Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 40 -

Trở Về Với Lòng Nhân Từ Thiên Chúa

 

Mới đây tòa án La Haye đã đem 52 người ra xét xử về những hành động tội ác tại Cựu Yougoslavie. Cái lẽ thường của con người vốn kinh tởm tội ác và luôn đòi hỏi công lý: Con người không những lên án tội ác, mà còn đòi hỏi một sự trừng phạt cân xứng với tội ác.

Ðồng hành với nhân loại, Giáo Hội cũng không ngừng lên án tội ác. Tuy nhiên, nếu Giáo Hội có lên án tội ác và mời gọi mọi người ý thức về tội ác, chỉ là để làm nổi bật sứ điệp trọng tâm của Tin Mừng, đó là lòng nhân từ của Thiên Chúa. Thật thế, chân lý về con người gắn liền với mầu nhiệm của Thiên Chúa. Khi mạc khải cho con người thấy được thân phận tội lỗi bất toàn của nó, Thiên Chúa cũng đồng thời bày tỏ lòng nhân từ của Ngài. Do đó, trong Kitô giáo, chúng ta không thể nói đến tội lỗi mà không nói đến lòng nhân từ của Thiên Chúa. Tự do đích thực của con cái Chúa chỉ được thể hiện qua lòng sám hối, nghĩa là qua sự trở về và phó thác nơi lòng nhân từ Thiên Chúa.

Kinh Thánh là một lời tố cáo liên tục về tội ác của con người. Ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh đã đưa chúng ta vào mầu nhiệm của tội lỗi. Tuy nhiên, Kinh Thánh không chỉ phơi bày tội ác của con người, việc tố cáo tội ác luôn đi đôi với lời kêu gọi sám hối và hòa giải. Như thế, nhìn nhận tội lỗi là bước đầu tiên trong việc quay về với Thiên Chúa. Thánh Gioan viết trong thư thứ nhất: "Nếu chúng ta nói rằng mình không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và chân lý không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta nhìn nhận tội lỗi của mình, thì Ðấng trung thành và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta".

Trong số 19 của Tông huấn "Sám hối và Hòa giải" ban hành năm 1984, Ðức Gioan Phaolô II khẳng định: "Tội lỗi không phải là tác nhân lại càng không phải là kẻ chiến thắng. Ðối lại với tội lỗi là một nguyên lý hành động khác, mà theo kiểu nói đầy gợi ý của thánh Phaolô, chúng ta có thể gọi là mầu nhiệm của lòng thương xót. Tội lỗi của con người sẽ chiến thắng, chương trình cứu độ của Thiên Chúa sẽ thất bại, nếu mầu nhiệm của lòng thương xót không được lồng vào trong lịch sử để chiến thắng tội lỗi con người". Nhưng thế nào là mầu nhiệm của lòng thương xót? Ðức Thánh Cha viết trong số 22 của Tông huấn: "Khi mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của lòng thương xót, lời Kinh Thánh mở lòng trí con người hướng đến sự hoán cải và hòa giải. Ðây không phải là những ý niệm trừu tượng cao siêu, mà phải được hiểu như những giá trị Kitô cụ thể cần phải được chinh phục trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Mầu nhiệm của lòng thương xót là con đường mở ra từ lòng nhân từ của Thiên Chúa đến trong cuộc sống hòa giải".

Loan báo và thông đạt cho thế giới mầu nhiệm của lòng thương xót, đó là điểm then chốt trong sứ mệnh của Giáo Hội. Thánh Phaolô đã viết trong thư thứ hai gởi tín hữu Côrintô: "Phàm ai ở trong Ðức Kitô, kẻ ấy là thụ tạo mới: cũ đã qua đi, và này mới đã thành sự. Nhưng mọi sự đều do tự Thiên Chúa, Ðấng đã hòa giải chúng ta với Ngài, nhờ Ðức Kitô, và đã trao cho chúng tôi sứ vụ hòa giải" (5,17-18). Trong Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" ban hành năm 1980, Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến tính cách thời sự của việc suy tư về lòng thương xót. Theo Ðức Thánh Cha, bước vào ngàn năm thứ ba, nhân loại đang bị đặt trước bao nhiêu mối lo sợ: lo sợ trở thành nạn nhân của sự lạm dụng của người khác, lo sợ bị áp bức, lo sợ vì sự chênh lệch ngày càng tăng giữa xã hội tiêu thụ và xã hội nghèo đói. Một trong những thái độ thông thường trước nỗi lo sợ của con người chính là thái độ bất khoan dung. Ngày nay hơn bao giờ hết, một trong những hiện tượng đáng quan ngại hơn cả chính là khuynh hướng cực đoan đang chi phối nhiều tôn giáo và giáo phái. Tựu trung những người có khuynh hướng này không chấp nhận người khác có thể suy nghĩ và hành động khác với mình.

Bất khoan dung là một trong những điểm đáng lo ngại trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, trong số 22 của Thông điệp, Ðức Thánh Cha cũng đề cao một điểm son của thế giới ngày nay, đó là sự gia tăng ý thức về công bằng. Thật thế, trên một qui mô rộng rãi hơn, con người thời đại ngày càng ý thức về những bất công và càng đấu tranh nhiều cho công bằng. Giáo Hội cũng đang liên đới với thế giới trong nỗ lực tranh đấu cho công bằng, tuy nhiên, Giáo Hội không ngừng cảnh cáo thế giới trước những lệch lạc thường xảy ra trong nỗ lực tranh đấu cho công bằng ấy. Theo Ðức Thánh Cha, những sức mạnh tiêu cực, như thù hận, oán ghét, độc ác đã lướt thắng công lý; trong trường hợp này, tiêu diệt kẻ thù, hạn chế tự do của họ, bắt kẻ thù phải hoàn toàn lệ thuộc mình, đã trở thành động lực cơ bản của hành động.

Giáo Hội không ngừng lên tiếng tố cáo tội ác, nhưng Giáo Hội không hề có bất cứ tòa án nào để kết án tội nhân. Công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở tín hữu cần phải phân biệt tội ác với người phạm tội ác. Giáo Hội lên án tội ác, nhưng lại cảm thông tha thứ cho người phạm tội. Ðiều đó các tín hữu cảm nhận được qua Bí tích Giải tội, ở đó họ nhận được lời có sức cảm hóa: "Con hãy về đi và đừng phạm tội nữa".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page