Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 47 -

Tuyên Xưng Ðức Tin

 

Nghèo đói do bất công xã hội tạo nên là thực trạng chung của những quốc gia tại Trung Mỹ. Về mặt Giáo Hội, thách đố lớn nhất đang được đặt ra cho Giáo Hội tại đây, đó là nạn giáo phái lan tràn. Như thế hai vấn đề lớn mà Giáo Hội tại Trung Mỹ đang phải đương đầu, là bất công xã hội và nạn giáo phái. Nhưng trong một quốc gia có đa số dân theo Kitô giáo, thì chính trị, xã hội và tôn giáo là những yếu tố thường đan xen với nhau. Sự xuống cấp của xã hội thường cũng thể hiện của một sự suy đồi đời sống đức tin. Xét cho cùng, nạn giáo phái và bất công xã hội là mặt trái của một cuộc sống đức tin yếu kém: khi đời sống đức tin sa sút, hay nói như thánh Giacôbê "đức tin không có việc làm là đức tin chết" và nó cũng kéo theo đời sống xã hội. Vấn đề được đặt ra ở đây là: Thế nào là đức tin? Ðâu là đòi hỏi của đức tin?

Ðức tin là một ơn nhưng không của Thiên Chúa ban cho con người. Ðức tin là một ơn nhưng không, bởi vì chính mạc khải cũng mang tính nhưng không. Sự kiện Thiên Chúa tỏ bày chính mình cho con người, làm cho con người được tham dự sự hiểu biết và sự sống của Ngài hoàn toàn là một ơn nhưng không. Nói khác đi, con người không có quyền đòi hỏi hay có khả năng hưởng được đặc ân ấy. Ðức tin là một ơn nhưng không, bởi vì Thiên Chúa tự bày tỏ cho con người, mà còn soi sáng trí khôn và tác động trên ý chí con người để con người có thể đáp trả tiếng gọi của Ngài. Ðức tin là một ơn nhưng không, bởi vì đức tin được trao ban cho con người để nó được nhìn thấy nhan thánh Chúa; đây là hồng ân cao trọng nhất Thiên Chúa dành cho con người, chỉ có con người là tạo vật duy nhất được thần thánh hóa, nghĩa là được tạo dựng để kết hiệp vĩnh viễn với Thiên Chúa.

Ðặc điểm thứ hai của đức tin, đó là đức tin không những là niềm cậy trông phó thác của con người đối với tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa, mà còn là một sự hiểu biết nữa. Niềm cậy trông phó thác mà thiếu hiểu biết sẽ chỉ còn là một thứ tình cảm chủ quan. Ðức tin gắn liền với mạc khải là gắn liền với sự hiểu biết về Ngài, thiếu sự hiểu biết và chấp nhận của lý trí, thì con người dễ đi đến chỗ sùng bái ngẫu tượng, tức là một sự hiểu biết lệch lạc về Thiên Chúa. Như vậy, trong cụ thể, đâu là đối tượng của đức tin? Ở đây, chúng ta cần phân biệt hai hạng người: đối với những ai đã đón nhận và xác tín về sự khả tín và quyền năng của Thiên Chúa, thì đối tượng của đức tin chính là mạc khải của Chúa Giêsu như đã được ủy thác cho Giáo Hội Công giáo; được ơn đức tin, đón nhận đức tin đối với những người này cũng có nghĩa là tuyên xưng những gì Giáo Hội Công giáo tuyên xưng. Còn đối với những ai không vì lỗi của họ mà không nghe biết hay đón nhận Tin Mừng, thì Thiên Chúa tự tỏ bày qua sự hiểu biết tự nhiên của lý trí hoặc đòi hỏi lương tâm; nếu những người này đáp trả tiếng nói của Chúa, thì đối tượng đức tin chính là những gì họ nhận được qua ánh sáng của lý trí và tiếng nói lương tâm của họ.

Ðức tin là ơn cao quí nhất Thiên Chúa trao tặng cho con người, và quà tặng ấy không gì khác hơn là chính Thiên Chúa. Như vậy, có đức tin thiết yếu là đón nhận Thiên Chúa như là chủ tể, là gia nghiệp, là cùng đích, là tất cả cuộc sống. Có đức tin cũng có nghĩa là thuộc trọn về Thiên Chúa, điều này đòi hỏi nơi con người một sự đáp trả tuyệt đối. Ðức tin là một sự đáp trả tự do và cá nhân, không một quyền lực nào có thể cưỡng bách con người phải tin. Tự do tín ngưỡng hay tôn giáo là tự do cơ bản nhất của con người, chỉ con người có ý chí và lý trí mới tự mình đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Chính vì là một xác tín cá nhân và thầm kín, mà đức tin phải bao trùm cuộc sống của con người. Mà bởi vì con người mang tính xã hội, do đó sự biểu lộ đức tin cũng mang tính xã hội. Là một xác tín cá nhân và thâm sâu, hành động đức tin luôn phải được thể hiện ra bên ngoài, và đó là một trong những đòi hỏi nền tảng của tự do tôn giáo.

Ðức tin bao trùm toàn bộ cuộc sống, cho nên tuyên xưng đức tin cách công khai là một đòi hỏi tất yếu. Có hai cách tuyên xưng đức tin công khai: một là biểu lộ những tín điều cơ bản trong đạo bằng lời tuyên xưng hay cử chỉ tương xứng, như đọc kinh Tin Kính, làm dấu Thánh giá; hai là tham dự việc phụng tự hay công tác truyền giáo của Giáo Hội. Dĩ nhiên, việc công khai tuyên xưng đức tin không chỉ giới hạn trong kinh Tin Kính, trong các lễ nghi phụng tự, trong một số biểu dương tôn giáo, trong một số hoàn cảnh bắt buộc phải tuyên xưng đức tin, mà còn diễn ra trong từng giây phút cuộc sống người kitô hữu. Cả cuộc sống người kitô hữu phải là một cuộc tuyên xưng đức tin cách công khai, đây chính là thể hiện nghĩa vụ truyền giáo của người kitô hữu được Giáo Hội nhắc nhở trong hầu hết các văn kiện của Công đồng Vaticanô II, chẳng hạn trong số 3 của Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân: Do giới răn yêu thương cao cả nhất của Chúa, mọi kitô hữu được thúc đẩy tìm vinh danh Chúa bằng cách làm cho Nước Chúa trị đến và mưu tìm sự sống vĩnh cửu cho mọi người, để họ nhận biết một Thiên Chúa chân thật và Ðấng Ngài sai đến là Ðức Giêsu Kitô; vì vậy, mọi kitô hữu đều có bổn phận rất cao cả, đó là hoạt động để mọi người trên hoàn cầu nhận biết và đón nhận Tin Mừng cứu độ của Chúa.

Thật ra, không chỉ có đức ái đòi hỏi kitô hữu phải tuyên xưng công khai đức tin bằng cuộc sống của mình, mà chính bản tính xã hội cũng thúc đẩy họ tuyên xưng đức tin trước mặt người khác; không chỉ bên trong Giáo Hội, mà còn bên kia ranh giới Giáo Hội nữa. Xét cho cùng, đòi hỏi của đức tin đối với người kitô hữu chính là thống nhất cuộc sống: đức tin không chỉ là đón nhận một chân lý trừu tượng, đức tin cũng không chỉ là một xác tín nội tâm, đức tin thiết yếu là một sự trao ban toàn diện con người cho Thiên Chúa. Không thể nói là một đức tin chân thật, nếu đức tin đó không ảnh hưởng trên toàn bộ cuộc sống con người và thúc đẩy con người sống công bằng, bác ái, nhất là đối với người túng thiếu. Nói khác đi, không có khoảng cách hay mâu thuẫn giữa đức tin và cuộc sống cụ thể; tách biệt đức tin và cuộc sống cụ thể, theo Công đồng Vaticanô II, là một trong những lạc giáo trầm trọng nhất của thời đại.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page