Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 39 -
Tội Lỗi Như Một Nghiện Ngập
Chiến tranh vốn là một sự dữ mà tự bản chất ai cũng ghê tởm. Thế nhưng lịch sử cho thấy có những quốc gia và những nhóm người chủ trương và nuôi dưỡng chiến tranh. Hòa bình là điều mong mỏi của nhiều người, nhưng đối với những ai đeo đuổi chiến tranh thì đó lại là một mất mát. "Ðiều thiện tôi muốn, tôi không làm; còn điều ác tôi không muốn, tôi lại làm", câu nói này của thánh Phaolô nói lên cái bí ẩn vô cùng bi thảm của thân phận con người. Chúng ta biết tội lỗi là một điều xấu, nhưng chúng ta vẫn lao đầu vào; chúng ta cố thoát ra mà xem chừng không thoát nổi, chúng ta chẳng khác nào những người nghiện ngập. Thật không có ý niệm nào chính xác hơn để nói về tội lỗi cho bằng sự nghiện ngập.
Thông thường những người nghiện ngập có tâm trạng như sau: "Tôi là một người xấu không có giá trị nào cả, không còn ai yêu thương tôi nữa, cũng chẳng còn ai hiểu được nhu cầu của tôi, chỉ còn một chỗ dựa duy nhất cho tôi là thứ tôi đang sử dụng để tìm quên lãng, như rượu chè, cờ bạc, ma túy". Có thể nói đó cũng là một thứ niềm tin của những người nghiện ngập. Dĩ nhiên niềm tin này chỉ là một ảo tưởng khiến người nghiện ngập trở thành mù quáng với thực tế và khuyến dụ họ tiếp tục giải quyết mọi vấn đề dựa trên chính sự nghiện ngập. Gặp bất cứ vấn đề hay khó khăn nào của cuộc sống, người nghiện ngập chỉ còn một giải pháp là tìm đến những gì đã biến họ thành nghiện ngập. Nói chung, ảo tưởng nhất nơi người nghiện ngập là đang đi tìm sự tự hủy mà không biết.
Có thể ghi nhận một số nét chính trong tâm lý của người nghiện ngập như sau:
Nét thứ nhất đó là nỗi thất vọng: Ðể có thể biện minh cho hành động của mình, người nghiện ngập phải chối bỏ thực trạng khốn khổ của mình, đồng thời tạo nên và duy trì một thế giới không tưởng, trong đó không còn chỗ cho bất cứ khó khăn, vấn đề hoặc đau khổ nào.
Nét thứ hai trong dung mạo người nghiện ngập, đó là sự suy đồi và phá sản luân lý: Người nghiện ngập nào cũng phá đổ hệ thống giá trị nền tảng của cuộc sống. Cũng như hệ thống miễn nhiễm của cơ thể con người, những giá trị nền tảng của cuộc sống là những kim chỉ nam hướng dẫn và xây dựng nhân cách của con người; khi những giá trị này bị chối bỏ, thì dĩ nhiên con người sẽ tiến đến chỗ tự hủy.
Nét thứ ba của người nghiện ngập, đó là sự lệ thuộc: Ngoài sự lệ thuộc trong việc sử dụng chất liệu khiến họ trở thành nghiện ngập, người nghiện ngập còn trở thành lệ thuộc trong tương quan với người khác. Có thể nói, ý chí và tự do hoàn toàn biến mất nơi người nghiện ngập.
Nét thứ tư trong dung mạo người nghiện ngập, đó là trạng thái mất cảm giác: Người nghiện ngập chẳng những không còn khả năng làm chủ những cảm xúc, mà còn không thể phân biệt những cảm xúc nữa.
Nếu xét về ảnh hưởng của sự nghiện ngập, chúng ta có thể thấy nhiều cấp độ: Người nghiện ngập không những tự hủy chính bản thân, mà còn gây nguy hại cho gia đình và xã hội nữa.
Trên đây là một vài nét chính trong dung mạo người nghiện ngập. Vậy thì tội lỗi có phải là một sự nghiện ngập không? Trước hết như Kinh Thánh mạc khải "tội lỗi là một sự khước từ Thiên Chúa". Khi phạm tội, con người muốn thay thế Thiên Chúa bằng một sự hoàn thiện ảo tưởng nào đó: "Các ngươi sẽ trở thành vĩ đại như Thiên Chúa". Trong tội lỗi cũng như trong tình trạng nghiện ngập, con người muốn chối bỏ thân phận thụ tạo và giới hạn của mình. Khước từ Thiên Chúa, quay mặt lại với Thiên Chúa, con người dĩ nhiên phải tìm đến với các tạo vật. Như vậy, tội lỗi thiết yếu là tôn thờ ngẫu tượng. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã luôn lên tiếng tố cáo thái độ ngẫu bái của người Do-thái, tức là thái độ khước từ Thiên Chúa để đi tìm ơn cứu rỗi trong chính những tạo vật do tay Ngài làm ra.
Càng lún sâu vào tội lỗi, ai trong chúng ta cũng cảm nhận được tình trạng ngẫu bái trên đây. Cũng như tình trạng của người nghiện ngập, người phạm tội cũng sẽ cảm thấy mất dần tự do đích thực của con người, và trầm trọng hơn cả là đánh mất sự tự do để yêu thương và phục vụ người khác. Khi quyền lực tội lỗi càng gia tăng thì tội nhân càng mất đi khả năng để hoán cải, và thay vào đó trái tim ra chai lì, linh hồn ra câm điếc; càng trở nên nô lệ cho tội lỗi, tội nhân càng lạc hướng trong cuộc sống, nghĩa là không còn nhận ra đâu là ý nghĩa của cuộc sống, sức khỏe tâm lý, tinh thần, và thể lý cũng bị suy yếu.
Tội lỗi cũng làm cho con người ra vong thân: cũng như người nghiện ngập, người phạm tội cũng đánh mất sự hài hòa với tha nhân, với tạo vật, với bản thân, và nhất là với Thiên Chúa. Cũng như mọi thứ nghiện ngập, tội lỗi được xây dựng và nuôi dưỡng bằng sự dối trá. Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta: kẻ tội lỗi vốn ghét ánh sáng chân lý, bởi vì ma quỉ là thủ lãnh của gian dối; càng lún sâu trong tội, con người càng trở nên dối trá. Cuối cùng, cũng như mọi thứ nghiện ngập, tội lỗi luôn mang mầm mống của sự chết; tội lỗi luôn dẫn đến sự chết, nghĩa là mọi thứ bạo động đối với bản thân, với tha nhân và với tạo vật. Các nhà thần học Công giáo vốn gọi tội nặng là tội chết, tức là tội dẫn đến cái chết.
Như vậy, dưới nhiều khía cạnh khác nhau, tội lỗi vốn tác động trên tội nhân như một thứ nghiện ngập.