Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 49 -

Những Hình Thức Dị Ðoan

 

Dị đoan vốn là thể hiện của một lòng tin yếu kém. Tự bản chất, con người được đặt để và hướng mở về niềm tin, do đó khi chối bỏ một niềm tin chân thật, con người không thể sống mà không dựa vào một niềm tin khác: thay cho một Thiên Chúa bị khước từ, con người tìm cách lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn bằng niềm tin vào một giá trị hay một tạo vật khác. Như vậy, dị đoan xét cho cùng cũng là một niềm tin, nhưng là một niềm tin không có nền tảng vững chắc. Ở đây, chúng ta nói đến một vài hình thức cơ bản của dị đoan.

Cảm thấy bất toàn và giới hạn trước những sức mạnh thiên nhiên vượt trên khả năng hiểu biết và hành động của mình, con người dễ có khuynh hướng gán cho những sức mạnh đó một bộ mặt thần linh. Nói chung, đây là khuynh hướng thường thấy nơi những người thất học, nghĩa là những người nghèo về tinh thần, những người bị xáo trộn về tâm lý. Chính vì thế, chiến dịch bài trừ mê tín dị đoan nào cũng phải đi đôi với sự phát triển về dân trí: dân trí càng cao, cuộc sống tinh thần càng lành mạnh, thì mê tín dị đoan càng bị đẩy lùi.

Tuy nhiên, mê tín dị đoan không chỉ là chuyện của những người ngu dốt, thất học, nghèo đói, tâm bệnh, mà ngay cả những người có học và các kitô hữu cũng có thể rơi vào mê tín dị đoan. Một niềm tin chân thật được xây dựng trên chính sự chân thật của Thiên Chúa. Có đức tin nghĩa là đặt tất cả niềm tín thác vào Thiên Chúa là Ðấng chân thật. Như vậy, được kể là dị đoan tất cả những thái độ nào đi ngược lại niềm tin ấy; cũng được kể là dị đoan bất cứ hành động nào muốn thay thế Thiên Chúa bằng một giá trị khác. Con người dị đoan của thời đại có thể là người đặt tin tưởng hoàn toàn vào lý trí của mình hoặc xây dựng cuộc sống của mình trên niềm tin mù quáng vào khoa học hay bất cứ một ý thức hệ nào. Con người dị đoan của thời đại có thể là người chỉ biết đóng khung cuộc sống mình trong những thực tại chóng qua của trần thế, như tiền tài, danh vọng, sức khỏe, sắc đẹp...

Nếu một niềm tin chân thật được xây dựng trên lời mạc khải chân thật và bất khả ngộ của Thiên Chúa, thì dị đoan chính là đặt niềm tin của mình vào một thứ lời khác, lời đó có thể là dư luận của đám đông, của các phương tiện truyền thông đại chúng. Riêng các kitô hữu, cho dù tuyên xưng lòng trung thành của mình đối với Chúa và Giáo Hội vẫn có thể rơi vào dị đoan, chẳng hạn thay vì tin tưởng nơi lời mạc khải của Chúa được ủy thác cho Giáo Hội, nhiều kitô hữu xem chừng vẫn thích chạy theo những mạc khải riêng tư hay những cuộc hiện ra vốn chưa được Giáo Hội nhìn nhận.

Nếu đối tượng của một niềm tin chân thật là những chân lý mạc khải, thì đi tìm ơn cứu rỗi duy chỉ trong những thực tại trần thế cũng là một thái độ dị đoan. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật dễ làm con người trở nên mù quáng đến độ biến những thực tại trần thế thành những giá trị tuyệt đối: thay vì tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu và ý nghĩa của cuộc sống trong những thực tại trần thế, con người lại tự giam mình trong những thực tại ấy; thay vì sử dụng những thực tại trần thế như những phương tiện giúp đạt cứu cánh vĩnh cửu, con người lại biến chúng thành cứu cánh của cuộc sống, thay vì làm chủ những thực tại trần thế, con người lại biến thành nô lệ cho chúng. Một thái độ tương tự cũng có thể tìm thấy ngay cả nơi những người tín hữu: không dị đoan là gì khi con người tìm đến với các nghi thức của Giáo Hội như các Bí tích hoặc nghi thức phụng vụ, với não trạng phù chú.

Tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa vì Ngài là Ðấng chân thật, tin tất cả những gì được Ngài mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô, đó là hai nét chính yếu của niềm tin chân thật. Ngoài ra, một niềm tin chân thật cũng luôn hướng đến cùng đích là hạnh phúc vĩnh cửu; dị đoan là bất cứ niềm tin nào chối bỏ chiều kích cánh chung ấy. Ngày nay không thiếu những người đeo đuổi một niềm tin như thế, điển hình hơn cả là niềm tin vào một thứ thiên đàng tại thế, nhưng lịch sử đã chứng minh rằng đó chỉ là một ảo tưởng, bởi vì một thứ thiên đàng như thế sẽ không bao giờ đến trên trần gian này.

Con người vốn được tạo dựng để hướng về niềm tin, do đó, khi chối bỏ niềm tin chân thật, con người không thể sống mà không tạo ra hay chạy theo những niềm tin khác. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người bị bắt buộc phải rước vào nhà tâm hồn mình những vị thần khác, như tiền tài, danh vọng, lạc thú... Như vậy, mê tín dị đoan không phải là hiện tượng gắn liền với nghèo đói, dốt nát, lạc hậu, mà là hậu quả của sự trống rỗng trong tâm hồn: khi tâm hồn trống vắng những giá trị tinh thần đích thực, nhất là không có sự hiện diện của Thiên Chúa thì dĩ nhiên con người sẽ tìm cách lấp đầy bằng mọi thứ phù phiếm của trần thế này. Con người thời đại ngày càng văn minh và tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhưng điều đó không đương nhiên là một miễn chuẩn đối với mê tín dị đoan. Tử vi, bói toán, ma thuật, gọi hồn, và bao nhiêu thứ kiêng kỵ khác, không chỉ là niềm tin của người nghèo khổ, dốt nát tại các nước nghèo, mà cũng nhan nhản trong những xã hội tiên tiến. Nói chung, mê tín dị đoan là thể hiện của sự trống rỗng trong tâm hồn con người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page