Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 44 -

Thái Ðộ Của Giáo Hội

Ðối Với Chủ Nghĩa Vô Thần

 

Người kitô hữu phải có thái độ nào đối với chủ nghĩa vô thần và cách riêng với những người tự xưng là vô thần? Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" đã phân tích nhiều hình thức vô thần trong thế giới ngày nay, đồng thời hướng dẫn chúng ta có một thái độ đúng đắn trước hiện tượng vô thần.

Giáo Hội không thể thỏa hiệp với bất cứ một hình thức vô thần nào, Giáo Hội là dấu chỉ hữu hiệu của sự kết hợp với Thiên Chúa và sự thống nhất của nhân loại. Ðó là những khía cạnh bất khả phân trong sứ mệnh của Giáo Hội. Phẩm giá cao cả nhất của con người và tình liên đới của nhân loại là động lực thúc đẩy Giáo Hội làm hết sức có thể để giúp nhân loại chiến thắng được vô thần. Giáo Hội cương quyết như thế bởi vì vô thần là một trong những thảm trạng đau thương nhất của nhân loại.

Giáo Hội đã và vẫn tiếp tục lên án chủ thuyết vô thần và những hành động đi ngược lại lý trí. Tuy nhiên, trong cố gắng đối thoại với con người, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy tìm kiếm những nguyên nhân làm phát sinh vô thần, nhất là những vấn đề mà chủ thuyết vô thần ngày nay đang đặt ra cho các kitô hữu. Trong những nguyên nhân làm phát sinh vô thần, Giáo Hội đã khiêm tốn nhận ra những thiếu sót của mình trong suốt dòng lịch sử: "Tín hữu phải chịu một phần trách nhiệm không phải là nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc vì xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý, xã hội. Phải nói rằng họ che dấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo".

Những dòng trên đây là một lời mời gọi các kitô hữu tự vấn lương tâm. Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 không chỉ là một cuộc cách mạng nhằm lật đổ chế độ quân chủ, mà còn là một cuộc cách mạng chống lại Giáo Hội, bởi lẽ đơn giản Giáo Hội vốn tự đồng hóa hay bị đồng hóa với giai cấp thống trị. Cuộc cách mạng tại Mêhicô hồi đầu thế kỷ 20, trong đó Giáo Hội bị bách hại dữ dội và bị đặt ra bên lề xã hội cũng bùng nổ vì những nguyên nhân tương tự. Giáo Hội khó có thể chối cãi được những bất công xã hội mà ít hay nhiều mình đã dung dưỡng. Khi Thiên Chúa được các kitô hữu tuyên xưng là một Thiên Chúa đứng về phía người giàu và giai cấp thống trị để áp bức những người nghèo khổ, thì một Thiên Chúa như thế chắc chắn không thể không bị chối bỏ. Chủ nghĩa vô thần như thế là một thách đố cho các kitô hữu, sự hiện diện của những người vô thần luôn là một tra tấn các kitô hữu về giáo lý, về cuộc sống đạo, về chứng tá của họ.

Vô thần tự nó là một hạ giảm phẩm giá con người, Giáo Hội không thể nhân nhượng trước một tệ nạn như thế. Tuy nhiên, Giáo Hội kêu gọi các tín hữu phân biệt chủ nghĩa vô thần với người vô thần. Giáo Hội lên án chủ nghĩa vô thần, nhưng không hề lên án con người vô thần. Ðây vốn đã là chính cung cách của Chúa Giêsu: Ngài lên án tội lỗi, nhưng lại tỏ ra cảm thông và tha thứ đối với người tội lỗi. Ðây cũng là thái độ mà các kitô hữu cần phải có đối với mọi người, nhất là những người không cùng một niềm tin như mình. Ðức tin luôn mời gọi kitô hữu tin ở tác động của Chúa trong tâm hồn. Dù con người có chối bỏ Chúa, dù con người có tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn yêu thương và đeo đuổi họ. Ðã có một Saolô ngã ngựa và được hoán cải trên đường đi Damas để bách hại các môn đệ Chúa; sẽ luôn có những con người Damas như thế đối với những người anh em vô thần của chúng ta.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page