Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 54 -

Thể Hiện Niềm Hy Vọng Vĩnh Cửu

 

Teillard Chardin, nhà khảo cổ học nổi tiếng của Dòng Tên, qua đời năm 1955, đã nói: "Thế giới thuộc về những ai có thể mang lại cho nó niềm hy vọng lớn hơn". Các kitô hữu chỉ có thể mang lại cho thế giới sứ điệp của niềm hy vọng Kitô giáo và mời gọi mọi người đón nhận niềm hy vọng này, nếu họ cũng sẵn sàng lắng nghe những niềm hy vọng của trần thế. Ðó là điều Công đồng Vaticano II đã khẳng định ngay từ trang đầu tiên của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng": "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô".

Không thể tuyên xưng niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô mà đồng thời không thấy được thúc đẩy để dấn thân cho tương lai nhân loại; sống dửng dưng như thế là phản bội niềm hy vọng mà Chúa Kitô đã mang lại cho trần thế. Trong số 21 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng", Công đồng dạy rằng: niềm hy vọng vào đời sống mai hậu không làm giảm bớt tầm quan trọng của những bổn phận ở trần gian này, trái lại còn gia tăng những động lực giúp thi hành những bổn phận ấy. Hơn nữa, nếu thiếu nền tảng tôn giáo và thiếu niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu, thì phẩm giá con người sẽ bị tổn thương cách trầm trọng như thường thấy xảy ra ngày nay.

Giáo huấn Công đồng Vaticanô II là câu trả lời cho thách đố của thời đại. Nơi nào các tôn giáo đề ra một niềm hy vọng hoàn toàn xa lạ với cuộc sống tại thế này, đồng thời chối bỏ mọi niềm hy vọng trần thế, thì chúng ta sẽ không phải ngạc nhiên khi thấy có sự đoạn tuyệt giữa tôn giáo và tiến hóa, giữa niềm tin và khoa học, giữa phần rỗi của linh hồn và trách nhiệm đối với trần thế. Còn hơn cả thế giới bài tôn giáo ngày nay, Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta phải trung thành với những niềm hy vọng chính đáng của trần thế. Ngài rao giảng vương quốc vĩnh cửu của Chúa Cha, đồng thời cũng chữa lành những bệnh nhân, an ủi những người sầu khổ, giải thoát những người bị áp bức, nuôi sống những ai đói khát, thúc đẩy mọi người sống tình huynh đệ và liên đới.

Thế giới có những niềm hy vọng, nhưng đó không phải là những niềm hy vọng đi bên cạnh hay đi song song với niềm hy vọng Kitô giáo. Niềm hy vọng Chúa Kitô mang lại bao gồm mọi niềm hy vọng của con người. Là kitô hữu chúng ta cần phải biết những gì Chúa Kitô đã hứa và những gì chúng ta có thể hy vọng. Ðiều này đòi các kitô hữu phải không ngừng tỉnh thức để nhận ra muôn vàn dấu chỉ của thời đại, họ cần phải phân biệt những niềm hy vọng đích thực và những niềm hy vọng giả hiệu. Xây dựng một dân tộc chỉ gồm những con người siêu đẳng và loại trừ các dân tộc khác hay những thành phần bị xem là phế thải của xã hội, một niềm hy vọng như thế phải chăng không là một niềm hy vọng giả tạo; xây dựng một thứ thiên đàng trần gian không giai cấp, không bất công bằng cách loại trừ, tranh chấp, hận thù, một niềm hy vọng như thế phải chăng không là một ảo tưởng.

Niềm hy vọng Kitô giáo không nằm bên ngoài lịch sử, bởi vì niềm tin tưởng của chúng ta là sự đáp trả với tình yêu vĩnh cửu, với Thiên Chúa là Ðấng đang hiện diện giữa lòng lịch sử con người và hướng dẫn lịch sử ấy đến thành toàn. Ðối với các kitô hữu, những lời hứa của Chúa đã nhập thể giữa chúng ta trong toàn thể vũ trụ, và chúng ta biết rằng chúng ta đã nhận lãnh sứ mệnh của niềm hy vọng, không những cho và vì Giáo Hội, mà còn cho và vì trần thế nữa; chúng ta cũng biết rằng nếu chúng ta sống theo Tin Mừng, chúng ta có thể biến đổi hoàn toàn thế giới và lấp đầy thế giới bằng niềm hy vọng đúng đắn. Chỉ có chứng từ vui mừng hy vọng Kitô giáo mới có thể thắng vượt những hy vọng hão huyền của trần thế. Nếu các kitô hữu thực sự là muối đất, thì mọi người chung quanh sẽ hiểu rằng niềm hy vọng vào cuộc sống mai hậu không phải chỉ là sống hạnh phúc, mà còn là sống dồi dào hơn, nên người hơn.

Hy vọng vào cuộc sống mai hậu, nhưng các kitô hữu cũng phải trung thành với trần thế. Càng sống niềm hy vọng vào cuộc sống mai hậu, họ càng tỉnh thức để nhận ra những gì là chân thiện mỹ và chất chứa hy vọng trong trần thế này; càng sống niềm hy vọng vào cuộc sống mai hậu, họ càng được thúc đẩy xây dựng xã hội trần thế. "Ðầu đội trời, chân đạp đất", đó là vị thế của người kitô hữu trong cuộc sống tại thế này, họ mới đạt được ơn gọi trời cao, họ sống niềm hy vọng vĩnh cửu bằng chính những nỗ lực kiến tạo xã hội trần thế, họ đeo đuổi định mệnh vĩnh cửu bằng cách thực thi những bổn phận trần thế, họ rao giảng những giá trị vĩnh cửu bằng những cố gắng thăng hoa các thực tại trần thế . Sống cho ra người, sống sung mãn nhân cách của mình chính là thể hiện niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu và trở thành dấu chỉ của những thực tại mai hậu.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page