Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 41 -
Sự Bình Phục Của Tâm Hồn
Bình phục là một tiến trình biến đổi toàn diện trong cuộc sống. Ðể hiểu hoán cải trong đời sống đạo như một sự bình phục, chúng ta hãy tưởng tượng một trường hợp sau đây: Ông A là một người nghiện cả rượu lẫn thuốc lá. Rượu và thuốc lá không những làm suy yếu gan, mà còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác, nhất là tim. Một lần nhồi máu cơ tim khiến ông phải được đưa vào bệnh viện. Ý thức được sự nguy hại của rượu và thuốc lá đối với sức khỏe thể lý và tâm linh, ông A quyết tâm bỏ cả hai, nhờ đó chẳng bao lâu sức khỏe của ông trở lại bình thường và ông cũng ngủ dễ dàng hơn.
Ðể tiến thêm một bước nữa trong sự bình phục, ông A liền đề nghị với vợ đi dạo sau mỗi bữa cơm tối. Việc đi dạo như thế không bao lâu đã trở thành một thói quen. Sau bao nhiêu năm chung sống với nhau, giờ đây ông A mới khám phá ra rằng vì công việc hai vợ chồng ông ít khi có thời giờ nói chuyện với nhau, nhưng nhờ những buổi đi dạo này, họ đã có thể trao đổi và cảm thông với nhau nhiều hơn, và dĩ nhiên quan hệ của họ với con cái và những người chung quanh cũng thay đổi. Như vậy từ chỗ bỏ rượu và thuốc lá đến việc đi dạo mỗi tối, cuộc sống của ông A đã trở thành một sự bình phục liên tục về thể lý lẫn tâm linh.
Trên đây chỉ là một sơ đồ giản lược về một sự bình phục. Trong thực tế, bất cứ một sự bình phục từ tình trạng nghiện ngập nào cũng là một tiến trình toàn diện: Bình phục không chỉ là bình phục trong thân xác, mà còn là bình phục trong cảm xúc, trong tinh thần, trong quan hệ với người khác. Bởi lẽ tội lỗi là một sự nghiện ngập làm cho con người mất tự do, ý chí thành yếu kém, quan hệ với người khác bị tồi tệ, cho nên sự bình phục khỏi tội lỗi cũng là một sự bình phục liên tục và toàn diện. Nếu tội lỗi đã đảo lộn trật tự trong cuộc sống thì bình phục chính là liên tục biến cuộc sống trở nên hài hòa hơn.
Dĩ nhiên, bình phục khỏi sự nghiện ngập của tội lỗi không phải là một cố gắng đơn thuần của con người; sứ điệp trọng tâm của Kitô giáo chính là lòng thương xót, là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa. Như vậy, bình phục cũng thiết yếu là một ơn Thiên Chúa, không có ơn Chúa, con người không thể tự mình chỗi dậy khỏi cơn nghiện ngập của tội lỗi. Trong cơn túng quẫn, nếu chúng ta có kêu cứu là vì chúng ta tin rằng có một ai đó đang nghe tiếng kêu của chúng ta. Như vậy, sự bình phục cũng luôn khởi đầu bằng nhận thức rằng sự giúp đỡ mà tôi đang cần đến là điều tôi có thể được; tôi không đơn độc, còn có một ai đó bên cạnh tôi; ý thức về tình trạng không đơn độc của tôi sẽ đưa tôi đến ý thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa lại giúp tôi nhận ra thân phận yếu đuối, bất toàn của tôi, nhưng dù có yếu đuối, bất toàn, tôi cũng không thất vọng, vì Chúa vẫn có đó để tha thứ và nâng đỡ tôi. Như vậy, bình phục là chấp nhận chính mình như một con người yếu đuối bất toàn, nhưng đồng thời lại được Chúa yêu thương và tha thứ. Ðó là chiều kích thứ nhất của sự bình phục.
Chiều kích thứ hai của sự bình phục chính là mối quan hệ với tha nhân. Khi tôi nhận ra mình không đơn độc, thì đó cũng là lúc tôi được mời gọi để ý thức về sự hiện hữu của những người khác trong cuộc sống của tôi. Sự nghiện ngập của tôi đã gây phương hại cho biết bao người mà có lẽ tôi không hề hay biết, do đó bình phục đích thực là thắt chặt lại các quan hệ của tôi với những người khác. Hơn nữa, tôi cũng không thể tự mình thực hiện được sự bình phục của tôi, tôi cần có sự giúp đỡ của người khác; tôi không những phải ra khỏi chính mình, mà còn cố gắng đến với người khác nữa. Cuối cùng sự kiện tôi không đơn độc trong tiến trình bình phục của tôi cũng nhắc nhở tôi rằng bình phục là một cố gắng liên tục trong và nhờ đời sống cộng đoàn. Tôi nhờ cộng đoàn mà bình phục đã đành, nhưng chính cộng đoàn cũng cần có sự bình phục của tôi để trở thành một cộng đoàn có sức sống hơn, lành mạnh hơn. Ðó là ý nghĩa của những cuộc cử hành sám hối cộng đoàn mà Giáo Hội luôn khuyến khích các tín hữu tham dự trong những dịp lễ trọng.