Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 45 -

Trào Lưu Tục Hóa

 

Ngày nay, người ta thường nghe nói đến trào lưu tục hóa. Trào lưu này phát sinh từ những tiến bộ của khoa học hiện đại. Bước vào thời hiện đại, con người đã khám phá ra những định luật chi phối thế giới tự nhiên. Không những khám phá, con người còn ứng dụng những khám phá của mình vào kỹ thuật. Con người càng ngày càng biến đổi và chế ngự thế giới, đồng thời cảm nghiệm được quyền hạn của mình đối với thế giới. Trong tiến trình ấy, thái độ của con người đối với thiên nhiên cũng thay đổi. Trước kia, khi nhìn vào thiên nhiên, con người chỉ thấy những sức mạnh thần linh hay ma quỉ; con người tìm cách tác động trên thiên nhiên bằng lời cầu nguyện, dâng lên Thượng Ðế để xin giúp đỡ và che chở, hoặc nhờ đến quyền lực của ma quỉ qua các thứ phù phép. Ngày nay, các hiểu biết khoa học xem chừng đã cất khỏi thiên nhiên những sức mạnh của thần linh hay ma quỉ. Thái độ của con người đối với lịch sử cũng thay đổi: Trước kia con người qui mọi sự cho Thiên Chúa hay những sức mạnh thù nghịch với Thiên Chúa, do đó may mắn thịnh vượng được xem như một sự chúc lành của Thiên Chúa, còn bất hạnh và tai họa được coi như một sự trừng phạt từ bên trên; con người thời đại thì trái lại nhìn vào lịch sử như một chuỗi diễn biến mà tác nhân không ai khác hơn là chính mình, từ đó con người cảm thấy như đang nắm vận mệnh của thế giới trong tay.

Thay đổi cái nhìn đối với thiên nhiên và lịch sử, con người cũng thay đổi cái nhìn đối với chính bản thân. Trước kia con người nại đến những sức mạnh thần linh để giải thích những hiện tượng tâm lý mà nó không hiểu được, và con người chờ đợi sự lành bệnh như một can thiệp của thần linh. Ngày nay con người đã có thể đi vào chiều sâu của cơ cấu phức tạp của con người cũng như những định luật tâm sinh lý và ứng dụng những định luật ấy vào tâm lý trị liệu, vào các chương trình xã hội, vào kỹ thuật tuyên truyền để động viên và lèo lái chính con người. Quả thật, con người thời đại đã khử trừ ma quỉ và những sức mạnh thần linh ra khỏi con người. Dĩ nhiên, hiểu biết các định luật của thiên nhiên, thấy được vai trò của con người trong lịch sử, đi vào chiều sâu của tâm lý con người, đó quả là một tiến bộ quí giá của thời đại chúng ta. Bao lâu lãnh vực trước kia vì ngu dốt được thần thánh hóa, thì ngày nay đã được hiểu và trả lại đúng vị trí của nó. Nếu hiểu theo nghĩa ấy, thì tục hóa tự nó là một điều chính đáng.

Phát sinh từ lãnh vực khoa học, trào lưu tục hóa đã nhanh chóng lan sang lãnh vực chính trị và xã hội. Thời Trung cổ, Giáo Hội và thế quyền là một, vua chúa được xức dầu tôn vương như thủ lãnh nhận thần quyền từ Thiên Chúa. Cuộc cải cách Tin lành vào thế kỷ 16 đưa đến phân biệt giữa thế quyền và thần quyền. Tiếp đến những cuộc chiến tranh tôn giáo vào thế kỷ 17 cũng giúp tách dần tôn giáo ra khỏi chính trị. Cuối cùng, như cao điểm của sự tục hóa, cuộc cách mạng Pháp 1789 là thời kỳ được mệnh danh là thời ánh sáng đã làm một bước quyết liệt trong việc tách biệt tôn giáo ra khỏi xã hội trần thế, và xây dựng một xã hội không còn là tôn giáo, mà là lý trí của con người. Một tiến trình như thế trong mức độ rộng rãi quả là một điều chính đáng, tuy nhiên vấn đề được nêu lên là một tiến trình như thế có phải dừng lại trong một giới hạn nào không? Nêu lên câu hỏi ấy, bởi vì lịch sử đã chứng minh trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, sự tục hóa không chỉ dẫn đến tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước, mà còn làm phát sinh những chủ trương tiêu diệt mọi niềm tin tôn giáo.

Chúng ta không ngạc nhiên nếu ngày nay tôn giáo và thế giới, giữa niềm tin vào cuộc sống mai hậu và trách nhiệm đối với trần thế, quan hệ giữa nhà nước và Giáo Hội vẫn tiếp tục là những đề tài được tranh luận sôi nổi, thì đâu là lập trường của Giáo Hội đối với trào lưu tục hóa? Người kitô hữu phải có thái độ nào đối với trào lưu này? Mạc khải cũng chứa đựng nhiều yếu tố làm nền tảng cho tiến trình tục hóa. Chúng ta có thể đọc thấy điều đó ngay từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh theo đó vũ trụ đã được tạo dựng từ hư vô, bởi một Thiên Chúa độc nhất. Ðiều này có nghĩa là vật chất không phải bởi bất cứ vị thần hay ma quỉ nào khác, thế giới không hề là tác phẩm của thần linh nào khác hơn là Ðấng Tạo Hóa độc nhất, và thế giới này cũng không hề bị chi phối bởi sức mạnh thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa. Ðáng chú ý hơn là thế giới này được tạo dựng do Lời hay Lẽ Khôn ngoan của Thiên Chúa, nghĩa là thiên nhiên vạn vật được chi phối bởi những định luật mà con người có thể khám phá được. Trong trình thuật về việc tạo dựng vũ trụ, Kinh Thánh cũng khẳng định rằng con người được đặt đứng trên vạn vật và làm chủ mọi loài. Kinh Thánh cũng không ngừng kêu gọi con người đề cao cảnh giáo trước các ngẫu thần, và như vậy giải phóng con người khỏi mọi thứ thần thánh hóa giả tạo. Một cách nào đó, Kinh Thánh đã khởi xướng tiến trình tục hóa.

Một thí dụ điển hình về sự tục hóa, đó là lập trường của Phaolô đối với thức ăn. Trước câu hỏi được đặt ra: Người kitô hữu có được phép ăn thịt những con vật đã được cúng tế cho các ngẫu thần không? Phaolô trả lời trong thư ICr: "Chúng ta biết rằng các ngẫu thần của thế giới này chẳng là gì và cũng chẳng có thần nào khác ngoài Thiên Chúa độc nhất". Theo Phaolô, bởi lẽ không có thần thánh nào ngoài Thiên Chúa, cho nên chẳng có thịt thà nào là thần thánh cả.

Cuối cùng sứ điệp Tân ước luôn đề cao cảnh giác trước sự chóng qua của thế giới này. Người kitô hữu luôn được mời gọi sử dụng của cải chóng qua ở đời này như không sử dụng. Ðây quả là một nhắc nhở về cơn cám dỗ triền miên của con người trong tương quan với trần thế, cơn cám dỗ đó là tôn thờ ngẫu tượng hoặc thần thánh hóa của cải chóng qua ở đời này. Mỗi thời đại một hình thức, nhưng tựu trung cơn cám dỗ vẫn giống nhau: ngày xưa con người thờ bái loài vật, còn ngày nay con người tôn thờ quyền bính, danh vọng, của cải, sức khỏe, sắc đẹp.

"Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian", lời này của Chúa Giêsu xác định chỗ đứng và vai trò của người kitô hữu trong trần thế: Có đứng trên của cải vật chất, có làm chủ được vật chất, người kitô hữu mới được tự do thực sự để phục vụ con người trong trần thế.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page