Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 38 -

Sự Hiện Diện Và Tác Ðộng Của Ma Quỉ

 

Triết gia Nietzche có lần tuyên bố: "Thiên Chúa đã chết". Lẽ ra ông phải nói ý thức về Thiên Chúa đã chết trong lòng con người, và cùng với cái chết của ý thức về Thiên Chúa, ý thức của tội lỗi cũng tan biến. Thật thế, như văn hào Dostoievki đã nói: "Khi không còn tin ở Thiên Chúa nữa, con người có thể phạm bất cứ tội ác nào". Liệu người ta có thể nói một cách tương tự về ma quỉ hay Satan không? Phải chăng sự đánh mất ý thức về tội lỗi cũng gắn liền với cái chết của Satan?

Tuần báo Newsweek số ra ngày 17 tháng 11 năm 1995 đã ghi lại kết quả rất lý thú của một cuộc thăm dò về ma quỉ được thực hiện nơi dân chúng Mỹ. Theo tuần báo: Cứ ba người Mỹ thì có hai người tin rằng thực sự có ma quỉ. Nhiều người nhận ra bàn tay của ma quỉ trong những vấn đề xã hội. Một vị Mục sư đã tuyên bố: "Satan là kẻ thù của các gia đình và con cái; vấn đề ma túy đang hủy hoại biết bao trẻ em là một chương trình xuất phát trực tiếp tự hỏa ngục. Tại Mỹ có đến 83% tín hữu Tin Lành tin có ma quỉ, nhiều người quả quyết mình bị ma quỉ cám dỗ, và có đến một nửa số người nói rằng họ đã gặp một ai đó mà họ nghĩ là đang bị ma quỉ điều khiển. Trong khi đó chỉ có 26% người Công giáo nói rằng họ bị ma quỉ cám dỗ. Tỉ lệ này thật đáng suy nghĩ: Ma quỉ hay Satan có lẽ đã trở thành một danh xưng không còn hợp thời trên môi miệng của rất nhiều người Công giáo Mỹ nữa. Một Viện trưởng phân khoa Thần học Công giáo đã phát biểu: "Trong ba mươi năm qua tôi nhớ rất kỹ rằng tôi chỉ nghe được một bài giảng về Satan; sở dĩ tôi nhớ như thế là vì bài giảng đó đã trở thành một kinh nghiệm độc nhất vô nhị của tôi".

Kết quả cuộc thăm dò của tuần báo Newsweek cũng ghi nhận rằng trình độ học vấn ảnh hưởng nhiều trên niềm tin vào ma quỉ. Số những người tốt nghiệp Ðại học không tin có ma quỉ gấp hai lần những người ít học. Theo tuần báo, đây là thành quả lâu dài nhất của trào lưu triết học thường được mệnh danh là "Ánh sáng" phát xuất tại Âu Châu vào thế kỷ 18. Trào lưu này đề cao lý trí con người đến độ chối bỏ mọi thực tại siêu nhiên; người ta cũng dùng ánh sáng của lý trí để loại bỏ Thiên Chúa và dĩ nhiên cũng khu trừ ngay cả ma quỉ; chỉ có một vị thần còn lại là lý trí vạn năng của con người; sự dữ, ma quỉ chỉ còn là những thể hiện của tâm lý bệnh hoạn mà thôi.

Cũng theo tuần báo Newsweek, thật khó mà giải thích về sự thiện, nếu không chấp nhận có một Thiên Chúa, nhưng người ta lại không cần ma quỉ để giải thích về điều ác đang hoành hành trong thế giới ngày nay. Sự ác đang hiện diện khắp nơi, đây là một thực tế không thể chối cãi được: những tên gọi như Hitler, Pônpốt cũng đủ để gợi lên thế nào là sự độc ác; những cuộc diệt chủng tại Ruanda, tại Cựu Liên bang Nam-tư cũng đủ để cho thấy thế nào là một hành động tội ác. Trước kia những hành động tội ác như thế gợi lên tức khắc một tên tuổi, một bộ mặt đang thống trị trên nhân loại sa ngã, đó là Satan. Ngày nay, người ta đưa ra những tên gọi khác, như tâm lý, xã hội, di truyền. Tuy nhiên, dù cho một người như Hitler có là một tên bệnh hoạn đi nữa, thì tất cả ngôn ngữ của khoa học nhân văn cũng không đủ để giải thích những hành động tội ác mà Ðức Quốc-xã đã làm.

Nếu quả thật cái chết của Thiên Chúa dẫn đến cái chết về ý thức tội lỗi, thì cái chết của Satan cũng cho phép con người phạm mọi tội ác, để rồi cuối cùng tìm những thứ bung xung, như tâm lý, xã hội, di truyền nhằm chối bỏ mọi thứ trách nhiệm. Chiến thuật nguy hiểm nhất của ma quỉ hay Satan chính là tạo cho người ta cái cảm tưởng rằng nó không hiện hữu. Thi sĩ Pháp là Charles Beaudelaire sống vào thế kỷ 19 đã cảnh cáo như sau: "Anh em đừng quên rằng chiến thuật quỉ quyệt nhất của ma quỉ chính là khuyến dụ anh em rằng nó không hiện hữu".

Sự hiện hữu và tác động của ma quỉ, đó là một trong những mạc khải nền tảng của Kinh Thánh, tên của nó là phỉnh gạt, lọc lừa, dối trá. Ngay từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh, ma quỉ đã xuất hiện và xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh, lịch sử của ơn cứu độ là lịch sử của một cuộc điểm mặt và đối đầu với ma quỉ. Chính Chúa Giêsu đã bị ma quỉ cám dỗ, và suốt cuộc sống của Ngài là một cuộc chiến đấu khu trừ ma quỉ. Không thể tin nhận Ngài mà lại chối bỏ sự hiện diện và tác động của ma quỉ. Cuộc sống các thánh cũng là bằng chứng về sự hiện diện và tác động của ma quỉ. Ðiển hình là chứng từ của thánh Augustinô: sau một quãng đời trụy lạc và chạy theo những lạc thuyết chối bỏ ngay cả sự hiện hữu của ma quỉ và trách nhiệm của con người, cuối cùng ngài đã được ơn trở lại với Chúa. Trong quyển "Tự thú", ngài không những tuyên xưng tình yêu của Thiên Chúa, mà còn điểm mặt ma quỉ như tác nhân luôn lôi kéo con người đến chỗ hủy hoại. Tự thú, nhận lấy trách nhiệm của mình trong tội ác, cũng có nghĩa là ý thức về sự dụ dỗ của một kẻ thù nguy hiểm và hiện thực nhất là ma quỉ.

"Anh em có từ bỏ ma quỉ là đầu mối của tội lỗi không?". Ðây không phải là câu hỏi có tính công thức mà Giáo Hội chỉ đưa ra mỗi khi cử hành Bí tích Rửa tội hay mỗi năm một lần trong đêm Vọng Phục Sinh, nhưng là lời nhắc nhở từng ngày cho chúng ta về sự hiện hữu của một kẻ thù mà thánh Phêrô bảo rằng đang sàng sẩy người ta như sàng gạo. Nhưng chúng ta không phải nao núng, vì Chúa Giêsu khẳng quyết: "Ta đã thắng thế gian". Kết hiệp với Ngài bằng an chay, cầu nguyện, nhất là bằng ơn thánh của Ngài được thông qua các Bí tích, người kitô hữu luôn có thể đánh bại được ma quỉ. Ðó phải là niềm xác tín của người kitô hữu, đồng thời phải là chứng tá họ cần đề ra cho thế giới hôm nay, một thế giới đang bị ma quỉ thống trị mà không hề hay biết.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page