Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 46 -
Giá Trị Của Những Thực Tại Trần Thế
Tờ Tuần báo Viễn Ðông số ra đầu năm 1966 có ghi lại chứng từ của một nữ bác sĩ phục vụ tại một viện tế bần ở Thượng Hải. Bà cho biết viện tế bần này đã sát hại các cô nhi như thế nào, bà đưa ra một ví dụ: Nếu chỉ có 20 giường mà chỉ dư ra một em thì người ta chọn một em và giết em đó bằng cách bỏ đói cho đến chết; thường thì người ta chích thuốc ngủ và cho em đó ngủ li bì cho đến chết.
Phá thai, sát hại trẻ em, bỏ rơi những người bị coi là vô dụng cho xã hội và bao nhiêu hành động sát nhân khác, đây là ứng nghiệm câu hỏi thời danh của Dostoievki: "Khi không tin có Chúa, thì người ta có thể phạm bất cứ tội ác nào? Con người vốn được tạo dựng cho tuyệt đối, do đó khi đã hạ bệ Thiên Chúa và loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống, thì người ta phải tuyệt đối hóa những thực tại trần thế, như dân tộc, đảng phái, chủng tộc, danh vọng, quyền lợi cá nhân. Một tương quan đúng đắn với trần thế chỉ có thể được xây dựng trên một tương quan đúng đắn với Thiên Chúa. Công đồng Vaticanô II đã đưa ra một số nguyên tắc khi nói về giá trị của các thực tại trần thế.
Nguyên tắc thứ nhất: Các thực tại trần thế vốn có sự tự trị chính đáng của chúng. Trong số 36 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng", Công đồng viết: "Nếu hiểu sự độc lập của các thực tại trần thế theo nghĩa là các tạo vật và các xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, sử dụng và điều hòa, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng. Ðó là điều không những người đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với ý muốn của Ðấng Tạo Hóa nữa. Thật vậy, chính vì được tạo dựng mà mọi tạo vật đều có sự vững chắc, chân thật và tốt lành cũng như những định luật và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy, phải nhìn nhận các phương pháp cá biệt của mỗi ngành khoa học và kỹ thuật".
Nguyên tắc thứ hai: Các thực tại trần thế không phải là những giá trị tuyệt đối, nhưng được tạo dựng để phục vụ con người và hướng về Thiên Chúa. Ngay từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh, mạc khải Kitô giáo đã xác quyết rằng con người được tạo dựng và được ban cho quyền thống trị trên vạn vật. Như vậy, các thực tại trần thế không hiện hữu cho mình, nhưng hiện hữu cho và vì con người; chỉ vì để phục vụ con người mà các thực tại trần thế mới có ý nghĩa của chúng. Trong số 12 Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng", Công đồng viết: "Là tín hữu hay không, hầu như mọi người đều nhận thấy rằng tất cả những gì hiện hữu trên mặt đất đều có liên hệ với con người như trung tâm và tuyệt đỉnh của chúng. Thế nhưng đến lượt mình, con người không tự đóng khung, mà lại vượt qua chính mình và hướng về Tuyệt đối tức là Thiên Chúa. Con người có khả năng hiểu biết và yêu mến Ðấng Tạo Hóa, con người được đặt làm chủ vạn vật để thống trị và sử dụng chúng hầu tôn vinh Thiên Chúa. Như vậy, cả khi chăm chú hoạt động trong trần thế, con người vẫn hướng về Ðấng Tạo Hóa của mình, con người không những không nắm bắt được ý nghĩa và giá trị đích thực của trần thế, mà còn rơi vào nguy cơ tôn thờ trần thế".
Trong số 36 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng", Công đồng kêu gọi tín hữu đề cao trước một sự tục hóa lệch lạc: Nếu hiểu sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là chúng không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần qui hướng về Ðấng Tạo Hóa, thì đó là một lập trường hoàn toàn sai lầm. Thật vậy, không có Ðấng Tạo Hóa thì mọi vật đều tiêu tan. Dĩ nhiên, qui hướng tạo vật và con người về Ðấng Tạo Hóa không nhất thiết có nghĩa là minh nhiên tuyên xưng Thiên Chúa; sự qui hướng ấy tiềm ẩn trong chính nỗi khắc khoải của con người trước ý nghĩa cuối cùng của các thực tại trần thế. Bao lâu còn tự đặt cho mình những câu hỏi lớn của cuộc sống: con người bởi đâu mà ra? con người sống để làm gì? con người sẽ đi về đâu? thì đó là dấu hiệu cho thấy con người qui hướng về Ðấng Tạo Hóa, Ngài đã đặt để trong trái tim con người một khát vọng mà không thực tại nào có thể thỏa mãn hay xoa dịu được, các thực tại trần thế được con người sử dụng và chính con người luôn được mời gọi vượt qua chính mình để hướng về Tuyệt đối.