Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 52 -

Niềm Hy Vọng Ðích Thực

 

Thế hệ mới, tín ngưỡng mới, đó là khẩu hiệu có thể áp dụng cho giới trẻ hiện nay tại Thái Lan. Bảy tín điều vật chất mà giới trẻ Thái Lan đang phấn đấu để đạt cho bằng được, đó là 7C: Car (xe hơi), Credit Card (thẻ tín dụng), Condo (Condominium: căn hộ đắt tiền), Cell Phone (Cellular Phone : điện thoại di động), Clothing (quần áo), Computer (máy vi tính loại xách tay), Contraception (các phương tiện ngừa thai); thiếu một trong bảy yếu tố đó thì chưa thuộc về thế hệ mới.

Một xã hội tiêu thụ và hưởng thụ hình thành một lớp người trẻ mới và một niềm hy vọng mới. Ai cũng nhận ra rằng cơn sốt làm giàu và hưởng thụ đang chiếm trọn tâm trí nhiều người, nhất là giới trẻ. Hiện tượng này không thể không đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Làm giàu và hưởng thụ có nghịch với giá trị Tin Mừng và niềm hy vọng của chúng ta không? Ðâu là niềm hy vọng đích thực của chúng ta?

Trong lịch sử nhân loại, không tưởng vốn là cơn cám dỗ triền miên của tư tưởng con người. Không tưởng cũng là một niềm hy vọng, nhưng là một niềm hy vọng không bao giờ đạt được, điển hình là một niềm tin nơi một thứ thiên đàng không giai cấp, không bất công xã hội mà nhiều quốc gia đã và đang cố gắng xây dựng trên trần gian này. Nền tảng của không tưởng chính là sự toàn năng mà người ta gán cho con người; tin ở sức vạn năng của con người, chối bỏ tính cách bất toàn của con người, cho nên người ta cũng chối bỏ chiều kích siêu việt của cuộc sống và như vậy cũng phủ nhận chính sự hiện hữu của Thiên Chúa. Không tưởng xét cho cùng chính là đề cao con người đến độ gạt bỏ Thiên Chúa, con người trở thành Thiên Chúa của chính mình, con người tự khẳng định chính mình bên ngoài Thiên Chúa, con người sống mà không cần Thiên Chúa.

Kitô giáo là Ðạo của hy vọng, và hy vọng ấy được xây dựng trên chính niềm tin vào Thiên Chúa. Một cách đơn giản, đối với người kitô hữu, tất cả đều là ân sủng, sự hiện hữu và hành động của con người tùy thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa, không có ơn Chúa, con người không thể hiện hữu, không thể tồn tại, không thể hoạt động. Niềm hy vọng Kitô giáo như thế được xây dựng trên chính ý thức về sự bất toàn và giới hạn của con người. Con người cao cả ở chỗ ý thức được sự bất toàn của thân phận làm người, đó là nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo, đó là ý nghĩa đích thực của câu nói của Chúa Giêsu: "Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, còn ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống". Con người càng cao trọng khi nó nhận ra mối giây liên kết tất yếu với Ðấng Tạo Hóa, con người càng vĩ đại khi nó biết đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào Ðấng Tạo Hóa.

Làm việc, hoạt động, đó là thể hiện của tự do sáng tạo của con người, nhất là khi con người làm việc để phục vụ người khác. Ðây là yếu tố cần thiết cho niềm hy vọng của con người. Tuy nhiên, nếu đặt tất cả niềm hy vọng vào việc làm của mình, một lúc nào đó con người sẽ thất vọng khi nhận ra những giới hạn của mình. Những khám phá khoa học càng ngày càng được nhân lên khiến con người tin ở sức vạn năng của tư tưởng cũng như khiến con người có cuộc sống phong phú hơn. Dù vậy, khoảng cách giữa khám phá khoa học và ứng dụng kỹ thuật thường làm cho con người thất vọng và lo âu hơn: nhân loại đang nắm trong tay bao nhiêu thứ vũ khí giết người mà mình không thể kiểm soát được.

Còn sống là còn nhìn về phía trước để dự phòng và tiên liệu, còn sống là còn hy vọng. Nhưng cũng chính trong niềm hy vọng mà con người nhận ra những giới hạn và bất toàn của mình cũng như nỗi khao khát vô biên mà không một thực tại trần gian nào có thể thỏa mãn được. Vừa cảm thấy mình bất toàn và giới hạn, vừa cảm thấy muốn vượt qua bên kia mọi thực tại trần thế, đó là tâm trạng bất an rất lành mạnh và cũng là nét cao cả của con người, bởi vì nó không ngừng mời gọi con người ra khỏi chính mình và vươn cao hơn. Chính vì nhận ra những bất toàn và giới hạn của mình mà người kitô hữu tin rằng ngoài Thiên Chúa, không một thực tại trần gian nào có thể lấp đầy nỗi khao khát vô biên trong tâm hồn họ; chính vì nhận ra thân phận giới hạn của mình, người kitô hữu tin rằng tất cả cuộc sống của họ đều tùy thuộc Thiên Chúa, và đó là nền tảng niềm hy vọng nơi người kitô hữu.

Niềm hy vọng của người kitô hữu được thể hiện thiết yếu bằng lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện cơ bản nhất của người kitô hữu phải là lời tri ân cảm tạ; tâm tình này giúp họ càng lúc càng ý thức rằng mọi thực tại trần gian đều tốt đẹp, bởi vì được Thiên Chúa tạo dựng. Là dấu chỉ sự hiện diện và tình thương của Thiên Chúa, những thực tại này luôn nhắc nhở họ về tình liên đới mà họ không ngừng được mời gọi để xây dựng với nhau. Một tâm tình cơ bản khác trong lời cầu nguyện của người kitô hữu, đó là tâm tình sám hối, tâm tình này mang lại cho tội nhân lòng can đảm để tiếp tục sống và hy vọng. Sám hối không chỉ là nhìn lại quá khứ đen tối, mà chính là hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, đó là cảm nghiệm mà bất cứ người kitô hữu nào cũng có được sau mỗi lần hòa giải với Chúa và với Giáo Hội.

Tạ ơn, sám hối, đó là hai tâm tình nền tảng nhất của người kitô hữu. Ngoài ra, đối với họ, cầu nguyện cũng có nghĩa là cầu xin. Xin tức là hy vọng, bởi vì có hy vọng, người ta mới xin. Lời cầu xin nói lên niềm tin tưởng của người kitô hữu rằng Thiên Chúa sẽ ban cho họ những gì họ nhân danh Chúa Giêsu để cầu xin, và rằng họ lãnh nhận được nhiều hơn những điều họ cầu xin. Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu để lại cho Giáo Hội là lời kinh của niềm hy vọng. Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện như những phần tử của một gia đình mới; Ngài dạy chúng ta trước hết hãy xin cho được can đảm để sống như con cái Cha trên trời, chỉ với tâm tình ấy, chúng ta mới có thể hy vọng thờ phượng Ngài cho phải đạo ở dưới đất bằng cách thăng tiến tình huynh đệ giữa mọi người. Kinh Lạy Cha cũng nhắc nhở các kitô hữu về chỗ đứng của họ trong trần thế; quả vậy, họ là những người lữ hành, nghĩa là những người không ngừng tiến bước, họ không dừng lại để nhìn ngắm trời cao, nhưng nhìn lên trời cao để tiến bước; họ không chỉ xin được cơm bánh để nuôi thân xác, mà còn xin cho Danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được hiển trị. Là người lữ hành luôn nhìn lên trời cao để tiến bước, người kitô hữu mưu cầu mọi sự, hưởng dùng mọi sự, nhưng tất cả là để vinh danh Chúa, đó là thế đứng của người kitô hữu trong trần thế, như Chúa Giêsu đã xác định: "Các con sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page