Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 53 -
Niềm Hy Vọng Trong Ðau Khổ
"Thảm trạng làm dấy lên những gì là tốt đẹp nhất trong lòng con người", đó là tựa đề một bài báo xuất bản tại Manila dạo tháng 3 năm 1996, nhân vụ tụ điểm ca nhạc bị hỏa hoạn làm thiệt mạng gần 160 bạn trẻ. Bên cạnh bài phóng sự về biến cố, tác giả bài báo còn ghi lại gương hy sinh phục vụ của rất nhiều người trong công tác cứu trợ, đáng chú ý hơn có lẽ là quyết định hiến máu của 145 tù nhân tại một trung tâm cải huấn ở Manila để tiếp cứu một số người còn sống sót đang được điều trị tại các Bệnh viện ở Thủ đô.
Ðau khổ có thể khơi dậy những gì là tốt đẹp nhất trong lòng con người, trong cơn hoạn nạn mà vẫn tiếp tục tin tưởng và hy vọng, đó là một trong những nét thiết yếu của niềm hy vọng Kitô giáo. Thật thế, niềm hy vọng Kitô giáo chính là lòng can đảm để sống, để lớn lên, để tiến bước giữa những bấp bênh và khổ đau của cuộc sống. Nhưng con người chỉ có thể giữ được thái độ này nhờ niềm tin nơi mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Lòng can đảm để sống và tiến bước trong hy vọng được xây dựng trên lời hứa và lòng trung tín của Thiên Chúa. Người kitô hữu tin chắc rằng lòng trung tín của Thiên Chúa sẽ mang lại chiến thắng cuối cùng; họ xác tín rằng Thập giá là con đường dẫn đến Phục sinh, chính trong Thập giá, họ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ, đồng thời nhận thức được bộ mặt bi thảm của một thế giới vắng bóng Thiên Chúa.
Ðau khổ vốn là một thực tế gắn liền với cuộc sống. Cả Kitô giáo lẫn Phật giáo đều xem đau khổ là vấn đề cơ bản nhất trong cuộc sống con người. Riêng Kitô giáo đau khổ tự nó vẫn là một mầu nhiệm, nhưng trong ánh sáng của cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, đau khổ đã có một ý nghĩa. Nói đúng hơn, trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, cuộc sống của con người dù có khổ lụy đến đâu vẫn tiếp tục có ý nghĩa. Ðối với nhiều người, đau khổ không hẳn đã là vấn đề làm cho họ ray rứt, nhưng nỗi khổ lớn nhất đối với họ chính là không tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống, và như vậy cuộc sống là một gánh nặng không thể mang nổi.
Ðau khổ là thước đó lòng người, chính trong đau khổ mà người ta nhận ra được giá trị đích thực của con người. Theo Bác sĩ Victor Frenz, người đã từng sống sót từ một trại tập trung của Ðức Quốc Xã, thì: trong thời đại chúng ta, đặc điểm của phần lớn nhân loại là thiếu niềm tin vào ý nghĩa cụ thể của cuộc sống. Bằng chứng là việc tự tử, hiện tượng này gia tăng một cách đáng kể: mỗi ngày có tới hàng ngàn người tự kết liễu cuộc sống và hàng chục ngàn người toan tự tử, hơn nửa số người tự tử là những người trẻ dưới 25 tuổi. Ðiều này chứng tỏ một tình trang lo âu và thất vọng trầm trọng; còn những người không tự giết mình thì cũng trút sự bất mãn của họ bằng cách sát hại người khác; số khác thì tìm cách lẫn trốn trong nghiện ngập. Bác sĩ Frenz cho rằng ý thức hay không ý thức, mỗi người đều đi tìm một ý nghĩa cho cuộc sống của mình, nhưng người ta lại nhận ra hiện tượng này là càng không thấy được ý nghĩa của cuộc sống, con người càng vội vã dấn bước trong cuộc sống và cuộc sống lại càng không có mục đích. Cần phải giúp con người tìm ra ý nghĩa của cuộc sống và chỉ có con người mới có thể tự giúp mình mà thôi; cần phải tạo ra một chút sa mạc trong cuộc sống, không phải để ở lại trong đó, nhưng để nhờ thinh lặng khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống và ra khỏi đó để sống cuộc sống với một chút hương vị mới.
Những lời lạc quan trên đây của một con người đã từng sống trong tận cùng của đau khổ, cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của niềm hy vọng trong cuộc sống. Can đảm để sống và hy vọng, để tìm lại được chính mình giữa đau khổ, đó chính là nét cao cả của tự do. Tự do chỉ sung mãn khi con người biết đón nhận những thách đố của cuộc sống và những đòi hỏi của tình yêu. Ði tìm một cuộc sống không có thử thách, đau khổ, thất bại, là một trong những ảo tưởng lớn nhất, đồng thời cũng chối bỏ nét cao đẹp nhất của con người là được sống tự do. Thánh Phaolô đã viết: "Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta". Chúa Kitô là niềm hy vọng, bởi vì bằng cái chết trên Thập giá và cuộc phục sinh khải hoàn của Ngài, Ngài đã thực sự mang lại cho cuộc sống chúng ta một ý nghĩa. Ngài đã không đến để cất lấy đau khổ khỏi cuộc sống. Ngài đã đón nhận đau khổ trong tinh thần phó thác, nhờ đó Ngài đã mặc cho cuộc sống một ý nghĩa. Cuộc sống vẫn còn đau khổ, nhưng từ nay đã trở thành đáng sống, bởi vì nó đã có ý nghĩa và hướng đi. Ðau khổ, nhưng vẫn biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu, đó là ý nghĩa của niềm hy vọng Kitô giáo.