Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 48 -

Phát Triển Và Bảo Vệ Ðức Tin

 

Châu Mỹ La-tinh vốn được coi là lục địa Công giáo, thế nhưng trong thực tế, những người giữ đạo và thực hành đạo không những thấp, mà ngày càng hạ giảm. Theo ước tính của chính Giáo Hội Công giáo, thì hiện mỗi ngày có khoảng 8,000 người tại lục địa này bỏ Công giáo để gia nhập các giáo phái. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân chính vẫn là con số các linh mục Công giáo quá ít không thể đáp ứng nhu cầu của dân chúng, như tại Braxin, mỗi linh mục phải săn sóc khoảng 10,000 giáo dân, tại Guatemala, cứ 14,000 giáo dân mới có một linh mục, tại Honduras, một linh mục phải chăm sóc mục vụ cho 22,000 giáo dân; trong một tình trạng như thế, công việc chính của linh mục chỉ còn là cử hành Bí tích mà thôi. Trong khi đó 99% Mục sư Tin lành là người bản xứ, chứ không phải là các thừa sai đến từ nước ngoài; các cử hành phụng vụ, lối giảng dạy nơi các giáo phái lại sống động và hấp dẫn hơn, đó là chưa nói đến trợ giúp vật chất mà người tín hữu nhận được từ cộng đoàn của họ.

Bỏ Công giáo để gia nhập một giáo phái hay một tôn giáo khác, chúng ta vốn gọi đó là hành động bỏ đạo hay chối bỏ đức tin. Xét cho cùng thì đó cũng là cái chết đức tin: đức tin thiết yếu là một cuộc sống, mà đã là một cuộc sống thì nếu không phát triển và bảo vệ, nó sẽ chết dần chết mòn. Phát triển và bảo vệ đức tin, đó là hai bổn phận nền tảng của đời sống đức tin.

Ðức tin phải không ngừng phát triển, đây là định luật của đời sống đức tin được Chúa Giêsu cũng như các Tông đồ nêu bật. Chúa Giêsu đã trách cứ các môn đệ vì lòng tin yếu kém của họ: Ngài nói đến sức mạnh của đức tin được ví như hạt cải nhỏ bé, nhưng nẩy mầm và trở thành một cây lớn đến độ chim trời có thể đến nương náu dưới bóng nó. Các môn đệ đã hiểu được điều đó khi xin Chúa gia tăng đức tin cho họ. Ðào sâu giáo huấn của Chúa Giêsu, các Tông đồ cũng đã khuyên nhủ các tín hữu hãy lớn lên trong đức tin; đức tin được tăng trưởng dưới hai khía cạnh: một là hiểu biết, hai là yêu mến. Những chân lý mạc khải là đối tượng của một sự học hỏi lâu dài, cả cuộc sống người kitô hữu là một cuộc hành trình tìm hiểu và đào sâu các chân lý mạc khải. Không ai có thể tự mình nắm được hoàn toàn những chân lý ấy, trái lại phải không ngừng học hỏi, suy niệm và nhất là cố gắng sống một cách hiện thực những chân lý ấy, bởi vì "đức tin không có việc làm là đức tin chết".

Theo thánh Phaolô, một đức tin sống động và tăng trưởng được diễn tả và nuôi dưỡng bằng những hành động bác ái, không có bác ái, tất cả chỉ là hư không. Trong cụ thể, việc học hỏi giáo lý đối với người kitô hữu là một trong những bổn phận hàng đầu của đời sống đạo. Một đức tin không được giáo dục và hướng dẫn cũng giống như một hạt giống được gieo trên sỏi đá; thiếu những điều kiện cần thiết cho sự tăng trưởng, hạt giống ấy không thể nẩy mầm được. Sự cầu nguyện cũng là thể hiện thiết yếu của một đức tin sống động. Ðức tin vốn là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người; thiếu cầu nguyện, đời sống đức tin cũng giống như cây cỏ thiếu ánh sáng mặt trời; thiếu cầu nguyện, tâm hồn con người sẽ trở thành xơ cứng trong quan hệ với Chúa và với tha nhân.

Nếu bảo vệ sức khỏe là đòi hỏi bình thường của đời sống thể lý, thì bảo vệ đức tin cũng là đòi hỏi nền tảng của đời sống đạo. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã không ngừng kêu gọi các môn đệ hãy luôn tỉnh thức và đề phòng để khỏi sa chước cám dỗ, để không sống theo men của Biệt phái, để đứng vững trong cơn bách hại. Các Tông đồ cũng lặp lại một lời khuyên như thế đối với các tín hữu tiên khởi: Sách Công vụ ghi lại lời nhắn nhủ của Phaolô tại Milêtô: "Tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào giữa anh em, chúng không tha gì đàn chiên. Và ngay giữa anh em, cũng sẽ chỗi dậy những người rao giảng những điều sai lạc để quyến rũ môn đồ theo mình. Vì vậy, hãy tỉnh thức, và nhớ rằng ba năm trường đêm ngày tôi đã không ngừng sa lệ mà cảnh cáo mỗi người anh em".

Trong thư Côrintô, Phaolô cũng tha thiết kêu gọi: "Tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối Eva thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần ra hư hỏng, mất đơn thành đối với Ðức Kitô. Quả thật, nếu có ai đến rao giảng một Ðức Kitô khác với Ðức Kitô mà chúng tôi rao giảng, hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí khác với Thần Khí anh em đã lãnh nhận, hoặc nếu anh em đã lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã đón nhận, thì anh em sẵn lòng chịu đựng". Trong thư Rôma, Phaolô nói mạnh hơn: "Tôi khuyên anh em hãy coi chừng những kẻ gây chia rẽ và làm cớ vấp phạm vì đi ngược lại đạo lý anh em đã học hỏi, anh em hãy lánh xa họ".

Ðọc các thư Phêrô và Gioan, chúng ta cũng thấy các ngài kêu gọi tín hữu đề cao cảnh giác trước nguy cơ có thể làm họ lung lay đức tin.

Từ cách hành xử của các Tông đồ, xuyên qua mọi thời, Giáo Hội cũng không ngừng can thiệp bằng nhiều cách khác nhau để giúp các tín hữu đề phòng và chống đỡ trước những nguy cơ đe dọa đức tin của họ. Hiến chế về Giáo Hội số 25 đã tóm tắt nhiệm vụ đó của Giáo Hội: "Các Giám mục là những người bảo vệ đức tin, các ngài làm cho đức tin được trổ sinh hoa trái và luôn tỉnh thức để loại bỏ lầm lạc đe dọa đàn chiên mình".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page