Chân Lý và Tự Do

(Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 36 -

Nguyên Nhân Của Tội Lỗi

 

Ðời người vốn là một bí ẩn, con người lại càng là một bí ẩn hơn đối với chính mình, và bí ẩn hơn nữa chính là khuynh hướng muốn làm điều xấu nơi mỗi người. Ai cũng đã hơn một lần thốt lên: Tại sao tôi đã làm điều xấu đó? Tại sao có tội lỗi trong thế gian? Ðâu là nguyên nhân khiến con người phạm tội?

Kinh nghiệm của thánh Biển Ðức là một trong những câu trả lời cho những khắc khoải của chúng ta. Thánh nhân sinh năm 480 trong một gia đình quí tộc ở Italia. Lúc còn nhỏ, ngài được gởi học tại Rôma, nhưng khiếp sợ trước những cám dỗ của cuộc sống thành thị, ngài đã trốn lên một vùng hoang dã để sống ẩn dật và tu tỉnh. Mặc dù sống trong nơi cô quạnh, xa cách mọi xa hoa, ngài cũng không thoát khỏi cám dỗ, nhất là về đức khiết tịnh, đến nỗi có lần ngài đã phải lăn mình giữa bụi gai rách nát cả thân thể để thắng vượt cám dỗ.

Qua kinh nghiệm của thánh Biển Ðức, chúng ta thấy rằng nguyên nhân phát sinh tội lỗi nơi con người không những là các cám dỗ từ bên ngoài hoặc từ bối cảnh xã hội, mà còn chính là từ ma quỉ và nội tâm của con người nữa.

Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, đã có rất nhiều cố gắng để giải quyết câu hỏi: Tại sao có sự dữ và tội lỗi trên trần gian này? Thời xa xưa, có người đã đưa ra giải thích như sau: Ngay từ khai nguyên vũ trụ đã có hai nguyên lý đối nghịch nhau: Một là nguyên lý thiện, hai là nguyên lý ác. Nói một cách nôm na, những người theo chủ trương này cho rằng có hai vị thần tranh giành nhau trong việc cai quản thế giới: một là thần thiện, hai là thần ác; những gì là tinh thần và tốt đẹp đều xuất phát từ thần thiện, ngược lại, những gì xấu xa, tội lỗi đều xuất phát từ thần ác.

Một lối giải thích về nguyên nhân của tội lỗi như thế không phù hợp với niềm tin Kitô giáo. Giải thích như thế tức là xem điều ác như một điều tự nhiên và tất định gắn liền với bản chất con người và do đó không thể tránh được. Giải thích như thế cũng phủ nhận giá trị nền tảng của con người có tự do và trách nhiệm. Ngay từ những trang đầu tiên khi nói con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, Kinh Thánh muốn khẳng định rằng con người có tự do, nghĩa là có thể chọn lựa. Thảm kịch đã xảy ra cho nhân loại ngay từ đầu chính là đã chọn chính mình và từ bỏ Thiên Chúa. Như vậy, nguyên nhân nội tại và thẳm sâu của tội lỗi không gì khác hơn là sự lạm dụng tự do của con người.

Con người vốn đã là một bí ẩn cho chính mình, tội lỗi lại càng là một bí ẩn lớn hơn. Nhìn vào xã hội, chứng kiến tội ác đang hoành hành từng giây phút, chúng ta không thể không tự hỏi: Tại sao thế? Con người không thể hiểu được chính mình và tại sao mình có thể dễ dàng làm điều ác, nếu không có mạc khải của Thiên Chúa. Do đó, khi mạc khải cho chúng ta biết phẩm giá cao cả của con người, Thiên Chúa cũng vạch ra cho thấy Người thấy các vết thương do tội nguyên tổ gây ra. Tự do của con người suy yếu vì vết thương nguyên thủy ấy. Công đồng Vaticanô II trong số 17 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" đã mô tả thực trạng bi thảm đó như sau: Tội lỗi làm thương tổn quyết định tự do của con người. Chính vì tội nguyên tổ mà khả năng của ý chí và tinh thần của con người bị xáo trộn và suy yếu đến độ khuynh chiều về điều ác, khuynh hướng này được thấy rõ trong những tự ái sai lầm và tính kiêu ngạo của con người. Thêm vào đó, những tật xấu chồng chất với tuổi đời cũng thúc đẩy con người phạm tội một cách dễ dàng: Bảy mối tội đầu chính là bảy khuynh hướng xấu hay bảy vết thương do tội nguyên tổ gây ra trong tâm hồn con người.

Nội tâm bị xâu xé và hoen ố vì tội nguyên tổ, con người còn bị chi phối bởi những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Ai trong chúng ta cũng cảm thấy ảnh hưởng xấu của hoàn cảnh. Chúng ta vẫn nói: "Nghèo nàn sinh ra đạo tặc": Cảnh nghèo khổ, bệnh tật hoặc môi trường thiếu tình thương thường thúc đẩy con người đến chỗ làm điều ác. Ngoài hoàn cảnh đẩy đưa con người đến chỗ để phạm tội, con người còn bị cả sự tác động của người khác nữa. Nhìn vào xã hội chúng ta thấy có một sức mạnh đang lôi kéo con người vào vòng tội lỗi: Chỉ cần nhìn vào sự lôi kéo của các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đủ thấy ảnh hưởng tai hại của chúng.

Cùng với những nguyên nhân đưa con người vào vòng tội lỗi, niềm tin Kitô còn nói đến tác động của ma quỉ. Mạc khải cho con người về sự sa ngã của ông bà nguyên tổ, Kinh Thánh đã nói đến tác nhân nguy hiểm nhất, đó là ma quỉ. Cuộc sống của Chúa Giêsu là một cuộc chiến liên lỉ chống lại ma quỉ. Tin nhận Chúa Giêsu cũng có nghĩa là tin nhận sự chiến thắng của Ngài trên ma quỉ và sức mạnh tăm tối. Ngày nay, càng lúc càng đánh mất ý thức về tội lỗi, con người cũng chối bỏ chính sự tác động của ma quỉ. Thánh Phêrô viết: Ma quỉ sàng sẩy con người như sàng gạo. Như vậy, bí ẩn về con người sẽ chưa hoàn toàn được làm sáng tỏ, nếu con người không chấp nhận có sự tác động vô cùng nguy hại của ma quỉ. Chiến thuật nguy hiểm nhất của ma quỉ chính là cám dỗ con người tin rằng nó không hiện hữu. Nhưng chối bỏ sự tác động của ma quỉ, xét cho cùng cũng đồng nghĩa chối bỏ một phần chân lý về con người như đã được Thiên Chúa mạc khải.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page