Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 51 -

Niềm Hy Vọng Kitô Giáo

 

Hút thuốc, uống rượu, yêu đương nhảm nhí, sử dụng ma túy, đó là những hiện tượng không xa lạ gì ở các trường học tại nhiều nước hiện nay. Một số nhà xã hội học cho đó là hậu quả tất yếu của một đường lối giáo dục quá tự do. Thật ra, xét cho cùng, hiện tượng trên phản ánh sự khủng hoảng về những giá trị đạo đức và tinh thần: khi xã hội trống rỗng về những giá trị đạo đức và tinh thần, thì nạn nhân đầu tiên chính là những người trẻ. Ðiều này không những là mối quan tâm của các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục, mà còn là một thách đố cho chính các kitô hữu: đâu là niềm hy vọng của họ trong trần thế? Niềm hy vọng ấy có sức mang lại hy vọng cho những người xung quanh không?

Toàn bộ Kinh Thánh là sứ điệp của hy vọng. Cả lịch sử Israel là lịch sử của niềm hy vọng hướng về một tương lai không ngừng được mở rộng. Ðối tượng của niềm hy vọng ấy là được trở thành một dân tộc của Chúa, một dân tộc mà định mệnh hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa. Bao nhiêu lần kinh qua áp bức, lưu đày, đe dọa, Israel càng lúc càng được củng cố trong niềm hy vọng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể giải thoát họ. Trong Tân ước, niềm hy vọng ấy đã thành tựu trong và qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng vốn có tên là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Sự Phục sinh của Ngài là một bảo đảm rằng Thiên Chúa luôn ở với con người, ngay cả bên kia cái chết. Như vậy, được ở với Thiên Chúa là đối tượng thiết yếu của niềm hy vọng Kitô giáo. Tuy nhiên, trong hành trình về niềm hy vọng ấy, con người không tiến bước như cá nhân riêng rẽ, mà là như Dân Thiên Chúa. Nói khác đi, người kitô hữu hy vọng với Giáo Hội và với các thành phần khác của Giáo Họi. Ngoài ra, ơn cứu rỗi cũng trải dài đến toàn thể mọi thụ tạo, như thánh Phêrô đã viết trong thư thứ hai: "Sẽ có một trời mới và một đất mới".

Trong số 48 của Hiến chế về Giáo Hội, Công đồng Vaticanô II xác định đối tượng của niềm hy vọng Kitô giáo như sau:

"Tất cả chúng ta được mời gọi gia nhập Giáo Hội trong Chúa Kitô, và nhờ ân sủng Thiên Chúa, chúng ta nên thánh trong Giáo Hội. Và Giáo Hội chỉ kết thúc trong vinh quang trên trời, khi thời cải tạo mọi sự đến và khi toàn thể vũ trụ cùng với loài người được thiết lập toàn vẹn trong Chúa Kitô, vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người đạt tới cùng đích của mình".

Hơn bao giờ hết, con người thời đại đang bị lôi kéo và lung lạc bởi những niềm hy vọng đóng khung trong thế giới này. Ðối tượng của niềm hy vọng mà trào lưu hưởng thụ ngày nay đề ra là gì, nếu không phải là tiền bạc, quyền bính, danh vọng; con người thời đại chạy theo niềm hy vọng ấy như những con thiêu thân. Thực tế cho thấy rằng không đạt được niềm hy vọng ấy làm cho con người thất vọng, chán chường, mà ngay cả khi đạt được niềm hy vọng ấy, con người cũng không bao giờ cảm thấy được thỏa mãn. Dưới một hình thức khác, niềm hy vọng nơi một thiên đàng tại thế cũng đã gây ra bao đau thương cho nhân loại: trong niềm hy vọng ấy, cá nhân chỉ còn là một công cụ vì tương lai của tập thể; nhưng trong tương lai tươi sáng của tập thể không bao giờ đến, mà nhân phẩm của cá nhân lại bị chối bỏ, đó là thảm trạng của một niềm hy vọng đóng khung trong trần thế.

Người kitô hữu phải sống như công dân của hai thế giới: thế giới chóng qua và thế giới vĩnh cửu; thế giới của thân xác và thế giới của tinh thần; thế giới của cá nhân và thế giới của tập thể; thế giới của con người và thế giới của vũ trụ. Trong thế đứng ấy, họ phải đảm nhận trách nhiệm, phải ra sức hoạt động cho phần rỗi của bản thân, nhưng họ chỉ đạt được phần rỗi ấy trong đại gia đình của Chúa, họ phải hướng đến ơn ích của linh hồn, nhưng không xao lãng với sức khỏe của thân xác; họ phải sống bác ái và chính vì bác ái mà phải dấn thân thăng tiến cuộc sống xã hội, họ phải đón nhận cuộc sống như một hồng ân, đồng thời cũng cố gắng không ngừng để hoàn thiện; họ xây dựng xã hội trần thế, nhưng vẫn biết mình là công dân Nước Trời. Nói tóm lại, người kitô hữu sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian; thái độ đó được thánh Phaolô nói tới trong thư 1 Cr 7,29-31: "Tôi xin nói với anh em: thời buổi đã co rút lại, cho nên từ nay những kẻ có vợ hãy ở như không có; khóc như không khóc; vui như không vui; mua như không cầm giữ; hưởng thế gian như không tận hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang qua đi".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page