Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 43 -

Những Hình Thức Vô Thần

 

André Gide, văn sĩ nổi tiếng của Pháp đã tự xưng là người vô thần. Ông qua đời ngày 19 tháng 02 năm 1951, vài ngày sau, trước linh cửu của ông, một vị Mục sư đã đọc vài hàng tự thuật được ông ghi lại năm 1916: "Lạy Chúa, con đến trước mặt Chúa với tất cả vết thương còn rướm máu và tội lỗi của con, tâm hồn con đang bị đè bẹp dưới sức nặng ấy. Lạy Chúa, nếu Chúa phải trợ giúp con, Chúa còn chờ đợi gì nữa, xin đừng để ác thần chiếm lấy chỗ của Chúa trong trái tim con. Lạy Chúa, xin đừng để con phải hư mất; nếu Chúa rút lui hoàn toàn thì ác thần sẽ đến; xin đừng để con đồng hóa với nó, con không yêu thương gì nó, con xin đoan hứa với Chúa. Lạy Chúa, con đến với Chúa như một trẻ thơ mà Chúa muốn con trở nên, một trẻ thơ biết phó thác cho Chúa. Con khước từ những gì tạo nên sự kiêu ngạo của con, tất cả những gì làm con phải tủi hổ trước mặt Chúa. Con xin phó thác tâm hồn con cho Chúa".

Những dòng trên đây nói lên niềm tin sâu sắc, nhưng đồng thời cũng cho thấy rằng con người vốn có thể chối bỏ Thiên Chúa để trở thành một người vô thần. Ðây hẳn phải là một thảm kịch. André Gide chắc đã thấy trước thảm kịch ấy, cho nên ông đã tha thiết cầu xin Chúa cứu ông khỏi ác thần.

Vô thần vốn là một thảm kịch đau thương nhất của nhân loại. Nhưng thế nào là vô thần? Có bao nhiêu hình thức vô thần?

Vô thần là một hiện tượng có nhiều hình thức và nội dung rất đa dạng. Trước hết là chủ nghĩa vô thần minh nhiên mang tính giáo điều. Ðây là một hệ thống tư tưởng chối bỏ Thiên Chúa một cách có ý thức tuyệt đối cũng như khước từ mọi hình thức tôn giáo. Chủ nghĩa vô thần này cũng có nhiều hình thức diễn tả khác nhau: Có những người chủ trương chối bỏ mọi thứ tuyệt đối, có những người mặc dù minh nhiên chối bỏ Thiên Chúa, nhưng lại biến những lý tưởng nhân bản thành tuyệt đối. Chủ nghĩa vô thần không chỉ là xác tín của một số cá nhân, mà còn biến thành ý thức hệ của một quốc gia. Ðây là điều mâu thuẫn rõ rệt nhất: Người ta chối bỏ Thiên Chúa và đánh đổ niềm tin tôn giáo, nhưng lại muốn biến chủ nghĩa vô thần thành một thứ quốc giáo. Trong số 19 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" Công đồng Vaticanô II đã thẩm định về thứ chủ nghĩa vô thần này như sau: Chắc chắn những người không muốn nghe theo tiếng nói lương tâm của mình, cố tình loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi lòng mình và tránh né những vấn đề tôn giáo, một thái độ như thế không thể là không có lỗi.

Hình thức vô thần thứ hai là chủ trương của những người cho rằng con người hoàn toàn không thể quả quyết bất cứ gì về Thiên Chúa. Theo họ, sở dĩ con người không thể biết có Thiên Chúa hay không, là bởi vì con người không thể vượt qua sự hiểu biết thực nghiệm do giác quan mang lại; con người chỉ có thể hiểu biết trong phạm vi thực nghiệm mà thôi. Như vậy, Thiên Chúa không thể là đối tượng của sự hiểu biết của con người; con người không thể quả quyết bất cứ điều gì về Thiên Chúa, do đó tôn giáo chỉ là chuyện tình cảm, thiếu nền tảng lý luận. Một chủ trương như thế có phần đúng: nó nhắc nhở chúng ta rằng con người không thể hiểu biết Thiên Chúa như các sự vật trần thế; con người chỉ có thể nhận biết Ngài như một mầu nhiệm mà thôi. Hơn nữa, ngay cả trên Thiên đàng, khi diện đối diện với Thiên Chúa, con người cũng không bao giờ có thể múc cạn mầu nhiệm của Ngài. Tuy nhiên, không múc cạn mầu nhiệm không có nghĩa là không nhận biết. Trong Hiến chế về Mạc khải, Công đồng Vaticanô II khẳng định : Con người có thể nhận biết Thiên Chúa bằng lý trí tự nhiên cũng như ánh sáng siêu nhiên.

Ngoài hai hình thức vô thần trên, trong số 19 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" Công đồng Vaticanô II còn mô tả một hình thức vô thần khác như sau: "Một số người cứu xét vấn đề liên quan đến Thiên Chúa theo một phương pháp cuối cùng làm cho vấn đề trở thành vô nghĩa. Vượt quá phạm vi khoa học thực nghiệm một cách vô lý, nhiều người hoặc chủ trương giải thích mọi sự chỉ bằng khoa học, hoặc trái lại, hoàn toàn không chấp nhận một chân lý nào là tuyệt đối". Như thế, Công đồng Vaticanô II nhắm đến thái độ của một số người xem tri thức khoa học thực nghiệm như phương pháp duy nhất và có giá trị trong việc hiểu biết thực tại. Tựu trung lập trường này muốn chối bỏ những bí ẩn và huyền nhiệm của cuộc sống, của cái chết, cũng như của đau khổ gắn liền với thân phận con người. Không cần phải đặt vấn đề về Thiên Chúa, bí ẩn của cuộc sống, cái chết và nhất là đau khổ cũng đã là những thực tại mà không một khoa học thực nghiệm nào có thể lý giải và thấu hiểu được.

Trong nhiều hình thức vô thần của thời đại, còn có chủ nghĩa vô thần nhân bản và hiện sinh. Thứ chủ nghĩa vô thần này được Công đồng Vaticanô II mô tả trong số 19 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" như sau: "Một số người đề cao con người đến độ tin tưởng nơi Thiên Chúa là điều vô nghĩa; những người này xem ra muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên Chúa". Nhận biết và đề cao giá trị của con người như thế tự nó là một thái độ đúng đắn, thế nhưng đề cao con người đến độ phải chối bỏ Thiên Chúa là một thái độ lệch lạc tạo ra biết bao nhiêu hậu quả nghiêm trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Một trong những hình thức quan trọng nhất của khuynh hướng này chính là chủ nghĩa mệnh danh là vô thần nhân bản khoa học. Những người theo chủ trương này đề cao tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mà nhờ đó con người thời đại đã thay đổi được bộ mặt thế giới; họ nghĩ rằng niềm tin nơi Thiên Chúa ngăn cản sự nghiên cứu và tiến bộ, bởi vì một khi tin tưởng nơi Thiên Chúa, con người sẽ chối bỏ mọi thứ dấn thân. Như thế tôn giáo tự bản chất là một chướng ngại cho giải phóng và phát triển, bởi vì nó hướng con người đến cuộc sống mai hậu hão huyền mà xao lãng việc xây dựng xã hội trần thế. Một cách cụ thể trên phương diện chính trị và xã hội, chủ trương này đồng hóa việc giải phóng công nhân với việc giải phóng khỏi Thiên Chúa và khỏi tôn giáo; theo họ, giải phóng đích thực không chỉ có nghĩa là giải phóng khỏi những bất công xã hội, nhưng thiết yếu là giải phóng khỏi áp bức của Thiên Chúa và của tôn giáo.

Ngày nay, không thiếu những người tự vẽ ra một Thiên Chúa theo óc tưởng tượng và suy luận của họ để rồi miệt mài chối bỏ Thiên Chúa ấy. Trong số 19 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" Công đồng Vaticanô II nói rằng Thiên Chúa mà một số người hình dung ra theo cách thế của họ và chối bỏ hoàn toàn không phải là Thiên Chúa của Tin Mừng. Ðây là trường hợp của một Thiên Chúa bị bóp méo, một Thiên Chúa bị xem là đối thủ của con người trong triết lý hiện sinh. Thật ra, những người vô thần này không chối bỏ Thiên Chúa cho bằng chối bỏ những ý tưởng lệch lạc mà họ có về Ngài. Dù muốn hay không, qua cách sống và suy nghĩ của mình, người kitô hữu đã góp phần vào việc hình thành những hình ảnh méo mó như thế về Thiên Chúa; qua tiếp xúc với người kitô hữu, những người xung quanh nhiều khi chưa nhận thấy được một Thiên Chúa mà Ðức Giêsu đã mạc khải trong Tin Mừng, trái lại không chừng họ chỉ thấy một Thiên Chúa sát máu, một Thiên Chúa bất khoan dung.

Tuy nhiên, một thứ chủ nghĩa vô thần không phải là điều đáng sợ đối với những người có niềm tin, bởi vì dù có hung hãn đến đâu, chủ nghĩa vô thần ấy cũng không bao giờ tiêu diệt được niềm tin tôn giáo. Ðáng sợ nhất đối với niềm tin chính là thái độ dửng dưng hay còn được gọi là vô thần thực tiễn. Công đồng Vaticanô II mô tả thứ vô thần này như sau: "Có một số người không hề đặt vấn đề Thiên Chúa, xem chừng họ không còn cảm thấy bất cứ một nỗi băn khoăn nào về tôn giáo; những người này không hẳn minh nhiên chối bỏ Thiên Chúa, nhưng họ sống như thể không có Thiên Chúa, Thiên Chúa không còn bất cứ chỗ đứng nào trong cuộc sống của họ". Ðây không phải chỉ là thái độ của những người không có niềm tin tôn giáo, nhưng còn có thể là cách sống của rất nhiều người mang danh hiệu Kitô hoặc sống trong xã hội mệnh danh là Kitô: họ không chối bỏ Thiên Chúa, nhưng lại đặt Ngài vào hàng thứ yếu trong cuộc sống.

Con người chối bỏ Thiên Chúa vì không nhận ra dung mạo đích thực của Ngài; con người sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, đây là hai thái độ thường thấy trong thế giới ngày nay. Ngoài ra, cũng không thiếu những người chối bỏ Thiên Chúa khi đứng trước mầu nhiệm của đau khổ. Ðau khổ bởi đâu mà ra? Tại sao con người phải đau khổ? Nếu có Thiên Chúa toàn năng và thiện hảo, tại sao Ngài để cho con người, nhất là những người vô tội phải đau khổ? Giải thích thế nào về vô số những thiên tai giết hại biết bao kẻ vô tội? Ðối với một số người giải đáp đơn sơ phải là: Nếu có một Thiên Chúa, thì hoặc là Ngài bất lực, hoặc là Ngài không trọn hảo, một Thiên Chúa như thế dĩ nhiên sẽ không còn là Thiên Chúa nữa. Như vậy, sự chối bỏ Thiên Chúa nơi một số người thời đại, xét cho cùng chỉ là tiếng kêu thảm thiết trước mầu nhiệm của đau khổ mà thôi.

Cuối cùng, còn một hình thức vô thần rất phổ biến trong thế giới ngày nay, đó là vô thần của những kẻ tôn thờ ngẫu tượng. Nhu cầu tôn giáo vốn là nhu cầu cơ bản nhất của con người, khi con người chối bỏ Thiên Chúa thì nó phải tự tạo ra một thứ Thiên Chúa khác. Những vị thần mới được con người thời đại tôn thờ là quyền bính, danh vọng, sức khỏe, sắc đẹp. Tôn thờ ngẫu tượng là cơn cám dỗ triền miên trong tâm hồn mỗi người, bất luận tin hay không tin Thiên Chúa. Mỗi khi Thiên Chúa bị đặt vào thứ yếu trong cuộc sống con người, thì đó là lúc con người chối bỏ Ngài và chạy theo các thứ ngẫu tượng. Không thể tin nhận Thiên Chúa mà lại đặt Ngài ngang hàng hoặc đàng sau các giá trị khác. Tương quan của con người với Thiên Chúa chỉ có thể là hoặc Ngài là Ðấng trên hết mọi sự, hoặc Ngài không là gì cả.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page