với thái độ sai lầm trên đây, Phaolô nói đến sự cậy trông dựa trên ơn thánh của Thiên Chúa. Với niềm tín thác chân thành, kitô hữu hãnh diện trong Thiên Chúa và hướng về tương lai với hy vọng Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho họ. Phaolô viết trong thư Rôma: "Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chúng ta được vinh quang; nhờ công nghiệp của Ngài, bây giờ chúng ta được ơn hòa giải".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page