Chân Lý và Tự Do
(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 37 -
Hậu Quả Của Tội Lỗi
Hơn ai hết, có lẽ thánh Augustinô là người đã cảm nhận được thế nào là phạm tội. Trở về với Chúa sau một quãng đời trụy lạc, ngài đã ghi lại trong quyển "Tự thú" như sau: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, tâm hồn con vẫn mãi xao xuyến cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa".
Ðó là định nghĩa chính xác nhất về con người. Thật thế, chân lý về con người chỉ có thể hiểu được trong tương quan với Thiên Chúa: Con người đến từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa như cùng đích của mình. Như vậy, tội không chỉ là một chối bỏ, mà còn là một đảo lộn trong tương quan ấy: Thay vì hướng về Thiên Chúa như cứu cánh con người tự đặt mình lên hàng cứu cánh của mình. Chân lý về con người xét như một hữu thể qui hướng về Thiên Chúa đã bị chối bỏ, con người đóng khung trong chính mình. Chối bỏ mối tương quan với Thiên Chúa, con người cũng chối bỏ chính mình. Câu nói của thánh Phaolô nói lên sự hỗn loạn ấy: "Ðiều thiện tôi muốn, tôi không làm, còn điều dữ không muốn, tôi lại làm". Ai trong chúng ta cũng hơn một lần cảm nghiệm được tình trạng "lực bất tòng tâm" ấy. Dường như có một thứ xiềng xích vô hình nào đó trói buộc chúng ta, khiến chúng ta không còn đủ sức lực và tự do để làm điều mình thấy là tốt, nhưng lại làm điều mình vốn xem là xấu. Ðó là sự mâu thuẫn nội tại mà ai trong chúng ta cũng cảm nhận được mỗi khi chúng ta phạm tội.
Người phạm tội không những cảm nhận được sự mâu thuẫn nội tại và chối bỏ chính mình khi phạm tội, mà còn đau đớn khi nhận ra tình trạng vong thân và tự hủy ấy còn kéo dài trong những hậu quả của tội lỗi nữa. Hậu quả đầu tiên của tội chính là tình trạng tội lỗi: Khi phạm tội, con người cắt đứt quan hệ với Thiên Chúa, và khi quan hệ đó vĩnh viễn bị cắt đứt thì đó chính là hỏa ngục. Nỗi đau đớn vĩnh viễn của con người trong hỏa ngục chính là vẫn mãi mãi khao khát Thiên Chúa, nhưng không bao giờ xoa dịu được nỗi khao khát ấy.
Hậu quả thứ hai của tội chính là sự yếu dần của bản tính con người: Khi phạm tội, con người lạm dụng chính mình cũng như những khả năng tâm linh và thể lý của mình. Hậu quả mà bất cứ hành động tội lỗi nào cũng có thể để lại trong con người là sự hướng chiều về tội: Càng phạm tội, sự kháng cự càng yếu đuối; lý trí ra mù quáng khiến không còn nhận ra đâu là sự thật; ý chí yếu nhược làm mất khả năng hướng về và làm điều thiện; những khuynh hướng thấp hèn bùng dậy và thoát khỏi sự hướng dẫn của một trí khôn được soi sáng bởi đức tin, lương tâm trở nên chai lì, người phạm tội càng lúc càng mất tự do và như vậy rơi vào vòng nô lệ của tội; cuối cùng khi ý chí hoàn toàn bại hoại, con người sẽ không còn có thể sám hối nữa.
Hậu quả thứ ba của tội là con người tự trừng phạt chính mình. Hành động tội lỗi không những phá đổ tương quan với Thiên Chúa, mà còn gây xáo trộn trong chính bản thân mình cũng như đảo lộn trật tự của thế giới chung quanh. Có những hành động tội lỗi mang lại hậu quả đau thương cho bản thân của người phạm tội, nhưng cũng có những hành động tội lỗi phá đổ mối tương quan với người khác và với tạo vật nữa, đó là trường hợp của những hành động gian dối bất công. Khi cắt đứt tương quan với Thiên Chúa và chối bỏ tương quan với người khác, con người cũng tự giam mình trong cô đơn.
Trong tất cả những hậu quả trên, chúng ta thấy có một sự mâu thuẫn trầm trọng trong chính bản thân người phạm tội, bởi vì chính lúc con người đi tìm kiếm quyền lợi riêng tư của mình là lúc con người tự hủy. Tội lỗi luôn để lại những hậu quả trong con người, nhưng không gì ngược Kinh Thánh cho bằng nhìn khổ đau, bất hạnh nơi mỗi người như là hậu quả tội lỗi của người đó.