Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 42 -

Những Mối Tương Quan Nền Tảng

 

Hãy làm điều thiện và tránh điều ác, đó là mệnh lệnh mà ngoại trừ những người mất trí hoặc mắc bệnh thần kinh, thì bất luận có niềm tin tôn giáo hay không, không ai có thể tránh né. Mệnh lệnh ấy chính là nội dung của hai chữ luân lý. Nói chung, ai cũng biết thế nào là vô luân, thế nào là đạo đức; sai lạc, thô sơ hay đúng đắn, bén nhạy, ai cũng có ý thức về thiện ác. Ý thức luân lý ấy được gọi là lương tâm. Vấn đề đặt ra là nếu ai cũng có một lương tâm và cần phải sống theo lương tâm của mình, thì cần gì phải có một nền luân lý Kitô giáo.

Ngày nay nhiều người cho rằng người kitô hữu cứ sống theo luân lý của họ, chứ đừng tìm cách áp đặt luân lý đó cho người khác; người kitô hữu cứ tuân giữ giáo huấn của Ðức Kitô, chứ đừng có tham vọng ngăn chặn nhà nước ban hành những luật lệ tương hợp với nguyện vọng của mình. Lập trường này trước hết được xây dựng trên một quan niệm sai lầm về chân lý. Chân lý không phải là kết quả biểu quyết của đám đông. Kinh nghiệm cho thấy không phải những gì đám đông suy nghĩ, nói năng hay hành động đều là đúng; không phải luật lệ được ban hành dựa trên kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý là đương nhiên đúng; luật cho phép phá thai không bao giờ là một điều đúng về luân lý, cho dù tất cả các vị dân cử của một quốc gia hoàn toàn tán thành và biểu quyết. Không cần phải là một kitô hữu để ý thức rằng phá thai là một hành động giết người; bất cứ bà mẹ nào, dù tin hay không cũng đều cảm thấy xao xuyến và bứt rứt khi sát hại chính đứa con của mình.

Lập trường trên đây xem ra muốn dành riêng cho kitô hữu một nếp sống với những phong hóa riêng. Thật ra, đã là người thì ai cũng phải sống hợp với những đòi hỏi luân lý giống nhau. Nếu Giáo Hội, cụ thể là các kitô hữu, có chống lại ly dị, phá thai, thì không phải là vì họ là kitô hữu, mà thiết yếu là vì họ là con người. Ðối với các kitô hữu cũng như đối với những ai bất luận có niềm tin tôn giáo hay không, sống luân lý là luôn luôn nhân bản hơn, nghĩa là trở nên người hơn xét về mặt cá nhân cũng như xã hội. Trở nên người hơn, nhân bản hơn, đó là mục đích của luân lý Kitô giáo, do đó, tất cả những gì làm cho con người vong thân, đồi bại, thì đều đi ngược lại luân lý Kitô giáo. Như thế luân lý Kitô giáo là luân lý cho mọi người và mọi thứ luân lý đạo đức nào nhằm đến nhân bản hóa con người cũng đều mang tính Kitô giáo.

Ðược Thiên Chúa ủy thác cho kho tàng mạc khải, Giáo Hội xác tín rằng luân lý Kitô giáo là luân lý cho mọi người, do đó khi trình bày giáo huấn luân lý liên quan đến mọi khía cạnh cuộc sống, Giáo Hội không chỉ nhắm đến các kitô hữu, mà còn đến với mọi người. Xác tín này dựa trên chính mạc khải về con người. Con người là một mầu nhiệm đối với chính mình, do đó tự sức mình, con người không bao giờ giải đáp một cách thỏa đáng những câu hỏi lớn của cuộc sống: con người bởi đâu mà ra? con người sống để làm gì? con người sẽ đi về đâu? Chỉ trong ánh sáng của mạc khải, nghĩa là chỉ được Thiên Chúa tỏ bày, con người mới hiểu biết chính mình, và như Công đồng Vaticanô II khẳng định: "Chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể, mầu nhiệm của con người mới được sáng tỏ". Nói khác đi, chỉ trong Chúa Giêsu Kitô, con người mới hiểu được thế nào là sống và phải sống thế nào để nên người một cách sung mãn để đạt được cùng đích của mình.

Chúa Giêsu là con người mẫu mực, vậy Ngài đã sống và dạy phải sống như thế nào? Lần nọ có người thanh niên đến hỏi Ngài: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?". Ðể được sống đời đời chính là khát vọng thâm sâu mà Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn mỗi người. Có khát vọng là một chuyện, nhưng làm cho khát vọng ấy được thành tựu lại là một chuyện khác. Có biết bao người đi tìm thuốc trường sinh bất tử, có biết bao người đề ra cho mình thứ thiên đàng không tưởng trên trần gian này, nhưng duy chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể chỉ cho con người phương cách đạt được khát vọng trường sinh ấy. Ngài bảo người thanh niên: Hãy tuân giữ mười giới răn đã được Thiên Chúa mạc khải qua trung gian của Môsê.

"Ðầu đội trời, chân đạp đất", đó là định nghĩa chính xác nhất về con người: Con người không thể được định nghĩa ngoài hai mối tương quan ấy. Khi một luật sĩ hỏi Ðức Giêsu: Ðâu là giới răn cao trọng nhất trong bộ luật? Chúa Giêsu đã đọc lại hai giới răn cơ bản: "Kính mến Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu thương tha nhân như chính mình". Về sau, thánh Phaolô cũng xác quyết: "Tất cả lề luật đều qui về hai giới răn ấy".

Tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, đó là hai mối tương quan nền tảng làm nên cuộc sống con người. Không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương đồng loại; ngược lại chính khi yêu thương tha nhân, con người mới gặp gỡ Thiên Chúa, đồng thời tìm lại được bản thân. Như vậy, tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với bản thân, cả ba tương quan gắn bó mật thiết đến độ không thể tuân giữ một tương quan mà lại chối bỏ hai tương quan kia.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page